Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Những di tích đang bị bỏ hoang phế ở khu vực chùa Thánh Duyên

              Tam quan chùa Thánh Duyên
   Ngày 22/7/2019 tôi làm một chuyến tham quan từ Huế đi Thuận An và cửa biển Tư Hiền. Tôi đã ghé thăm chùa Thánh Duyên (Thúy Vân). Sau khi từ trên tháp Điều Ngự đi xuống lại chánh điện chùa Thánh Duyên, gần đến Bắc môn (cửa Bắc)chùa Thánh Duyên nhìn về phía tay trái, cách Bắc môn khoảng gần 20 mét thấy thấp thoáng trong rừng cây có những ngôi miếu. Tôi liền đến xem những ngôi miếu ấy thờ ai. Và tôi đã quan sát theo thứ tự từ gần đến xa.
 
Bắc môn (cửa Bắc) sau lưng chùa Thánh Duyên

Miếu Bổn Thổ Thành Hoàng
 
 Đây là một ngôi miếu nhỏ. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là hai cánh cửa gỗ của miếu bị rơi xuống đất và đang bị mối mọt hủy hoại. Nhìn vào bên trong thì thấy lọ cắm hoa, cỗ bồng nghiêng ngã và có nhiều lá cây khô rơi vãi trong miếu. Tôi liền dùng cái chổi sẳn đó để quét dọn bên trong miếu. Trong miếu có một thần vị ghi: “Bổn Thổ Thành Hoàng chi vị”. Bên dưới dòng chữ “ Bổn Thổ Thành Hoàng chi vị” là hai chữ “ Cung thỉnh”).
 
Miếu Bổn Thổ Thành Hoàng khi tôi quét dọn

Ba chữ Hán: “Bình tứ sinh” ghi trên vách sau lưng thần vị
 Trên vách sau lưng thần vị có ghi ba chữ Hán: “Bình tứ sinh”.

Các chữ Hán ghi trên thần vị: ” Bổn Thổ Thành Hoàng chi vị cung thỉnh”

   Miếu Thiên Y A na


Miếu Thiên Y A Na
Cách miếu Bổn Thổ khoảng 10 mét là miếu thờ Thiên Y A Na. Trước miếu có câu đối chữ Hán cẩn sành sứ:
       Cách cố đỉnh tân đại tráng
       Đoài phu dự duyệt đồng nhân
   Câu đối sử dụng từ ngữ trong Kinh Dịch. Trong miếu có bàn thờ bằng vôi gồm hai cấp. Cấp trên có một bệ thờ chính giữa và hai bệ thờ ở vách đông và vách tây. Trên bệ thờ chính giữa có hai thần vị đứng kề nhau. Thần vị bên tả ghi: “ Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thần vị”.
   Thiên Y A Na chính là nữ thần Po Nagar của dân tộc Chăm được Việt hóa thành nữ thần người Việt.
    Thần vị bên hữu bị mối mọt hủy hoại nên chỉ còn đọc được hai chữ đầu : “Thượng giới…”
    Bệ thờ vách đông và vách tây có hai thần vị giống như nhau ghi : “ Nhị cữu Hiển thần vị”( Thần vị của hai cậu Hiển: Hiển Tài và Hiển Quý).
 Bên trong miếu Thiên Y A Na
Các chữ Hán trên thần vị : ” Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thần vị”
Các chữ Hán trên thần vị : ” Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thần vị
                     Thần vị Thiên Y A Na
  Tại làng Nguyệt Biều, Huế có sắc phong vào ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 phong cho Hiển Tài và Hiển Quý. Trong bài “Nhân vật làng Nguyệt Biều” ghi: “ Miếu Đùng thờ Thai Dương phu nhân và hai con: Nhị công tử Hiển Tài, Hiển Quý”(1). Xin đính chính là Hiển Tài và Hiển Quý không phải con của Thai Dương phu nhân, mà là con của Thiên Y A Na cho nên mới thờ phụ ở miếu Thiên Y A Na.
  Bốn thần vị bị mất chân đế chỉ còn trơ trọi thân thần vị mà thôi. Những thân thần vị cũng đang bị mối mọt tấn công.
   Nhìn bốn chai nước tinh khiết còn mới trên bàn thờ, có thể đoán là ngôi miếu thờ Thiên Y A Na cũng có khách đến lễ bái.
   Chùa Vân Am.
Vân Am tự nhìn từ hướng đông
Ba chữ Hán ‘Vân Am tự” trước chùa (“chữ “Am” thuộc bộ “Nghiễm”)
 Cách ngôi miếu thờ Thiên Y A Na về phía đông khoảng 10 mét là ngôi chùa. Ngôi chùa này có ba gian, gồm bái đường và hậu tẩm. Bên ngoài trên vòm cổng giữa chùa của hậu tẩm có ba chữ Hán cẩn  sành sứ: “ Vân Am tự”
   Trên bàn thờ chính ở gian giữa có tượng Quán thế Âm Bồ Tát cầm bình tịnh thủy đứng trong hộp kính.
   Gian bên tả có thần vị “ Tùng Giang Văn Trung tôn thần” đặt trên một ghế ngai bằng gỗ.
 
Chữ Hán trên thần vị: “Tùng Giang văn Trung thần vị”
 
Bệ thờ vách đông của gian bên tả. Trên bệ thờ có thần vị khắc 7 chữ Hán nhưng chỉ đọc được hai chữ cuối là “thần vị”
Vách đông gian bên tả có một thần vị , nhưng do chữ bị mờ không nhận dạng được chữ.
    Gian phía hữu, trên bàn thờ chính có một thần vị nhưng do bị mối mọt tấn công nên không thể nhận dạng chữ được. Bệ thờ ở vách tây không thấy thần vị nào cả! Trong gian này có rất tối nên có rất nhiều dơi và dưới nền là một lớp phân dơi rất dày

Gian bên hữu của Vân Am tự. Trên bàn thờ có thần vị nhưng do mối mọt làm hư hại , cho nên không thể nhận dạng chữ được. Bệ thờ vách tây của gian bên hữu không thấy thần vị
Dơi bên trên nóc vòm gian bên hữu Vân Am tự
Tùng Giang Văn Trung là ai?
   Nhiều người đặt câu hỏi: Tùng Giang Văn Trung là ai mà được thờ ở Vân Am tự như vậy? Tác phẩm Ô Châu cận lục của Dương văn An ghi về đền Tùng Giang : “ Từ tại Tư Vang huyện(2), Tư Khách hải môn(3), tịnh tại Quảng Nam, Đà Nẵng hải môn. Tánh Nguyễn, danh Phục, Gia Phúc huyện, Đoàn Tùng xã nhân. Đại Hòa Quý Dậu khoa cử Tiến sĩ Đệ tam danh. Lịch quan Chuyển vận sứ, Thanh Hoa đạo… Cảnh Thống niên gian tặng Văn Trung Chính Nghị. Hoàng đế gia phong Minh Đạo Hiển Ứng tứ tự… hữu dã tượng bách sổ, tiền hậu hộ tống, chúng tương cố thất sắc”( Đền Tùng Giang ở cửa biển Tư Khách, huyện Tư Vang và cửa biển Đà Nẵng, Quảng Nam. Thần họ Nguyễn,  tên Phục, người làng Đoàn Tùng, huyện Gia Phúc, niên hiệu Đại Hòa[ 1453], khoa Quý Dậu ông đỗ Tiến sĩ Đệ tam giáp, giữ chức Hành Khiển chuyển vận sứ đạo Thanh Hoa, là thầy dạy vua Lê Thánh Tông lúc nhỏ. Vua lên ngôi, ông được cất nhắc giữ chức Tham chưởng viện hàn lâm. Ba lần đi sứ phương Bắc, trở về thăng chức Đại lý tự khanh, xem xét việc kiện tụng trong thiên hạ; rồi giữ chức Hữu tham nghị coi việc binh chính; rồi lên làm Thiêm sự đô chỉ huy sứ ty thân quân của vệ Cẩm y. Khi vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, ông giữ chức Phi vận tướng quân, Tán lý đội chuyển thâu.Đến cửa Tư Khách, bão táp nổi lên dữ dội, cuộc hành trình trở nên vất vả và nguy hiểm. Ông đành ra lệnh dừng thuyền tránh bão. Đội áp tải sợ chậm trễ phải tội giục cứ lên đường, nhưng ông gạt đi: “ Thà một mình ta chịu tội, không thể để hạt thóc do công lao khó nhọc của dân vùi vào biển khơi, cũng không nỡ để đám quân sĩ vô tội làm mồi cho cá”. Do vậy lương hướng đến nơi bị trễ, vua nổi giận tống giam ông vào ngục. Bọn cung nhân cận thần lại đặt điều gièm pha, tâu vua đem chém đi. Sau đó vua hối hận, xuống chiếu tha tội thì mạng ông đã không còn nữa. Ông tuy đã chết nhưng rất linh ứng, các nơi đều lập đền thờ. Khoảng đời Cảnh Thống (1498-1504) được phong tặng tên “ Văn Trung Chính Nghị”. Triều ta ( tức triều Mạc) phong thêm 4 chữ “ Minh Đạo Hiển Ứng”… Ông vốn khẳng khái trung nghĩa nên chết rồi mà vẫn còn linh hiển như còn sống, người con đến nơi thu nhặt hài cốt về cải táng. Trên đường về có khoảng trăm con voi rừng lũ lượt kéo theo như hộ tống. Cả bọn nhìn nhau tái mặt, nhưng bầy voi không có ý hại người)(4).
   Tại xứ Biều Châu, làng Nguyệt Biều có Miếu Ông thờ Tùng Giang Văn Trung, trên thần vị ghi: “ Phi Vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung Chính Nghị Hiển Nhân Thuần Đức Gia Phúc Hoằng Tế Công Trực Chưởng Thành Ý Túc Quảng Đại Linh Thông Hoằng Mô Viễn Du Canh Lãm tiên sinh”. Thần vị này được thờ từ xưa đến nay không thay đổi(5).


             Bia Ngự chế” Thánh Duyên tự chiêm lễ” của vua Minh Mạng



Cửa biển Tư Hiền tháng 7/2019
 Triều Nguyễn phong tặng: “ Hiển Văn Chiêu Tiết Phương Du Tuấn Vọng Quang Ý Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi vận Tướng quân Tùng Giang Văn Trung Trung đẳng thần”(6).
   Dương Văn An khẳng định đền thờ Tùng Giang Văn Trung ở cửa biển Tư Khách. Trên con đường Cổ Dù – Vinh Hiền( đường đi xuống bãi biển Lộc Bình), gần đến cửa biển Tư Hiền “dưới” (cửa biển đã bị bồi lấp) về bên tay phải con đường có một ngôi miếu cổ giống như ngôi miếu thờ Thiên Y gần chùa Thánh Duyên, trong miếu bàn thờ cao chỉ khoảng 3-4 tấc , không thấy thần vị. Không biết đây có phải là nơi thờ Tùng Giang Văn Trung không?
 Ngôi miếu cổ bên đường gần cửa biển Tư Hiền “dưới'(cửa biển đã bị bồi lấp). Trong miếu không thấy thần vị. Có phải đây là miếu thờ Tùng Giang Văn Trung ở cửa biển Tư Vang (Tư Hiền) như Dương văn An ghi chép không?
Rễ cây mọc chui vào bên trong vòm miếu ở cửa biển Tư Hiền “dưới”
 
Xóm Đầm (nơi cửa biển Tư Hiền “dưới” bị lấp)
Hãy cứu lấy những  di tích
  Nhìn thấy những di tích nằm cách không xa ngôi cổ tự danh tiếng- Thánh Duyên tự- đang bị bỏ hoang phế và bị hủy hoại theo dòng thời gian, làm tôi nhớ đến lời vua Minh Mạng được khắc trên bia đá đặt bên tay phải trước sân chùa Thánh Duyên: “ Thử sơn tích thời tự vũ thậm đa, giai Hoàng tổ Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế sở kiến, hậu kinh Tây Sơn tặc tàn hủy cơ tận. Khứ niên tằng kinh lâm hạnh, niệm danh sơn thắng tích bất khả luân một vô truyền. Huống thử xứ thị ngã Hoàng tổ vị thần dân kỳ phúc, thả khai niên vi Thánh mẫu hoàng thái hậu thất tuần đại khánh viên quảng suy từ niệm, sung khuếch thánh duyên, ư thị niên vu cát thần vu cựu chỉ kiến tự danh Thánh Duyên tự, ngôn Hoàng tổ lưu tích dã”( Núi này từ xưa có rất nhiều chùa miếu, đều do đức Hoàng tổ Hiếu Minh hoàng đế[ Nguyễn Phúc Chu] xây dựng, sau trải qua trận giặc Tây Sơn, sụp đổ gần hết. Năm trước ta từng đến chơi, nghĩ rằng danh sơn thắng tích không nên để cho vùi lấp mất đi, huống chi đây là nơi đức hoàng tổ ta vì dân cầu phúc. Cho nên vào đầu năm sau, nhân để kỷ niệm ngày sinh lần thứ bảy mươi của đức Thánh mẫu Hoàng thái hậu, bèn mở rộng lòng lành, nêu cao duyên thánh, vào ngày tốt mùa thu, ta cho dựng chùa tại nền cũ, gọi là chùa Thánh Duyên, ý nói để giữ lại dấu vết của đức Hoàng tổ vậy)(7).
   Những người có trách nhiệm quản lý khu vực chùa Thánh Duyên nên ghi nhớ lời vua Minh Mạng: “ danh sơn thắng tích không nên để cho vùi lấp mất đi”! Cứu lấy và tu bổ những di tích ở khu vực chùa Thánh Duyên chính là “giữ lại dấu vết của tiền nhân vậy”.


                                                  
   Chú thích:
  2- Đọc Tư Vang mới đúng. Các dịch giả đều dịch là Tư Vinh. Huyện Phú Vang  (Thừa Thiên- Huế), huyện Hòa Vang ( Đà Nẵng) ghi chữ Hán là “Vinh” nhưng người địa phương phát âm là “ Vang”.
  3- Trước gọi là Tư Dung, sau đổi thành Tư Khách: “ Sơ danh Tư Dung. Hoàng triều nhân húy cải Tư Khách vân” ( Trước đây cửa này mang tên Tư Dung, triều ta[ triều Mạc] vì kiêng húy nên đổi thành Tư Khách) (Dương Văn An, Ô châu cận lục [ Văn Thanh- Phan Đăng dịch& chú giải], Nxb Chính trị Quốc gia, trang 240; 29). Nay là cửa biển Tư Hiền.
   4-Dương Văn An, Ô châu cận lục, [Văn Thanh- Phan Đăng dịch& chú giải], Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 338-341; 98-99.
   6- khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/hán-nôm/6521-di-sản-văn-hóa-hán-nôm-đình-thi-phổ-mộ-đức,-quảng-ngãi.html
   7-Trên bia Ngự chế  “ Thánh Duyên tự chiêm lễ” của vua Minh Mạng có tất cả 23 dòng chữ Hán.Bên dưới dòng chữ thứ 3 :“ Tàn khuyết tích cơ tận. Trang nghiêm kim nhất tân” có dòng chữ song cước. Đó là nguyên chú của vua Minh Mạng.
   -Xem bài “ Văn bia chùa Thánh Duyên” Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển
tapchincpt.huecit.com/Portals/0/Attachs/Nam2019/T3/Chua%20Thanh%20Duyen_6_3_2019_16_52_02_461_CH.pdf

NGUYỂN VĂN NGHỆ ( NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ )

1 nhận xét:

  1. Cần phải trùng tu và bảo tồn các di tích lịch sử đang xuống cấp vì đó là di tích lịch sử có giá trị

    Trả lờiXóa

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...