Theo một nghiên cứu mới đây ở Trung Quốc, các bệnh nhân nhiễm virus corona đã ra viện vẫn có thể mang virus ở sâu trong phổi mà các biện pháp xét nghiệm thông thường không phát hiện được.
Phát hiện đã được bình duyệt nói trên được công bố trong tạp chí Cell Research hôm 28/4, có thể giải thích vì sao ngày càng nhiều bệnh nhân đã phục hồi sau khi nhiễm COVID-19 lại xét nghiệm dương tính trở lại.
“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng bệnh lý đầu tiên về việc virus còn sót lại trong phổi của một bệnh nhân [đã xét nghiệm âm tính] ba lần liên tiếp,” các nhà nghiên cứu, đứng đầu là Tiến sĩ Bian Xiuwu thuộc Đại học quân y Trùng Khánh, viết.
Nghiên cứu dựa trên việc khám nghiệm tử thi đối với một phụ nữ 78 tuổi đã chết sau khi nhiễm virus corona. Bà nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Tam Hiệp ở Trùng Khánh ngày 27/1 sau khi bị ngã. Sau đó bà cũng cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán, và xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Trong quá trình điều trị, bà được xét nghiệm âm tính 3 lần với các mẫu thử được lấy từ mũi và họng. Tình trạng của bà được cho là có tiến triển đáng kể, chụp CT cho kết quả khả quan, và bà chuẩn bị ra viện ngày 13/2.
Tuy nhiên một ngày sau, bà bị một cơn đau tim và qua đời.
Cộng đồng y khoa vẫn chưa xác định được bằng cách nào virus có thể tác động tới cơ thể của bệnh nhân đã hồi phục.
Khám nghiệm tử thi người phụ nữ đã không thấy dấu vết nào của virus corona trong gan, tim, ruột, da hoặc tủy xương.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những dấu vết virus ở sâu trong mô phổi của bà. Họ đặt các mẫu mô dưới một kính hiển vi điện tử để xác nhận sự tồn tại của virus corona hoàn chỉnh, được bao trong một lớp vỏ giống như vương miện.
Các virus ẩn nấp này không gây ra triệu chứng rõ ràng nào. Mô phổi có đặc điểm tổn thương điển hình gây ra bởi việc nhiễm virus, nhưng không có virus trong phần còn lại của cơ thể. Điều này khiến việc phát hiện virus trở nên khó khăn hơn vì các phương pháp xét nghiệm thông thường không lấy được mẫu từ sâu trong phổi.
Do đó, nhóm của ông Bian đề xuất phun rửa phổi bệnh nhân trước khi xuất viện, để có thể phát hiện chính xác hơn virus còn sót lại. Đây là kỹ thuật còn gọi là rửa phế quản phế nang (bronchoalveolar lavage), tức đưa một ống chứa dung dịch nước rửa vào phổi qua mồm bệnh nhân, sau đó hút ra các chất dịch.
Tuy vậy, biện pháp này phức tạp, tốn thời gian và tiền bạc hơn là quẹt mũi hoặc họng.
“Điều này không hiện thực,” một bác sĩ giấu tên làm việc trong một bệnh viện công ở Bắc Kinh chuyên điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết. Ông nói thêm rằng bệnh nhân sẽ rất khó chịu và không thể đảm bảo chính xác 100%.
Theo giới chức y tế Hàn Quốc hồi đầu tháng Tư, hơn 160 bệnh nhân đã hồi phục tại nước này lại có xét nghiệm dương tính với virus lần hai. Các trường hợp tương tự cũng được báo cáo ở Trung Quốc Đại lục, Macao, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, và nhiều nước khác.
Thậm chí, tại Trung Quốc, một vài xét nghiệm dương tính được phát hiện trở lại sau 70 ngày người bệnh xuất viện.
Tổ chức Y tế Thế giới đang điều tra xem vì sao một số bệnh nhân đã hồi phục rồi sau đó dương tính với virus trở lại. Tuần trước, WHO cảnh báo rằng tới nay không có bằng chứng cho thấy người đã nhiễm virus sẽ không tái nhiễm.
Khi ngày càng nhiều người mắc COVID-19 đã bình phục, hiện tượng này có thế ảnh hưởng đến các chính sách kiểm soát bệnh và phát triển vắc-xin.
Một số nhà khoa học đã suy đoán rằng việc dương tính trở lại có thể do sai sót khi xét nghiệm. Một số bộ xét nghiệm có thể đưa ra các kết quả âm tính giả vì quá ít virus trong mẫu, trong khi một số bộ xét nghiệm có thể vô tình bị nhiễm virus từ trước.
Tháng trước, nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã phát hiện một số bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân trẻ tuổi, có rất ít kháng thể sau khi hồi phục, có nghĩa là họ có thể bị nhiễm lại hoặc không thể ức chế các chủng virus còn lại trong cơ thể.
Hồi tháng Hai, một khảo sát tại Quảng Châu đánh giá có khoảng 14% bệnh nhân được xem như đã phục hồi phải nhập viện lại do có kết quả xét nghiệm tái dương tính.
Một nghiên cứu khác vào tháng trước bởi giáo sư Tong Xialin tại trường Đại học Y khoa Bắc Kinh, phát hiện rằng tỷ lệ này là gần 16% trong các bệnh nhận chỉ điều trị bằng tây y, và chưa tới 3% trong các bệnh nhân có uống thêm cả thảo dược tại cùng thời điểm.
Giáo sư Chung Nam Sơn, nhà tư vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, nói hồi đầu tháng Tư rằng phần lớn các kết quả xét nghiệm dương tính từ các bệnh nhân đã hồi phục có thể do các mảnh xác của virus.
Ông cho biết không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy việc một bệnh nhân đã khỏi bệnh có thể lây nhiễm cho người khác.
“Tôi không đặc biệt lo lắng về điều này. Tất cả virus đều đã chết, không thể lây nhiễm nữa.” ông nói.
Xuân Lan (theo SCMP)
Như vậy là dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn còn tiềm ẩn và phát bệnh bất kể lúc nào
Trả lờiXóa