Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Lý Đăng Huy, cha đẻ của nền dân chủ Đài Loan, qua đời ở tuổi 97




Nguồn: Kensaku & Lauly Li, “Lee Teng-hui, Taiwan’s ‘Father of Democracy,’ dies at 97”, Nikkei Asian Review31/07/2020.
Biên dịch: Trần Mẫn Linh (Nghiên Cứu Quốc Tế _
Lee Teng-hui (Lý Đăng Huy), tổng thống đầu tiên được bầu một cách dân chủ của Đài Loan, đã qua đời ở tuổi 97 vì suy đa tạng tại bệnh viện Đài Bắc hôm thứ Năm (30/07/2020).
Cái chết của ông đã được bệnh viện xác nhận trong một tuyên bố.
Ông Lý, người từ lâu đã ủng hộ việc dân chủ hóa Đài Loan, được bầu làm tổng thống bằng hình thức bỏ phiếu phổ thông vào năm 1996 sau nhiều thập niên thiết quân luật. Khi còn là một thành viên Quốc Dân Đảng theo chủ nghĩa dân tộc, ông đã nỗ lực cải thiện vị thế của hòn đảo này trong cộng đồng quốc tế. Các chính sách của ông đã tạo ra sự va chạm với Bắc Kinh.
Văn phòng của Tổng thống Thái Anh Văn đã nói trong một tuyên bố: “Không ai có thể thay thế sự cống hiến và vị trí của cựu Tổng thống Lý trong việc thúc đẩy nền dân chủ Đài Loan. Sự ra đi của ông là một mất mát rất lớn đối với Đài Loan. Tổng thống Thái đã yêu cầu tất cả các bộ phận liên quan hỗ trợ chu đáo gia đình ông Lý trong việc tổ chức tang lễ và các vấn đề hậu sự.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố rằng, là tổng thống đầu tiên được bầu bằng hình thức dân chủ của Đài Loan, “ông Lý đã giúp chấm dứt hàng thập niên chủ nghĩa chuyên chế và mở ra một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng kinh tế, cởi mở và pháp quyền.” Pompeo nói rằng những cải cách của ông Lý suốt 12 năm cầm quyền “đóng một vai trò quan trọng trong việc biến Đài Loan trở thành ngọn hải đăng của nền dân chủ mà chúng ta thấy ngày nay.”
Sinh ra tại miền bắc Đài Loan trong thời kỳ hòn đảo còn bị Nhật chiếm đóng vào năm 1923, Lý Đăng Huy đã theo học ngành nông nghiệp tại Đại học Kyoto, Nhật Bản. Sau khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, ông trở lại Đài Loan để giảng dạy tại một trường đại học.
Ông tham gia chính trị và trở thành phó tổng thống vào năm 1984 dưới thời cựu Tổng thống Tưởng Kinh Quốc, trở thành chủ tịch đảng và tổng thống vào tháng 01/1988 sau khi ông Tưởng mất.
Là người bản địa Đài Loan đầu tiên trở thành tổng thống, ông Lý đã dần tách quyền lực khỏi tay những người Trung Quốc đến từ đại lục sau Thế chiến II, đồng thời cho tiến hành bầu cử trực tiếp và thúc đẩy tự do ngôn luận.
Năm 1991, ông chính thức kết thúc nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và bắt đầu một cuộc đối thoại bán chính thức với Bắc Kinh vào năm 1993. Ông Lý đã tìm cách mở rộng các hoạt động ngoại giao của ĐàiLoan dưới danh nghĩa “Đài Bắc Trung Hoa”, và năm 1995, ông trở thành tổng thống đầu tiên của Đài Loan tới thăm Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, quan hệ với đại lục đã xấu đi. Vào năm 1995 và 1996, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa ở eo biển Đài Loan, dẫn đến cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần ba. Ông Lý đã kêu gọi các công ty Đài Loan giảm bớt việc kinh doanh với các đối tác của họ ở Đại lục, trong khi ĐCSTQ chỉ trích ông là một trong những người chủ yếu trên đảo đang tìm kiếm độc lập cho Đài Loan.
Ông Lý đã không tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, và Trần Thủy Biển – đến từ Đảng Dân Tiến – đã trở thành tổng thống. Lần đầu tiên, có một nhà lãnh đạo Đài Loan không đến từ Quốc Dân Đảng trong suốt 55 năm kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Khi chính phủ Quốc Dân Đảng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh vào năm 2008, ông Lý đã chỉ trích chính quyền vì làm suy yếu chủ quyền của Đài Loan.
Ông Lý nói tiếng Nhật trôi chảy và thân thiết với nhiều chính trị gia Nhật Bản. Dưới thời cai trị chuyên chế của Quốc Dân Đảng, ông đã nới lỏng lệnh cấm đối với văn hóa nhạc pop Nhật Bản và tăng cường quan hệ với Tokyo.
Năm 2007, ông đến thăm đền Yasukuni tại Tokyo, nơi thờ những người tử trận vì đã chiến đấu cho Nhật Bản, bao gồm cả 14 tội phạm chiến tranh Hạng A. Anh trai của ông Lý cũng được thờ tại ngôi đền này.
Trong tuyên bố của mình, Pompeo nói rằng ông Lý đã củng cố tình bạn sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. “Chúng tôi sẽ tưởng nhớ di sản của Tổng thống Lý bằng cách tiếp tục tăng cường liên kết với Đài Loan và nền dân chủ rực rỡ của hòn đảo qua các giá trị chung về chính trị và kinh tế,” ông nói.

🌸🌸🌸🌸🌸
Mời Xem :Một đời làm chứng nhân lịch sử văn học Đài Loan, nhà văn Chung Triệu Chính qua đời, hưởng thọ 96 tuổi

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...