Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Tản mạn khóa 11 HVQGHC

Hồi ức của Nguyên Trần

Viết về chuyện đời xưa đã hơn 40 năm lại cộng thêm cái trí nhớ có hơi hẹp bề khổ của tôi nên thưa trước cùng các bạn là nhớ đến đâu viết đến đấy, nhớ bậy thì viết bậy cho nên lẽ dĩ nhiên có nhiều sơ xuất, chỉ xin các bạn qua tình đồng môn gắn bó mà đánh cho 2 chữ đại xá. Thiện tai! Thiện tai!
Khóa 11 HVQGHC được tổ chức thi tuyển trong 3 ngày vào tháng 7 năm 1963 với tổng số thí sinh gần 4000 (theo lời anh Chu vũ Lộc, khóa 7 chánh sự vụ Sở Hành Chánh Học Viện) mà chỉ chọn có 100. Như vậy mỗi chúng ta phải đánh bại gần 3900 thí sinh khác để đặt chân vào ngưỡng cửa Học Viện, một tỷ lệ kinh hồn mà không có một kỳ thi concours nào tại Việt Nam sánh bằng. Chỉ nghe thấy con số thôi mà đã nhức đầu rồi phải không? Hóa ra thiên hạ nhiều người khoái làm quan quá. Nhưng thôi cứ thi đại đi, có chết ai đâu mà lo. Vả lại, tôi còn có lớp Đại học Sư Phạm mà tôi đang học back up kia mà. 
    Tưởng cũng nên nói thêm cô Lý Hoa là cô dạy tôi Lớp Nhất trường Tiểu Học Cầu Bắc và rất thân với Dì tôi là cô Tạ thị Rớt. Chính cô đã gọi tôi tới nhà bảo tôi bỏ Đại Ḥọc Sư  Phạm thi vào QGHC có tương lai hơn (vì lảm quan mà)
Chương trình thi có nhiều môn nhưng chính yếu nhất là 3 môn:
-Bình luận ( hệ số 4)
-Sử ký ( hệ số 3)
-Địa lý ( hệ số 3)
Trước ngày thi, ai cũng chạy tìm những tài liệu lý thuyết liên quan đến chính sách quốc gia để mà "gạo". Đặc biệt lúc bấy giờ thuyết Nhân Vị của ông cố vấn Ngô đình Nhu là mode thời thượng nhất nên cô giáo cũ của tôi hồi Mỹ Tho là cô Lý Hoa (khóa 2 HVQGHC) lúc bấy giờ đang là Tổng Thanh tra Tài Chánh Bộ Tài Chánh (sau cô lên làm Tổng Giám Đốc Ngân Khố tới ngày mất nước) nhắn tôi tới Bộ Tài Chánh gặp cô để  giao cho mớ tài liệu rối như mớ bòng bong nầy.  Mới liếc sơ một chút qua một xấp bài vở dày đặc là tôi thấy nhợn cơ quá cỡ thợ mộc luôn. Thú thực là đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung thì tôi khoái chứ còn ba cái công thức của ông cố vấn:
                Tam túc + Tam giác + Tam nhân = Nhân vị
sao mà nó nhức đầu thí mồ luôn. Chắc khó nuốt lắm. Nhưng mà muốn " làm quan" thì phải chịu cực khổ lúc này chứ ai người ta lót đường mà dâng cho à! Thôi thì cũng cố nhét vào cái đầu vốn đã bị overload với bao nhiêu là "hình bóng người dưng."
Sau cùng rồi cái ngày “trả nợ lều chõng" nó cũng sồng sộc đến. Bài
bình luận nặng ký nhất là đề tài: Bình giảng câu nói Đức Khổng Tử "Kỳ thân chính bất lệnh nhi hành, kỳ thân bất chính tuy lệnh bất tùng" (Câu nầy chắc mấy tên đầu nậu Bắc Bộ Phủ hổng ưa chút nào) Riêng bài Sử ký thì tựa là: "Những ưu khuyết điểm của chế độ tiền tệ dưới thời Hồ Quý Ly."
Còn đề Địa lý: " Vai trò của nông nghiệp trong công cuộc phát triển nền kinh tế Việt Nam."
         Sau phần thi viết xong còn có cái màn thi thể lực tại sân Cộng Hòa cho các nam thí sinh (mấy cô mấy  bà rốt cuộc thì cũng sướng quá khỏi có thi phần nầy). Chắc có lẽ Ngô Tổng Thống muốn công bộc quốc gia phải có "một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện".
      Sau cuộc thi concours trầy vi tróc vảy,  100 thí sinh may mắn được trúng tuyển, trong số nầy có 5 nữ sinh viên. Người đứng đầu là bạn Phan thế Dinh, quê quán Cần Thơ và đặc biệt là cái người sát nút đậu thứ 100 (cái nầy Tây nó kêu bằng right on the nose) là bạn Huỳnh Khánh Lâm, người Mỹ Tho.

                                   
  Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
                 10 Trần Quốc Toản- Quận 3- Đô Thành Sài Gòn
Lớp học gồm có 2 dãy bàn dài, mỗi dãy có 8 hàng ghế. Và mỗi hàng có 7 sinh viên. Chỗ ngồi được sắp xếp theo thứ tự trúng tuyển. Riêng ngũ long công chúa được ưu tiên (lại sướng nữa rồi), xếp ngồi hàng đầu dãy tay mặt, đúng theo vị trí danh dự của protocol. Tôi đứng thứ hạng 20 nên được xếp ngồi ngay sau lưng 5 chị, hai bên tôi là Đinh bá Tâm và Hàn minh Đức (Mr. Silence). Cái này đúng là người...gian mắc nạn. Các bạn biết tại sao không? Số tôi là dân phàm phu tục tử ăn nói bạt mạng cô hồn mà lâm vào cảnh phải thủ khẩu như bình thì có nước chịu chết. Nhất cử nhất động gì cũng phải từ tốn nhẹ nhàng, cười thì nho nhỏ trong miệng cho ra cái điều gentleman, nói năng nhỏ nhẹ và nhất là không được nói tiếng...Đức hoặc tiếng Đan Mạch theo bản tính thì thiệt là "chiều tím hoàng hôn" quá mất thôi. Đã vậy mà cứ nghe giáo sư Vũ Uyển Văn (thân phụ ca sĩ Công Thành vợ là Lynn) dạy môn Hành Chánh nhập môn tối ngày cứ Mr Simon này Mr Simon nọ mà phải bụm miệng không dám cười lớn vì sợ bàn ở trên người ta quay xuống cự nự thì thiệt là chết sướng hơn.
Giáo sư Nguyễn thị Huệ dạy môn Xã Hội Học với những danh từ lạ tai
như tự tử biến tắc (norm suicide), nhóm thiếu nhi phạm pháp (delinquency ),
du đảng (hooligan) ... Chữ hooligan sau này báo chí thường dùng để chỉ đám
English soccer fans quá khích.
Giáo sư Vương văn Bắc (trước khi Tổng trưởng Ngoại giao) giảng dạy Chính Trị Học với nụ cười nửa miệng khinh đời. Tài ba quá rồi thì arrogant là chuyện thường tình mà thôi.
Giáo sư Trần văn Đỉnh dạy môn Soạn thảo công văn để các quan
huyện tương lai tha hồ mà tập dượt viết các văn thư, thông cáo, nghị định, quyết định...
Giáo sư Trần văn Binh dạy môn Kế Toán thì luôn luôn truyền kinh
nghiệm cho môn sinh kỹ thuật  “đo đá" để sau này khỏi bị Ty Công Chánh họ qua mặt.
                                           Khóa 11 trước Ký Túc Xá
Hàng thứ nhất từ trái: Vũ Tiến Đạt, Nguyễn văn Cường,Nguyễn văn Phúc©,Nguyễn văn Cao©
Hàng thứ nhì từ trái: Phạm Kim Rương©, Nguyễn Phú Hùng, Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Quý Thành, Đinh Ngọc Bảo

Giáo sư Nguyễn duy Xuân (trước khi làmTổng trưởng Kinh tế) giảng dạy môn Kinh tế học thật rõ ràng dễ hiểu. Tôi còn nhớ giọng nói ông sang sảng. Môn học này đòi hỏi sinh viên phải có căn bản toán học với các bài : chỉ số thị trường, giá trị biên tế... Do đó nếu ai mà yếu Toán thì kể như " lội" luôn. Giáo sư Trần văn Kiện(trước khi làm Tổng Trưởng Tài Chánh) luôn miệng nhắc kinh tế gia Keynes...
Giáo sư  Viện Trưởng Nguyễn văn Bông dạy Luật Hiến Pháp, Nguyễn Khắc Nhân dạy Luật Hành Chánh, Giáo sư Phan thiện Giới dạy Luật Thương Mại, giáo sư Lê văn Thận dạy Luật Hàng Hải... Ôi! Sao mà Việt Nam Cộng Hòa ta có quá nhiều luật. Thảo nào mà có nhiều vụ tranh chấp pháp lý. Chả bù với tụi Việt Cộng nó chỉ có một bộ " Luật Rừng Trường Sơn" thế mà đâu cũng vào đấy, êm thấm cả làng trên xóm dưới , không ai dám hó hé gì cả.
Sau màn ghi nhớ rất khái lược về các vị giáo sư, giờ thì xin viết đôi dòng về phe ta. Theo truyền thống lady first, nên xin nói về các chị trước.
        Ngũ long công chúa của khóa11 là các chị : Bùi thị Tuyết, Nguyễn Thu Thủy, Trần thị Hồng Hà, Ngô Vũ Bích Diễm và Hồ thị Lựu. Trong số này chỉ có 2 chị Tuyết và Diễm là chịu câu "Trâu ta ăn cỏ đồng ta" cho nên bằng lòng "nâng khăn siết túi" (xin nhớ cho siết túi chớ hổng phải túi đâu nha)2 chàng đồng khóa là Lê quang Minh và Trần văn Chí mà bàn dân thiên hạ thường gọi là Minh- Tuyết và Chí- Diễm. Riêng chị Diễm thì nghe nói rằng chị đã một thời cho nhạc sĩ  Trịnh Công Sơn chết lên chết xuống và cũng từ đó bản nhạc nổi tiếng   "Diễm xưa" ra đời. Như vậy là bạn Chí nhà ta hạ đo ván nhạc sĩ họ Trịnh rồi. Còn chị Hồng Hà thì trước khi ra trường đã là "sinh viên mẹ" rồi nên xin miễn bàn. Người đẹp Thu Thủy vui duyên cùng anh Lê Trọng Kỳ hình như là đồng nghiệp sếp của chị tại bộ Kinh Tế. Người cuối cùng là chị Lựu thì theo tàu Hải quân ra khơi tình ái. Trong 5 bông hoa khóa 11 thì hết 4 người định cư tại Mỹ, chỉ riêng chị Hồng Hà còn ở lại Việt Nam. Hiện nay chị Tuyết, chị Thủy, chị Diễm là còn liên lạc với khóa, còn chị Lựu thì biền biệt nơi mô, nhưng tôi có nghe mấy bạn 11 nói chị Lựu ở San Jose nhưng không chịu " tung cánh chim tìm về tổ ấm".
Tôi nhớ hồi tập sự chung ở Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện thì chị Lựu rất vui vẻ hòa mình lắm cơ mà, không lẽ vượt biên rồi những đức tính đó rớt cả xuống biển Đông hay sao? 
       Riêng chị Thủy thì vào năm 1998 chị được tuyên dương là giáo viên xuất sắc nhất tiểu bang Texas và lúc đó, tôi có làm bài thơ ca ngợi chị như sau:

      MÙA THU VỚI GIAI NHÂN
VINH quang một thuở chốn quê hương
DANH vọng còn lưu khắp bốn phương
THU nhuộm khung trời màu khói biếc
THỦY in bóng liễu rũ ven đường
VẺ nên đài các hoa ưu tú
VANG nét đan thanh đượm sắc hương
DÂN bản rạng ngời gương thục nữ
VIỆT nam duyên dáng bóng sân trường

Còn về các bạn nam sinh viên thì đông quá làm sao mà kể cho hết  mỗi người một vẻ. Lại nữa trên bài "Kỷ yếu khóa 11" đăng trong tập" Kỷ Yếu Hành Chánh thế giới" đã ghi ra đầy đủ rồi, nếu tôi còn viết tiếp ra đây thì hóa ra bổn cũ soạn lại chỉ thêm nhàm chán vì " biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Do đó , tôi chỉ xin nói ra đây những điễm tiêu biểu đặc biệt của một số bạn ta mà tập " Kỷ yếu khóa 11" không đề cập đến hoặc chỉ nói khái lược thôi.
Trường ta là trường ăn nói, vì vậy tôi xin đề cập đến lãnh vực này trước. Lẽ dĩ nhiên là tất cả chúng ta đều có khả năng nói trước đám đông , nếu không thì làm sao mà chúng ta “hành nghề" cho được. Tuy nhiên, theo ý riêng tôi - chắc chắn là có phần chủ quan rồi - thì có ba bạn nói năng " lưu thủy" đại diện cho 3 miền quê hương. Ba "nhân sĩ" đó là:
-Nguyễn văn Cường: nhân sĩ miền Bắc. Cường nói dài mà có duyên, kiến thức tổng quát dồi dào nên lời ăn tiếng nói nhiều ý nghĩa sâu sắc. Còn nhớ hồi học khóa 23 Sĩ Quan Thủ Đức, chắc có lẽ nhờ "mồm mép" như vậy, nên Cường được chỉ định làm Sinh Viên Sĩ Quan Đại Diện khóa, mộtchức sắc vừa lớn vừa sướng vì ăn trên ngồi trước, nhất là khỏi đi bãi tập nắng cháy da người, khỏi vác súng garant M1, trung liên BAR nặng thấy mẹ, khỏi tới vũ đình trường vừa đi ắc ê vừ ca bài “đường trường xa ông tá hổng cho về nhà” và khỏi cần phải biết câu kinh nhật tụng "quân trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu", khỏi phải bò hỏa lực , khỏi phải đi dây tử thần, tuột núi, khỏi vượt sông sình lầy. Thiệt là sướng ơi là sướng đó Cường ơi! Tôi có một kỉ niệm" chết người" với Cường tồ là sau khi VC về Sài Gòn, Cường ở với mẹ tại căn nhà trong ngõ hẻm Phan Đình Phùng ngang chợ Vườn Chuối. Một hôm vào tháng Năm năm1975, tôi đến chơi với Cường thì công an tìm tới làm Cường và tôi phải tông cửa sau chạy thoát. Hú hồn! Sau đó, Cường phải trốn tránh trong khu Chợ Lớn cho tới ngày vượt biên. Cường hiện ở Oklahoma với thành tích dễ nể là sản xuất ra 8 tác phẩm và đặc biệt nhất là đề huề 4 trai 4 gái mà cho tới bây giờ Cường chưa chịu chỉ cho thế hệ sau làm sao mà quân bình cán cân chi phó hay như vậy. À! Quên nói thêm là, ra hải ngoại, Cường có thêm một nghề cũng rất ăn khách lắm là llàm MC ( không phải là Master...Card đâu nha)

Khóa 11 thụ huấn quân sự Quang Trung. Từ trái: Đinh Ngọc Bảo, Đỗ Thanh Quang, Nguyễn Quý Thành, Võ Thành Thật, Trần Ngọc Thiệu, Nguyễn Phú Hùng, Bửu Uyển

-Võ Quang Quán: (tên người ta hay như vậy mà tụi nó cứ gọi là “Vê 2 Cu” : nhân sĩ miền Trung. Tôi dám đánh cuộc rằng hễ ai mà lỡ tranh luận với Quán thì chỉ có từ chết tới bị thương. Quán nói hăng say khích động, tranh luận đến cả bỏ ăn bỏ ngủ để dành được chiến thắng mới thôi chớ không chịu ngưng ngang. Mấy ai mà có sức chịu đựng như vậy, thôi thì chịu thua Quán cho đỡ mỏi miệng. Anh có ước vọng sẽ nói trước diễn đàn Quốc Hội nhưng tiếc thay mộng chưa thành thì năm 1975 Quán đã  bị VC sát hại trên đường di tản từ Quảng Tín ra Đà Nẳng.
- Lê tấn Trạng : nhân sĩ miền Nam. Trạng ứng cử dân biểu pháp nhiệm 2 năm 1967 tại tỉnh Mỹ Tho, nơi anh đã từng làm Phó Quận Châu Thành. Mặc dù bị chính quyền chèn ép tối đa, hơn nữa là một ứng cử viên nghèo, Trạng vẫn đắc cử vẻ vang để vào tòa nhà Lập Pháp và đầu quân khối Dân Quyền (một khồi đối lập trong Hạ Viện của Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến của cố Giáo sư Viện Trưởng Nguyễn văn Bông). Trang hiện định cư tại San Diego và phụ trông coi Viện Thẩm Mỹ của bà xã.
 Ngoài ra, khóa 11 còn có Trần quang Trí ( Trí cao) từng là Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn sau Lê hữu Bôi và trước Tô lai Chánh. Trí đã xuất sắc lèo lái con thuyền Tổng Hội thoát qua những sóng gió biến động chính trị sôi động nhất của Sài Gòn thời bấy giờ. Tuy nhiên, sự "đứng thẳng" của Trí đã phải trả một giá bằng cái vết sẹo dài trên môi do Vũ Công cũng là một sinh viên QGHC ban Cao Học chỉ một nhóm thanh niên  quá khích dùng dao rạch mặt anh ngay trụ sở Tổng Hội Sinh Viên số 4 đường Duy Tân Sài Gòn. Trí hiện ở tại San Jose và cũng còn nặng tình với nước non lắm. Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ với Trí là vào năm 1971 khi tôi và Hà Anh Tuấn (chàng lãng tử khóa 12) từ Vĩnh Bình về Sài Gòn dự đám tang Giáo Sư Nguyễn văn Bông, sau đó Tuấn lạng quạng ở quán nhậu thế nào mà bị Cảnh Sát Quận Nhứt bắt về bót. Tôi phải chạy lại nhờ Trí lúc đó là Quận Trưởng Quận10 can thiệp để thả chàng lãng tử. Trí vừa lái xe vừa cằn nhằn tôi: "Mày dẫn nó lên đây thì mày phải coi chừng nó chớ sao để nó đi hoang như vậy". Trí đã mất trong cô đơn tại San Jose năm 2007.

Khóa 11 thụ huấn quân sự Quang Trung 1964. Từ trái: Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Thanh Phong, Bùi Như Sơn,Nguyễn Quý Thành,Nguyễn Hữu Thông, ĐỗThanh Quang.

Nói về chức vụ sau khi ra trường thì khóa 11 có 3 chàng “làm lớn" nhất mà cả hai đều tên Thành. Chàng thứ nhất là Nguyễn văn Thành tức Thành "vò" làm Tổng Thư Ký Phủ Phó Tổng Thống,  thủ khoa khóa 23 Sĩ Quan trừ bị Thủ Đức. Sang Mỹ , Thành định cư tại Portland, Oregon và tử nạn vì tai nạn xe cộ năm 1994. Riêng anh Nguyễn văn Thành (Già) Washington DC tốt nghiệp thủ khoa ban Kinh Tài, du học Mỹ trở về làm Chánh Sở Học Chánh HVQGHC.
Nhân vật quyền thế tiếp theo là Nguyễn quý Thành (Thành "con" nhưng to chức) làm tới Chánh Sự Vụ Sở Nhân Viên Bộ Nội Vụ, như vậy là sếp của hầu hết anh em chúng ta. Coi vậy mà chàng nghèo rớt mùng tơi vì chẳng chịu "ăn uống" gì hết. Thành hiện định cư tại Edmonton, tỉnh Alberta, Canada và mới đây Thành được vinh danh là 1 trong “100 Edmontonians of the century” là những người đã có công đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển của thành phố. Đây là một vinh dự không những cho Thành mà còn cho cả tập thể CSVQGHC và cộng đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại.
Ngoài những anh chị tiêu biểu như trên, chúng ta còn có nhiều cái nhất lắm, nhất hay mà nhất dở cũng có, thôi thì chúng ta đều đã tới tuổi " lục thập ngôn bất nghịch nhỉ" cả rồi, xin các bạn cho tôi nói hết ra đây nhé!
- Có nhiều bạn giữ chức vụ Phó Tỉnh Trưởng nhất so với các khóa khác của Học Viện. Tổng cộng là 16 người: Uyển hoàng thân, Thuyết, Cường cọp, Thiệu, Khoa VC, Cường tồ, Phước Đói, Cửu sừng, Phúc , Chức, Lương, Phát bấn, Quang bần, Thạnh, Chí (Chí Diễm), Cảnh già.
- Có nhiều cầu thủ trong đội bóng tròn Học Viện nhất: Cửu sừng, Thạnh, Ngọc, Tuyên, Thiệu, Nhuận, Uyển, Phát bấn, Thu, Trí cao. Line up của một đội banh có 11 người mà khóa 11 đã có đến 10 người . Đúng là chơi trội.
- Có 2 tuyển thủ giỏi nhất của đội bóng chuyền Học Viện là Thuyết và Trí cao. Thuyết từng là tuyển thủ bóng chuyền của đội Providence (Huế), còn Trí cao 1,82m nên đập banh giống như ai đứng trên ngọn cây dộng banh xuống thì bố ai đỡ nổi còn khi Trí block banh thì như bức tường sắt sừng sửng
- Có nhiều cây vợt trong đội bóng bàn Học Viện nhất : Phước đói, Thông râu và Phụng... gì đây (các bạn phe đảng không chịu đặt nick name cho Phụng nhé, tôi đề nghị kỳ họp mặt tới đây, chúng ta phải ban phát danh hiệu hết không chừa một ai cả. Thế mới vui và công bằng chứ!) Ba bạn nầy lẽ dĩ nhiên là đánh ping pong xuất sắc rồi nhưng "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Phước đói có ngón đòn giang hồ, Thông râu đánh đẹp mắt còn "nhà trí thức Phụng" thì đánh theo kinh điển kỹ thuật sách vở.
- Có nhiều hội viên xì phé nhất trường và đây là danh sách những " bác thằng bần" : Đạo  dừa, Châu bê tông, Cửu sừng, Tuyên, Cường cọp, Khuê (ủy viênquần đùi đen), Phước đói, Hải đen, Thọ trắng, Thật, Quang bần, Thành (Đinh đóng Thùng), Hồng cabot, Phát bấn, Triêm, Giỏi. 
Chừng bấy nhiêu chiến tướng đó đủ set up cho 3 sòng xì phé tưng bừng hoa lá hẹ.
Nếu bảo rằng văn võ song toàn thì khóa 11 ta cũng hội đủ đấy các bạn ạ! Chúng ta có 2 võ sư Vovinam là Nguyễn văn Thư và Nguyễn văn Cường đã có công sáng lập lớp võ thuật Vovinam cho khóa ( và cả các bạn khóa khác). Cứ mỗi chiều, ngay sân sau Học Viện, hình ảnh anh em quơ tay đá chân trong lúc miệng thì la to "sát sát" rồi uýnh xáp lá cà trông thật vui mắt và thân tình. Ngoài ra, chúng ta có Văn tòng Hòa là một võ sư võ Bình Định đã từng thượng đài nhiều lần (nhưng ăn thua thì chưa nghe nói).
Còn nhớ câu :
   Ai về Bình Định mà coi
    Đàn bà cũng biết đánh roi đi quờn
thì chắc Hòa phải là tay chì lắm, chả thế mà Hòa có nhiều môn sinh lẽ dĩ nhiên là miễn phí như Cầu, Phát bấn...Cứ nửa đêm là Hòa dẫn đám đồ đệ xuống bên ngoài đại giảng đường để dạy những bước ngũ hành, trung bình tấn, đòn nhập nội, đá song phi... làm đứa nào cũng tưởng mình là anh hùng Trương vô Kỵ tới nơi rồi. Hòa hiện ở tại Santa Ana thường kéo bạn bè tới nhà bù khú lắm.
Khóa 11 cũng còn có nhiều nhân vật kiệt xuất mà tôi xin kể sơ lược như chàng trẻ tuổi tài cao Đặng văn Thạnh chàng thủ môn đẹp trai của đội túc cầu QGHC, 3 lần Phó Tỉnh Pleiku, Biên Hòa, Vĩnh Long, pha hào hứng nhất là lúc làm Phó Tỉnh Biên Hòa, Thạnh đã knock out ông Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Biên Hòa lắm mồm ngay tại phiên họp sau một cuộc tranh luận. Ngoài ra , Thạnh từng dẫn một Đại Đội Địa phương Quân...lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng báo hại Đại tá Lâm quang Chính phải vất vả điều quân giải vây ông Phó. 
    Phòng khách Ký Túc xá, từ trái: Vũ Tiến Đạt, Nguyễn tấn Phát, Võ Trung Hải
Ngoài ra , chúng ta cũng có những đồng môn đại diện cho sắc tộc như Dorohiem, Từ công Thu (anh của nhạc sĩ Từ công Phụng cũng là CSVQGHC khóa ĐS14). Cũng nên nói thêm là số đồng môn khóa 11 trấn giữ các quận đô thành cũng khá nhiều như Trần quang Trí (Quận Trưởng Quận 10), Võ tấn Thọ (Quận Trưởng Quận 9 ), Lê ngọc Thạch  (Phó Quận Trưởng Quận 10)
Riêng tôi và Nguyễn phú Hùng sau khi tốt nghiệp cùng xuống Vĩnh Bình , Hùng là Phó Quận Cầu Ngang, còn tôi làm Phó quận Tiểu Cần. Hai đứa cùng khoái nhậu, do đó có những kỉ niệm thật khó quên. Một hôm Hùng sau cơn xỉn, cũng còn nhớ bắt tay từ giã bạn bè nhưng đến khi ra vespa , Hùng đã quên mở khóa cổ xe và cứ cho nổ máy rồi hiên ngang sang số cho xe chạy, chiếc vespa vì còn khóa cổ nên chỉ chạy vòng vòng được một lúc rồi quăng Hùng té nhào trên mặt đường với nhiều vết cắt trên mặt.
Hôm khác cũng tôi và Hùng , sau khi tàn sát 2 chai Martell cùng các chiến hữu, hai đứa đã quá "đả" , mà khi ra về Hùng lại dành lái chiếc xe Toyota Corolla còn mới cáu cạnh của thằng bạn thân là giáo sư Trà văn Gởi, chạy ngang phi trường Trà Vinh, chắc Hùng đang mơ là đang lái mấy em tiếp viên phi hành quá phê nên bất thình lình tôi chỉ kịp nghe mấy tiếng ầm! ầm! là chiếc xe Toyota đã tông mạnh vào gốc sao to lớn ngang cổng phi trường. Vì xe Nhật dàn đồng yếu nên đầu xe bẹp dúm và sau đó đem bán ve chai luôn. May mà 2 đứa tôi bình yên vô sự. Từ đó Vĩnh Bình có thêm hiệu xe mới là Tô-yô-Sao mà saleman là Nguyễn phú Hùng.
        Đến đây, thiết tưởng tất cả khóa 11 chúng ta cũng nên dành đôi phút lắng động tâm hồn, thắp nén hương lòng để tưởng niệm các bạn đồng song vắn số. Theo thứ tự thời gian, một số bạn dưới đây đã bỏ chúng ta ra đi về vùng miên viễn: 
- Nguyễn đức Hoàng: chàng trẻ tuổi đẹp trai học giỏi lại là người ra đi trước nhất của khóa (năm 1967 bị đạn pháokích tại quận Châu Phú tỉnh Châu Đốc)
- Nguyễn ngọc Thọ : Lại thêm một bạn good looking chết vì tai nạn xe cộ ở Bà Rịa (năm1972)
- Võ quang Quán :nhà hùng biện khóa 11 bị VC sát hại năm 1975 ở Quảng Tín
- Đỗ như Khuê chết trong trại cải tạo năm 1979
- Vũ thế Hùng cancer ruột 1980 ở Nam Cali
- Phạm kim Rương chết trên đường vượt biển 1982
- Nguyễn đức Cảnh vượt biên đường bộ 1984
- Nguyễn văn Cao bị rắn hổ cắn trong khi làm ruộng vào năm 1987 ở Cần Đước , Long An
- Phạm thăng Chức ung thư 1993 ở  Sacramento, Cali.
- Nguyễn văn Thành tai nạn xe cộ 1994 ở Porland Oregon
- Phan thế Dinh ung thư 1998 ở Seattle Washington,
- Vũ tuấn Thịnh :vượt biên
- Nguyễn văn Phúc heart attack 2002ở Irvine Cali.(Chị Phúc vẫn còn gắn bó với khóa)
- Võ tấn Thọ: 2004 ở Pháp
- Nguyễn văn Thư sơ phổi 2004 quận Cam
- Vũ Minh Ngọc ung thư (2006) quận Cam
- Lê Hoan ung thư (2006) Portland
- Hồ Triêm heart attack(2007) Toronto
- Mai văn Giỏi ung thư (2007) Washington DC
- Trần Quang Trí heart attack(2007) San Jose
- Trần văn Cảnh lao mà ng óc(2007) Long Xuyên
- Nguyễn Xuân Nghi ung thư (2007) Dallas 
- Bùi như Sơn (2009) Krefeld, Đức Quốc
- Nguyễn Đình Phúc tiểu đường (2013) Vancouver

  Khóa 11 tham dự đám tang Nguyễn văn Phúc tại Irvine Nam Cali. 
Hàng ngồi từ trái: Lê Tấn Trạng, Hàn Minh Đức,Nguyễn Quốc Trường, Từ Công Thu,anh Trần Huỳnh Châu khóa ĐS5 TTKḄ̀ Nội Vụ, Nguyễn Quý Thành, Đinh Ngọc Bảo
Hàng đứng từ trái: Lê Phụng Chữ, Văn Tòng Hòa, Nguyễn Hữu Thông,vợ chồng Nguyễn văn Thọ Thu,Nguyễn Đình Đỗ, Nguyễn văn Cường, Trần Ngọc Thiệu, vợ chồng Nguyễn Xuân Tùng, Đinh Bá Tâm, Diana Đinh (vợ Đinh Ngọc Bảo), Đặng văn Thạnh, vơ chồng Lê Quang Minh Bùi thị Tuyết. 

Sau cuộc vật đổi sao dời, đồng môn khóa 11 tản lạc tứ phương nhưng đa số đều định cư tại hải ngoại, chỉ còn vài bạn phải kẹt lại trong nước như : Lê tự Em, Hồ đắc Sang, Huỳnh khánh Lâm...
Tâm trạng chung của các bạn ở hải ngoại lúc ban đầu là chới với hụt
hẫng trong cuộc sống mới nếu không muốn nói là chán đời vì nghề Hành chánh chúng ta quả là hết thời so với các nghề nghiệp khác như bác sĩ, dược sĩ... Nhưng rồi thì ngày buồn cũng qua mau và ai nấy lần lượt rồi cũng ổn định. Điểm qua những khuôn mặt khóa 11 hải ngoại có phần "tươi tỉnh" hơn các bạn khác là:
- Nguyễn Phụng: giáo sư Đại Học North Carolina
- Nguyễn thanh Phong: kỹ sư trưởng điện toán hãng xăng Esso
- Nguyễn xuân Tùng: kỹ sư luyện kim
- Nguyễn văn Phúc : kỹ sư Công Chánh
- Lê quang Minh: luật gia
- Nguyễn hữu Hồng: CPA, hậu kiểm liên bang
Ngoài ra, phải công nhận rằng bạn Nguyễn đình Phúc ( Vancouver) mà Tây nó thường gọi là Mr Nguyễn Ph. D. đã đóng góp không nhỏ trong  công trình bắt nhịp cầu liên lạc , viên gạch nối keo sơn giữa các anh chị khóa 11 với nhau. Nhiệt tình và nhanh nhẹn là đức tính mà ai cũng tìm thấy ở Phúc.
Xin vinh danh lòng sốt sắng và tình đồng môn cao quý của bạn ta.
Các bạn khóa 11 thân mến,
Chúng ta đã mất nước hơn 30 năm, đối với đời người đó quả là một thời gian triền miên đăng đẳng nhất là sau cuộc đổi đời dâu bể tang thương. Trong kiếp sống tha hương tất bật nhọc nhằn, chắc thỉnh thoảng chúng ta có một phút giây lắng động tâm hồn để ngậm ngùi tưởng nhớ đến Thầy Cô, bạn cũ, trường xưa, ai còn ai mất, ai tản lạc bốn phương trời, ai đang oằn oại dưới trận hồng thủy tàn bạo của cái gọi là cách mạng vô sản. Ngôi trường thân yêu trang trọng của chúng ta đã nhiều lần bị thay đổi tên nhưng tôi tin chắc rằng 6 chữ HỌC VIỆN QUỐC GIA HÀNH CHÁNH và cái địa chỉ số 10 Trần quốc Toản, Quận 3, Sài Gòn vẫn sống mãi trong lòng những người đã từng một thời là Sinh Viên HVQGHC.
Toronto July 19, 2007
Viết tặng tất cả đồng môn khóa 11
với niềm nhớ thương một thời hoa mộng đã qua.

Niềm vui hạnh ngộ
Chúc mừng ngày họp mặt khóa 11 thành công trong niềm đồng cảm yêu thương của tất cả chúng ta.

Mấy chục năm trời mới gặp nhau
Buồn vui lẫn lộn qua câu chào
Cả trời kỷ niệm chừng xao xuyến
Tận cõi tâm tư những nghẹn ngào
Một kiếp thăng trầm hương khói nhạt
Trăm năm dâu bể giấc chiêm bao
Duyên may hạnh ngộ bạn bè cũ
Rồi sẽ chia tay đến thuở nào.
Toronto July 20, 2007
Nguyên Trần

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...