Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Con Cái Thời Nay - Huy Phương

 


Xem tin tức ở Việt Nam chúng ta thường nghĩ đến lúc đạo lý đã suy đồi. Thời gian qua, số vụ án con cái giết cha mẹ đang có chiều hướng gia tăng. Trên báo chí, không thiếu tin tường thuật những vụ án mạng tàn bạo do những đứa con bất hiếu thẳng tay đâm chém cha mẹ dù chỉ với những bất bình nhỏ.

 

Nếu kể chuyện nghịch nữ hoặc nghịch tử ở Việt Nam, hẳn phải mất hàng nghìn trang giấy: Tơ Đênh Triệu (Quảng Nam) say rượu giết cha. Đặng Hùng Phương (Vĩnh Long) giết cha rồi đem lên Sài Gòn phi tang. Trần Văn Kiệt (Tây Ninh) đâm cha sau một lần cãi vã. Lê Văn Lực (Thanh Hóa) chỉ vì lời mắng “đồ ăn hại” đã đoạt mạng cha mình. Nguyễn Xuân Hậu (Lào Cai) chỉ vì bị la không chịu lo sửa soạn Tết đã đâm chết cha. Nguyễn Khả Đ. (Rạch Giá) giết mẹ rồi giấu xác trong lu nước. Nguyễn Thị Phin (Tây Ninh) giết mẹ chiều 30 Tết để lấy tiền, vàng. Nông Văn Thùy (Bắc Giang) xin tiền không được, đã vung chày sát hại mẹ. Bùi Minh Đạt (Hà Nội) vì mâu thuẫn đất đai, đã dùng dao chém nhiều nhát vào cổ, đầu, tay mẹ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Lê Văn Phước (Đồng Nai) trong lúc tắm rửa, vệ sinh cho người mẹ 82 tuổi bị tai biến, đã liên tục chửi bới và đánh đập khiến bà cụ tử vong...
Chúng ta những người Việt đang sinh sống ngoài Việt Nam, ở Hoa Kỳ hay các nước khác thường cho là mình may mắn không phải sống ở cái đất nước đạo lý suy đồi, luân thường bại hoại. Nước Mỹ có 320 triệu dân, nửa năm chưa xảy ra một vụ án mạng con giết cha mẹ, đất nước Việt Nam chỉ có 90 triệu dân, tuần nào cũng có chuyện cha mẹ bị con đâm chém. Nhưng như thế có phải cha mẹ người Việt sống ở Mỹ, đời sống được bảo vệ và có hạnh phúc hơn không? Sở dĩ chúng tôi trình bày như vậy, vì giữa văn hóa Việt và Mỹ có những phần khác biệt.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường trong “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” (Nguyễn Hiến Lê dịch) đã cho rằng người cao niên ở Mỹ về già vẫn làm việc hăng hái, vì họ theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá, tự đắc, muốn độc lập, cho sự nhờ vả con cái là tủi nhục. Trong các quyền của công dân không có cái quyền của cha mẹ được con cái phụng dưỡng. Tại phương Tây, ông già bà lão không muốn xen vào đời sống của con, lánh mặt trong một nơi nào đó, tự lo cho cái ăn ngủ của mình. Người Trung Hoa (và người Á Đông?) không có cái quan niệm cá nhân độc lập, mà cho rằng những người trong gia đình có bổn phận giúp nhau, nếu về già mà phải nhờ cậy con, có điều chi mà xấu hổ!
Bản năng của muôn loài là thương yêu và bảo vệ con. Con gà mẹ dùng đôi cánh che chở cho bầy gà con trước sự hung hiểm của diều hâu. Con chim bay xa tha mồi về mớm cho con non nớt yếu đuối bên bờ tổ. Hung dữ như cọp beo cũng không có loài nào ăn thịt con. Nhưng muôn loài cũng không có cái cảnh nào có đàn con đi kiếm thức ăn cho những người sinh nở ra chúng lúc họ về già, không còn khả năng săn nhặt, nằm chờ chết trong hang ổ. Nhà văn Lâm Ngữ Đường cho rằng, “Người nào cũng yêu con, nhưng người có văn hóa mới biết thương yêu cha mẹ!”
Ở Mỹ, trong giờ hành chánh mà một đứa con lang thang ngoài đường, thì cảnh sát lập tức kết tội cha mẹ của chúng, nhưng một cụ già bị bỏ ngoài đường thì người ta tìm đến sở xã hội, liệu có ai truy tìm và lên án những đứa con.
Chúng ta phải chờ vài ba thế hệ nữa may ra, chứ hiện nay, các bậc cha mẹ người Việt ở Mỹ, tâm lý vẫn chưa sẵn sàng, còn cảm thấy tổn thương và đau khổ, than trách khi bị con cái đẩy ra khỏi nhà. Những vị cao niên Mỹ không ai than phiền vì con cái không quan tâm hay “bỏ rơi” mình. Đối với họ, con trên 18 tuổi đã ra khỏi gia đình, vì muốn cho con tự lập, có khi muốn con đi học xa, thăm hỏi, quan tâm là điều tốt, nhưng cha mẹ không bao giờ kỳ vọng nơi con cái khi mình về già, trông đợi sự giúp đỡ của con. Cha mẹ và con cái từ đây hết còn bổn phận với nhau. Do đó, họ chuẩn bị để dành tiền, đầu tư, mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm “sức khỏe lâu dài,” chuẩn bị “hậu sự” cho mình.
Như vậy các bậc cha mẹ này không còn cảm thấy đau khổ vì những lý do về con cái.
Trái lại người Việt hay Á Đông luôn cho rằng trong trăm nết thì chữ hiếu đứng đầu (Bách hạnh hiếu vi tiên). Theo Phật Giáo thì “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.” Khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc thì đem lòng ai oán, nhất là vào buổi giao thời, vẫn thường so sánh lối sống của gia đình ngày xưa, với lối sống “Mỹ hóa” bây giờ của con cái, và cũng vì chính sự đổi thay quá nhanh chóng của con cái, sinh ra ở Mỹ, hay chịu lối sống Mỹ quá sớm, hoặc là dùng chữ gia đình “vô phước” như cách than phiền của nhiều vị.
Quí vị đã có dịp lui tới chuyện trò với các vị cao niên người Việt trong các nhà dưỡng lão, đã thường biết đến nỗi buồn của họ, không phải vì tiền, vì danh mà vì một nỗi cô đơn, chỉ vì con cái không ngó ngàng đến họ. Khi tôi muốn kể nỗi lòng của một vị cao niên buồn bã, cô đơn trong một nhà dưỡng lão, trên trang báo, thì ông cụ chấp tay vái tôi, “Thôi xin ông, con tôi mà biết tôi kể lể với ông thì chúng hành tôi đến chết mất!”
- Một gia đình, khi người cha qua đời, những đứa con thấy mẹ thui thủi một mình, khuyên mẹ bán ngôi nhà rồi về ở với chúng nó. Như một trái bóng, bà bị đưa qua đưa lại giữa những đứa con, và chỗ ở cuối cùng của bà bây giờ là nhà dưỡng lão!
- Một bà cụ khi bị đưa vào bệnh viện, rồi nhà hưu dưỡng, vì lo xa, bà làm thủ tục trao cho cô con gái duy nhất, ngôi mobile home của bà, nhưng chỉ ít lâu sau, cô này bán ngôi nhà lấy tiền bỏ túi. Khi khỏe mạnh được trở về nhà, bà phải đi “share” phòng cho đến lúc qua đời.
- Một gia đình lúc người cha mất, bà mẹ vội vã sang tên ngôi nhà cho hai cô con con gái. Cô chị trả cho em một nửa số tiền để lấy hẳn ngôi nhà, và mời bà mẹ ra khỏi nhà. Lý do: Hạnh phúc gia đình của riêng cô. Người mà cô chọn là chồng, chứ không phải mẹ!
- Nếu bạn đọc thấy một người phụ nữ luống tuổi thường đi xe đạp trong khu Little Saigon, đó là người mẹ có bốn đứa con, bà đang ở nhà “share” vì không đứa con nào chịu “nuôi” mẹ.
Hầu hết những nhân vật trong câu chuyện này là quý bà, vì trong buổi giao thời này, còn mang tâm lý “nội trợ,” không biết lái xe, không biết Anh ngữ, và tình thương con cái còn nhiều như thuở còn ở Việt Nam, còn các ông thì dễ sống hơn. Mặt khác là bậc cha mẹ người Việt ở Mỹ không biết là các con đổi thay quá nhanh.
Phần đông những bậc cha mẹ ở Mỹ lâm vào cảnh ngộ trên vì có con cái sinh ra ở Mỹ hay được đem đến Mỹ quá sớm, và con cái có bằng cấp càng cao, giàu có càng nhiều thì hình như càng không nghĩ đến chuyện mình phải có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ già. Không những phụng dưỡng cha mẹ già mà còn như lường gạt, lừa đảo các bậc sinh thành như những câu chuyện thường xảy ra trong cộng đồng Việt Nam mà chúng tôi trình bày ở trên. Cái cảnh trong gia đình nghèo, anh chị em thương nhau, con cái hiếu với cha mẹ, hình như chúng ta vẫn thường thấy trong đời. Những đứa con lớn lên ở Việt Nam, đã qua cái cảnh thiếu ăn, cha tù đày, mẹ vất vả ngược xuôi, hẳn trong lòng chúng còn một chỗ tựa cho cha mẹ.
Những câu chuyện con, dâu, con rể mời cha mẹ ra khỏi nhà không thiếu ở đây, nhan nhản, chẳng khác gì những thảm cảnh con cái giết cha mẹ ở Việt Nam. Gia đình người Việt ở Mỹ chưa thấy cảnh cha mẹ chết dưới tay con, nhưng khổ đau u sầu do con cái gây nên thì không thiếu, “Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu, giết nhau bằng cái u sầu độc chưa?”
Cuối cùng bài học chưa thuộc của tuổi già vẫn là: “...Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong chờ báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.” (Chu Dung Cơ).
Bài học thứ hai là đừng bao giờ “dốc túi” cho con quá sớm trước khi nhắm mắt.
Thực ra, “Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, về già mới biết lòng con cái.”
Trong chúng ta ai thực sự đã chuẩn bị cho tuổi già như người bản xứ, thôi thì trăm sự, đường cùng phải nhờ đến ông nhà nước.

 

Huy Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...