Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

Đỗ Chiêu Đức Làm thơ tặng vợ

 Đỗ Chiêu Đức thường được bạn bè tặng cho biệt danh Thầy Đồ, bởi anh chuyên nghiên cứu thơ văn cổ, điển tích xưa. Nay anh còn làm thơ tặng vợ nhưng cũng với phong cách của một nhà nghiên cứu. Thơ mới nhưng lại có điển tích. Điều đáng nói là anh cũng không để cho bạn đọc khó hiểu, đã giải thích những từ cổ xưa (SOS)

 
chieu Duc2                                 
Ông bà Đỗ Chiêu Đức

EM LÀ….

Em là tặng phẩm từ trời
Và là bà xã tuyệt vời của anh !
Em là cô bé hiền hòa
Mi thanh mục tú miệng hoa mỉm cười
Anh là thầy giáo đôi mươi
Văn hay chữ tốt sánh đôi vợ chồng !
Ba sinh hương lửa tự bao giờ
Nguyệt Lão an bày chuyện tóc tơ
Bảy năm trước đó cô trò nhỏ
Bỗng chốc trở thành nội tướng to
Cũng chẳng yêu thơ, chẳng thích từ
Học hành lơ láo , ghét văn thơ
Lấy phải trượng phu là thầy giáo
Học trò lớn nhỏ gọi bằng ” Cô ” !
Em là… Cô giáo không lên lớp….
Tiểu học, học trò gọi ” Thầy, cô ”
Dù không lên lớp vẫn…Cô…Cô !…
Trung học lên ngay thành ” Bà giáo ”
Công danh vùn vụt khỏi mong chờ !
Thỉnh giảng mời thầy lên Đại học
” Bà giáo ” giờ thêm một chữ ” sư ”
” Bà giáo Sư ” chưa xong Trung học
Sinh viên Đại học vẫn…” Chào Cô ” !
Em là… Tặng phẩm của Trời !…
Một nửa ai kia khéo tuyệt vời
Nửa nầy gặp phải sánh thành đôi
Nội tướng chu toàn gia thất nội
Tướng phu giáo tử bấy năm trời (1)
Cũng chẳng thanh mai, không trúc mã
Xướng tùy phu phụ bấy nhiêu niên
Bách thế tu lai đồng thuyền độ
Vạn thế tu lai cộng chẩm miên ! (2)
Bình thủy tương phùng còn vương vấn
Huống hồ hôm sớm ngụ chung nhà
Nhựt cửu sinh tình, tình sinh nghĩa
Nghĩa tình vấn vít khó rời xa !… (3)
Tặng em … Mẹ hát câu ru võng
Vẳng mãi bên tai giọng thiết tha…
Ầu ơ !…. Cây da trước miểu…
Cây da trước miểu, ai biểu cây da tàn…
Bao nhiêu lá rụng… ờ….
Bao nhiêu lá rụng, anh thương nàng… bấy nhiêu !
Em là… nội tướng tuyệt vời !
Trời sai đem xuống tặng người hữu duyên
Số anh lận đận truân chuyên
Cho nên vướng phải cái duyên tơ hồng !
Cũng chẳng mi cong, chẳng má hồng
Em là gạo lức mặn nồng ngon cơm
Cùng chồng lặn lội nuôi con
Thân cò chẳng quản lên non xuống ghềnh
Một mình cô khổ lênh đênh (4)
Nuôi chồng cải tạo buồn tênh tháng ngày
Trông đàn con trẻ hôm mai
Miếng ăn miếng mặc không ngày nghỉ ngơi
Em là…Từ mẫu tuyệt vời !….
………………………………………..
Lặng lẽ thời gian vẫn cứ trôi
Mấy mươi năm cũ thoáng qua rồi !
Hiện hữu an bày là hạnh phúc
Em là tất cả của riêng tôi !
Xưa kia…
Em là vưu vật trên đời
Và là bà xã tuyệt vời của anh !
Nay thì…
Em là nội tướng trị an
Và là Tổ Mẫu của đàn cháu thơ ! ( 5).
 
Đỗ Chiêu Đức.
Chú thích :
(1). Tướng phu giáo tử 相夫教子: Là giúp đỡ khuyến khích ủng hộ chồng trong sự nghiệp và nuôi dạy con cái. Chữ TƯỚNG nầy là support trong tiếng Anh, tiếng Việt không có từ chính xác để dịch. Nó là chữ Tướng trong từ Thừa Tướng đó !.
(2). Bách thế tu lai đồng thuyền độ, Vạn thế tu lai cộng chẩm miên. 百世修來同船渡,萬世修來共枕眠: Nghĩa là Cùng tu với nhau một trăm kiếp mới đi được chung thuyền với nhau ( đồng hội đồng thuyền ). Cùng tu với nhau một vạn kiếp mới ngủ chung gối với nhau được ( mới nên duyên chồng vợ ). Đây là câu nói trong TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN nhằm khuyên ta nên trân trọng tình vợ chồng vì khó khăn lắm mới đến với nhau được.
(3). Bình thủy tương phùng 萍水相逢: Là bèo nước gặp nhau, chỉ sự gặp gỡ tình cờ, hời hợt, không hẹn trước, xong rồi thì mỗi người một nơi, như bèo và nước mặc ai nấy trôi, nấy chảy.
(4). Cô khổ lênh đênh : Là nói trại của thành ngữ Cô khổ linh đinh 孤苦伶仃: Cô đơn sầu khổ lẻ loi trơ trọi có một mình.
(5). Tổ Mẫu 祖母: Là bà nội. Đúng ra chỉ có nghĩa là bà mà thôi. Nhưng bà mà ở chung nhà thì thường là Bà Nội. Còn bà ngoại thì thêm một chữ ngoại nữa là : Ngoại Tổ Mẫu.
Đỗ Chiêu Đức may mắn cưới được cô học trò nhỏ ngày xưa vể làm nội tướng, chỉ do mai mối tình cờ thôi.!. Trong tấm hình kèm theo đây, cái hình nhỏ có 2 thầy giáo trẻ và một đám học trò nữ vây quanh, trong đó có một cô là bà xã sau nầy. Quý vị thử nhìn xem có đoán ra được là cô bé nào hay không ?. Vui !
 
chieu duc3
H1: bà và các cháu
chieuduc

1 nhận xét:

Chúng ta cần chủ nghĩa tư bản có đạo đức (DĐKP )

                                          Giáo sư, triết gia Markus Gabriel Chúng ta cần những triết gia   ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp...