Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

PHAN: Ðằng Sau Bức Màn Vải Hoa

 Phan
Bên hông nhà hát cũ trong downtown là quán cà phê của Mễ. Tôi gặp anh
bạn nhạc sĩ, cũng là Phật tử của chùa nhà. Ðã trò chuyện với nhau
nhiều lần ngoài chùa, hứa hẹn khi rảnh sẽ gọi nhau đi uống cà phê để
nói những chuyện không cho Phật nghe. Nhưng đôi lần gặp nhau ngoài đất
Phật thì cũng chỉ cười trừ bởi công việc. Thế là hôm nay không hẹn,
chúng tôi gặp nhau trong áy náy về lời hứa với nhau vẫn chưa quên…Hai
chúng tôi ngồi xuống cái bàn cà phê ngoài hiên quán Mễ, những chuyện
muốn nói nhau nghe nhưng gặp trong chùa nên không dám nói thì đã quên
hết, chỉ nhớ đó là lý do người ta trở lại chùa. Chúng tôi nghĩ ra
chuyện động trời là sẽ cùng đối ẩm sau khi uống hết hai ly cà phê trả
tiền trước. Hai cái ly bằng giấy như ly cà phê Starbucks thì ai biết
thức uống gì bên trong, trong khi trong xe tôi lại có tới 6 chai rượu
đỏ mới mua. Mua một chai nguyên giá, mua 6 chai bớt 10%, bớt thêm 5%
nữa nếu trả bằng thẻ tín dụng của chợ. Chúng tôi ngồi nói chuyện với
nhau cách thức kinh doanh của Mỹ thật đáng suy ngẫm. Không ngờ hai
người ngấm hết hai chai rồi mà suy chưa ra gì hết, (xe đậu trước mặt
thì cứ việc cầm cái ly của mình vô xe, rót rượu, rồi trở ra bàn lề
đường mà ngồi). Cảnh sát lơn tơn đi bắt người uống rượu hàm hồ ngoài
đường chứ đâu bắt người uống rượu tế nhị. Chúng tôi cứ thế thay phiên,
bốc cái điện thoại để lên tai dù không ai gọi nhưng vỉa hè ồn quá nên
phải chui vô xe mới… rót được 1 ly.

Sang chai thứ ba thì chúng tôi về đến Việt Nam, chuyện người cùng thời
nên nói tới đâu hiểu tới đó vì người này nói ra người kia biết, không
lạt như chuyện lính của chú bác vì cỡ chúng tôi có biết ông tướng ông
tá nào đâu!

Xuôi theo dòng xe, dòng đời trôi chảy mãi trên những con đường chậm rì
trong downtown. Bạn tôi kể, sau biến cố 1975, ba tôi đi tù không ảnh
hưởng mấy tới anh em tôi. Bởi chúng tôi đã quen sống với mẹ, không có
ba ở nhà. Ba tôi là niềm vui ngắn ngủi của tuổi thơ vì những ngày ông
về phép là những ngày ba đi nhậu với bạn bè nhiều hơn chơi với con
cái. Nhưng ba có chở chúng tôi đi chơi Vũng Tàu, lần khác đi xa hơn là
lên Ðà Lạt. Ðôi lần tôi còn nhớ chỉ đủ an ủi cho tháng ngày mẹ dẫn anh
em tôi về nhà ngoại sau 1975. Ðó là một vùng quê trong ký ức tuổi thơ.
Chúng tôi sống với ông bà ngoại, mẹ đi buôn bán theo những chuyến xe
đò chạy ngoài lộ lớn.

Hôm đó tôi bị bệnh tới qua ngày là ghê gớm lắm, ói mửa, nóng sốt. Bà
ngoại phải ra tới bến xe để nhắn mẹ về nhà đưa tôi đi khám bác sĩ.
Trên đường từ phòng mạch bác sĩ trở về, mẹ ghé nhà thuốc tây mua thuốc
cho tôi uống, ghé vào quán đầu ngõ cho tôi ăn một tô mì. Hôm đó mẹ tôi
nói chuyện với bà chủ quán khá lâu về tiệm hủ tíu mì của bà…

Về đến nhà ngoại, con nhỏ em tôi khóc lóc ỉ ôi khi nghe tôi kể mà nó
không được ăn hủ tíu, mẹ chỉ mua cho nó cái bánh tiêu với miếng bánh
bò. Nó hăm dọa mẹ với bà ngoại là tối nay nó sẽ bệnh nặng, ngày mai
phải dẫn nó đi khám bác sĩ, ăn hủ tíu… Tôi nằm lơ mơ trên bộ ván ở nhà
ngoại, nghe mẹ bàn tính với ngoại về việc sang lại tiệm hủ tíu để làm
ăn. Câu chuyeẹn làm tôi hết bệnh luôn vì từ nay có hủ tíu ăn rồi. Ở
nhà ngoại, ngoại cho ăn cơm với rau dền luộc, mấy con cá kèo kho tanh
rình, hai anh em tôi khóc mấy cũng không có thịt kho trứng.

Từ ngày gia đình tôi có tiệm hủ tíu, gia đình gọn nhẹ của tôi vốn có
ba người. Mẹ tôi không có tuổi, vì lúc nào mẹ cũng hoạt bát, năng
động… tôi hơn mười và con nhỏ em chưa tới mười tuổi. Căn tiệm được mẹ
tôi sang lại không có chỗ ngủ nhưng mẹ dọn dẹp một góc, kê được cái
giường, căng tấm màn vải hoa để che đi mớ mền gối nhếch nhác…

Anh em tôi hăng hái ăn hủ tíu ngày ba, bốn lần. Mẹ thì thức rất khuya
để nấu, làm hàng bán ngày mai. Bà ngoại phải lo việc nhà, lo cho ông
ngoại đã già. Nhưng rảnh là ngoại ra quán để giúp mẹ tôi. Tôi nhớ mãi
hình ảnh ngoại ngồi rửa tô, rửa hoài không hết. Ngoại đi gánh nước
ngọt về quán để nấu, để rửa vì thuê người gánh nước rất tốn tiền.
Ngoại chỉ khác mẹ tôi là không đánh, không rầy la tôi lớn tiếng. Tôi
thương ngoại hơn mẹ nhưng không nói ai nghe, tôi đi xách nước cho
ngoại, phụ ngoại rửa tô. Ngoại tôi có cách không nói nhưng làm tôi nhớ
ngoại nhiều, hai bà cháu rửa tô với nhau tối mắt tối mặt, nhưng thỉnh
thoảng ngoại ngưng tay lau mồ hôi trán cho tôi bằng cái khăn quàng lúc
nào cũng quấn trên cổ ngoại. Ngoại nắm hai bàn tay tôi, lật tới lật
lui xem xét rồi thở dài, những lúc ngoại nhìn sâu vào mắt tôi, tôi
không hiểu ngoại nghĩ gì. Nhưng sau này tôi hiểu được quyết định quan
trọng của ngoại. Ngoại ráng rửa tô để có tiền cho tôi đi vượt biên.

Quán của mẹ tôi làm ăn phát đạt, mẹ có thuê thêm một chị, rồi hai chị
phụ bán hàng và dọn rửa. Nhưng tôi với ngoại cũng không rảnh hơn vì đủ
thứ chuyện phải làm. Tôi đi học về là làm việc chứ không được đi chơi.
Tôi chán hủ tíu lắm rồi, ước gì được ăn cơm với rau dền luộc, cá kèo
kho cũng được nhưng tha hồ đi chơi…

Thế rồi ông ngoại tôi mất, một đám tang diễn ra như gánh hát về. Nhà
đông vui, người đông vui. Chỉ vắng vẻ từ hôm đưa ông ngoại ra đồng. Bà
ngoại già xọp đi; ít khi ra quán giúp mẹ tôi nữa vì người cậu duy nhất
của tôi đã dọn cả gia đình về ở với bà ngoại. Bà tôi thường ngồi một
mình ngoài góc vườn từ chạng vạng tới trăng lên, trăng tỏ… Tôi đã đủ
lớn để chiều tối thì dắt con nhỏ em về nhà bà ngoại, ngủ với bà ngoại.
Ðiều tôi không hiểu trước khi ông ngoại mất là sao chúng tôi không
được về nhà ngoại ngủ cho rộng rãi mà phải ngủ ngoài quán chật chội.
Ông ngoại không thương mẹ con tôi chỉ mới lờ mờ trong đầu óc trẻ con
tôi. Tôi chứng minh được với em tôi là từ sau ông ngoại mất, bà ngoại
lại cho anh em tôi về nhà ngoại ngủ cho rộng.

Rồi tiếp đến cậu tôi dọn về nhà ngoại ở, cậu lại không cho chúng tôi
về nhà ngoại ngủ. Ðến hôm cậu tôi say rượu, đuổi anh em tôi trở ra
quán ngủ với mẹ chứ không cho về nhà ngoại ngủ nữa. Tôi không hiểu
nhưng linh cảm được mẹ tôi với cậu không thương nhau. Ðặc biệt là cậu
ưa nhìn tôi nhưng khi tôi nhìn lại thì cậu nhìn đi chỗ khác. Bây giờ
tôi chỉ còn mỗi việc là khi mẹ có món gì ngon thì nhờ tôi đưa về nhà
ngoại cho bà ngoại ăn. Mẹ lo buôn bán tất bật, mấy người phụ việc do
mẹ mướn thì trộm cắp liên miên, hở ra là họ trộm cắp bất cứ thứ gì có
thể từ tiền tới miếng thịt sống, thịt đã luộc, bó cải ngọt… Tôi cứ
phải lảng vảng giờ trưa, hay khi trời chập tối để cho họ biết tôi
không đi chơi mà bớt dám trộm cắp.

Cuộc sống không có gì vui vì chỉ đi học rồi về canh trộm. Ðêm đến,
đóng cửa quán xong thì mẹ lại lo tính tiền, sổ sách, nấu nướng, làm
hàng để bán sáng mai. Không biết mẹ tôi đi ngủ mấy giờ nhưng sáng ra
thì mẹ đã thức từ bao giờ! Tôi cũng không biết bao giờ ba tôi được về
để giúp mẹ tôi buôn bán hay vượt biên. Chỉ thấy một hôm có người đàn
bà trẻ hơn mẹ đến quán nhà tôi. Dì với mẹ vào buồng nói chuyện. Bên
ngoài miếng vải hoa làm màn, tôi thấy rõ hai người ngồi hai đầu giường
thì thầm với nhau. Ðêm đó dì ở lại quán với ba mẹ con tôi. Tới giờ đi
ngủ thì dì với con nhỏ em tôi ngủ chung trên cái giường duy nhất. Tôi
kê bàn lại làm giường để ngủ. Còn mẹ tôi ngủ đâu, tôi không biết.

Tôi tưởng dì là bạn của mẹ đến chơi vài hôm, không ngờ dì ở luôn trong
cái quán đã quá chật chội. Dì không hề giúp mẹ tôi một việc gì, tôi
cũng không biết dì đi ngủ mấy giờ. Chỉ biết sáng ra, tôi đi học thì dì
chưa thức. Có hôm tôi đã tan trường, về tới quán nhà, dì còn chưa dậy…
Thật ít khi dì bước ra khỏi bức màn vải hoa, cả ngày dì chỉ ở trên
giường, khi quán vắng thật vắng thì dì mới ra ngoài uống ly nước, hay
đi vệ sinh. Tôi chưa từng thấy dì ăn hủ tíu. Tôi thắc mắc thì được mẹ
giải thích, “Ðúng, mẹ chỉ có hai chị em ruột là mẹ với cậu, dì đây là
chị em bạn dì với mẹ. Gia đình dì đi nước ngoài hết rồi, dì sống tạm
với chúng ta ít ngày rồi dì cũng đi…”

Nhưng tôi không thấy dấu hiệu gì cho biết là dì sắp đi. Hôm ông trưởng
công an xã đến quán và hỏi thăm dì, kêu dì ra gặp mặt nói chuyện. Từ
đó, thỉnh thoảng ông ghé qua quán nhà để mẹ tôi đưa tiền kín đáo cho
ông. Dì tôi vẫn ở sau bức màn vải hoa bí ẩn. Nhưng hôm đầu ông trưởng
công an đến đây, ông có hỏi dì một câu làm tôi suy nghĩ, “thằng bé này
là con của cô?” Dĩ nhiên dì trả lời không phải. Nhưng tôi đã thấy mình
giống dì hơn giống mẹ. Mẹ tôi trông thô kệch nhưng mạnh khoẻ, trong
khi dì mảnh dẻ như công chúa, hoàng hậu… dì tôi đẹp đến nhiều người
tới quán ngồi cả ngày chỉ để được thấy mặt vì nghe đồn là dì tôi đẹp
lắm!

Mẹ tôi vẫn vất vả với công việc buôn bán, dì tôi vẫn không đụng móng
tay vào bất cứ việc gì. Một hôm mẹ bảo tôi, mẹ phải đi thăm ba đang ở
tù xa lắm. Con ở nhà với dì thì phải coi chừng em vì dì bận rộn thay
mẹ lo buôn bán. Tôi vâng lời chứ biết sao hơn, nhưng kỳ thực mẹ đi rồi
thì dì vẫn ở trong bức màn vải hoa. Ngoài nhà ngoài người làm tha hồ
buôn bán, trộm cắp tứ tung… Tôi đi báo tin cho bà ngoại thì bà ngoại
ra quán. Nhưng chỉ hơn tiếng đồng hồ thì cậu tôi đến, bắt bà ngoại về
nhà. Tôi hết biết làm gì nên ngủ mê trên mấy cái bàn kê lại làm
giường.

Ðêm khuya lắc khuya lơ bởi ngoài cửa quán lúc nào không có tiếng nói
cười của người buôn bán hàng rong, tiếng chú bác xích lô đậu bến nhậu
nhẹt… Trời chắc là khuya lắm, tôi giật mình khi có người ôm hôn tôi,
tôi bừng mắt thấy gương mặt dì đầm đìa nước mắt. Dì bụm miệng không
cho tôi la, một tay đỡ sau gáy tôi, tay bụm miệng tôi nhẹ hều như cầm
mớ bông gòn áp vào mặt mình. Bàn tay dì tôi không có xương. Trong ánh
sáng lờ mờ của cái đèn đỏ trên trang thờ, dì tôi như bà tiên đẹp đẽ,
khác hẳn với mẹ tôi thô kệch, cục cằn, nói lớn tiếng oang oang… còn
chửi lộn nữa khi người ta ăn hủ tíu mà không trả tiền.

Khi dì biết tôi không chống cự, dì ghì đầu tôi vào lòng dì và giữ như
thế thật lâu. Cuối cùng dì nói với tôi, “con ngủ đi.” Rồi dì đi ra sau
quán là sông rạch. Ðêm đó tôi không ngủ nên biết dì uống rượu. Dì ngồi
trong bóng đêm, nhìn ra sông rạch lấp loáng mấy bóng ghe thương hồ, dì
uống rượu tới sáng thì vào giường. Chuyện buôn bán rối loạn vì những
người giúp việc cho mẹ không biết phải làm sao nhưng dì cũng vẫn không
ra khỏi bức màn vải hoa đã sỉn màu năm tháng.

Dì chỉ uống rượu hàng đêm đến sáng. Ðến hôm nửa đêm thì ba mẹ tôi về
tới nhà. Ba cũng dựng tôi dậy, bụm miệng tôi để hôn tôi một cái giữa
trán. Rồi ba dắt dì đi.

Mẹ tôi không trả lời những câu hỏi của tôi vì mẹ nói, “mẹ bận lắm,
phải chỉnh đốn lại công việc làm ăn. Nhưng con không bao giờ nói với
ai là ba có về đây. Nghe chưa!” Tôi giữ im lặng đến thù ghét mẹ và bà
ngoại vì không ai chịu nói cho tôi nghe chuyện gì về ba; về mẹ, về
cậu, về dì… Tôi chán ghét gia đình trong từng ngày lớn lên. Tôi bỏ
học, đi theo băng đảng, bị bắt ở tù thì mẹ lãnh tôi ra. Chu kỳ ấy lập
đi lập lại vì tôi vào tù ra khám như cơm bữa. Không biết làm gì cho
hết ấm ức thì đi đánh lộn dù chẳng ai gây hấn với mình. Con nhỏ em tôi
đã trở bạn thành thù. Nó từ tôi sau lần bắt quả tang tôi đang ăn cắp
vàng của mẹ giấu dưới chân giường. Nó chỉ nghiến răng nói một câu,
“nòi nào giống nấy”. Nó không đòi lại vàng cho mẹ, cũng không hô hoán
cho mẹ biết tôi đang ăn cắp vàng. Nó làm tim tôi thắt lại niềm đau
đánh mất hai chữ “anh Hai” mà nó kính nể tôi từ nhỏ. Tôi bỏ lại mấy
chỉ vàng, rồi đi.

Tôi không về nhà có đến mấy năm, làm ma cô ở vùng biên giới Việt-Miên.
Tôi nhớ gia đình, thương mẹ, thương em, thương bà ngoại và thương mình
không còn mặt mũi để quay về thì con em tôi tìm được tôi. Nó nói tôi,
“về nhà nhanh lên, bà ngoại hấp hối rồi anh Hai ơi! Ngoại chờ anh về
để chết.” Anh em tôi cùng khóc giữa chợ đời biên giới xa xôi. Chúng
tôi về còn kịp.

Tôi không bỏ nhà đi nữa vì sau đám tang bà ngoại, con nhỏ em tôi tính
chuyện lấy chồng. Nó xin lỗi tôi đã làm anh Hai giận mà bỏ nhà đi… Nó
nói tôi, “má già rồi đó. Má bệnh hoài hà. Em đã lấy chồng. Anh Hai
phải ở nhà trông tiệm hủ tíu cho má, nuôi má…”

Tôi cũng không hiểu sao tôi gọi mẹ tôi là mẹ mà em tôi gọi mẹ tôi là
má. Tới khi lớn rồi thì nó tự giải thích cho tôi nghe là nó thấy má
gọi bà ngoại là má và nó thích. Tôi không cãi mà lơ luôn vì tôi tìm
thấy hạnh phúc khi nghe con đầu lòng của vợ chồng nhỏ em gọi tiếng
“cậu Hai”. Tôi nghe lời mẹ tôi nên bỏ tiền ra xây lại căn nhà của ông
bà ngoại đã mục nát, dù người ở là gia đình cậu tôi, người cậu đuổi
anh em tôi khi còn thơ dại; người em trai không nhìn chị… nhưng nước
chảy xuôi. Mẹ tôi nói sao tôi nghe vậy. Còn cậu, tôi không thương,
không giận người đàn ông đã già hơn tuổi tác.

Tôi tưởng cuộc sống đã bình an với quán hủ tíu. Thì ba tôi về sau
nhiều năm không biết ông có liên lạc với mẹ tôi hay không. Gia đình
tôi cứ như những gì diễn ra sau bức màn vải hoa thấy được lờ mờ nhưng
không hiểu gì hết. Ông không nói chuyện ngày xưa, không nhắc tới dì
tôi, không hỏi thăm anh em tôi đã sống thế nào… ông chỉ mê cháu ngoại,
cứ ôm con bé vào lòng rồi ngủ ngồi trên ghế sa-lông.

Sau chuyến về Việt Nam của ba tôi, ông bảo lãnh cả nhà đi Mỹ. Tôi thề
phải vén được bức màn vải hoa lên mới chịu đi. Nhưng em tôi cứ nài nỉ
anh Hai đi với má, đi với gia đình em, chứ anh sống một mình bên đây
sao… Rồi thì cậu Hai tưởng không vì ai cũng phải mềm lòng với tiếng
thỏ thẻ của con cháu gái. Nó đòi ở lại với cậu Hai nên cậu Hai phải đi
thôi…

Tôi đến Mỹ không ân hận vì tôi đi vì em gái, cháu gái tôi. Ðến Mỹ tôi
mới biết ba sống với dì đã nhiều năm nay trên nước Mỹ. Tôi biết ra
tình yêu của ông trao cho dì chứ không phải mẹ tôi, nhưng mẹ tôi đã hy
sinh cả đời cho người mình yêu được hạnh phúc. Mẹ chịu đựng hết khổ
đau; mẹ làm tất cả để có tiền hối lộ, dọn đường cho ông trốn tù; vượt
biên với dì cũng hoàn toàn là tiền hủ tíu của mẹ. Mẹ nuôi tình địch
trong nhà bằng hai bàn tay thô nhám của mẹ để có cơm ăn, rượu uống cho
người tình của chồng bà. Mẹ tôi đẻ ra em tôi, nó biết hết chuyện nhà
nhưng không hé môi, giận tôi nhưng cứ lặn lội đi tìm tôi không tung
tích từ sau hôm nó không truy hô anh Hai ăn cắp vàng của mẹ. Nó giống
mẹ tôi nhất ở điểm mở lời xin lỗi anh Hai sau đám tang bà ngoại để
trói chân tôi thoái bước giang hồ.

Không ngờ ngày định mệnh an bày cho tôi vén bức màn vải hoa của gia
đình tôi lên đến quá đột ngột trong tháng qua. Tôi lái xe đưa mẹ tôi
đi thăm người bạn nằm trong bệnh viện, người bạn lâu năm của mẹ không
ai khác hơn là dì. Ba tôi đứng đó như pho tượng. Mẹ tôi nói, “Hôm nay
đủ mặt hết thì mẹ mới nói: Sau hôm gia đình ba qua dạm ngõ hỏi cưới
mẹ. Mẹ đồng ý xong thì coi như mình đã có chồng. Tiếp theo là đám hỏi,
rồi đám cưới… Nhưng trong thời gian ấy thì dì con có thai với ba con.
Dì con vô tội, dì đang học trung học ở quê dì. Có thai với ba con nên
bị gia đình từ bỏ, đuổi đi, để giữ thể diện gia đình. Ba về nói thật
với mẹ khi ba mẹ chưa làm đám cưới với nhau. Nhưng mẹ đã có chồng từ
hôm dạm ngõ thì lỗi của chồng là lỗi của mình. Mẹ đã gạt gia đình bên
mẹ nhưng chỉ gạt được bà ngoại. Không gạt được ông ngoại với cậu của
con. Sau đám cưới thì mẹ đi theo ba hết mấy năm để khi ẵm con về nhà
thì nói con là con của mẹ. Mấy năm ấy… đến sau 1975 thì ba của con đi
tù, ông có nhờ mẹ chăm sóc dì dùm ông. Vì thế dì tìm mẹ là vậy. Nhưng
thôi đi. Nay dì, mẹ của con, đang hấp hối trên giường bệnh, bà chỉ
muốn nghe một tiếng mẹ từ miệng con thốt ra, trước khi bà nhắm mắt.
Con gọi dì một tiếng mẹ đi con”.

Tôi chỉ biết người đàn bà đến phút lâm chung trên giường bệnh kia hãy
còn đài các, nét quý phái của bà không nhầm lẫn trong dân gian này
được. Ông lính hầu nhan sắc đứng bất động làm tôi hiểu mình sao cứ mãi
vẫn chưa lập gia đình. Tôi không nói được câu nào hơn là, “con đưa mẹ
về”. Tôi đưa mẹ tôi ra hành lang, vô thang máy, xuống lầu, ra bãi đậu
xe… Mẹ tôi giống dì hơn bao giờ hết là bà đã thôi hấp tấp, không lớn
tiếng, gương mặt bình thản khi nghe tiếng còi vĩnh biệt của nhà thương
hụ lên – vĩnh biệt một người vừa tắt thở.

Nắng tắt đã lâu rồi, ông Mễ chủ quán bước ra bàn chúng tôi với cái ly
giấy của tiệm ông ta. Ông mời chúng tôi thử loại Taquila do ông pha
chế, chúc vui! Một người sành điệu khả kính khi biết chúng tôi đã hết
rượu. Những người khả kính chưa chết hết như tôi thường nghĩ, tôi hẹn
anh bạn hôm nào sẽ đến chào mẹ anh, nắm bàn tay thô nhám của bà nhưng
tôi tin là ấm áp hơn những bàn tay tuyệt đẹp như tay anh. Chúng tôi
chia tay, gió tháng ba đưa tôi về huyễn mộng, nàng thơ xưa về dạo phố
quanh đây, hơi hướm nàng lan toả trời đêm miên viễn như tình yêu của
người lính hầu với giai nhân đã thành thiên cổ. Hàng đèn đường không
hắt bóng người đàn bà một mình trên phố đêm cô độc, nhưng sáng mai bà
thức giấc thanh an hơn loài quỷ dữ vì bà không sanh nhưng có thằng con
trai thương mẹ hết lòng. Sáu cái vỏ chai tranh nhau kể chuyện trong
xe, tiếng rổn rảng đưa tôi về gác trọ.

Phan

 

Hoa Huỳnh chuyền

1 nhận xét:

ĐỆ BÁ NIÊN HOẰNG KHAI ĐẠI ĐẠO- TAM KỲ PHỔ ĐỘ ( Nhứt Bách Niên nhân Rằm Hạ Ngươn Giáp Thìn)

                Múa Rồng Nhang ngày Đại Lễ   Thánh Thất khắp nơi đã tổ chức Đại Lễ Rằm Hạ Ngươn Giáp Thìn rất trọng thể Đại Lễ kính mừng Đệ...