Cụ Giáo về làm dâu phố này đã sáu chục năm nhưng không ai biết tên tục là gì; người lớn trẻ con đều gọi bà Giáo, cụ Giáo, vì ngày trước cụ ông làm nghề dạy học.
Mấy người con gái cụ đều ăn về nhà chồng, ai cũng khá giả, anh con trai duy nhất được hưởng thừa tự nhà đất. Khi ông cụ mất, nhiều người xui cụ bán nhà chia ra, con trai chia hẳn hai suất rồi mua một gian đủ ở, thừa gửi tiết kiệm rút lãi… Cụ giãy nảy: “Chết, không làm thế, làng nước người ta cười cho!” Ít năm sau vợ chồng người con buôn bán phát tài, đập cái nhà cũ xây lên ba tầng, dọn tất lên hai tầng trên; gian dưới chứa hàng, để xe, kê cho cụ cái giường một sát chân cầu thang. Hàng ngày cụ chỉ vịn thang leo gác hai lần vào hai bữa cơm, còn cứ y lời con dâu “Bà quanh quẩn dưới ấy nghỉ ngơi trông nhà cho khỏe, leo trèo làm gì nhỡ ngã.”
Một hôm anh con rút biếu cụ năm mươi nghìn, cụ chưa kịp cầm thì chị vợ đứng sau giằng lại bảo: “Hôm qua mới đưa hai chục đã tiêu gì đến!” Chỉ trong một tuần mà cụ lóng ngóng làm rơi vỡ bát hai lần, thấy con dâu lườm, cụ cúi nhặt mảnh vỡ, hót cơm vãi, mời thì cảm ơn bảo “tôi đủ rồi” rồi lẳng lặng ra giường ngồi. Từ đấy cụ được sắm riêng một cái bát nhựa. Cụ kém răng, ăn chậm và hay nghẹn, thường bị nhắc nhở: “Bà cứ gảy gót, bao giờ mới được dọn để còn nghỉ ngơi!” Sau bận ấy hễ mâm không có canh, cụ để cạnh cốc nước nguội, nhai trệu trạo rõ nhanh rồi chiêu; thấy mọi người bỏ đũa cụ cũng lẩy bẩy chống tay đứng dậy.
Cụ thấy ngày dài quá, chả biết làm gì cho hết ngày, nằm lắm cũng sinh đau mỏi. Cả tháng không nghe thấy tiếng cụ, vì nói với ai, mà cũng chẳng có gì để nói. Làm bạn với cụ là quyển Kiều thiếu trang, rách nham nhở, thỉnh thoảng giở đọc nhưng chả nhớ sách viết gì, lát sau mỏi mắt gấp nhét dưới gối…
Tháng trước cụ lên cơn sốt, bỏ ăn hai ngày rồi chết. Buổi sáng chị con dâu thấy đầu cụ nằm ngoẹo sang bên, hai mắt trợn ngược toàn lòng trắng, mồm há hốc, gọi chồng xuống bảo: “Hình như bà mất rồi!”
Đám tang cụ Giáo tổ chức linh đình trọng thể, có cái máy khóc chạy đĩa cd kể lể công đức to như trời biển chen tiếng thổn thức não ruột. Ông Hội trưởng Hội người cao tuổi ngân nga đọc bài điếu văn dài nửa giờ, lời lẽ văn hoa chau chuốt, cảm động nhất là câu “Cụ đã sống những năm cuối đời an nhàn thảnh thơi trong vòng tay yêu thương tôn kính và sự chăm sóc tận tụy nặng tình nặng nghĩa của con cái…”. Ở phố người ta bảo xưa nay chưa có đám ma nào to như đám cụ Giáo. Đi đầu là đội kèn tây đồng phục trắng, đeo dây thao như lính gác cung Sa Hoàng, rồi đến xe đen chở linh cữu trên mui có tượng Quan Âm kết hoa, tiếp đó là đội bát âm và rất đông sư sãi, hàng chục ô tô, hàng trăm xe máy…
Mấy ông bà đứng tuổi giàu có quanh đấy ngắm nghía rất kỹ đám tang, tấm tắc khen ngợi tang chủ rồi lên giọng với con cái: “Các anh các chị nhìn mà làm gương, chỉ những người hiếu thảo mới báo đáp cha mẹ thành kính chu đáo như thế.”
Chi Nguyên Sưu tầm
Copy FB Hùng Đinh
bài rất hay
Trả lờiXóa