Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

CON NHỒNG - Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc

CON NHỒNG -Truyện ngắn của Đỗ Duy Ngọc

Đến tuổi sáu mươi thì anh mới qua Pháp định cư. Hồ sơ hoàn tất từ hồi tuổi năm mươi, không hiểu sao cứ kéo dài mãi. Toà lãnh sự kêu lên năm lần bảy lượt hết hỏi này nói nọ lại bổ túc hồ sơ. Anh thấy nản, chẳng muốn đi nữa, bỏ ngang. Sau khi vợ anh mất, anh lại càng không nghĩ đến chuyện đấy nữa. Nhưng cô em gái bảo lãnh cho anh, thương ông anh ruột côi cút một mình, cứ thúc anh mãi. Anh cứ lần khân vì anh không muốn làm gánh nặng cho cô em.
Hơn nữa, anh thích sống ở Việt Nam hơn. Ở đây có bạn bè, hàng xóm, bà con. Đi đến đâu cũng có người để nói chuyện. Mà anh lại là người thích chuyện trò. Ra quán cà phê đầu ngõ mỗi ngày, anh gặp bao người, đa số là quen cả, đủ thứ chuyện để nói với nhau. Hôm nào lười nói thì ngồi nghe, nghe người khác nói cũng là một cái thú. Đi sửa cái xe, bắt chuyện với anh thợ trẻ, nghe anh kể tâm trạng nhớ quê, nhớ vợ, thương cho hoàn cảnh của anh. Gặp anh thợ già lại nghe chuyện đời, chuyện lòng người, hiểu thêm nhiều cảnh ngộ. Vợ chồng anh sống giản dị, gắn bó với mọi người nên gặp ai trong phố cũng chào hỏi, nói cười rôm rả. Cho nên khi nhận được giấy tờ định cư, rồi mua vé máy bay, anh buồn lắm, tâm trạng chẳng muốn đi. Nhưng anh cứ lấn cấn chuyện ở đây thì vui nhưng lắm chuyện để nghĩ. Anh là người siêng năng nghe đài, xem báo, đọc mạng, biết nhiều chuyện quá buồn của đất nước, nhìn thấy bế tắc không có lối ra của nền kinh tế đang có dấu hiệu sụp đổ. Hàng ngày chứng kiến những tên tham ô, nhũng nhiễu, cướp của dân nghèo, anh xót xa thấy mình bất lực. Anh rùng mình sợ hãi với cách sống tàn nhẫn nhan nhản trong xã hội, con người tàn sát lẫn nhau để tồn tại, lừa gạt nhau để sống, đầu độc nhau để thủ lợi. Những điều đó làm anh trăn trở và anh nghĩ rời đất nước để không còn phải làm một kẻ chứng nhân và cũng là nạn nhân của sự tàn mạt đó. Anh biết qua đấy sẽ buồn nhiều hơn vui, vì anh đã có thời gian đi học ở đấy, nhưng ít ra anh khỏi phải là người chứng kiến một sự đứt gãy và sụp đổ những giá trị văn hoá mà anh đã một thời tôn thờ và ngưỡng vọng. Anh không muốn nhìn thấy những nền nếp lâu đời của một dân tộc đang rã nát. Và vì thế anh đi.
Khi máy bay tăng tốc để rời phi đạo, anh khóc khi nhìn qua cửa sổ và phía dưới kia là những con đường, những nóc nhà, những địa điểm quen thuộc. Và bỗng dưng anh tự nghĩ mình quyết định thế này có đúng không?
Nước Pháp đón anh với những cơn gió lạnh mùa đông tái tê. Anh thấy mình cô dộc hơn bao giờ với mớ hành trang lỉnh kỉnh. Những ánh đèn màu lung linh trên phố, tiếng người xôn xao nhưng không có giọng nói của quê hương khiến anh bơ vơ.
Ở chung với gia đình cô em được mấy tháng, anh thấy không được thoải mái lắm, lại thêm chẳng muốn làm phiền. Anh đi thuê một căn phòng nhỏ ở khu Saint Denis, một vùng ngoại ô và giá bình dân, nhưng khá lộn xộn. Cả ngày chẳng biết làm gì, anh lang thang ra công viên, vào quán cà phê bên đường, sáng ăn cái bánh croissant, uống ly cà phê sữa, trưa ăn khúc bánh mì mong có găp một người Việt để cùng nói chuyện năm ba câu. Cũng có khi gặp, nhưng ai cũng vội, chỉ mình anh không vội nên chỉ nói hai ba câu xã giao hờ hững. Anh thèm được nói chuyện, được nghe tiếng Việt như những ngày ở quê nhà, nhưng khó quá. Có nhiều đêm trong căn phòng nhỏ, không ngủ được, anh nhồi cho mình một cối thuốc đầy, thắp một ánh nến, rót một ly rượu rồi ngồi nói một mình như kẻ điên. Sau những lần độc thoại như thế, anh lại cảm thấy mình cô đơn hơn, chán nản hơn. Đối diện phòng anh là phòng của một tay Mỹ già. Ông ta vốn là một thuỷ thủ tàu buôn, đến lúc tuổi già thì rời vùng đất đầy gió biển Marseille về Paris chứ nhất định không về Mỹ. Lão bảo cứ xuống phi trường, đặt chân lên đất Mỹ là lão buồn ói. Ở lâu, hai lão già thành bạn, lâu lâu cũng ngồi với nhau nhấm nháp ly rượu, nhai một chút xúc xích, nói với nhau bằng hai thứ ngôn ngữ lơ lớ nhưng cũng hiểu nhau. Lão già Mỹ nói tiếng Mỹ pha chút tiếng Pháp, lão già Việt nói tiếng Pháp pha chút Mỹ, lâu lâu lại chêm tiếng Việt khiến tay người Mỹ ngẩn ngơ. Mỗi lần như thế, anh lại xin lỗi và bảo tại nhớ tiếng Việt quá.
Anh tìm đến cộng đồng người Việt, tham gia nhiều sinh hoạt với họ, được dịp nghe và nói tiếng Việt. Những cuộc gặp gỡ như thế thường chỉ tổ chức vào cuối tuần hoặc dịp lễ lạc. Thời gian đầu anh thấy thú vị và sung sướng lắm. Nhưng rồi lần hồi, anh nhận ra mấy tổ chức này lung tung quá, nhiều khuynh hướng chính trị quá lại cứ cãi nhau như mổ bò, tranh dành danh hão, gặp nhau là dịp để khoe đủ thứ trên đời, nói xấu thiên hạ. Anh nản nên rút lui dần, chỉ còn mỗi tuần đi nhà thờ ở cuối phố, gặp mấy bà già Việt qua đây từ thuở nào, chào nhau, nói vài chuyện. Các bà qua lâu quá rồi nên cũng chẳng có nhớ chuyện gì để nói ngoại trừ nhắc lại mấy chuyện xa lắc lơ của thập kỷ bốn mươi của thế kỷ trước ở vùng quê chiêm trũng Bắc bộ.
Và rồi anh phát hiện có bà cụ nuôi một con nhồng biết nói tiếng Việt. Cũng tình cờ thôi, hôm đó lễ xong trên đường về thì anh cùng đường với bà cụ. Bà cụ khoe anh là vừa được cậu cháu vừa đi Việt Nam về biếu cho con nhồng nói được. Cụ bảo gian truân, ma mãnh lắm mới đem được con chim qua đây. Thế là anh ghé nhà bà xem thử, con nhồng nói được thật, nhưng chỉ nói được "Trời ơi" và nhiều tiếng ậm ừ trong họng. Nhưng thế cũng là tốt rồi. Anh chợt nghĩ, giá mà anh có con chim thế này nuôi trong phòng, anh sẽ dạy nó nói thêm nhiều tiếng nữa, suốt ngày chim và người nói qua lại với nhau, cũng là điều quá thú vị. Từ đó, anh siêng đến thăm bà, để nghe bà ngọng nghịu nói vài tiếng Việt và chủ yếu là nghe con nhồng hét lên "Trời ơi". Bà cụ già, lười biếng nên chuồng chim lúc nào cũng đầy phân chua loét, lần nào ghé anh cũng dọn sạch lồng cho chim nên lần hồi chim cũng quen anh, mỗi lần thấy bóng anh là nó ngước mỏ lên mà la "Trời ơi". Bỗng một hôm bà cụ bảo anh: Anh ạ! Tôi thấy anh quý chim, tôi cũng thích nó nhưng không khoẻ để chăm sóc nó cho tốt. Hay là tôi xin tặng anh, anh đem về chăm sóc nó tốt hơn tôi. Nghe thế anh mừng húm, anh bảo gởi cho cụ ít tiền, cứ xem như anh mua lại con chim của bà cụ.
Từ đó, anh có con nhồng làm bạn. Anh đặt cái lồng giữa phòng, chùi rửa mỗi ngày, thức ăn, tắm rửa đầy đủ nên chim càng ngày càng phổng phao, bộ lông đen nhánh như nhung, cái mỏ với đôi tai lủng lẳng vàng choé như múi mít chín. Và cũng nhờ khoẻ nên chim siêng nói, nhưng chưa học thêm từ nào mới, vẫn cứ vểnh mỏ mà la "Trời ơi". Anh cũng trời ơi với nó, nói qua nói lại suốt ngày. Anh muốn dạy nó nói "Mẹ ơi", " Ba ơi", "Việt Nam ơi". Nhưng nó vẫn ầm ào trong miệng, phát âm chẳng rõ ràng. Anh bớt đi lang thang. Sáng pha cà phê, cắt cho chim miếng chuối, cho miếng croissant, chim kêu "Trời ơi". Anh hớn hở cười, nói lại "Trời ơi". Suốt ngày không biết chán. Chim và người cứ đối thoại với nhau như thế và anh thấm hơn cái nghĩa của chữ trời ơi của người Việt. Anh định viết một bài nghiên cứu về "Trời ơi" trong phong tục và ngôn ngữ của dân Việt, anh nghĩ chắc cũng lắm cái hay. Anh sẽ phân tích cái chữ trời ơi trong mọi hoàn cảnh mà người Việt thường dùng khi sung sướng cũng như lúc đau khổ, lúc ngạc nhiên cũng như lúc bế tắc của số phận. Anh khám phá ra triết lý của chữ trời ơi nó phong phú quá, nó sâu xa quá.
Mấy người bạn cũ của anh nay đang định cư ở Mỹ rủ anh qua Mỹ chơi nhân dịp họp mặt truyền thống trường học xưa thời trung học. Chuyến đi dự định một tháng. Anh chỉ một mình, đi đâu cũng được, ở đáu cũng thế nên chuyện đi đối với anh, anh chẳng có gì phải băn khoăn. Chỉ cần mua vé, xách vali lên là đi thôi. Nhưng anh ngại không ai chăm sóc con nhồng, cũng chẳng biết gởi ở đâu trong những ngày anh vắng mặt. Thời may, khi biết nỗi âu lo của anh, anh bạn Mỹ già mở lời sẽ chăm sóc chim chu đáo như lời anh dặn dò và khẳng định sẽ chẳng có chuyện gì có thể xảy đến cho chim.
Tin tưởng lời hứa của bạn già, anh đi Mỹ một tháng mà lòng cũng lo âu, vài hôm điện về Pháp hỏi thăm, biết chim vẫn khoẻ là an tâm rồi.
Lão bạn già người Mỹ đón anh ở phi trường lúc anh về lại Pháp. Câu hỏi đầu tiên của anh là chim sao rồi, khoẻ chứ. Lão Mỹ nhìn anh tủm tỉm cười: Khoẻ và hay hơn trước nhiều. Trong mắt lão ánh lên một tia nhìn tinh quái đầy vẻ bí mật. Anh hỏi lão chỉ cười: Về biết liền. Mở cửa phòng, thả cái vali, anh kêu: "Trời ơi" như lời chào. Con chim ngóng mỏ chào lại:"Oh my God". Cái gì thế này? Anh lập lại:"Trời ơi". Chim cũng trả lời:"Oh my God". Anh lập lại nhiều lần, chim vẫn trả lời :"Oh my God". Anh quay nhìn lão Mỹ, lão cười ha hả với giọng đắc thắng: "Mày thấy tao giỏi không? Chỉ một tháng, tao đã dạy nó nói được tiếng Mỹ, chưa đâu, nó còn biết chào Hello nữa kia, rồi mày sẽ nghe". Anh điên tiết nhìn hắn với cặp mắt toé lửa: "Tao chỉ muốn nó nói tiếng Việt, mày hiểu chưa, tao không muốn nó nói tiếng Mỹ". Lão Mỹ cười khùng khục: "Tiếng nào cũng thế thôi, mày phải cám ơn tao vì đã dạy được nó nói". Anh quắc mắt la lẻn: "Cám ơn cái con cặc, đụ má mày, mày làm hư con chim của tao rồi. Cút mẹ mày đi". Lão Mỹ nhìn anh ngạc nhiên, đôi mắt xanh mở to như mắt khỉ, ra dấu chẳng hiểu gì. Mà làm sao nó hiểu, làm sao giải thích cho nó biết anh chỉ cần chim nói tiếng của dân tộc anh, của quê hương xa tít của anh, để anh cảm thấy gần gũi với quê nhà. Anh chỉ cần nghe tiếng trời ơi, chỉ cần thế thôi. Lão thuỷ thủ già không hiểu điều đó, lão không có ý niệm quê hương, lão buồn ói khi nói về đất nước của lão, không có chút đồng cảm trong chuyện này thì làm sao để gỉải thích.
Anh đứng giữa phòng la to:"Trời ơi". Nhồng trả lời:" Oh my God". Cuộc đối thoại nhàm chán suốt như thế cho đến khi anh khản cả cổ. Chim đã quên tiếng Việt. Suốt cả tuần, trừ lúc ngủ, lúc ăn, anh cứ đứng với lồng chim mà kêu:"Trời ơi". Và chim mãi trả lời : "Oh! My God". Không biết tay Mỹ già dạy sao hay thế. Lần hồi, anh khám phá ra lão già cho chim ăn Hamburger. Anh chỉ cho nó ăn bánh Croissant. Lão cho Hamburger có thịt, chim khoái nghe lời lão. Anh lại biết thêm lão cho chim uống rượu Whisky, trong khi anh chỉ cho chim uống nước lã. Hèn gì, anh châm nước cho nó, nó chấm mỏ vào rồi vung vẩy, lấy mỏ kẹp nghiêng hủ nước cho đổ lênh láng. Hoá ra nó đòi Whisky. Lão này mất dạy thật. Con chim đã hư rồi. Bây giờ nó chào Hello khi muốn ăn, nó kêu Whisky khi muốn uống, lúc anh hét trời ơi, nó trả lời Oh! My God! Việc đó làm anh phát điên. Anh bỏ mấy tuần để dạy lại tiếng trời ơi cho nó, nhưng nó làm như đã quên rồi. Nó chỉ Oh! My God. Nhiều lần, tức quá anh đập mạnh trên nóc lồng rầm rầm, nó bay loạn xạ, dáng điệu ngạc nhiên, sợ hãi nhưng vẫn kêu : Oh! My God! Tức không chứ. Giờ thì nó chỉ ăn Hamburger, uống rượu và nói tiếng Mỹ.
Chịu hết nỗi, anh túm lấy chân nó, mở cửa sổ, tung nó ra ngoài trời. Anh nói: "Bay đi, tao không cần mày nữa". Nó chao một vòng. Paris đang mùa thu, lá vàng trên cây, lá đỏ dưới đất. Con chim màu đen lượn mấy vòng trong sắc thu rồi trở lại đậu trên bậu cửa sổ. Anh bảo: Trời ơi. Nó: Oh! My God. Nhiều lần như thế, bực mình anh xua nó bay đi, đóng cửa sổ lại, ngồi vào ghế nhồi cối thuốc. Nó quay lại, lại đậu trên bậu cửa, mỏ gõ cành cạch vào cửa kính. Nó kêu Hello, Hello!
Anh hét: Trời ơi!
Nó trả lời: Oh! My God!
Anh ném mạnh tẩu thuốc đang hút vào cửa, chim hoảng hồn bay đi, vừa bay vừa kêu: Oh! My God!
Không biết nó kiếm ăn ở đâu, đêm có lẽ nó ngủ trên cành cây phía bên kia đường. Nhưng suốt cả tháng, sáng nào nó cũng đậu nơi cửa sổ phòng anh, dùng cái mỏ vàng gõ cành cạch vào cửa kiếng mà Hello với Oh! My God!
Thế rồi một hôm nó mất hút, mấy ngày không thấy bóng dáng nó. Anh mở cửa sổ, ngước lên cây gọi liên tục: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi!. Chẳng có tiếng vọng nào. Anh vẫn gọi, lớn hơn: Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Trời ơi! Những người đi đường nhìn lên, cứ nghĩ có một lão già châu Á đang bị điên, có lẽ vì lão nhớ quê hương.
Con chim Trời ơi của anh đã vỗ cánh bay mất, suốt cả buổi anh cứ gọi mãi trời ơi, hi vọng nó sẽ bay về. Nhưng nó đã mất biệt. Giọng anh lạc đi với hai hàng nước mắt. Nó đã nói tiếng Mỹ rồi. Nó đã quên tiếng Việt rồi. Thôi! Anh cũng đành quên nó đi.
 
DODUYNGOC

1 nhận xét:

KHAI XUÂN - Thơ Trần Văn Hạng và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài xướng: KHAI XUÂN Xuân về nhựa sống trải muôn nơi Hoa lá ngày xuân đẹp tuyệt vời Lộc nõn đầu xuân khai tiết mới Chồi non Ất tỵ lập xuân t...