Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

TÔI ĐI HỌC / Hồi ức tuổi thơ của CHS/THTN Nguyễn Cang


TÔI ĐI HỌC / Hồi ức tuổi thơ của CHS/THTN Nguyễn Cang                           
                                                                       
   
  Tôi bước chân vào đời với một chút hiểu biết ở cái tuổi 7. Nhiều sự việc xảy ra trong thời gian nầy khiến tôi trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi . Đôi khi tôi tự hỏi tại sao tôi được sinh ra và lớn lên ở cái làng hẻo lánh nầy ? Đó là làng Rừng Da, xã Lợi  Thuận, quận Bến Cầu tỉnh Tây Ninh . Cho mãi về sau nầy khi tôi kể cho bạn bè nghe về làng tôi thì cũng chẳng ai biết nó ở đâu. Trước đó một năm, tức năm tôi lên 6, vì còn nhỏ nên tôi không biết những việc xảy ra trong làng làm ảnh hưởng  đến cuộc sống của người dân ở đây. Hằng ngày tôi vẫn chạy nhảy tung tăng trên luống rau, bờ ruộng tưởng rằng cuộc sống sẽ êm đềm như dòng nước chảy ven bờ đê với những đám mạ non xanh rì chạy thẳng tấp tận ngoài xa...
       
 Ba tôi hằng ngày vẫn đi làm ruộng ở xả kế bên, còn mẹ và chị thì quảy  gánh chứa mấy bó rau, trầu cau , chanh, quít , gạo ...ra đi từ tờ mờ sáng cho kịp phiên chợ ở Rừng Dầu cách nhà độ 5 cây số. Sau nầy lớn lên tôi mới biết khoảng cách đó quá xa cho người đi bộ phải gánh đồ nặng .  Với mớ đồ hàng bông ít ỏi như thế thì tiền lời cũng chẳng là bao. Nhưng biết làm sao với gia đình đông con không làm thì lấy gì mà sống? Và, tôi cũng bắt đầu hiểu được tại sao tôi không có áo quần lành lặn, không có đồ chơi như những đứa trẻ con nhà giàu trong làng. Thỉnh thoảng mẹ mua về cho vài miếng bánh, kẹo làm quà cho con. Những lúc như vậy thì chị ba, tôi, và đứa em kế  lấy làm vui mừng thích thú. Chị hai nói : miếng nầy của thằng Cang, miếng kia của thằng Chủ miếng nọ là của con Chói.
       Năm tôi lên 7 cha mẹ tôi tậu được hai con trâu. Hằng ngày tôi làm bạn với hai con vật nầy. Ba tôi bảo tôi dẫn trâu ra bờ tre gần nhà , cho ăn cỏ chiều tối dẫn trâu về. Bửa ăn trưa của tôi là một chén cơm  đầy được ém trong chiếc mo cau với một chút muối ớt.  Có khi chị hai mang thêm ra cho tôi một chén cơm nữa vì sợ tôi ăn không đủ no. Trưa bụng đói, tôi ngồi dưới hàng tre bóng mát ăn ngon lành. Nhìn mái nhà tranh bên kia mấy đám ruộng , tôi thấy thấp thoáng  bóng dáng của chị hai, của em tôi và của má tôi đi chợ về, lòng tôi dâng lên niềm vui hạnh phúc. Ôi! cái hạnh phúc thật đơn sơ mà sao tôi thấy nó thật lớn! Đôi khi, nổi hứng tôi leo lên mình trâu ngất ngưởng vừa ăn vừa hát mấy câu ru em mà tôi học lóm của má ru thằng em lúc còn nhỏ: " Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ...". Tuổi ấu thơ, tôi thật vô tư, thấy đời vui và đẹp, không nghĩ gì xa hơn. Có những buổi chiều mát, tôi cột hai con trâu vào cọc rồi rủ vài đứa bạn lối xóm chơi đánh trổng hoặc đá banh, trái banh không phải bằng cao su hay bằng da mà bằng trái bưởi được bó bên ngoài bằng một lớp cỏ tranh cho êm chân. Coi vậy mà chúng tôi đá rất hăng, vui hết biết! 
       Thời gian cứ êm đềm trôi qua...Bỗng một hôm hai con trâu nhà tôi trở chứng, trên đường về nó không chịu bước. Thình lình con  trâu Mẫm rượt con Pháo báng vào đít con nầy. Con Pháo cũng không vừa nó quay lại cụng mạnh vào đầu con Mẫm. Hai con trông đằng đằng sát khí, bốn con mắt đỏ lừ như muốn ăn tươi nuốt sống nhau. Tôi sợ quá chạy nhanh về nhà gọi ba ra can thiệp. Khi ba tôi tới nơi thì một con còn đứng đó còn một con thì chạy ra khỏi luỹ tre làng về phía Bàu Mây. Nhìn lại "chiến địa" tôi  kinh hồn: chúng dẫm nát cả một đám mạ non vừa mới ương. Con Mẫm bị đâm một nhát ở đùi máu ra lênh láng còn con Pháo thì bị lủng một lỗ gần cổ họng nó thở ồ ồ như sắp đứt hơi. Ba tôi lần lượt dẫn hai con về nhà nhốt riêng hai nơi. Ba cẩn thận siết vàm từng con bằng dây luộc thật chặt đề phòng chúng đánh nhau lần nữa. Không lâu sau đó ba tôi quyết định bán hai con vật, cũng  từ đó tôi không còn nghêu ngao dẫn trâu ra đồng nữa. Bây giờ rỗi rãnh tôi hay lang thang đầu trên xóm dưới, khi lại nhà bà con nầy rũ anh em đi chơi lúc tới nhà người kia bắn đạn. Những viên đạn làm bằng đất sét chớ không phải như những viên bi mà các em học sinh tiểu học mang vào trường chơi trong giờ ra chơi hoặc trước giờ học. Có điều đáng nói là cha mẹ tôi khó có thể nghiêm cấm tôi đi chơi như vậy vì ba tôi, trời hừng đông  đã  ra ruộng rồi, còn mẹ và chị cũng đi bán rất sớm. Khi nào cần thì mẹ hoặc chị đứng trước cửa nhà bắt tay làm loa kêu thật lớn tên tôi. Khi nghe tiếng chị kêu là tôi biết quay về., còn nếu tôi đi chơi xa không nghe thì mấy đứa nhỏ hoặc người trong xóm nhắn lại :" Má mầy kêu nãy giờ sao còn đứng đây ? Về mau kẻo ăn đòn nứt đít.” Nghe vậy là tôi ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà.
      Một bửa nọ tôi theo một thằng bạn đi bẫy chim sắc , áo dà (một loài chim nhỏ hơn chim sẻ, sắc lông  nâu sậm tiếng kêu chíp chíp nghe rất hay ) . Cái bẫy là một thanh tre có hai chia , chia trên cắt ngắn độ một gang tay, dùng để chim mồi đậu, chia dưới dài  hơn hai gang tay,  được trét mủ mít, có nắp đậy bằng ống trúc để giữ cho mủ được dẽo, chắc. Chúng tôi cắm bẫy rồi núp vào bụi cây chờ chim bay đến. Trời chiều, gió nhẹ đong đưa mấy cành tre. Văng vẵng đâu đây có tiếng gọi nhau ơi ới của trẻ mục đồng lùa trâu về chuồng. Con chim mồi đứng yên thỉnh thoảng  kêu lên tha thiết như gọi đàn, họp bạn. Bất ngờ từ xa một đàn chim bay ngang, con chim mồi kêu lên thảm thiết cầu cứu. . .Đàn chim đang bay bỗng xà xuống đậu ngay trên chia tre có mủ, chưa kịp hỏi thăm bạn mình thì lập tức chúng tôi chạy tới tóm cả lũ, có khi 4-5 con có khi 1-2 con . Con nào cũng bị mủ dính chặt vào chân không thoát được. Thấy trò chơi nầy hay quá tôi bắt chước làm một cái bẫy như vậy rồi năn nỉ bạn cho một con chim  làm mồi . Hằng ngày  khi trời xế bóng , những tia nắng vàng vừa rớt nhẹ trên hàng cây là tôi mang lồng và bẫy ra trước hàng tre để bẫy. Tôi bẫy được nhiều chim đến nổi cái lồng không còn chỗ  chứa. Lúc ấy tôi mới tuyển con nào ốm yếu thì vặt lông làm thịt nướng chấm muối tiêu ăn ngon lành. Trò chơi nầy cứ tưởng kéo dài, tôi bỗng giật mình vì ngày vui chóng qua...
      Một hôm ba tôi đi lên xóm trên thấy đứa cháu bên ngoại nó biết đọc truyện "Tề Thiên Đại Thánh", lại viết chữ đẹp nữa, ba tôi cảnh cáo: từ nay tôi không được đi bẫy chim  mà phải đi học. Nghe tới học tôi buồn lắm, như vậy là  tôi không còn tự do, tất cả thì giờ đều phải dành cho  việc học. Ba tôi muốn tôi  học giỏi như  đứa cháu ở xóm trên trong  một thời gian ngắn. Tuổi ấu thơ của tôi như bị một lực cản. Còn đâu những giờ phút đi bẫy chim , những giờ phút đi đá banh  hay nô đùa với bạn bè lối xóm? Tôi buồn trong bụng nhưng  không dám cãi lịnh của ba. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao phải đi học? Nó có ích lợi gì đâu? Nếu học để biết đọc biết viết thì cần gì. Ở nhà, từ trước tới nay tôi đâu thấy ba tôi làm đơn xin xỏ điều gì hay viết cái chi.
      Tôi miễn cưởng theo ba đến nhà thầy giáo ở xóm trong để xin học. Buổi sáng hôm ấy trời còn mờ sương, gió heo may thổi nhẹ tôi cảm thấy không gian trầm lắng hơn mọi ngày vì  hôm nay tôi đi học. Chân bước đi mà lòng hoang mang không biết thầy có khó không? Có đánh mình không? Con đường dài hun hút như muốn kéo dài thêm ra, nó xuyên qua khu rừng dày đặc, vắng ngắt. Không gian im ắng, thêm vào là bóng tối của rừng rậm như có âm binh đang nhẩy múa trước mặt. Con đường tôi chưa bao giờ đi qua. Đã vậy giữa đường có một cây đa cổ thụ, cành lá sum sê , rễ giăng tua tủa , thòng tới đất. Trên cành chim chóc giành ăn trái, cắn  nhau  kêu  chí choé  vang động cả khu rừng. Ngó lên trên tôi tưởng  như  có một con quỷ đang đánh đu trong hốc cây rồi lè cái lưỡi dài ngoằng tới đất khiến tôi rùng mình không dám bước.. Ba tôi kéo tay tôi, giục: "Đi nhanh lên con , đường còn xa lắm.” Tôi thu hết can đảm chạy vụt qua khỏi cây đa rồi lúp xúp nối gót theo ba. Qua khỏi khu rừng rậm nầy thì tới khu đất trống , lác đác vài nhà toả khói trên mái tranh. Tôi đoán người ta đang nấu cơm sáng chuẩn bị ra đồng hay đi buôn gì đó. Thình lình ba quẹo vào con đường nhỏ rồi nói vói lại: "Tới nhà thầy giáo Tiếu rồi, vào đi con .”
       Nhà thầy có hai gian ngăn cách bởi một tấm phên đan bằng tre, một phần để gia đình ở phần còn lại dài và rộng dùng làm nơi dạy học .Tôi thấy kê độ 10 cái ghế dài bằng tre nẹp chặt, còn bàn thì làm bằng gỗ tạp đóng sơ sài. Lớp học lợp bằng tranh phủ gần sát đất để tránh mưa tạt, trống lốc trống lơ. Nghe có tiếng chó sủa thầy ra tiếp chúng tôi.
Ba tôi nói: "Nhờ thầy cho tôi gởi cháu vào học.” Ba tôi day qua tôi  bảo :" Chào thầy đi con.” Tôi quay lại :" Chào thầy ạ!" Thầy “ừ” rồi bảo tôi ra đàng trước chơi để thầy nói chuyện với ba tôi. Tôi bước ra ngoài, thấy vài ba đứa học trò cở tuổi tôi đang chơi đùa ngoài sân. Đây là những đứa đi học sớm , chưa tới giờ nên nó đi quanh quẩn chờ đợi.Tôi bẽn lẽn nhìn các bạn mà thấy khớp, đứa nào đứa nấy ăn mặc tươm tất, sạch sẽ còn tôi thì xuềnh xoàng, tóc tai tua tủa chưa kịp hớt. Tôi đứng nép vào vách, cái mặc cảm thua kém hiện rõ trong lòng tôi. Tụi bạn thấy vậy xúm lại dòm tôi rồi xì xào gì đó. Tôi đang suy nghĩ mông lung thì ba tôi bước ra giục tôi về. Ba bảo: "Thầy đã chấp thuận cho con học buổi sáng, bây giờ đi về sắm tập vở bút mực ngày mai trở lại.
       Đây là bước ngoặt  trong cuộc đời của tôi, sự thay đổi nầy đưa tôi về đâu tôi không biết. Thực ra tôi có biết cái gì là tương lai đâu, bảo học là học chứ trong lòng tôi không vui chút nào. Một câu hỏi lúc nào cũng lởn vởn trong đầu tôi là học để làm gì sau nầy? Những đứa trẻ cở tuổi tôi trong xóm có đứa nào đi học đâu! Vậy mà tôi phải chịu cái "khổ ải " này hơn 6 tháng! Càng ngày tôi càng lười biếng hơn vì từ khi tôi biết viết thì thầy cho nhập chung với các bạn học trước. Mỗi ngày thầy bảo một đứa viết chữ đẹp lên bảng chép bài , thầy đưa cho nó một cuốn sách cũ rồi bảo chép bài tập đọc. Khi bạn tôi chép bài trên bảng thì thầy bảo cả lớp chép theo. Độ nửa giờ sau thầy bảo học trò ngưng lại nghe thầy đọc trước từng câu rồi bảo học trò đọc theo. Trò nào chép bài xong thì đem lên thầy chấm điểm. Trò nào viết chữ đẹp thì thầy cho 10 điểm thật lớn, còn chữ xấu thì 6,5,4...điểm. Giờ học : từ 9 giờ-12giờ . Ngày nào cũng học bấy nhiêu không có giảng bài , không có tập làm văn, không có toán, không có  chữ Tây chữ u gì hết cho nên tôi chán là vậy. Ba tôi cũng không ngó ngàng gì việc học  của tôi. Mỗi ngày đi và về  mất độ hai tiếng . Một hôm tôi nói với ba tôi không muốn học nữa. Ba lấy tập vở tôi  ra xem , ngẫm nghĩ thế nào, ổng đồng ý cho tôi nghỉ  học. Tôi mừng quýnh , nhưng ba tôi chận lại và bảo ba sẽ tìm thầy mới cho tôi học tiếp. Thế là tôi mừng hụt!
       Thầy dạy đầu tiên của tôi cách nay hơn nửa thế kỷ, mà hình ảnh của thầy  vẫn còn in đậm trong tim mặc dù kỷ niệm thời thơ ấu đã chìm vào ký ức theo cát bụi thời gian và những biến cố lịch sử .  Tưởng rằng chỉ mình tôi biết tên thầy và lớp học của thầy ở xóm trong của làng Rừng Da, ai ngờ cách nay 10  năm, trong lúc ngồi ăn cơm trưa với bạn bè trong hãng tôi gặp lại hai người bạn đồng hương Tây Ninh, anh thứ nhứt tên Sầm Nâu ( trước 75 dạy học tại Tây Ninh, mất cách nay 8 năm), anh thứ nhì tên Nguyễn văn Chiến, anh Chiến không những học cùng trường trung học Tây Ninh mà còn học chung với tôi ở lớp thầy Tiếu ở làng Rừng Da! Khi kể cho nhau nghe chúng tôi ôm chầm lầy nhau mừng rỡ , cảm động chảy nước mắt. Thật bất ngờ và kỳ diệu không thể tưởng tượng nổi! Làm sao chúng tôi nhận ra nhau được khi chia tay nhau hơn  60 năm? Mà lúc ấy mỗi đứa chỉ 6-7 tuổi! Câu chuyện có như thế mà chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại hoài không biết chán. Thì ra, anh người cùng làng với tôi, anh ở xóm trong còn tôi xóm ngoài, cùng học một  thầy  mà chẳng ai biết ai, mãi hôm nay hơn nửa đời người mới nhận ra nhau ở hải ngoại nầy. Anh Chiến còn cho tôi biết khi đậu xong THĐ1C anh nộp đơn  xin  thi làm chuyên viên cơ khí sửa chữa máy bay! Anh may mắn thi đậu, được cử đi học khoá huấn luyện đặc biệt tại Huê Kỳ. Sau khi mãn khoá anh về làm việc tại trung tâm sân bay Tân Sơn Nhứt. Một thời gian sau anh gặp lại người bạn cùng trường trung học Tây Ninh là anh Huỳnh Châu Thoại ( mất cách nay độ 15 năm) cũng vô phi trưởng Tân sơn Nhứt để nộp đơn xin làm chuyên viên như anh , nhưng anh Thoại kém may mắn, thi rớt ( trước 75).  Hiện anh Chiến sống tại Sanjose. 
       Một hôm ba tôi thức dậy thật sớm giục tôi súc miệng rửa mặt để ba dẫn tới trường mới. Một lát sau, khi mọi việc xong xuôi, tôi theo ba bước ra khỏi cửa hướng  về  Ngã Tư ( gọi là Ngã  Tư vì nó có 4 nhánh, một đi Bàu Gõ, một đi Gò Dầu Hạ, một đi Rừng Da và một đi Bến Cầu). Tôi khoanh hai tay lại, ôm chặt lấy ngực cho đở lạnh, cái áo đen mỏng rách một mảng bên hông không đủ che ấm thân, còn cái quần cụt thì ngắn quá, tôi lom khom bước nhanh theo ba cho kịp giờ học ở trường mới .Mặt trời chưa lên cao, hơi sương còn đọng lại trên cành cây ngọn cỏ dọc hai bên đường. Con truông nhỏ ở đầu xóm như hẹp lại, âm u không một bóng người, nó ngòng ngoèo như con rắn khuất tận đàng xa,  có chỗ tôi  phải lách qua bụi cây bên đường để tránh vũng nước. Hầu hết hai bên đường đều có nhà, thỉnh thoảng có người tới lui, lác đác  nhà  nầy cách  nhà  kia chừng vài trăm thước, luôn có hàng rào tre hoặc trúc bao bọc. Trên đường đi có khi  gặp một chiếc xe bò vượt qua mặt chúng tôi. Tôi nhìn theo, ước gì họ chở mình thì đở  biết mấy. Hai cha con đi mất một  giờ thì tới nơi. Tôi tính nhẫm "trường" nầy xa hơn trường cũ độ một cây số. Khi tới nơi thì học sinh đã vào lớp cả rồi. Ba tôi tiếp xúc với thầy , nói đôi điều chi đó, tôi nghe loáng thoáng : "Thằng con tôi nó biết đọc biết viết hết rồi, nhờ thầy luyện thêm cho nó.”  Ba tôi dìu tôi tới trước mặt thầy, giao tôi cho thầy rồi bước ra khỏi lớp. Ba dặn :"Khi nào tan học thì theo đường cũ mà về.” Tôi hoang mang không chắc mình còn nhớ đường về vì đây là lần đầu tiên tôi tới nhà thầy. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì thầy nắm lấy tay tôi dẫn xuống ngồi bàn chót. Thầy dặn :"Ngồi đây xem các bạn khác học rồi bắt chước.” Tôi riu ríu ngồi xuống ghế mà lòng rối như tơ vò. Chỗ ngồi đã chật như càng chật thêm do tâm trạng  bất ổn trong lòng tôi. Tôi nhìn quanh quan sát thấy lớp học dài và rộng. Học sinh đâu mà đông thế! Thầy kê hơn 10 ghế dài cũng nẹp bằng tre    lớp vẫn chật cứng. Lớp học tách riêng với nhà ở, cũng lợp bằng tranh, vách dừng bằng phên tre cao tới ngực.  Thầy Ngọc tuổi độ 30  dáng quắc thước, nghiêm trang đầy khắc khổ. Thầy tới lui giảng bài ra dáng một thầy giáo chuyên nghiệp. Thầy đi xuống đứng cạnh tôi bảo lấy tập ra đề ngày bằng tiếng Tây. Tôi chưng hửng, ngó thầy ...ú ớ..một hồi rồi thưa :"Thưa thầy con không biết tiếng Tây !"  Thầy cau mày: "Ủa!Sao ba trò nói trò biết đọc biết viết hết rồi?”
      -Con viết được tiếng Việt chứ không viết được tiếng Tây, vì không ai dạy con học tiếng Tây.
      Thầy tỏ vẻ thất vọng bỏ đi. Bất thình lình thầy gọi anh bạn ngồi sát bên tôi lên bảng làm toán. Bạn nầy có vẻ sợ sệt đứng dậy mà chân không bước ra. Sau cùng anh cũng lách mình sau lưng tôi rồi bước lên bảng. Tôi nhìn bài toán trên bảng,  không biết thầy viết cái gì vì tôi chưa từng học làm toán cộng, trừ, nhân chia. Tôi thấy anh bạn cầm cục phấn mà tay run run, tôi bắt đầu lo cho số phận của anh ta. Bỗng thầy hét lên :" Tại sao không làm được? Đã học rồi mà sao đứng đó?"  Anh bạn tôi thất sắc đứng bất động. Thình lình thầy quất mạnh cái roi mây vào đít anh bạn làm anh nhảy tưng lên, chưa hết, thầy nắm tóc anh bạn dọng mạnh vào bảng nghe cái rầm! Tất cả học sinh hồn vía lên mây. Còn tôi cũng thật bất ngờ khi chứng kiến tánh nóng nảy của thầy. Tôi biết chắc, sau anh bạn nầy thế nào cũng tới tôi. Hoảng quá , đợi lúc thầy quay mặt sang hướng khác tôi nhanh nhẹn lẽn ra khỏi lớp không một lời từ biệt thầy. Tôi chạy thật nhanh vì sợ thầy rượt theo bắt lại. Kỷ niệm với thầy Ngọc trong buổi học đầu tiên cũng là buổi học cuối cùng trong đời học sinh của tôi ở lớp thầy! Hình ảnh đó đã ghi sâu trong lòng tôi không bao giờ phai nhạt.Tôi không trách thầy, không giận thầy, tôi chỉ trách cho số phận của mình không được sinh ra trong gia đình giàu có để tôi có thể học hành đàng hoàng hơn. Cái lỗi nầy là tại con chứ không phải tại thầy. Con xin lỗi thầy...
(Sanjose 25/10/2013)

                                                                                 CHS/THTN Nguyễn Cang

 -   Kính dâng hương hồn Ba Má đã vì con mà  cương quyết từ biệt cái nơi hắc ám của thời chiến tranh để tìm cuộc sống mới an bình.
- Kính tặng giáo sư Phạm bạch Tuyết người đã khuyến khích tôi viết lại đoạn đường nghiệt ngã thời thơ ấu của mình.
       


1 nhận xét:

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...