Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Phi Thuyền Từ Thức Nhập Thiên Thai - Uyên Quang -Nguyễn Hưng Quảng



Phi Thuyền Từ Thức Nhập Thiên Tha
i

(Khoa học viễn tưởng-Tác giả:Nguyễn Hưng Quảng)

                                                   ***

Đêm nay, ngày đầu tiên của tuần lễ nghỉ phép thường niên, hai vợ chồng Quang ra ngồi ngắm cảnh ngoài hàng hiên một trung tâm nghỉ mát bên tả mạn sông Hudson nằm giữa hai thị trấn Catskill và Clinton thuộc tiểu bang New York.

Căn phòng hai người thuê nhìn ra một cánh đồng rộng mênh mông với dòng sông Hudson quanh co uốn khúc, khi ẩn khi hiện giữa những chòm cây tương đối thấp. Trăng thu thượng tuần đã lấp ló lên khỏi ngọn cây.

Mặt nước sông gợn sóng phản chiếu ánh trăng lấp lánh làm tăng thêm vẻ huyền ảo của cảnh trí đã sẵn hoang vu. Hai người chỉ nghe thấy tiếng côn trùng rả rich, thỉnh thoảng hoà cùng tiếng gió vờn trên cành cây ngọn cỏ như một bản nhạc đại hoà tấu đang trổi khúc nhạc thiên nhiên, hợp âm bằng muôn ngàn thứ tiếng của muôn loài, hoà cùng với hương rừng muà thu đang toả ra thơm ngát trong bầu trời trong vắt pha lê với muôn nghìn vì sao lấp lánh. Quang bỗng nói với vợ:

-          Rồi đây chỉ vài ba tuần nữa là đến mùa lá rụng. Trước khi lá rụng, cây lá miền đông bắc Hoa Kỳ sẽ dần dần đổi thành nhiều màu, rực rỡ ngoạn mực vô cùng. Có nhà văn đã tả rằng cây cỏ miền này trước khi đi vào giấc ngủ triền miên suốt mùa đông, chúng đã trang điểm xiêm y lộng lẫy, để cùng vạn vật mở hội sang mùa.

 

Phương tâm sự:

-          Ngồi đây em bỗng nhớ tới nhà văn Washington Irving Winkle, cũng dùng bối cảnh này để viết truyện Rip Van Winkle gần giống như truyện Từ Thức  nhập Thiên Thai của mình. Đông Tây có những điểm gặp nhau lắm chứ. Phải không anh?

Quang đáp:

-          Vì loài người coi đời là bể khổ. Như người mình, kẹt lại ở quê nhà hay ra được nước ngoài đều chật vật, khổ quá. Mỗi nơi có một cái khồ khác nhau. Do đó người ta đi tìm trong những ước mơ, huyền thoại, hoặc là trong lãnh vực triết lý, tôn giáo, hoặc là khoa học để khám phá và chế ngự thiên nhiên… Trong Nho Giáo, chương Kinh Lễ (1) có đoạn được Trần Trọng Kim dịch như sau, "Thực hành cái đại đạo thì thiên hạ là của chung. Kén chọn người hiền năng, giảng điều tín nghĩa, giữ điều hoà thuận. Cho nên người ta không thân riêng  cha mẹ mình, không yêu riêng con mình, khiến người già có chỗ nương nhờ đến chót đời, kẻ trẻ mạnh có việc làm, nhỏ có chỗ khôn lớn; thương người goá bụa, trẻ mồ côi, kẻ tàn tật đều có chỗ nuôi dưỡng. Ấy nên mưu gian bế tắc, trộm cắp, giặc cướp không nổi lên, cửa ngoài không đóng”. 
Trong Đạo Đức kinh (2), chương 80 được giải thích như sau, “Đối với Lão Tử, quốc gia lý tưởng là một nước nhỏ thưa dân, nguyên liệu dồi dào khiến dung chẳng hết. Đời sống êm đẹp dễ dàng, dẫu có binh khí cũng chẳng dùng đến, vì giữa các nước không có chiến tranh. Trong nước không còn trộm cướp, vì thế người dân không còn lý do phải lẩn tránh xa lìa quê hương; đời sống người dân no ấm, vui lề thói thuần lương…”. 
Đó là điều ước mơ có được hai xã hội lý tưởng của Khổng và Lão học. Về tôn giáo, lúc tuổi già, các Phật tử ước mộng được vào cõi Niết Bàn, con chiên của Chúa ước mơ được lên Thiên Đàng. Về văn thơ, không kể Trung Hoa, tại nhiều nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản cũng có các truyện tương tự như truyện Từ Thức của ta.

Phương góp thêm ý:

-          Còn về lãnh vực khoa học Einstein cũng có ước mộng như thế nên mới vùi đầu vào những phương trình toán học chằng chịt kinh khủng để tìm ra thuyết tương đối, phải không anh?

-          Ấy không phải đâu! Nói chung thì khoa học gia các ngành cố gắng tìm tòi để chinh phục thiên nhiên để ứng dụng vào việc cải tiến đời sống của nhân loại. Có điều sau khi hai trái bom nguyên tử được ném xuống Nhật năm 1945, nhiều người bảo rằng Einstein đã hối hận, cho nên ông ta đã dành nhiều thời gian trong những nam cuối cùng của đời ông để hoạt động cho hoà bình.

Phương hỏi:

-          Anh có thể kể cho em nghe một thí dụ bằng số của định luật tương đối của Einstein không?

Nghe vợ nói, Quang ngạc nhiên hỏi:

-          Để làm gì hả em?

-          Đọc mục khoa học về thiên văn thích lắm chứ, nhưng em muốn biết sự khó khăn của khoa học gia  khi muốn thực hiện một phi thuyền có vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, ứng dụng được tính chất thời gian co dãn, để có thể thực hiện giấc mơ của Từ Thức ngày xưa.

-          Ngại quá em ơi! Nhất là nói đến toán, dù chỉ là toán trung học.

-          Chịu khó đi cưng, chóng ngoan em đền.

-          Nhưng cấm không được nghe nửa chừng lại kêu buồn ngủ đấy.

-          Em sẵn sàng nghe đây.

-          Anh phải dài giòng một chút để kể từ cái nguyên do đã khiến cho Einstein tìm ra định luật tương đối (3). Như em đã biết, Newton thống nhất khoa học vào năm 1687 với các lý thuyết cơ học, động lực học của ông. Lý thuyết  của Newton đã được nhân loại ứng dụng vào những kỹ thuật cơ giới một cách tuyệt vời từ đó. Nhưng đến giữa thế kỷ thứ 19, có một luồng gió mới thổi vào bầu trời khoa học: Lý thuyết về điện và từ do khoa học gia vật lý James Clerk Maxwell, người Ái Nhĩ Lan lập ra. Maxwell đã hợp nhất điện và từ trường thành một hệ thống vật lý học về điện và điện tử hiện nay. Trong một hệ thống mạch điện, điện trường và từ trường đổi chiều liên tục gây ra một tình trạng nhiễu loạn làm bức xạ những làn sóng điện phát đi với vận tốc cố định bằng vận tốc ánh sáng. Ông kết luận ánh sáng là một trong những trạng thái phát quang của hệ thống điện từ, nên nó phải có một vận tốc cố định. Các cuộc thử nghiệm sau đó đã  xác định đặc tính trên và còn tìm ra rằng hạt ánh sáng (proton) không mang một chút vật chất nào, do đó không có khối lượng. Hai đặc tính này của ánh sáng đã  mâu thuẫn với lý thuyết về cơ học và động lực học của Newton, trong đó vận tốc của một vật tùy thuộc vào các yếu tố khác, và mọi vật chuyển động đều phải có thể chất và  trọng lượng. Người phát kiến ra sự mâu thuẫn này vào năm 1895 là Albert Einstein. Do việc gỡ cái đầu mối  của sự mâu thuẫn giữa hai lý thuyết của Newton  Maxwell, nên Einstein đã cho ra đời định luật tương đối phần đặc biệt vào năm 1905, để không những đã giải đáp thỏa đáng cho cả hai lý thuyết của Newton lẫn Maxwell mà còn dẫn nhân loại vào kỷ nguyên nguyên tử.

Einstein phát biểu về định luật tương đối phần đặc biệt như sau: Không thể có một thử nghiệm vật lý nào mà một người có thể căn cứ vào kết quả của thử nghiệm đó để khám phá ra rằng đương sự đang chuyển động với vận tốc đều và tương đối trong không gian. Nói như thế có nghĩa là giả thử có hai người tên An và Bê ở trong hai 'cảnh giới' khác nhau và cùng di chuyển tương đối người nọ đối với người kia. Nếu An và Bê cùng làm một thử nghiệm như nhau, thì cả An và Bê đều có một kết quả giống hệt nhau. Do đó không ai trong An hoặc Bê có thể căn cứ vào kết quả thử nghiệm mà nói rằng y đứng yên hay di chuyển, và di chuyển với vận tốc nào. Ví dụ như người chơi bóng bàn trên phi cơ trong một ngày tốt trời trên thượng tầng không gian, hay tại một đấu trường dưới đất; đấu thủ không cảm nhận thấy có gì thay đổi trong sự chuyền banh giũa hai cảnh giới khác nhau ấy. Một ví dụ khác là các chiến sĩ đang ở trên không trung khi nhảy dù nhận thấy rằng mặt đất dâng lên gặp mình chứ không phải dù và mình từ từ hạ xuống đất. Nếu không có khoa học khám phá, chẳng bao giờ chúng ta biết rằng trái đất quay xung quanh nó với vận tốc 11 cây số một giây và di chuyển quanh mặt trời với vận tốc 30 cây số một giây mà chỉ thấy mặt trời và trăng sao quay xung quanh trái đất của chúng ta.

Định luật tương đối có  ba đặc tính rất lạ.  Một là  tốc độ ánh sáng là một hằng số bất biến và bằng 299,792.458 cây số một giây. Nhưng thông thường khi nói đến vận tốc ánh sáng, người ta lấy số chẵn 300,000 cây số/giây cho gọn. Nói nó bất biến  có nghĩa là nó không tùy thuộc vào nguồn phát xuất, sự di động của nguồn phát xuất, vị thế người quan sát dù đứng yên hay di chuyển với tốc độ bất cứ nhanh hay chậm thế nào. Đặc tính thứ hai là sự co giãn của thời gian, và không gian và đặc tính thứ  ba là sự gia tăng trọng khối của vật di chuyển.  Hai đặc tính sau này chỉ phát hiện rõ ràng khi vận tốc của một vật tiến đến gần vận tốc ánh sáng mà thôi. Tất cả mọi vật thể  khi chuyển động đều có một loại năng lượng gọi là năng lượng di chuyển hay động năng (kinetic energy). Gọi động năng này là E, Einstein đã rút ra phương trình E = mc2, một khám phá căn bản để chế tạo bom nguyên tử, và nới rộng nguyên lý bảo toàn năng luợng từ quan niệm cũ đến một chân trời mới. Trong năm 1939, Einstein đã viết thư cho tổng thống Roosevelt hối thúc việc chế tạo bom nguyên tử do sự yêu cầu của một nhóm khoa học gia, trong đó có Niels Bohr.

Để tìm hiểu thời gian co giãn thế nào, chúng ta giả thiết làm được một bộ máy đo theo hình vẽ trên, gồm hai chiếc gương G1 và G2 đối diện với nhau và một nguồn phát ra những tia  ánh sáng chiếu ra và phản lại thẳng góc với hai tấm gương này tại điểm A và B như hình vẽ và một đồng hồ máy thật chính xác đo được khoảng thời gian ánh sáng từ lúc phát ra tại A cho đến khi tới B được gọi là một “t”. 

Trường hợp I. Nếu bộ máy đứng yên, thì ánh sáng do G1 từ A chiếu ra đến G2 tại B và do G2 phản lại từ B về A lập lại mãi như thế.

Trường hợp II. Cho một người tên An mang bộ máy gương này di chuyển song song với mặt gương và về phía tay phải với vận tốc v (v gần bằng vận tốc ánh sáng). Đối với An nhận xét thì bộ máy ở thế đứng yên một chỗ. Tia sáng chiếu ra và phản laị giữa   hai tấm gương và thẳng góc với hai gương hoạt động một cách bình thường , nghĩa là trên một đường thẳng duy nhất AB  (An đi dến đâu thì các điểm A, B đi tới đó) y như lúc tất cả đều đứng yên. Nhưng đối với chúng ta ở ngoài hệ thống nhìn vào thì lại thấy khác. Bởi vì An và bộ máy gưong di chuyển rất nhanh về phía tay phải, trong một “t”, các gương G1, G2 đi đến vị trí G1’, G2’, điểm B di chuyển tới điểm C, tia sáng phát xuất từ điểm A cũng tới điểm C (điểm mới của B). Nói cách khác, trong một “t”,  đối với chúng ta thì tia sáng chiếu ra đã đi một đoạn đường AC, còn đối với An thì tia sáng này đã đi đoạn đường  AB. Vì vận tốc ánh sáng là một hằng số bất biến, vậy thì chúng ta thấy cái “t” của An quá dài (thời gian ánh sáng đi đoạn đường AC). Xét tam giác ABC và áp dụng định lý Pythagore ta tính được hệ số của sự nhanh chậm mà chúng ta và An bất đồng ý trên đây. Đối với An, trong một “t”, ánh sáng phát ra từ A tới B với vận tốc c, vậy khoảng cách AB là ct ( khoảng cách = vận tốc nhân với thời gian).  Nhưng đối với chúng ta ánh sáng đi từ A tới C một thời gian lâu hơn là t’, vậy khoảng cách AC là ct’. Trong khi đó An và gương di chuyển từ B tới C với vận tốc là v, vậy khoảng cách BC là vt’. Chúng ta có phương trình: c2t2 = c2t’2 - v2t’2

Giải theo t’ ta được

t’ = t / (1 - v2 / c2)1/2 = γt,

suy ra        t’/ t = γ =  1 / (1 - v2 / c2)1/2.

γ (gamma) là hệ số của thời gian chậm lại, nó tùy thuộc vào v, vận tốc của phi thuyền. Kết quả trên đưa đến kết luận là thời gian không tuyệt đối mà chậm lại tùy theo vận tốc di chuyển của từng hệ thống. Không gian co ngắn lại và trọng khối của vật di chuyển gia tăng cũng tùy theo hệ số γ . (Anh xin phép em khỏi chứng minh  hai đặc tính này vì e rườm rà.) Thí dụ ta gửi một phi thuyền lên một vì sao cách trái đất 100 năm ánh sáng, thay trị số c = 300,000, v = 294,000 (.98c) vào công thức trên, ta được γ  = 5, nghĩa là thời gian chậm lại  khoảng 5 lần, khoảng cách giữa trái đất và ngôi sao cũng  rút ngắn đi 5 lần và trọng khối của phi thuyền cũng tăng lên 5 lần so với trọng khối lúc chưa bay. Ví dụ khi v=0.99c thì γ =7.09, khi v=0.9999c thì γ = 70.7. Trong các thí dụ này, thì một năm trên phi thuyền theo thứ tự dài bằng 7.09 năm và 70.7 năm dưới đất. Một vật nặng một tấn lúc đứng yên theo thứ tự sẽ nặng 7.09 và 70.7 tấn khi bay với các tốc độ tương ứng trên.

Phương hỏi:

-          Giả thiết rằng vận tốc phi thuyền tiến tới bằng vận tốc ánh sáng thì sao?

-          Thì v = c, tỷ số  v2 / c2 tiến tới 1, đơn thức   (1 - v2 / c2) tiến tới 0, và γ  tiến tới vô cực.  Người trên phi thuyền và người trên trái đất vẫn cảm thấy thời gian trong cảnh giới  của mình trôi qua đều đặn, bình thường. Nhưng thời gian dưới trần sẽ thiên thu bất tận vì t’ tiến đến vô cực.Thời gian trên phi thuyền chẳng trôi qua được giây nào. Đúng như thế  đó! Nhưng trường hợp này chẳng bao giờ xẩy ra, vì sức nặng của phi thuyền cũng tiến tới vô cực, chẳng có sức mạnh nào đẩy nổi. Do tính chất trên đây, người ta kết luận là không có một vật nào có trọng khối dù nhẹ đến đâu cũng không thể di chuyển nhanh bằng tốc độ ánh sáng được. Do đó tốc độ ánh sáng được coi là biên giới của tốc độ.

Phương mở tròn đôi mắt:

-          Einstein tuyệt vời quá! Bây giờ anh nói đến  các trở ngại khó khăn về trình độ khả năng kỹ thuật hiện đại khi muốn đóng một phi thuyền có vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng đi.

-          Muốn Từ  Thức  chơi vơi “nửa năm tiên cảnh” trên phi thuyền  để khi hai chàng “một bước trần ai” đã thấy 350 năm trôi qua dưới trần,  thì tốc độ phi thuyền phải gần gụi với v = 0.999999c để γ  =707.1, và phi thuyền này khi chưa bay nặng 20 tấn thì khi đạt tới tốc độ trên sẽ nặng  khoảng 14,142 tấn. Khoa học gia S. von Hoerner đã  thử tính, bài tính như sau. Nếu người ta muốn gửi lên không gian  một phi thuyền cỡ trung bình nặng 10 tấn, trong đó gói ghém tất cả nhu cầu cho đời sống của phi hành đoàn gồm anh chàng Từ Thức đa tình, vài chú tiểu đồng và bốn phi hành gia trong mấy chục năm, với vận tốc  chỉ bằng 0.98c thôi, để thời gian trên đó chậm đi 5 lần, phi hành đoàn ở trên đó mấy thập  niên, để khi bay trở về trái đất đã  mấy trăm năm sau. Tính ra số năng lượng cần thiết là 4 X 1029  ergs (1 ergs = 1/1000 joule). Số năng lượng này đủ để cung cấp cho toàn thể nhân loại với nhân số hiện nay trong khoảng 200 năm. Cho máy móc và nhiên liệu thuộc hệ thống đẩy phi thuyền nặng tối thiểu là 10 tấn nữa và cho gia tốc phi thuyền bằng gia tốc trọng lực của trái đất để đẩy phi thuyền từ mặt đất đến khi đạt được tốc độ 0.98c phải mất một khoảng thời gian là 2.3 năm. Muốn có số năng lượng đẩy đó, cần phải có 40 triệu lò nguyên tử sản xuất năng lượng, mỗi lò có công suất là 15 triệu watts, và 600 triệu trạm chuyển điện với hiệu năng 100%. Với số năng lượng không tiền khoáng hậu như thế lại phải gói ghém trong một trọng lượng có 20 tấn thì  chưa biết bao giờ khoa học mới thực hiện nổi.

Thấy Phương thở dài thất vọng, Quân an ủi vợ:

-          Em đừng vội buồn vì khi khoa học thực hiện nổi, chưa chắc đã có mấy người muốn bay dù được bay miễn phí.

-          Sao vậy anh?

-          Vì phi hành gia phải ở trên phi thuyền một thời gian lâu, hàng tháng, hàng năm, chật hẹp, gò bó quanh quẩn trong vài chục thước khối, chứ không phải tiên cảnh có trăng, có suối, có hoa đào, có  Giáng Hương sánh vai cùng Từ Thức.

-          Em biết vậy. Nhưng cũng có nhiều người muốn chịu khổ trong sáu tháng trên phi thuyền để được quay về trái đất sống cuộc đời còn lại trong tương lai sau hơn ba thế kỷ.

-          Trời ơi, lên phi thuyền mà được ngủ một giấc đến khi đến bến thì được, chứ nếu phải thức trong sáu tháng ấy thì mệt lắm! Mình đi một chuyến du lịch dài khoảng hơn 10 giờ ngồi trên máy bay đã thấy mệt rồi em thấy không! Nhưng bây giờ chúng mình hãy mường tượng những gì sẽ xẩy ra khi phi hành gia trở về đến trái đất. Năm đó sẽ rơi vào khoảng thập niên 2350, thế giới đã đổi khác với kỹ thuật khoa học của thế kỷ 24, nhất là Việt Nam với Sài Gòn và 36 phố phường Hà Nội.

Phương ngắt lời chồng:

-          Anh nói tới  Sài Gòn, Hà Nội làm em thấy nhớ bao nhiêu là thứ.  Nhớ bưởi Biên Hoà, nhớ cốm Vòng Hà Nội...Quang tiếp:

-          Mới xa lìa quê hương có vài chục năm, mà nhiều người về Việt Nam, đã thấy rằng cảnh cũ ít nhiều vẫn còn đó, nhưng người xưa thì đã hiếm gặp rồi, huống hồ hơn ba trăm năm sau. Tất cả đâu còn hợp với nếp sống của chúng ta ngày nay nữa. Ngày về, chỉ có đàn chắt các đời thứ 18, 19 ra đón, muốn truy gia phả để biết đứa nào thuộc ngành nào cũng chẳng ai làm được,  huống hồ muốn gặp lại  các người thân thời bây giờ. Hơn nữa, với mức khoa học càng ngày càng tiến bộ, những máy móc dùng trên phi thuyền ngày nay, khi trở lại trái đất, có lẽ chỉ tìm trong bảo tàng viện họa may mới thấy. Người trở về sẽ cảm thấy lạc lõng vô cùng, cái ngao ngán lạc lõng của Từ Thức khi  trở về trần hoàn.

Thấy Phương lặng im, tư lự, Quang bảo:

-          Thôi anh kể sơ một chút về định luật tương đối phần tổng quát cho em nghe:

Hoàn thành lý thuyết tương đối phần đặc biệt xong, Einstein tiếp tục khảo cứu phần tổng quát. Cũng nên kể làEinstein đã may mắn vì có toán học gia Bernhard Riemann sinh ra cùng thời với ông. Riemann đã soạn ra một môn hình học mới cho ông dùng, vì hình học Euclide không đủ kích thước cho ông áp dụng vào các phương trình trong phần lý thuyết này. Riemann là học trò nhà toán học kiêm vật lý học kiêm thiên văn gia Karl Friedrich Gauss (1777-1855). Gauss được vua George IV (vua Đức quốc kiêm vua Anh Quốc) giao phó việc khai triển một môn hình học mới. Riemann đã được sư phụ truyền cho hết nghề. Môn hình học này gọi là hình học Phi-Euclide (non-Euclidean geometry). Đến  cuối thế kỷ  19 môn hình học của Gauss được Riemann cải tiến với sự phát minh ra tensor calculus.  Phương thức này  là một khí cụ tối yếu để Einstein dùng trong các phương trình trường (field equations) để biểu diễn những đường cong của ánh sáng và vật chất (matter) trong không-thời gian, và những phương trình địa phân (geodesic equations) để biểu diễn đường đi của ánh sáng và vật thể (objects) trong không thời gian. Nó uốn cong theo nhiều hình dạng tùy theo hấp lực của các thiên thể trong vũ trụ. Ánh sáng chạy vòng theo chân trời biến cố (event horizon) thuộc hố đen (black hole) là một dạng đặc biệt của đường cong này.

Các nhà thiên văn khám phá ra rằng hố đen là một dạng của thiên thể do một ngôi sao đã chết hoá thành. Khi một ngôi sao có cỡ bé hơn 10 lần mặt trời, khi hết năng lượng chúng trở thành neutron star (trung hoà tinh) hay white dwarf star (bạch tìểu tinh). Hai loại sao chết này có sức hút bằng hàng trăm tỷ lần sức hút của trái đất đối với nước. Nếu ngôi sao nào có kích thước lớn gấp 10 mặt trời của chúng ta trở lên,   thì khi  ngôi sao đó đã phát ra hết năng lượng, nó sẽ teo lại  đến khi  không thể nhỏ hơn được nữa nó trở thành môt cái gọi làsingularity (đơn tử).  Đơn tử không có khối lượng nhưng sức hút của nó thì vô cực, ngay cả ánh sáng và các thiên thể đến gần cũng bị nó thu hút và giữ lại trong đó luôn không thoát ra ngoài cái vỏ của nó được. Cái vỏ này gọi là  chân trời biến cố (event horizon). Nó không có kích thước vật chất, mà chỉ là kết quả theo toán học. Khi ánh sáng thoát ra đến biên giới của hố đen, ánh sáng bị hút trở lại nên uốn cong và chạy vòng vòng tạo thành chân trời biến cố. Như thế không có vật gì vượt qua chân trời biến cố để thoát ra ngoài  được.

Người đầu tiên có dự kiến này vào năm 1796 là nhà toán học Pháp, Pierre Simon, Marquis de Laplace, gọi cái vật tối thui này là “corps obscurs”. Sau này John Wheeler, vật lý gia tại trường Princeton khảo cứu thuyết tương đối và xác minh cái corps obscure của Laplace chính là cái hố đen.

Đến năm  1915,  Eintein công bố lý thuyết tương đối phần tổng quát. Môn hình học của Gauss về sau được đổi tên là hình học Riemann để ghi ơn tác giả.

Phương háo hức:

-          Anh nói sơ qua về môn hình học Riemann đi anh.

Quang mỉm cười:

-          Đó là môn hình học không gian hình cầu. Để khỏi ra thư viện tra cứu lần thứ hai, anh có thể dùng thí dụ sau đây để em có  một khái niệm sơ sơ về môn hình học này. Em còn nhớ ngày xưa mỗi lần tàu anh có lệnh công tác Tuần dương, anh phải lên Phòng Ba lãnh hải đồ không. Đó là loại bản đồ Mercator, khi phóng mặt trái đất  xuống tờ giấy để in loại bản đồ này thì trên bản đồ, chỗ càng gần vùng xích đạo thì càng đúng với kích thước trên mặt đất, chỗ càng gần bắc hay nam cực thì càng sai lạc, nở rộng ra nhiều. Thậm chí tại bắc và nam cực, mỗi nơi chỉ là một điểm, nhưng trên bản đồ hai điểm này đã được phóng xuống thành hai đường thẳng dài bằng đường xích  đạo. Ví dụ  có hai điểm A và B  trên mặt biển có vĩ độ khác nhau  và cách xa nhau một khoảng cách đáng kể, thì  một tàu thủy phải chạy từ A đến B, nếu theo đường thẳng nối A với B trên  bản đồ, theo danh từ hàng hải, các anh gọi là hải hành theo đường Tà Hành. Theo lối này tàu chạy từ A đến B theo một hướng nhất định. Trái lại nếu tàu liên tục đổi hướng độ để sửa lại cái phần nở ra do phép chiếuMercator gây ra, hải trình sẽ theo một đường vòng cung trên mặt địa cầu là con đường ngắn nhất trên thực tế từ A đến B, các anh gọi là đường Trực Hành.  Nếu A càng cách xa B, dùng đường Trực Hành càng lợi hơn là dùng đường Tà Hành vì trên thực tế đường Trực Hành theo tỷ lệ càng ngắn hơn đường Tà Hành. Tương tự, đường thẳng AB vẽ trên bản đồ, đường Tà Hành của lính biển là đường thẳng hình học Euclide mà chúng ta đã học. Còn đường cong AB theo hải trình Trực Hành là một trục toạ độ cong trong hình học Riemann, anh ngữ có tên là geodesic (earth divider) hay đường địa phân.

 

        Từ nãy, Phương vẫn chăm chú nghe chồng say sưa nhắc đến chuyện có liên quan đến cuộc đời đi biển của chàng trong dĩ vãng. Nàng bỗng nhớ lại  kỷ niệm  lần đầu hai người gặp nhau. Hôm đó là ngày 26 tháng 10. Tiểu đoàn SVSQ của chàng về Sàigòn diễn hành buổn sáng, buổi chiều được nghỉ đi bờ, chàng ghé xuống chiến hạm đậu tại cầu A thăm một người bạn thì vừa đúng nàng cùng mấy người bạn học áo dài thướt tha đang bước trên cầu thang bắc xuống chiến hạm. Chàng lịch sự đưa tay ra vừa như đón mời, vừa như sẵn sàng giúp đỡ nếu nàng sẩy chân. Bốn mắt nhìn nhau, phần chàng bất ngờ xao xuyến, phần nàng nóng ran đôi má. Nàng nhớ lại kỷ niệm đó nên tủm tỉm cười.

Thấy vậy, Quang ngưng lại hỏi:

-          Em nghĩ gì mà có vẻ thích thú vậy?

-          Em nhớ lại cái hôm chúng mình lần đầu gặp nhau dưới chiến hạm, điệu bộ lúng túng của anh cũng đã làm em ngượng nóng ran cả má.

-          Nếu thấy mê rồi sao không giả vờ sẩy chân rồi chụp lấy tay người ta có phải ngon lành không.

-          Hứ, ai mà dám! Để mấy con bạn nó cười cho và đồn tùm lum lên ấy à. Chưa chắc ai mê ai hơn ai đấy nhé.

-          Thôi được rồi, hai đứa mê nhau bằng nhau. Một đứa tai đỏ, một đứa má hồng, chịu chưa?

-          Không chịu sao có ngày nay.

Thấy chồng có vẻ trầm tư xa vắng, Phương  hỏi:

-          Anh nghĩ gì vậy anh?

-          Anh nghĩ đến mộng và thực.

-          Anh nói cho em nghe.

-          Anh nghĩ  mộng và thực khác xa nhau, mà đôi khi lại rất gần nhau.

-          Anh thí dụ đi.

-          Khác nhau như cảnh giới chật hẹp trong phi thuyền và chốn Bồng Lai, có hoa không tàn, có thời gian không trôi.

-          Còn trường hợp gần?

-          Như người thường sống trên mặt đất và phi hành gia trên phi thuyền có vận tốc chỉ kém vận tốc ánh sáng một phần tỷ  thôi cũng đều thấy thời gian trôi qua như nhau tuy rằng trên thực tế, thời gian trong mỗi cảnh giới đã trôi qua nhanh chậm khác nhau. Anh nghĩ đó có lẽ là sự xếp đặt rất công bằng của tạo hóa.

Phương tiếp lời :

-          Như vậy chúng ta có thể kết luận là thuyết tương đối của Einstein cũng không thể biến trần gian thành thiên đường được. Vậy chúng ta phải kiểm điểm các quan niệm hiện hữu để rút ra một thái độ để thích ứng với đời sống của chúng ta. Trước tiên hãy xét đến các học thuyết. Theo thời gian, các đại học thuyết cũng bị đào thải chóng vánh theo  cục diện chính trị trên thế giói và nhu cầu xã hội của con người. Nhìn lại quá khứ ta thấy thế kỷ thứ 17 có Descartes, Bacon. Thế kỷ 15 có Newton, Thế kỷ 19 có Malthus, Karl Marx, Nietzsche.Thế kỳ 20 có Einstein, Freud, Bergson, Heidegger, Sartre. Chủ thuyết Duy vật của Marx đã sụp đổ hoàn toàn với sự tan vỡ của Liên Bang Xô Viết. Cứu cánh của chủ thuyết Cộng Sản là làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Nhưng khốn nỗi con người sinh ra có trí tuệ khác nhau, tài nguyên thì hữu hạn trong khi nhu cầu và lòng tham lại bất tận.  Lòng tham, tình cảm là bản tính bẩm sinh của con người, dù có biện pháp chế tài, kỷ luật khắt khe đến đâu cũng chỉ có kết qủa giới hạn nào đó.

Thuyết Tương Đối của Einstein tuy tuyệt vời về phương diện khoa học thực nghiệm, nhưng trong gần môt trăm năm qua, đã bị lợi dụng vào mục tiêu quân sự của các nước mạnh trên thế giới.

Trong suốt trào lưu của lịch sử, các nhà lãnh đạo tin rằng quyền lực là yếu tố để tạo thay đổi, cho nên "mạnh được yếu thua”, “được làm vua, thua làm giặc” đã trở nên khuôn mẫu cho các cuộc cánh mạng, và củng cố quyền hành. Các lý thuyết về kinh tế, chính trị chỉ là các hệ thống, phương tiện đặt ra để củng cố quyền lực và phục vụ cho quyền lợi của một thiểu số lãnh đạo nhưng không mấy khi đem lại hạnh phúc cho đại đa số quần chúng.  Kết quả là các phát minh khoa học cũng bị lạm dụng  phát triển để phục vụ cho mục tiêu quân sự, thay vì được dùng hoàn toàn vào mục tiêu đem lại phúc lợi cho nhân loại. Bởi vậy vì hối hận đã phát minh ra chất nổ dẻo (dynamite), Alfred Nobel đã lập ra giải thưởng lấy tên ông ta để cổ võ cho hoà bình, văn chương và khoa học.

Với định luật Tương Đối của Einstein, bom nguyên tử và khinh khí đã  ra đời. Theo thống kê, hai nước Nga và Mỹ đã tiêu thụ mất một số lượng khổng lồ tài nguyên của nhân loại để chế tạo bom nguyên tử và khinh khí với một khối lượng, nếu đem chia cho mỗi đầu người trong tổng số nhân loại hơn 6 tỷ, thì mỗi người được gần 10 tấn bom. Nếu đem tổng số tiền đã dùng để chế tạo số lượng bom đó xây bịnh viện và cung cấp dịch vụ y tế thì có thể cung ứng miễn phí cho toàn thể nhân loại trong nhiều thập kỷ.

Ngoài ra, bả danh lợi vẫn làm mờ mắt mọi người, và là nguồn gốc của sự đau khổ. Do đó thuyết của nhà Phật đã dạy phải diệt lòng tham.  Cũng vì thế Trang Tử đã coi phú quí như đám mây trôi.  Có lần Trang Tử đang ngồi câu cá ở bờ sông, Sở Vương sai hai vị Đại phu đến mời ra làm quan, Trang Tử vẫn thản nhiên ngồi câu bảo: "Ta nghe đâu nước Sở có con rùa thần, chết đã hơn 3000 năm rồi, nay được nhà vua dùng gấm vóc bọc để vào khay vàng thờ nơi miếu đường.Vậy theo các ngài nghĩ, rùa muốn sau khi chết để xác quý như vậy, hay thích lúc còn sống, được ngoáy đuôi dưới ao đìa?” Hai Đại phu đáp: "Chắc chắn là thích ngoáy đuôi dưới ao đìa hơn!” Trang Tử tiếp lời ngay: 'Thế thì xin các ngài để cho tôi được ngoáy đuôi dưới ao đìa thôi".  Ngoáy đuôi dưới ao đìa ám chỉ đời sống tự do thoải mái mà Trang Tử quí hơn hết.  Lúc Trang Tử sắp lâm chung, thấy các đệ tử lo việc hậu táng thầy. Trang Tử bảo: "Ta có trời đất làm áo quan, có thái dương và trăng sao làm châu ngọc, có vạn vật làm chay đua đám, nào còn thiếu gì đâu mà các con phải lo?” Đệ tử thưa. "Nếu không được mai táng kỹ càng, chúng con e chim diều mổ xác thầy."  Trang Tử bảo: "Thay vì nằm trên bị chim mổ xác, lại nằm dưới đất để cho kiến mối phanh thây, vậy hơn kém ở chỗ nào?”(4).  Thái độ khoáng đạt siêu nhiên của Trang Tử đến thế là cùng!

Quang tiếp lời:

- Thứ đến anh muốn nói tới khả năng cơ thể và đức tính của loài người.  Về khả năng cơ thể, loài người thông minh nhất trong vạn vật, nhưng cũng có một số điểm còn kém các loài khác. Ví dụ về đức tính, loài chim bồ câu rất chuộng hoà bình và chung thủy.  Nếu đôi vợ chồng chim bồ câu mà có chết, con còn lại chẳng bao lâu cũng chết vì thương nhớ và không khi nào cặp bồ với một con khác. Về khả năng, loài kiến đen đã nhờ vào đâu để tiên đoán được thời tiết và có một  tinh thần kỷ luật tuyệt đối.  Khi thấy trời sắp tới ngày mưa lụt, chúng  tha mồi tồn kho từ chỗ thấp lên chỗ cao, khi chúng gặp nhau ngược chiều, thì ngàn con như một chúng đều cụng đầu nhau một cái như để bắt tay chào và hỏi nhau tin tức.  Em thấy không, kỹ thuật về khí tượng của loài kiến và hoạt động của chúng đã giúp người nông dân ngày xưa tiên đoán được thời tiết trong nhũng ngày sắp tới.  Loài ong sống có tổ chức và làm tổ rất khoa học, tổ ong được kiến trúc hình sáu cạnh với tối thiểu về vật liệu mà được tối đa về dung tích, khoa học chưa thể khám phá ra lý do.  Về khả năng nghe, tai của chúng ta chỉ thâu được các tiếng động nằm trong khoảng tần số từ 16 tới 20,000 chu kỳ mà thôi.  Trong khi loài cá dolphin và loài dơi có khả năng nghe được những tiếng động có tần số cao hơn rất nhiều.  Loài lươn biển có khả năng định hướng tuyệt vời.  Chúng rời các hồ ao, sông lạch khắp nơi trên thế giới để bắt đầu cuộc viễn du đến tận ngoài khơi quần đảo Bermuda. Lươn từ Á châu phải đi xa hơn 8000 cây số.  Gần hơn như lươn Âu Châu cũng phải vượt  qua hơn 4000 cây số.  Chúng sinh sản rồi chết tại đây.  Con cái của chúng không biết gì về quê hương, mà giống lươn nào lại về quê hương của giống đó không bao giờ lạc đường.  Một con lươn Pháp không bao giờ bị bắt ở Án Độ và một con lươn Thai Lan không bao giờ đi lạc sang Phi châu (5). Khoa học làm sao giải thích hết được những sự kiện đó, nếu không muốn nói là tạo hóa đã ban cho mỗi loài một khả năng riêng để sinh tồn. Cá có vây, chim có cánh. Hay là, cung và cầu đáp ứng nhau theo thuyết tiến hoá.

 

Thái độ kế tiếp là đối với quan niệm việc đời. Triết gia Adam Smith  đã viết trong cuốn Power of the Mind rằng: “Quan niệm là những cặp kính màu mà ngưòi ta nhìn ra thế giới bên ngoài, giống như nước đối với cá.  Khi chúng ta chấp nhận một quan niệm, chúng ta bị giới nó giới hạn. Những gì mà chúng ta nhìn thấy đã bị gạn lọc qua cặp kính màu, không còn đúng sự thật nữa rồi”. Hai thí dụ cho ta thấy là trường hợp Newton Einstein.

 

Hồi còn nhỏ Newton rất lười học mà chỉ thích chế tạo đồ chơi nên luôn luôn cầm đèn đỏ trong lớp, bị thày và các bạn coi thường. Có lần Newton dắt bò từ cánh đồng về nhà, giữa đường vì tụt giây thừng, bò xổng mất từ lúc nào Newton cũng không hay (Có lẽ  lúc đó trong óc Newton đang bận rộn với những hiện tượng vật lý), về đến nhà chỉ còn chiếc thừng không trong tay. Một lần khác, Newton bị môt thằng du đãng to con học cung lớp ăn hiếp, Newton nổi máu anh hùng như sư tử bị đánh thức giậy, quật lại thằng du đãng một trận nhừ đòn. Cũng bắt đầu từ đấy, Newton rất chăm học, chẳng bao lâu từ đèn đỏ tiến lên đúng đầu lớp

 

Eistein hồi còn nhỏ cũng không hơn gì Newton. Khi chưa phát kiến ra hạt ánh sáng (proton) không có trọng lượng, thì tại trường học, các thày giáo dạy Einstein coi ông là một đứa học trò thụt lùi, vô tích sự, vô tâm rất đáng nản ( He was a backward boy and would never amount to anything and his indifference was demoralizing.), và đã khuyến cáo Einstein đừng đi học nữa và không cấp bằng trung học cho Einstein.  Về trường hợp sự nhận xét của thầy và bạn  đối với Newton  Einstein đã theo kinh nghiệm thông thường, nên đã có những nhận xét và kết luận sai lạc về một vĩ nhân mà tài năng đã vượt ra ngoài giới hạn của “cặp kính màu” của họ.  Trang Tử cũng có quan niệm “thị phi” tương tự. 

 

Trang Tử cho rằng một là người ta có sẵn thành kiến, dù chấp theo ý riêng, hay phán xét theo kiến thức và kinh nghiệm.  Lời phán định của một người nào đó ắt là cái nhìn bầu trời qua một lỗ nhỏ, vì kiến thức và kinh nghiệm nào cũng  có giới hạn của nó. Nếu thêm cả tình cảm, dục vọng, bè phái vào sự nhận xét đó thì càng sai lạc.  Thứ đến là sự cố chấp.  Khi người ta đã cố chấp, thì tự cho mình là cái rốn của vũ trụ, thậm chí còn là hoá thân của chân lý nữa.  Do đó Trang Tử nhận định rằng vấn đề thị phi không có tính chất khách quan nên bảo rằng “Dĩ đạo vi quan, vật vô quí tiện, Vạn vật nhất thể, thục đoản thục trường” (Nhìn theo Đạo thì  không có cái gì quí, cái gì hèn, muôn vật ngang nhau, đâu có cái nào hơn cái nào kém.) 

 

 Lý luận của Trang Tử trên đây không thể hiểu theo quan điểm của thế giới chứng nghiệm được, vì trong thế giới chứng nghiệm vạn vật bao giờ cũng khác nhau, giữa đẹp với xấu, thành với bại, dở với hay.  Như vậy là triết lý của Trang Tử chẳng có liên quan gì tới trí thức và kinh nghiệm, mà là hướng trọng tâm đi tìm giá trị chân chính của mạng sống con người, không bị hiện tượng bên ngoài chi phối để trở thành “Chân Nhân”, tức là con người thật, chấp nhận mọi hoàn cảnh, không có chút nào giả tạo như kẻ múa may, đóng kịch trên đời.

 

Thái độ kế là đối với quan niệm đời là một giấc mộng, là bể khổ và rất ngắn  ngủi.  Văn hào Dostoïevskythương xót kiếp người từ lúc mới sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời phải lo hết  chuyện  nọ đến chuyện kia nên đã kết luận một câu:

“Những người thực cao cả đều cảm thấy một cái sầu mênh mông trên trái đất”.

Trong số những người đã quan niệm đời chỉ là giấc mộng và có một mối sầu mênh mông, trước hết chúng ta phải kể đến Tản Đà:

Một gánh tương tư, một gánh sầu.

hay đời chỉ là một giấc mộng:

Ngẫm ngàn xưa ai tài hoa, ai  tiết liệt, ai đài trang

cùng một giấc  mơ màng trong vũ trụ,

cho nên quan niệm sống của thi sĩ là phải biết lấy rượu, thơ và cái ngông để giải sầu.  Về cái ngông thì Tản Đà đã “gánh văn lê bán chợ trời, gửi thư lên thiên đình cầu hôn, về sau Tản Đà viết:

Say túy lúy nhỏ to đều bất kể

Trời đất nhỉ! Cái say là sướng thế!

hoặc:

Say lắm vẻ: say mệt, say mê, say nhừ, say tít

Trong làng say ai đã biết nhất ai say.

Biết nhất ai say và nhất ai ngông, họa chăng có Lý Bạch, vì Lý Bạch đã say vả sầu đến độ nhảy suống sông để tìm bóng Hằng Nga.  Khi được Đường Minh Hoàng vời vào cung làm thơ, đã ngông đến độ đòi vua bắt Dương Quốc Trung mài mực và Cao Lực Sĩ cởi giày, sau đó thi hào mới có  hứng nhả ngọc phun châu.

Nguyễn Gia Thiều cũng đã nhận thức  đời là bể khổ nên đã viết trong Cung Oán Ngâm Khúc:

“Thảo nào khi mới chôn rau,

đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,

Ai bày trò bãi bể nương dâu.

Khổng Tử bôn ba suốt đời, cũng có lúc ngưng lại  trên bờ sông than thở:

Trôi chảy mãi thế kia ru, ngày đêm không thôi!

(Thệ giả như tư phù bất sả trú dạ)

Lamartine thì đã kêu gọi thời gian hãy ngưng trôi:

Oh temps, suspends ton vol

Et vous, heures proprices,

Suspendez votre cours.

Phương nói :

-          Em thấy văn hào Dostoïevsky có lý phải không anh?

-          Đồng ý với em.  Đó là những bậc kỳ tài, tâm hồn đa sầu, nhạy cảm của họ là do phú tính bẩm sinh.  Đó là «những phiến tài tình thiên cổ lụy ».  Nhưng thái độ đó là thái độ đã tách rời cá nhân họ với thiên nhiên, trái hẳn với quan niệm của triết học Đông Phương.  Tư tưởng của triết học đông phương là Tam Tài, Thiên Địa Nhân đồng nhất thể.  Mạnh Tử tuyên bố tư tưởng ấy ở quan điểm hành vi đạo đức:

«Vũ trụ sự vật ở ta, quay về bản thân mà thưc hiện thì không gì vui lớn hơn »

(Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành lạc mạc đại yên). 

Cũng quan điểm ấy mà triết học Phật giáo phủ nhận thế giới hiện tượng hình danh sắc tướng để khẳng định một thực tại tối cao bao hàm cả tâm hồn và vật thể :

Nhất thiết hữu vi pháp         (Hết thảy hiện tượng có)

Như mộng ảo bào ảnh         (Nen xem như mộng ảo)

Như lộ diệc như điện           (Như  bọt,bóng điện chớp)

Ưng tác nhu thị quán           (Tương đối không, có hão) (Kinh Kim Cương)

Cùng một ý ấy, trong cuộc viếng thăm Ấn Độ của Einstein trong tháng 7-1930, thi hào Rabindranath Tagorecủa Ấn Độ (đoạt giải Nobel về văn chương năm 1930, và cũng là bạn của Einstein) nói với Einstein rằng :

« Tôn giáo của tôi ở sự điều hoà con người siêu ngã, tinh thần đại đồng ở ngay nơi bản thể cá nhân tôi. » (My religion is in the reconciliation of the superpersonal man, the universal spirit in my own individual being) (6).

Granet cũng đã viết trong cuốn La Pensée Chinoise một nhận xét tương tự:

"Toute réalité est en soi totale. Tout dans l’universes est comme l’univers." (Tất cả thực tại tự thân thì toàn diện đầy đủ. Tất cả trong vũ trụ cũng như  là vũ trụ).

 Tinh thần siêu nhiên trong ban thể cá nhân là  sự  kết hợp, giữa trong tâm linh cá nhân và ngoài thiên nhiên sinh ra đức tính sáng tạo nghệ thuật. Nghệ sĩ cảm thông được với đức tính ấy, qua cảnh vật biến ảo thiên nhiên tìm vào nguồn tâm linh sinh động không có trong và ngoài, chủ quan và khách quan nữa.  Đấy là tâm trạng nghệ thuật Vật hóa, như Thiền Lão Thiền Sư đã trả lời câu hỏi của vua Lý Thái Tông khi đến vãng cảnh chùa ở núi Thiên Phúc, Huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Vua hỏi :

- Hàng ngày hoà thượng làm việc gì?

 Sư đáp :

- Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh, Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

( Trúc biếc cúc vàng đâu cảnh ngoại, Trăng trong mây bạc hiện toàn chân)

Vua lại hỏi :

-          Hoà thượng trụ trì ở đây được bao lâu.

Sư đáp:

-          Đãn tri kim nhật nguyệt, Thùy thức cựu xuân thu.

(Tháng ngày đây biết ngày nay, còn xuân thu trước ai hay làm gì)

Như thế đối với Thiền Lão Thiền Sư không còn vấn đề thời gian,  và nội giới hoà đồng với ngoại giới. Lòng ông tràn ngập nguồn sống thiên nhiên, sống với bụi trúc xanh tươi với dáng người quân tử, sống với bông cúc vàng đầy vể cao quý thanh cao. Tâm hồn Ông đã hòa vào với thiên nhiên, vạn vật.  Đó cũng là thái độ lạc thiên tri mệnh, vui với thiên nhiên và biết phận. Khi đã có thái độ đó thì còn lo gì đến sinh lão bệnh tử, quá khứ vị lai, vì một phút vui của hiện tại thì giây phút đó cũng là vĩnh cửu vô thủy vô chung rồi vậy.

-          Nếu “tu” được như vậy thì người chẳng cần gì đến thuyết tương đối của Einstein nữa anh nhỉ?

-          Dĩ nhiên em ạ. Nhưng nhân loại vẫn cần như cần các phát minh khoa học để ứng dụng vào đời sống con người, và các khoa học gia tương lai căn cứ vào các thuyết cũ để khám phá ra những thuyết mới mẻ hơn. Có điều tao hoá đã công bằng ví dụ như người thường sống trên mặt đất và phi hành gia trên phi thuyền  có vận tốc chỉ kém vận tốc ánh sáng 1 phần tỷ tỷ thôi cũng đều thấy thời gian trôi qua như  nhau, tuy ràng trên thực tế. thời gian trong mỗi cảnh giới đã trôi qua nhanh chậm khác nhau. một năm trên phi thuyền với vận tốc ấy bằng mấy nghìn năm dưới đất. Hơn nữa tạo hoá là nhạc sĩ dạy chim hót thánh thót, dạy côn trùng ngân nga. Tạo hoá cũng là hoạ sĩ tao ra bức tranh tuyệt tác như khung trời đêm thu trước mặt chúng ta đêm nay, và muôn hoa muôn vẻ, từ một cánh hoa dại đơn côi nơi vên núi, đên rừng san hô kỳ ảo trùng điệp dưới đáy biển. Tạo hoá cũng là nhà hoá học cho thực vật hấp thụ ánh sáng mặt trời khiến chất diệp lục tố phát triển để đâm bông kết trái thành hoa thơm quả ngọt nuôi sống muôn loài...

Có lẽ Trang Tử đã có nhận thức tương tự, và có cùng tâm trạng nghệ thuật vật hoá như Thiền Lão Thiền Sư, nên trong giấc mộng Trang Chu, Trang Chu nằm mộng ra con bướm, phất phới bay lượn, lấy làm thích chí, quên bẵng mình là Chu.  Chợt tỉnh giậy lại thấy thù lù nằm đó là Chu, không biết Chu mộng là bướm hay  bướm mộng là Chu? Chu với bướm hẳn có sự phân biệt, thế là vật hóa. 

Phương thích thú nói:

-          Em thấy anh có vẻ khoái thuyết của Trang Tử rồi đó.

-          Anh khoái tất cả kinh nghiệm của tiền nhân để chúng ta được hưởng tiện nghi vật chất và tinh thần như ngày nay. Thế em có khoái không?

Phương âu yếm nhìn chồng :

-          Em chỉ mơ thích anh làm Từ Thức sướng hơn! Vì  Từ Thức đã treo ấn từ quan vì người yêu.

Quang ôm vợ thì thầm:

-          Chúng ta đang là  Từ Thức và Giáng Hương sánh vai bay trên phi thuyền Thiên Thai này!

 

NGUYỄN  HƯNG QUẢNG

Mùa thu 1994

(đã đăng trong trong Giai phẩm Người Việt xuân Ất Hợi)

 

TAÌ LIỆU THAM KHẢO

(1)- Nho Giáo, Quyền thượng của Trần Trọng Kim NXB  Tân Việt

(2)- Lão Tử Đạo Đức Kinh, quốc văn giải Thích NXB Đại Nam

(3)- Exploration of  the Universe. Các chương 13,35,36 ISBN 0-03-058502

(4)- Bảy Đại triết gia đời Chu Tần của Ngô Quân. Trang 56,57 – Trang Tử.

(5)- Hành Trình về Phương Đông của Nguyên Phong, trang 48.

(6)- Thiền Học Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục, NXB Văn Nghệ.


 

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI