RỒNG mây khi gặp hội ưa duyên
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
Theo Hào "Cửu Ngũ" của quẻ Càn trong Kinh Dịch 《易經.乾卦》中,「九五爻」có
câu : Vân tòng long, phong tòng hổ, Thánh nhân tác nhi vạn vật đổ
雲從龍,風從虎,聖人作而萬物睹. Có nghĩa : Mây theo rồng, gió theo cọp, bậc thánh nhân
đứng ra (làm việc) thì vạn vật đều trông vào. Ý chỉ : Những sự gặp gỡ
tốt lành hợp ý, thời cơ thuận lợi may mắn; gặp được các cơ hội xứng ý
toại lòng, phát tích vượt trôi, vì CỬU NGŨ là hào của "Phi Long Tại
Thiên 飛龍在天" là rồng bay lên trời, được thi đậu Trạng Nguyên, được làm
vua... là "Rồng Mây Gặp Hôi" nói theo chữ Nho là PHONG VÂN TẾ HỘI 風雲際會,
nói gọn lại là PHONG VÂN như trong "Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca 大南國史演歌" của
Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
Những ngờ oan trái bao giờ,
Nào hay thần tướng đợi chờ PHONG VÂN !
Hay nói là Rồng Mây, Mây Rồng như Thúy Kiều đã đoán trước về cái chí hướng muốn vươn lên để xưng vương xưng đế của Từ Hải là :
Nàng rằng : Lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy MÂY RỒNG có phen !
Hay để chỉ đường công danh đắc ý như cụ Nguyễn Công Trứ đã viết trong bài thơ hát nói "Kẻ Sĩ" là :
RỒNG MÂY khi gặp hội ưa duyên
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
Rồng gặp mây như Cá gặp nước mặc sức mà vùng vẫy vẫy vùng.
Còn... RƠI BÌNH hay Bình Rơi là quẻ thứ 48 trong Kinh Dịch có nội dung như sau :
Khảm Thượng Tốn Hạ, TỈNH, cải ấp bất cải tỉnh, vô táng vô đắc,
vãng lai tỉnh tỉnh, khất chí diệc vị quất tỉnh, luy kỳ bình,
Hung.坎上巽下【井,改邑不改井,无丧无得,往来井井。汔[ qì]至亦未繘[jú]井,羸其瓶,凶】. Có nghĩa :
KHẢM trên TỐN dưới, Khảm là nước, nên tên quẻ là cái GIẾNG; ta có
thể di dời thành quách thôn ấp chớ không thể di dời cái giếng được; cứ
múc nước mãi mà giếng vẫn cứ đầy lên không cạn kiệt; tất cả mọi người
vãng lai đều sử dụng nước của cái giếng nầy; Khi lấy nước nếu bình nước
chưa ra khỏi miệng giếng mà bị đụng bể hoặc rớt trở xuống giếng là điềm
HUNG. Nên...
RƠI BÌNH là chỉ việc tốt bị
lở vở, như trong truyện thơ Nôm QUAN ÂM THỊ KÍNH nói về tình duyên giữa
Thị Kính và Thiện Sĩ có câu :
Phù dung nở để lìa cành,
Giếng sâu nở để RƠI BÌNH từ đây !
Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du nói là BÌNH RƠI và TRÂM GÃY
là cây trâm không còn dùng được nữa, khi cho Vương Quan kể về người
khách làng chơi từ xa nghe tiếng đến tìm Đạm Tiên, thì khi :
Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
Thì đà TRÂM GÃY BÌNH RƠI bao giờ !
TRÂM GÃY BÌNH RƠI ở đây chẳng những chỉ tình duyên lở vở mà còn để ám chỉ là Đạm Tiên đã chết rồi "Buồng không lặng ngắt như tờ, Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh !".
Cái BÌNH trong văn học cổ rất dễ rơi dễ vỡ, nên ta thường gặp thành
ngữ THỦ KHẨU NHƯ BÌNH 守口如瓶, có nghĩa : Phải biết giữ mồm giữ miệng như
giữ cái bình vậy, ý nói phải biết ăn nói cho thận trọng, lời nói ra rồi
khó mà lấy lại cho được, cũng như bình đã vỡ rồi thì khó mà hàn gắn lại
cho được. Như Thúy Kiều đã than thân khi lọt vào lầu xanh :
Dẫu sao BÌNH đã VỠ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong !
Nghĩa phát sinh của THỦ KHẨU NHƯ BÌNH là giữ kín miệng như giữ cái
bình, ý là nín thinh, cạy miệng cũng không nói ra gì cả. Như chàng Thúc
Sinh đã lém lỉnh tưởng mình khôn ngoan không nghe lời khuyên của Thúy
Kiều thú thật cùng Hoạn Thư, mà cứ...
Nghĩ đà BƯNG KÍN MIỆNG BÌNH,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng.
RỦ là buông xuống, là Thả xuống là ...Rủ xuống. Cái gì Rủ Xuống ? Ta gặp ngay trong phần mở đầu của Truyện Kiều khi cụ Nguyễn Du giới thiệu về chị em Thúy Kiều và Thúy Vân :
Êm đềm TRƯỚNG RỦ MÀN CHE,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai !
Hay là "RỦ RÈM" như trong truyện thơ Nôm Từ Thức Gặp Tiên :
Vua Đường thoắt nới xe tiên,
RỦ RÈM trong đã có nguyền đông tây.
Trở lại với Thúy Kiều, sau khi bị Sở Khanh gạt gẫm, rồi Tú Bà bắt phải tiếp khách, nhưng vì là gái mới ra nghề nên cũng còn nâng cao thân phận :
Lầu xanh mới RỦ TRƯỚNG ĐÀO,
Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người.
Nhưng sau mười lăm năm lưu lạc chìm nổi trong chốn phong trần,
cuối cùng bị Hồ Tôn Hiến lợi dụng xong rồi lại ép gả Thúy Kiều cho thổ
quan, ta thấy cảnh buồn thảm áo não của Thúy Kiều khi :
Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền,
LÁ MÀN RỦ THẤP ngọn đèn khêu cao.
Nàng càng ủ liễu phai đào,
Trăm phần nào có phần nào phần tươi ?
Một trong Tứ Linh là con Linh Quy 靈龜 trong Long Lân Quy Phụng 龍麟龜鳳,
ta gọi Linh Quy là Rùa Thiêng, như trong bài thơ "Nước Tôi" của thi sĩ
tiền chiến Nguyễn Văn Cổn khi nhắc đến anh hùng áo vải đất Lam Sơn là :
RÙA THIÊNG nổi trước thuyền rồng,
Trên hồ Hoàn Kiếm anh hùng là ai ?!
Theo
truyền thuyết thần thoại Trung Hoa thì có Thần Quy Xuất Lạc 神龜出洛, có
nghĩa là con rùa thần được sinh ra từ dòng sông Lạc Thủy. Trên lưng rùa
có đồ họa và hình tượng gọi là Quy Thư 龜書, cũng gọi là Lạc Thư 洛書 là
nguồn gốc của các thuật số Trung Hoa cổ xưa song song với Hà Đồ 河圖, nên
gọi chung là Hà Đồ Lạc Thư 河圖洛書. Trong văn thơ của cụ Đào Duy Từ gọi là
RÙA LINH ĐỘI SÁCH :
Thú vui thua thú ngư hà,
RÙA LINH ĐỘI SÁCH, Bạng già sanh Châu.
RÙA LINH ĐỘI SÁCH chỉ thú vui trong thuật số, còn "Bạng già sanh Châu"
là do thành ngữ "LÃO BẠNG SANH CHÂU 老蚌生珠". Có nghĩa : Con ngao con sò
già thì sinh ra hạt châu hạt ngọc; Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ :
Khi tuổi đã già rồi mà còn sinh được cô con gái đẹp, nên cưng chìu như
là châu ngọc vậy !
Hà Đồ và Lạc Thư
Ta thường nghe nói Duyên Kim Cải; đó là do thành ngữ Châm Giới
Tương Đầu 針芥相投, có xuất xứ từ câu nói trong Tam Quốc Chí là "Từ thạch
dẫn châm, Hổ phách thập giới 磁石引针,琥珀拾芥"。Có nghĩa : Đá nam châm hút kim
loại, còn hổ phách thì hút hạt cải; Ý chỉ thứ nào thì hút theo thứ đó,
tình đầu thì ý hợp, như trai gái, vợ chồng gắn bó khắng khít với nhau
vậy. Trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính tả lại mong ước của Thị Kính khi
lấy chồng là Thiện Sĩ có câu :
Kể từ KIM CẢI duyên ưa,
Đằng leo cây bách mong chờ về sau.
Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du dùng RỤNG CẢI RƠI KIM để chỉ cuộc tình duyên lở vở. Khi tả lúc Thúy Kiều bán mình chuộc cha, Vương Viên Ngoại cũng vì nàng mà than oán :
Vì ai RỤNG CẢI RƠI KIM,
Để con bèo nổi mây chìm vì ai ?!
... và lúc Kim Kiều tái hợp, trong buổi tiệc đoàn viên, khi "Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân cũng đã nói lẫy :
Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
Cũng là phận CẢI duyên KIM,
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao !...
Nói thêm, trong Phật Giáo thành ngữ "Châm Giới Tương Đầu 針芥相投", là
Duyên kim cải theo kinh Phật, ý nói Hột cải ném ra ghim trúng ngay đầu
mũi kim, là một chuyện hiếm có, khó xảy ra. Nhà thiền mượn cụm từ này để
chỉ thầy trò nhân duyên tương hợp, ăn khớp với nhau thật đặc biệt hiếm
thấy. Tiểu truyện Thiền Sư Tĩnh Lực trong kinh TUTA ghi : Du học thì,
ngộ Tiên Du Đạo Huệ, châm giới tương đầu, thê tâm Phật địa
遊學時遇仙遊道惠針芥相投棲心佛地。Có nghĩa : Khi du học, sư được gặp thiền sư Đạo Huệ ở
Tiên Du, thầy trò nhân duyên tương hợp một cách thật đặc biệt hiếm thấy
bèn dốc lòng nương nhờ đất Phật.
Hẹn bài viết tới !
RUỔI, RUỘNG, RÚT, RỪNG, RƯỢU.
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa