Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Tản mạn đầu ngày 14/05/22

Hôm nay tôi kể bạn đọc chuyện tôi đăng bài đầu tiên trên báo nhé. Lâu lắm rồi, có những chi tiết tôi đã quên khá nhiều nên nhớ được gì sẽ viết ra đây. Năm ấy tôi là một du học sinh mặt còn búng ra sữa Guigoz. Mỗi mùa hè chúng tôi được phép làm việc ba tháng hè để có tiền sống trong năm. Thường thì mọi năm tôi xin được một cái job hè đi giao nùi giẻ toóc-sông (torchon), tạp-dề (Tablier) cho các tiệm thịt, quán nước, hay lò bánh mì.

Lương cũng khá đủ để sống khoảng 7 tháng sau đó. Vì 3 cộng 7 chỉ có 10, 2 tháng còn lại tôi đóng cửa ngủ đông cho đỡ đói. Bạn bè thấy thương hại nên khi đi ăn cơm đại học xá hay lận cho một túi áo lạnh bánh mì chùa về cho mình nhá với phô-mai con bò cười cho qua ngày. Lúc ấy tôi không tìm được cục gạch nào đó để có thể bỏ lò nướng hầu gói giấy báo tự sưởi được.Thời chúng tôi tụi Tây nó xây nhà bằng bê-tông không hà. Muốn có gạch phải cạy tường nhà cũ ra. Đồ mặc còn thiếu, tìm đâu ra dụng cụ để cạy gạch? Mà thật ra, nhét được cục gạch vào lò nướng rồi thì chẳng có gì để gắp nó ra mà nếu đã có lò rồi thì không hiểu tại sao lại phải nung cục gạch làm gì. Cái này chắc có nguyên tắc khoa học gì cao siêu lắm mà vì dốt, tôi chưa hiểu được.

Năm ấy, chán giao giẻ lành (giẻ rách đem về là hãng vất đi) tôi tìm cách đổi nghề. Loay hoay thế nào tôi xin được vào làm cho một tờ báo. TỜ BÁO, bạn đọc ạ! Giấc mơ làm báo từ hồi dậy thì đã thành sự thật. Hè đến, tôi vào làm việc. Tờ báo nhỏ thôi, thiếu điều không tên tuổi mà chính tôi cũng đã quên tên nó, nhưng cũng là niềm hãnh diện vô bờ đối với tôi. Nhờ biết đánh máy, tôi được anh chủ báo cất nhắc lên làm thợ xếp chữ ngay. Anh ấy vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút vì như tôi nói, tờ báo nhỏ thôi. Tòa soạn khi tôi vào làm tổng cộng có hai nhân viên mà tôi là một, anh ấy là hai. À quên, anh ấy cũng kiêm luôn chức xin quảng cáo tức là tiếp thị. Sau này tôi mới biết anh còn lo việc đem tờ báo ra nhà in. Khi báo in xong, lấy báo về, và đem báo đi giao các nơi có cửa hàng VIệt Nam. Hình như trong năm không có người giúp việc ăn lương tối thiểu như tôi thì anh ấy kiêm luôn vai xếp chữ. Tóm lại, như bây giờ người ta gọi: One-man band (ban nhạc một nhạc công).

Nhiệm vụ của tôi là xếp chữ và giúp anh ấy lên trang. Vì mới làm nên còn vụng về lắm. Nhiều khi sắp xếp xong cứ thấy bài thừa ra ngoài trang, lại phải cắt xén để điền đủ trang. Lắm khi còn râu ông nọ cắm cằm bà kia, bài này trộn lẫy bài nọ. Có khi làm đủ mọi cách vẫn còn thừa chỗ trống mà lại không có bài đắp vào. Vì anh chủ báo thường xuyên phải đi làm việc của người bán hàng, tôi bắt đầu phải tự lo điền vào chỗ trống thường hơn. Thời ấy chưa có internet, người viết cũng ít, mà khi viết thì thường viết tay chứ không đánh máy nên xếp chữ là một việc khá nhiều thử thách.

Chiều hôm ấy sắp phải đưa báo đi in, chủ báo đi đâu chưa về. Tôi lên trang đến bài cuối rồi mà trang báo vẫn còn thừa một lỗ hổng lớn. Tôi lo quá, vì báo đưa trễ nhà in sẽ không nhận. Mà không lẽ báo để trang trắng? Tôi quýnh quáng viết đại một truyện rất ngắn. Nó giống như mối tình đầu vậy, mình nhớ mãi nội dung dù mình không nhớ chi tiết làm sao mình để nó tan vỡ. Đại ý tôi kể chuyện đôi trai gái yêu nhau thắm thiết nhưng cha mẹ một bên, tại nhân vật nam không có thân nhân ở hải ngoại, nhất định không chấp nhận vì nhân vật đó làm báo, không có tương lai. Cô gái không nghe lời ngăn cản của cha mẹ, nhất quyết đến giúp người yêu làm báo mà không lấy lương. Cha mẹ cô gái thấy con gái mình dại quá mà bảo không được nên đâm ra gấu ó nhau đến mức sắp sửa đổ vỡ, đưa nhau ra tòa ly dị vì ông đổ cho bà đẻ con gái ngu, bà mắng ông thảy cho bà cái tinh trùng không não. May làm sao, chàng trai được một tờ báo lớn hơn mua lại báo của chàng bằng một giá cao ngoài mức tưởng tượng. Chàng cũng không hiểu tại sao chủ tờ báo đó lại dại đến thế, đi mua lại một tờ báo mà cả chủ báo lẫn tờ báo đều không có tương lai. Chàng vội đem tiền lại khoe cha mẹ người yêu và xin vì hạnh phúc gia đình cô gái, chàng hy sinh bỏ đi Mỹ đoàn tụ gia đình không hẹn ngày trở lại. Nhờ vậy mà cha mẹ cô gái cơm lành canh mặn trở lại và cô gái sau này đã thầm cám ơn chàng trai khi cô tìm được tấm chồng khác giàu sang, thành công trong xã hội.

Tôi không dám cho anh chủ báo biết vì sợ bị chửi và đuổi trước kỳ hạn. Bị đuổi kiểu ấy sẽ đói luôn từ mùa hè chứ không phải đợi đến cuối năm. Sau khi báo phát hành xong, chiều hôm ấy anh chủ báo về tòa soạn với nét khá đăm chiêu. Anh không nói gì với tôi cả và bảo tôi chuẩn bị dọn một cái bàn khác qua đó ngồi để anh nhận một người tập sự đánh máy. Thú thật, tôi lo lắm, vừa lo mất nồi cơm, vừa lo bị chửi, nói chung lo đủ thứ. Giữa hè mà mất việc là khó tìm được việc khác lắm. Sau đó, nhận được cú điện thoại của một khách quảng cáo lớn, anh dặn tôi đợi đấy rồi chạy đi. Khi quay về, tôi thấy mặt anh có vẻ tươi tỉnh hơn. Tôi tự nhủ “có lẽ may không bị mất quảng cáo”. Quảng cáo là nguồn tài trợ lớn nhất của tờ báo mà.

Anh ngồi xuống nói chuyện với tôi. Sau khi biết chắc tác giả truyện ngắn là tôi, anh bảo hoàn cảnh anh gần giống như thế và người yêu anh là con gái một chợ --khách quảng cáo lớn nhất của tờ báo. Hôm báo ra, mẹ cô tình cờ đọc được bài tôi khi đang xé mấy trang báo ra để dùng gói hàng. Bà xúc động quá, khóc sướt mướt và bảo con gái gọi ngay cho anh. Ông bà bằng lòng chi tiền ra tài trợ tờ báo cho anh và con gái tiếp tục làm với điều kiện có một cột báo ngay bên cạnh trang quảng cáo của chợ ông bà. Cũng theo yêu cầu của bà, anh giao cho tôi công việc quan trọng đầu tiên trong nghề làm báo: giữ cột “Gỡ Rối Tơ Lòng”. Tôi thất kinh, ú ớ bảo anh, bồ tôi còn chưa có, làm sao tôi gỡ cái gì cho ai được đây. Anh bảo tôi “Chú dừng lo, làm báo phải biết phịa mới ăn tiền”. Chú cứ tưởng tượng những tình cảnh éo le như truyện của chú rồi tự chú gỡ rối luôn. Vậy là đủ cho anh bán báo.” Nhờ tôi mà tờ báo của anh có được luồng sinh khí mới, khách đến chợ để mua hàng còn ít hơn khách đến mua báo về đọc tôi “Gỡ Rối Tơ Lòng”. Khi tôi nghỉ, anh tiếp tục thuê người khác giữ mục ấy nhưng không thành công lắm mà lại ăn khách nhờ mục “bàn đánh cá ngựa”. Anh đã trở thành một chủ báo thành công, và càng ngày anh càng nổi tiếng nhờ kế nghiệp cha mẹ vợ làm chủ chợ. Riêng tôi bây giờ vẫn còn ngồi viết mà vẫn chưa ăn thua gì hết.

Vũ Quang (Trân Vũ)

 

1 nhận xét:

KHAI XUÂN - Thơ Trần Văn Hạng và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài xướng: KHAI XUÂN Xuân về nhựa sống trải muôn nơi Hoa lá ngày xuân đẹp tuyệt vời Lộc nõn đầu xuân khai tiết mới Chồi non Ất tỵ lập xuân t...