Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

MỘNG THI NHÂN - Thơ Sông Thu Và 13 Bài Họa Của Các Thi Hửu


MỘNG THI NHÂN
( Bát Vĩ Đồng Âm )

Cả ngày nắn bút, khổ thân ghê
Thơ chẳng ra thơ chỉ giống vè
Nhạt nhẽo câu từ sao quá tệ
Nghèo nàn ý tưởng quả là quê.
Cứng đờ lục bát, ngâm nhàm ẹ
Lỏng lẻo Đường thi, đọc chán phè
Giấc mộng thi nhân nào có dễ
Vậy mà vẫn muốn thỏa đam mê.
Sông Thu
( 26/08/2024 )
 
Các Bài Họa :
 
1./  MỘNG THƯ PHÁP.
 
Thư pháp ai nhìn cũng thích ghê
Tập tành lả lơi viết câu vè
Dáng rồng uyển chuyển xinh là thế
Nét phượng mượt mà đẹp đến mê
Vờn thử vài lần xem gớm ẹ
Dợt thêm mấy bận thấy nhàm phè
Bao ngày cố gắng mà không thể
Giấu giếm bạn bè bởi sợ quê!
LAN
(26/08/2024).

 
2./ NGÁO MỘNG…

Ngẫu hứng nên lòng muốn viết ghê
Xóa đi, tác lại vẫn như vè
Ngòi còn thô cảm hồn chiều xế
Ngữ tả vụng về cảnh sáng quê
Ý thả lung tung, từ ngán tệ
Vần gieo lộn xộn, cú ngang phè
Đầy bồ giấy xé, cười thây kệ…
Mực vẫn chảy tràn thỏa nỗi mê…
CAO BỒI GIÀ
26-8-2024


3./GẮNG LÊN

Đâu khó mầng răng lại phán ghê?
Cứ phang tưới cả trước ra vè
Học Cao Bồi Quán xem không tệ
Mót Lãng Phong Gia sẽ ít quê
Đừng sớm lanh chanh mà hóa ẹ
Chớ mau láo nháo tất sinh phè
Ai mà chẳng vậy như vừa kể,
Tuần tự mai rồi đọc thấy mê…
Thái Huy 8/26/24
 
4./ Kính Họa Vận : MƠ…LÀM THI SĨ

Ngẫm lại làm thơ cũng khó ghê…!
Mà câu lục bát hoá ra vè
Nôm na ý tứ dường như tệ
Lủng củng nội dung quả thực quê
Chữ nghĩa Đường Thi sao quá ẹ
Tám câu niêm luật bị ngang phè…
Thi nhân, giấc mộng tình không dễ…
Hà cớ bôn chen mãi miết mê…(?)
MAI XUÂN THANH Silicone Valley, 8/26/2024



5./ THI SĨ…XIN ĐỪNG !
( bát vận đồng âm )

Thi sĩ muốn làm …thật khổ ghê !
Tối ngày nắn nót được câu vè
Để đưa khoe bạn …mình không tệ
Còn muốn nhắc người…tớ chẳng quê
Lục bát gieo vần sai quá thể
Đường thi niêm vận trật ngang phè
Làm thơ chút ít …còn ra vẻ
“ Thi sĩ “ xin đừng…hãy chớ mê !
songquang 20240826
 
6./ MẢI MÊ
(Bát Vĩ Đồng Âm)

Hấp tấp khôn dò mắc cỡ ghê!
Đường Thi đọc kỹ giống câu vè
Gieo vần đúng luật đâu hề dễ
Phạm lỗi trùng từ ngẫm quá quê!
Hạc Tất đồng thanh dù lẻ tẻ
Phong Yêu cùng dấu đã ngang phè
Nhiều hôm tự bảo thôi dừng nhé!
Nghĩ thẹn sao mình cứ mải mê.
Như Thu
08/25/2024



HỌA 7/: XÓA PHIỀN

Gắng bút họa liều khổ quá ghê!
Đường thơ lệch lạc giống câu vè.
Giao lưu trơ trẽn xem còn tệ,
Đối tréo nhạt nhèo bị trách…quê!
Bằng trắc cách xa nghe bẩn ẹ,
Vận vần vô nghĩa nghĩ nhàm phè.
Vì tình thi hữu không câu nệ,
Vui vẻ qua rồi cái chốn mê!
*
Mặc tình cho kẻ trách người chê.
HỒ NGUYỄN (26-8-2024)


8./ NGHIỆP VĂN THƠ


Ê mình dũa trí nhọc nhằn ghê
Cũng bởi vì thơ phải khác vè
Muốn tránh Đường thi thời lại thế
Cứ lờ Lục Bát lại càng mê
Còn kia Song thất suy nào dễ
Lại đấy Bát ngôn nghĩ thoáng phè
Chữ nghĩa từ câu nhuần nhuyễn nhé!
Văn vần tuyệt diễm tựa hồn quê …
Mai Vân-VTT, 26/8/24.
 
9./ THÚ LÀM THƠ
 
Đừng phiền buồn trách có gì ghê
Thích thú mua vui kể cả vè
Khen lấy của nhà cho đỡ tệ
Trau dồi tiến bộ khó mà quê
Văn chương chữ tốt nhờ thiên tế
Thơ thẩn ngâm nga suy nghĩ phè
Thi sỹ đừng mơ thì cũng dễ
Thoáng nghe trầm bỗng phát ghiền mê.
Yên Hà
27/8/2024


10./ TẬP LÀM THƠ
( Bát Vĩ Đồng Âm )

Thơ tưởng dễ làm lại khó ghê
Trau đi chuốt lại, đọc như vè
Ngôn từ lúng túng sao mà tệ
Ý tưởng nghèo nàn quả thật quê
Cả buổi loay hoay dường mắc đẻ
Suốt ngày lẩm bẩm tựa đang mê
Mộng làm thi sĩ gian nan thế
Hai năm...vần điệu vẫn ngang phè !
Nguyễn Đông Anh


11./ KHỔ LUYỆN ĐƯỜNG THI
( Bát Vĩ Đồng Âm )

Đường thi bạn gởi, đọc hay ghê
Khơi gợi trong lòng nỗi đắm mê
Vần điệu luyện hoài sao vẫn ẹ
Câu từ chọn mãi cứ hoàn quê
Ngâm đi đọc lại, âm buồn tẻ
Sửa tới bôi lui, chữ dở phè
Sau biết bao ngày hao sức khỏe
May thay, thơ đã hết như vè.
Lưu Lan Hương
(27/08/2024 )


12./
NHỊ CÚ TAM NIÊN (*) 

Cắn bút tìm vần… rõ chán ghê!
Nhờ AI làm thử, hoá ra vè
Văn chương mạch lạc càng không dễ
Thi phú có hồn tránh vụng quê
“Nhị cú tam niên” Ồ ! Chẳng thể !
Chuốt câu mươi phút Mệt! Đâm phè
Thợ thơ, thi sĩ là như thế 
Chữ nghĩa thuộc làu khối gái mê
Kiều Mộng Hà 
Aug.27.2024
(
*) Giả Đảo (779-843)
Trong bài TUYỆT CÚ ,  ÔNG viết:

Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Quy ngoạ cố sơn thu
Phỏng dịch 
Ba năm viết chỉ hai câu
Ngâm đi ngâm lại dòng châu hai hàng
Ví như bạn hữu, tri âm
Không cùng thưởng thức ta nằm chờ thu
kmh
 
13./ TẬP TỄNH LÀM THƠ
 
So bằng chọn trắc, nhức đầu ghê
Thơ viết giống Vè đọc chẳng mê.
O bế mỹ từ nghe sáo thế
Chuốt trau thanh ý thấy khờ quê.
Xào qua bảy chữ càng thêm tệ
Nấu lại tám câu khiến thiếu phê.
Xướng họa Đường Thi không phải dễ
Công phu rèn luyện mới tay nghề!
DUY ANH



Chuyện kiếp người


  • Tùy bút Nguyễn Minh Kính

    Đây là nói chuyện tuổi già; các bạn trẻ nếu ai quan tâm thì đọc, không thì thôi. Xin cảm ơn.

    Thời tuổi trẻ bốc đồng, lông bông lang bang lo kiếm miếng ăn nên không có duyên sách vở. Tuổi già rảnh rang đọc một số thông tin qua sách báo và nhất là trên mạng xã hội đủ thứ hầm bà làng nên viết vài dòng trao đổi chuyện trò cho vui.Đạo Phật có hai từ quán chiếu rất hay. Trong tiếng Phạn có câu, Quán Thế Âm là đấng quán chiếu âm thanh của thế gian, là vị Bồ Tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật và luôn có mặt để cứu độ chúng sinh.

    Quán là “nhìn ra”, là “nhận biết”, khác với “nhìn” là một động từ; nó cũng khác với “thấy” là kết quả của sự “nhìn”. Quán thì nhìn bằng nhục nhãn và tuệ nhãn. Nhục nhãn là mắt thịt. Tuệ nhãn lại bao gồm thiên nhãn, pháp nhãn, trí nhãn, Phật nhãn, toàn nhãn hoặc nhất thiết nhãn. Nghĩa là, mắt của trời và vũ trụ bao la, mắt của sách vở kinh kệ, bằng sự thông minh, bằng Phật tính lòng từ bi,

    Tôi, một lão già tám ba tuổi chỉ có khả năng nhìn chính mình bằng nhục nhãn, nghĩa là bằng mắt thịt mà thôi.

    Mỗi ngày tôi soi gương. Sáng dậy mở mắt, vệ sinh cá nhân soi gương, rửa tay ăn xong soi gương, tắm xong chải đầu soi gương, đi vệ sinh xong rửa tay soi gương, ăn xong phải rửa ráy nữa cũng lại soi gương, đi vào đi ra sẵn gương trước mặt lại soi gương tiếp. Đó là chưa tính những lần soi gương gọi là để ngắm nghía dung nhan bộ dạng. Nghèo, túi rỗng, não trong đầu cũng trơn lu, nghĩa là thuộc típ người hơi… dốt, mà dốt thật, dốt nhiều hơn là thông minh nên lại có thêm hàng ria mép để bù vào khiếm khuyết đó, cũng lại phải soi gương để tỉa tót đôi chút. Nói như thế để biết thời gian soi gương rất chi là nhiều trong một ngày. Nếu tính mỗi tuần lễ, rồi mỗi tháng, mỗi năm, nhất là thời gian nhàn rỗi từ khi nghỉ hưu đến nay hơn hai mươi năm nữa thì… ôi thôi, cả một đời chỉ có việc… soi gương.

    Soi gương nhiều nên tôi thấy tôi ngày một già đi, già rất nhanh.

    Này nha, Chợt một chiều tóc trắng như vôi. “Chợt” là bất ngờ, là nhanh mà tôi không để ý nên không biết mà thôi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói chí lý.

    Người ta thường nói, đời người có ba thời kỳ thay đổi rất nhanh. Thời kỳ thứ nhất là khi mới thành hình trong bụng mẹ chỉ như một tế bào; vậy mà chín tháng mười ngày thôi ra khỏi bụng mẹ đã nặng hơn ba ký lô, biết khóc oe oe. Khiếp chưa! Một kỷ lục thay đổi nhanh đột biến.

    Thời kỳ thứ hai là vào giai đoạn tuổi mười tám đôi mươi. Thời kỳ này thường là vào lúc tuổi học sinh cuối những năm trung học. Sau ba tháng hè gặp lại nhau, chỉ ba tháng thôi nha, con trai thấy vai nở ra, nhìn sau lưng cứ tưởng như tấm phản, trổ giò trổ cẳng cao lớn hẳn, trông rất đô con; con gái thì ngực nhô lên căng ra, da cũng căng ra láng bóng mượt mà, biết làm điệu làm dáng, nói năng ý tứ, má đỏ hây hây, miệng cười chúm chím như bông hoa chớm nở đầu mùa.

    Thời kỳ thứ ba là khi chuyển sang tuổi già và già cũng rất nhanh. Thời xưa năm mươi tuổi đã lên lão, “ngũ thập thuần nhĩ”, tuổi sáu mươi “tri thiên mệnh”, biết mệnh trời, ngồi rung đùi vuốt râu ngẫm sự đời, nghĩ suy số mệnh trời cho; bảy mươi tuổi, “thất thập cổ lai hy”, tuổi xưa nay hiếm. Nói thế nhưng “ngũ thập thuần nhĩ”, “tri thiên mệnh” hay “cổ lai hy” gì gì đó thì nó cứ đi ào ào, chạy vù vù nhanh lắm, như bóng câu qua cửa sổ. Dưới con mắt của thuyết nhà Phật nó chỉ là một sát na mà thôi.

    Lúc tôi sáu lăm tuổi, gặp bạn bè có cả các bà, các chị trong những buổi tiệc tùng, ai cũng khen tôi trẻ, cỡ chừng mới năm lăm hay sáu mươi gì đó là cùng. Tôi thấy tôi tự hào lắm lắm, “oai” lắm lắm. Thế rồi tôi chợt thấy mọi thứ nó trôi rất nhanh, trôi tuồn tuột, cảm nhận như “mới bình minh đó đã hoàng hôn”. Tôi nhìn tôi trong gương thấy tóc trắng, da giống da con đồi mồi, nhăn nheo, mấy sợi râu loe ngoe cũng trắng như vôi, tròng mắt đen nâu mới thuở nào giờ cũng đã chuyển sang trắng đục không còn chút tinh anh; vài ngày không chăm chút hàng ria mép làm dáng bù trừ khiếm khuyết thì tôi cũng chẳng nhận ra tôi là ai. Thêm vào đó hai lỗ tai khi không lại mọc ra những sợi lông màu đen dài lòng thòng chìa ra mỗi bên trông chả ra làm sao. Ôi, tôi ơi là tôi! Nhưng nghĩ cũng chẳng sao.

    Mọi người con nhà Phật ai cũng biết, tôi cũng biết, cái nhục thân này và vạn vật là tứ đại, đất, nước, gió, lửa mà sinh ra. Đóa hoa kia cũng là tứ đại, sỏi đá, đám mây trôi bồng bềnh, con chim đang hót líu lo trên cành và cả cành cây nó đang đậu cũng là tứ đại. Nhưng theo đạo Phật, cái thân tôi không tứ đại như sỏi đá, đám mây, mà nó còn có cả không đại, kiến đại và thức đại nữa. Không đại là không khí, là hư không, trống rỗng và rộng lớn vô biên. Kiến đại là cái thấy, cái biết của chúng sinh. Thức đại là cái nhận thức, phân biệt, làm chủ thể sự sống của chúng sinh. Phải đủ bảy thứ đại thì mới có một chúng sinh hữu tình. Sỏi đá, đám mây, bông hoa chỉ là chúng sinh vô tình. Là chúng sinh hữu tình nên tôi đang lắng nghe tôi, lắng nghe người và lắng nghe đời. Lắng nghe và thấy bạn bè ngày một vắng bóng, xa thưa và đời hiu quạnh. “Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua, Đường về tình tôi có nắng la đà… Rồi một lần kia khăn gói đi xa, Tưởng rằng được quên thương nhớ quê nhà”. Một lần nữa Trịnh Công Sơn lại có lý.

    Quê tôi ở miền Bắc Trung Bộ sống chung với những ngọn gió Lào khô cằn thổi suốt mùa hè mà nữ sỹ Xuân Quỳnh đã cảm nhận bằng một tình thương yêu và nỗi nhớ, “Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ, Cát khô cằn ở mãi hóa yêu thương”, có ông bạn già từ thuở chăn trâu trên nương đang ở đó, lấy thơ của ai đó đọc qua điện thoại cho tôi nghe, “… Kẻ an bần lạc đạo, Kẻ xa nửa vòng trái đất, Quê của người đâu phải quê ta…” như để nói thay lời ông và thay cả lời cho tôi mà thấy lòng rưng rưng. Đúng là mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai. Thế thái nhân tình, muôn kiếp nhân sinh.

    Tôi từ Mỹ về Sài Gòn hồi đầu năm, nơi tá túc hơn nửa cuộc đời và đi thăm bạn bè còn sót lại bốn ông già. Ông Đinh Sửu sinh năm một chín ba bảy, ông Mậu Dần sinh năm ba tám, ông Quý Mùi sinh bốn ba và ông Ất Dậu sinh năm bốn lăm. Bốn ông thì ba ông đã ngoài tám mươi, chỉ ông Ất Dậu tuổi bảy chín và tất cả đều trải qua binh lửa tương tàn của cả hai phe, “thắng cuộc” và “thua cuộc”.

    Ông Ất Dậu bị bệnh parkinson không thể đi đâu xa, chỉ quanh quẩn một cách khó khăn trong nhà. Tôi mời ba ông đi uống cà phê. Ông Đinh Sửu, tám bảy tuổi điếc lác, cầm cái máy trợ thính móc vào vành tai để nghe mà tay run run, lọng cà lọng cọng không tài nào gắn được. Điếc, ngồi uống cà phê chuyện trò với bạn bè mà lại hay hỏi. Hỏi, bạn trả lời không nghe được mà vẫn cứ hỏi, hỏi hoài, rồi nói chuyện lại cứ oang oang tưởng ai cũng điếc như mình nên cần phải nói to hơn làm khách ngồi uống cà phê ngạc nhiên trố mắt nhìn. Tôi giải thích lý do ông bạn già của tôi nói to cho khách trong quán nghe nên ai cũng thông cảm, gật đầu mỉm cười vui vẻ. Rõ thật khổ, thật thương.

    Nhưng thương nhất là ông Ất Dậu đang bị bệnh parkinson. Quê ông ở Thái Bình. Ông bị bệnh parkinson năm, sáu năm nay rồi. Nghe ông kể hoàn cảnh thời niên thiếu thấy mà thương. Bố ông lên chiến khu Việt Bắc theo kháng chiến, ông ở với ông bà nội. Ông bà nội bị quy địa chủ, nhà cửa tài sản biến thành quả thực chia hết cho nông dân. Đói quá, ông Ất Dậu đi lang thang đến nhà người bác ruột ních một bụng no quá bội thực suýt chết.

    Ông Quý Mùi tuổi tám mốt, sau năm bảy lăm đi tù cải tạo, vợ ở nhà quá nghèo túng, lấy chồng khác, đem đàn con vượt biên sang Úc định cư để ông ở lại một mình. Cô đơn quá, ông đi thêm bước nữa. Bà vợ hai ở với ông không có con. Tháng trước gọi điện thoại về hỏi ông khỏe không; ông trả lời, thôi anh ơi, đau rề rề chỉ lẩn thẩn trong nhà thôi. Vừa rồi gọi điện về qua ông Mậu Dần nghe nói ông Quý Mùi đang nằm bệnh viện Thống Nhất vì xuất huyết dạ dày và thấp khớp. Không có gì ngạc nhiên về căn bệnh này của ông Quý Mùi khi đời sống vật chất thiếu thốn một thời và vợ con bị xa lìa.

    Nói chuyện một lúc, tôi hỏi ông Mậu Dần, nghe nói bệnh viện Thống Nhất chỉ ưu tiên dành riêng cho một số người nào đó chứ ông bạn Quý Mùi của ta là thường dân làm sao được vào đó. Ông Mậu Dần nói, thay đổi rồi anh ơi. Trước năm bảy lăm, cái tên của nó là bệnh viện Vì Dân, ai cũng vào thăm khám và chữa bệnh được; sau năm bảy lăm đổi tên thành bệnh viện Thống Nhất và chỉ dành riêng cho một số người có chức với mức lương nào đó theo quy định. Bây giờ người ta thay đổi chủ trương rồi, ai có đủ tiền đều được vào. Họ thay đổi chủ trương thế mà hay, được cả đôi đường, vừa có thêm tiền vừa được tiếng vì dân.

    Suy ngẫm cuộc đời, thế thái nhân tình, muôn kiếp nhân sinh. Sự sống, không ai ở ngoài quy luật tạo hóa. Các hormone được lập trình đang bắt đầu hóc hỏng dần trong cơ thể. Có người phải dày công tu tập để buông bỏ, nhưng có người tự dưng quên hết mọi sự đời. Con đường mòn ký ức đã nhuốm đầy bụi bẩn chông gai. Quên ngày, quên tháng, quên năm, quên cả tên người, quên nơi chốn, thích đi lang thang, vụng về luộm thuộm…

    Rồi đến một lúc không tự chăm sóc cho mình được mà hoàn toàn phải lệ thuộc. Con người ta đến đó như sống lại cái thuở… tập đi.

    Chợt nhớ, cũng vừa rồi qua điện thoại xa nửa vòng trái đất bên kia Thái Bình Dương, ông Mậu Dần cho biết vợ ông bây giờ như con nít tập đi. Con gái ông đọc câu thơ của ai đó cho ông nghe, “Một đời đi nắng đi sương, Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”. Tôi trả lời ông bằng mấy câu thơ của đạo Phật, “Có thân tứ đại có hưng suy, Thuận pháp hồn nhiên với chữ tùy, Thân dẫu bất an tâm chói sáng, Tánh luôn thanh tịnh tướng tùy duyên’.

    18-08-2024

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

BA MÀU ÁO, HOA HỒNG ĐỎ MÙA LÁ VÀNG, CÒN NHỚ THU TÀN - Thơ MP Trường Giang Thủy

1./ BA MÀU ÁO
 
Xưa em mặc áo lụa xanh
Nụ cười vướng bóng chiều hanh nắng vàng
Tóc mây quấn quýt khăn quàng
Mắt nhung thu ướt ẩn làn mi cong!
Rồi em thay áo lụa hồng,
Quên cành hoa tím bên dòng sông mơ.
Triền sông cổ tích tình khờ,
Anh thôi mộng ủ hương chờ đợi nhau!
Em đi xanh ngát buồng cau,
Lá Trầu Không quệt vôi màu thắm tươi.
Anh về nhốt bóng nụ cười,
Em khăn quàng tóc mây... vời vợi xa!
Ngậm ngùi nửa khúc tình ca,
Anh mơ đậm bóng em tà áo xanh.
Nào hay duyên phận mong manh,
Em về đổi áo hồng thành... áo tang!
Triền sông hoa dại héo tàn,
Lối thu xưa ngập lá vàng rụng rơi.
Nhạc lòng anh khúc chơi vơi,
Thương em ... góa phụ đắng lời ru con!
MP Trường Giang Thủy

2./ HOA HỒNG ĐỎ MÙA LÁ VÀNG
( Viết tặng con gái mùa vu lan 2014)
 
Lá rơi vàng cổng trường xưa,
Ngang qua mẹ ngỡ con chưa tan trường.
Giật mình như có hồi chuông,
Bóng con thấp thoáng sau trường lớp quen...
Bao năm chẳng dễ gì quên
Con đi học,mẹ bon chen với đời!
Xa con mẹ đã quen rồi,
Nhưng sao mẹ cứ bồi hồi nhớ thương.
Năm năm con ở giảng đường
Một mình mẹ giữa đời thường quạnh hiu!
Cuối thu lá úa rụng nhiều,
Con chào đời lúc đêm về rưng mưa.
Bây giờ hai bốn năm xưa
Thoảng qua đời mẹ như vừa chiêm bao
Bây giờ tóc mẹ đổi màu
_ Lá vàng chẳng biết ngày nào tả tơi !
Bây giờ con đã vào đời
Vô tư giữa chốn bộn bề lợi danh...
Mẹ cầu đời mãi an lành
Hoa hồng đỏ thắm riêng dành cho con
Mùa vu lan đến, trăng tròn
Lá vàng chưa rụng con còn ngày vui
MP.Trường Giang Thủy
 

3./  CÒN NHỚ THU TÀN
 
Nhắc nhớ làm gì mùa thu cũ,
Ga đời tiễn biệt chuyến tình đau,
Đêm ấy sợ mưa nhoè quá khứ,
Em ủ hương sầu ngược nẻo nhau!
Lối thu xưa gặp vàng hoa cúc,
Nắng trải hồng thêm dáng lụa mềm,
Em nghiêng tóc khuất rèm mi ướt,
Anh thẹn lần đầu nói yêu em!
Mấy thu tàn úa lá ngập thềm…
…Cúc vẫn vàng chờ xuân ấm thêm,
Anh như cánh én chiều giông bão,
Lạc mất đường bay bặt dấu tìm!
Hội ngộ, chia ly …sầu đêm trắng,
Cạn tách trà tình đắng cả tim,
Ngoài sân sứ đỏ cùng lan tím,
Tàn úa, sao hương vẫn vương đêm!
Trà nhạt môi mềm tiễn biệt nhau,
Lá rơi mục ẩm sót bên rào…
Cúc vàng từng cánh li ti rụng…
Là hết một thời luyến ái trao!
Em gói thu tàn lẫn nỗi đau,
Hành trang hiu hắt ngược nẻo sầu…
Anh đừng nhắc chuyện ngày xưa nữa
Thu của một đời đã mất nhau!
MP.Trường Giang Thủy

MẸ QUÊ - TG ;Liêu Thái (Văn Việt )

 

 Mẹ ở dưới quê, khăn gói lên phố sống với gia đình con trai. Cả con trai và con dâu đều là người có ăn học, sống biết lẽ phải.
Thời gian mẹ sống với các con cũng ngót nghét ba năm. Dường như không có chuyện gì trầm trọng.
Một bữa, con dâu nói với con trai: “Anh ơi, em xin lỗi anh trước, có việc này em phải nói với anh. Nhờ anh nhắc khéo mẹ nên ăn cơm cùng con cháu. Nếu ăn riêng thì khi lấy thức ăn nhớ đừng lựa, xáo cả nồi. Em xin lỗi anh vì đã nói ra điều này!”.
Con trai tìm cách nói thật khéo với mẹ điều này. Mẹ gật đầu, xin lỗi con trai vì mình đã làm vậy. Hôm sau mẹ nói muốn về quê ở một thời gian. Con trai đâm thất vọng vì mẹ không thông cảm cho mình.
Mẹ về quê, vắng vài tuần, cháu nội gái phát hiện: “Từ ngày bà nội về quê, nồi thịt gà, nồi cá lúc nào cũng dư đầu cánh cổ, đầu đuôi cá. Hóa ra lâu nay bà nội lựa toàn mấy cái đó để ăn”.
Con trai và con dâu nghe vậy, lặng lẽ bỏ đũa, chạy gấp về quê.
Bữa cơm quê mẹ dọn cho con trai và con dâu, có bát thịt gà, chỉ có thịt đùi, thịt nạc, không có đầu cánh cổ…

Liêu Thái 


Mời Xem :

LÒNG MẸ - Tiểu Tử

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

VỀ THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA VÀ BÀI CÀM ĐỀ CỦA NGÂN TRIỀU

 VỀ THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA
 
Chiều cuối Hạ tôi về thăm trường cũ
Nơi một thời tuổi nhỏ học ở đây
Sáu mươi năm ôm kỷ niệm thật đầy
Theo vận nước bồng bềnh trôi muôn ngã
*
Đâu thể nào quên những ngày êm ả
Mái trường yêu hình ảnh của ngày thơ
Bao năm qua còn đó tuổi dại khờ
Cho mãi đến giờ vẫn hằn nỗi nhớ!
*
Ngoài kia “Hoa Lim” [160] vàng đang rực nở
Theo gió đong đưa ngập cả sân trường
Trước mái hiên còn đọng dáng em thưong
Trang sách cũ ghi vần thơ dệt mộng
*
Tôi trở lại đây một chiều gió lộng
Như thấy người xưa, ánh mắt thơ ngây
Tóc xỏa vai gầy vạt nắng bay bay
Áo trắng phất phơ, lá lay [161] xào xạc 162]
*
Chiều dần xuống hương “Hoa Lim” thơm ngát
Nhớ lúc tan trường anh bước theo em
Đuổi bướm tung tăng nắng đổ bên thềm
Bướm bay mất em rưng rưng nước mắt
*
Anh đền em Hoa Bí vàng mới ngắt
Thay con bướm vàng, thương nhớ mênh mang
Nay trường xưa Hoa Bí vẫn nở vàng
Nhưng thiếu em, anh ngỡ ngàng héo hắt
*
Cảnh cũ đã hiện ra ngay trước mắt
Còn em đang lưu lạc phương trời nào?
Em thiên thần có lạc chốn trăng sao?
Nghe vang mãi giọng ngọt ngào em hát
*
Hoa Bí tươi màu, trời xanh bát ngát
Tôi lặng nhìn hoa, thương mối tình đầu
Trường cũ giờ, có phải Hoàng Hạc Lâu?
Bướm vàng bay mất còn đâu tìm thấy?!
Nguyễn Cang
*
Cảm tác nhân đọc bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" [158] của Thôi Hiệu, 崔顥, (704–754) và mượn ý từ bài hát "Màu hoa bí”. [159] Để nhớ trường xưa nơi tôi ngồi học lúc tuổi thơ...giờ tìm đâu thấy! Nguyễn Cang).
 
 
Ngân Triều cảm đề:
♥ Trường xưa cuối Hạ nắng hanh,
Một thời thơ ấu học hành nơi đây.
Sáu mươi năm, kỷ niệm đầy,
Nổi trôi vận nước lạc loài muôn phương.
*
♥ Làm sao quên những dư hương,
Đáng yêu hình ảnh mái trường ngày thơ.
Bao năm tuổi mộng dại khờ,
Khắc sâu nỗi nhớ đến giờ buốt tim!
*
♥ Sân trường rực nở “Hoa Lim”,
Đong đưa theo gió vàng trên sân trường.
Bồi hồi tưởng dáng em thương,
Nhớ trang sách cũ, mộng thường dệt thơ.
*
♥ Gió lộng, về mái trường mơ,
Ngẩn ngơ ánh mắt ngây thơ những ngày.
Vai gầy xỏa tóc mây bay,
Phất phơ áo trắng hay hay rộn ràng.
*
♥ Sao quên được, buổi chiều vàng,
Hoa Lim thơm ngát không gian êm đềm.
Bướm bay nắng xuống bên thềm,
Bướm em bay mất, mi mềm rưng rưng.
*
♥ - Đền em Hoa Bí, người dưng!
Hoa như con bướm tần ngần [164] nhớ thương.
Bí xưa vẫn nở bên trường,
Người xưa biền biệt về phương trời nào.
*
♥ Cảnh xưa cảnh vẫn đeo sầu,
Em đang lưu lạc phương nào lao đao!
Thiên thần ngự bến trăng sao?
Chừ nghe tiếng hát ngọt ngào trăm năm.
*
♥ Hoa vàng đất, trời xa xăm,
Nhìn hoa thương nhớ ngàn năm tình đầu.
Trường xưa nào phải Hạc Lầu,
Tiếc thương con bướm, còn đâu bây giờ?!

Ngân Triều

Ghi chú:
  Hoàng Hạc lâu 黃鶴樓 • Lầu Hoàng Hạc
Ảnh Lầu Hoàng Hạc
黃鶴樓
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。
Phiên âm
Hoàng Hạc lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa
Lầu Hoàng Hạc
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!
*
Lầu Hoàng Hạc ở phía tây nam thành Vũ Xương.
Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 10 giai đoạn từ 2007

Màu hoa bí, Võ Đông Điền:



 


LÒNG MẸ - Tiểu Tử

 
Vợ chồng tôi dọn về ở trong cái làng nhỏ này đã hơn ba tháng. Mấy đứa con của chúng tôi nói: Ba má già rồi mà ở trong Paris đâu có tốt. Nội cái không khí ô nhiễm cũng đủ làm cho ba má bịnh lên bịnh xuống hoài . Vậy là chúng nó kiếm mua một cái nhà ở xa Paris . . .Nhà có đất chung quanh, có mấy cây pomme, mấy cây cerise. Hồi dọn về là đầu mùa xuân , mấy cây đó trổ bông màu hường màu trắng đầy cành. Ở mấy nhà hàng xóm cũng vậy, hoa nở rộ hầu như cùng một lúc, nên trông thật là đẹp mắt. Biết là mùa xuân nhờ hoa nở và chồi non, chớ thật ra thời tiết ở Pháp mấy năm gần đây đi . . . trật lất.
<!>
Mùa xuân mà cứ tưởng như mùa thu, cứ mưa lất phất rồi hết mưa là trời đổ sương mù. Cứ như vậy kéo dài đến bây giờ, theo trong lịch, là đã đầu mùa hè mà vẫn còn nghe lành lạnh ! Hôm nay tự nhiên trời bỗng trở nắng. Nắng thật ấm, thật trong. Người ta vội vã mang đồ ra phơi đầy sân : quần áo, drap, mền . . . Đủ màu sắc, đủ cỡ, coi vui nhộn như một ngày lễ !
Tôi cũng thấy phấn khởi, bèn rủ nhà tôi đi chơi một vòng. Bởi vì từ ngày dọn về đây, ngoại trừ những lúc phải ‘xẹt’ ra tiệm thịt, lò bánh mì, hàng rau cải v.v. . . chúng tôi cứ ru rú ở trong nhà vì thời tiết xấu. Nhà tôi không chịu đi, nên tôi đi mình ên . . .
Làng này tuy nhỏ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Ở đâu cũng thấy trồng bông : dọc theo vỉa hè, ở các ngã ba ngã tư, mặt tiền nhà phố . . . Giữa làng là một nhà thờ nho nhỏ nằm trên một vuông đất cao hơn mặt đường gần một mét, cũng trồng đầy bông.
Chảy ngang qua làng là một con suối nhỏ, rộng độ mươi thước, chui dưới cây cầu đá rối uốn khúc quanh quanh trước khi rời làng xuôi về phía dưới. Hai bên bờ suối là hai con đường tráng xi-măng chạy dọc theo hai hàng cây. Rải rác, có mấy băng gỗ đóng thô sơ, nhưng vẫn nằm giữa những lùm bông đầy màu sắc. Có nơi, không hiểu sao người ta đặt băng gỗ nằm cạnh bờ nước giống như làm chỗ ngồi cho người đi câu !
Tôi ngồi xuống một cái băng cạnh bờ nước. Vì không nằm dưới tàn cây nên ở đó đầy nắng. Tôi đốt điếu thuốc rồi nhìn quanh : chẳng có ai hết. Nhớ lại, dân trong làng chỉ đổ ra đường vào ngày chủ nhựt, bởi vì ngày đó nhóm chợ lộ thiên và lại là ngày phải đi Lễ nhà thờ. Còn ngày thường thì chỉ có mấy ông già bà già đi khệnh khạng trên hè phố hay dọc bờ suối khi nào trời tốt. Hôm nay, trời tốt đó chớ, nhưng sao chẳng thấy ai đi. Tự nhiên, tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng . . . Lại nhìn quanh, chỉ thấy xa dưới kia là gác chuông nhà thờ một mình đứng cao lêu nghêu !
Con suối không sâu, nước trong nhìn thấy đáy. Dòng nước chảy nhanh nhanh. Khi gặp mấy tảng đá lớn, nước bắn lên trắng xóa coi thật sinh động, nhìn không chán.
Lòng suối đầy đá cuội tròn tròn. Cũng có những cục đá to nhưng chẳng có viên đá nào còn góc cạnh. Viên nào cũng nhẵn thín.
Nhìn nước chảy, nhìn đá mòn, tôi bỗng nhớ đến hai câu chót của bài học thuộc lòng thuở nhỏ:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ. . .
Hai câu thơ đó không có gì hết, vậy mà nó làm tôi ứa nước mắt ! Không phải nó chỉ nhắc tôi thời thơ ấu, thuở học vui học buồn bằng quyển vở Quốc Văn Giáo Khoa Thư, mà nó còn nhắc tôi một cái gì sâu đậm hơn là kỷ niệm, một cái gì to rộng mênh mông hơn là không gian thời gian, một cái gì mà trong cuộc đời lưu vong này tôi vẫn mang mênh trong tâm tư, giống như một chất ma túy : nó nhắc tôi quê hương, cái quê hương xa cách ngàn trùng !
Tính ra, tôi bỏ xứ ra đi đã hơn hai mươi bốn năm. Một phần tư thế kỷ ! Trôi nổi đó đây với nhiều âu lo dằn vật, thêm tuổi đời cứ chồng chất mãi lên. . . nên ký ức bị xói mòn theo năm tháng. Đến nỗi chuyện gì xảy ra hôm tuần rồi, hôm tháng trước. . . có khi không nhớ ! Vậy mà hình ảnh của quê hương vẫn còn nằm nguyên đâu đó ở trong lòng, với những kỷ niệm vụn vặt của năm sáu chục năm về trước ! Chỉ cần một chất xúc tác là nó bật lên rõ rệt, không thiếu một chi tiết, làm như mình đang sống trong đó mới hôm qua hôm kia. . . Tình yêu quê hương sao mà kỳ diệu như vậy được ?
Nơi tôi sanh trưởng cũng là một cái làng nho nhỏ. Nó không ngăn nắp sạch sẽ, không được trang hoàng bằng những bông hoa đầy màu sắc như ở đây. Cũng không có con suối nhỏ chảy ngang để hai bờ được nối với nhau bằng cây cầu đá. . .
Làng tôi nằm bên tả ngạn một con sông lớn, quá lớn nên thấy cái làng như nhỏ xíu ! Con sông đó có cái tên chẳng chút gì ‘văn chương’ : sông Vàm Cỏ. Trong làng chỉ có một con đường tráng nhựa : đó là đường liên tỉnh, cũng còn được gọi là ‘con lộ cái’ nối xóm trên xóm dưới. Ngoài ra, toàn là đường đất mà tiền thân của chúng nó là những con đường mòn, nối xóm Nhà Máy, xóm Lò Heo qua xóm Lò Gạch, xóm Chùa ... Cho nên những con đường trong làng đều chạy cong cong quanh quanh !
Làng tôi cũng có chợ nhà lồng, ngày nào cũng nhóm, nhưng chỉ nhóm có buổi sáng. Nằm cạnh chợ là ‘Nhà Việc’, nơi . . . làm việc của những ‘nhà chức trách’ trong làng. Xế xế về phía con lộ cái là trường tiểu học với hàng rào cây bông bụp, lá xanh um láng mướt.
Làng tôi không có nhà thờ nhưng có một ‘kiểng’ chùa nằm trên một khu đất cao, có rào tre xanh chung quanh. Hồi tôi còn nhỏ, thấy cũng nằm xa dân chúng, vắng vẻ u tịch (hồi đó, tôi ít dám đi ngang qua đó một mình vì . . . sợ ma ! ) Về sau, dân chúng càng ngày càng đông, nhà cửa cứ xây cất tiếp nối nhau kéo dài ra hướng chùa, rồi ‘đi’ xa hơn về phía con lộ cái. Vì vậy, chùa bị lọt trũm giữa khu nhà dân, không còn biệt lập như trước.
Nhà cửa trong làng nhỏ lớn gì cũng có hàng rào. Phần nhiều là hàng rào cây xương rồng và cây bông bụp (cũng gọi là bông lồng đèn) Xương rồng cũng trổ bông lai rai, hoa trắng nõn nà mỏng manh như lụa, khác hẳn với thân cây mang đầy gai góc ! Còn bông bụp thì cứ nở thè lè đỏ cây. . .
Đó ! Làng tôi đó! Quê trân ! Chẳng chút màu mè. Vậy mà sao tôi vẫn thương.
. . .Thương những con đường đất mà hai bên là bờ cỏ may. Đến mùa, cọng cỏ may đưa bông lên tua tủa tím ngắt, chỉ chực bám đầy ống quần nào bất chợt đi ngang.
. . .Thương những đoạn đường quen, mùa mưa nước ngập phải xăn quần tém áo để đi qua, trong lúc trẻ con một lũ ở truồng nằm lăn chập chũm, tóe nước nhau cười vui như hội.
. . .Thương bờ sông Vàm Cỏ với những cây dừa trồng không thẳng hàng, cũng không chia đều khoảng cách, giống như ‘mạnh ai nấy trồng’ ! Mấy cây dừa đó, nằm quá gần bờ nước nên rất nhiều cây thiếu đất để giữ gốc, chúng nằm dài ra phía sông cách mặt nước độ một đôi thước rồi uốn mình đưa ngọn đứng thẳng lên cao. Vậy mà cũng đơm bông kết trái ! Trẻ con thường trèo lên đó để phóng xuống nước nô đùa lặng hụp, và dân ở dọc bờ sông hay đem mền chiếu ra vắt lên đó để phơi.
. . .Thương con đường lên chùa có hai bờ tre xanh lả ngọn giao nhau làm cho con đường giống như một cái hang mát rượi. Ở đó, mỗi trưa đứng bóng, những người dọn hàng từ chợ về nhà thường dừng chân núp nắng, và chiều chiều đường vắng cũng thấy thẫn thờ một cặp gái trai . . .
. . .Thương cả cây phượng nằm bên bờ đường trước nhà ông Cả. Thân nó to bằng ba người ôm, gốc rễ lấn luôn ra mặt đường. Ai đi qua cũng phải bước vòng để tránh ! Đó là cây phượng độc nhứt ở trong làng. Không biết ai trồng và tại sao lại trồng ở đó ? Chỉ biết hằng năm vào mùa thi là cây trổ hoa đỏ trời. Sau đó là hoa rụng đỏ đất.
. . .Và còn thương nhiều thứ nữa, kể biết bao giờ cho hết !
Nhà tôi ở trong Xóm Mới. Gia đình tôi nghèo. Cha tôi trồng rau cải, mẹ tôi hằng ngày gánh xôi ra ngồi bán ngoài chợ. Cha mẹ tôi chỉ có hai đứa con trai : tôi và thằng Cu, nhỏ hơn tôi sáu tuổi. Cha tôi chết bịnh hồi mẹ tôi sanh thằng Cu . . .
. . .Nhớ hoài, thời tôi học tiểu học. Sáng nào, sau khi húp tô cháo với miếng đường thẻ, tôi ôm cặp đựng sách vở mà ông nội tôi làm bằng giấy dầu để khỏi bị ướt nước mưa, đi theo mẹ tôi ra chợ. Vì phải đem thằng Cu theo - lúc đó nó được hơn hai tuổi - mẹ để nó ngồi trong một cái thúng, gióng ở đầu đòn gánh phía trước, còn lá chuối, xôi, nhưn, dừa nạo v.v... vồn trong một thúng gióng ở đầu sau. Mẹ gánh như vậy mà bước chân đi sai sải. Đòn gánh nhún lên nhún xuống làm thằng Cu khoái lắm. Lâu lâu, mẹ đổi vai, đầu đòn gánh nhún xuống hơi sâu và tưng lên hơi cao làm anh ta cười hắc hắc để lòi bốn cái răng cửa nhỏ xíu. Những lúc đó, anh ta thuờng gọi tôi để khoe : ‘Hai ! Hai ! Coi nhè ! Coi nhè !’.
Tôi học chỉ có buổi sáng. Mẹ tôi bán ở chợ cũng vậy. Trưa, chợ tan sớm hơn trường học, mẹ gánh thằng Cu đến ngồi đợi tôi dưới cây trứng cá gần cổng trường. Thấy tôi ra, thằng Cu đứng lên, vừa nhảy tưng tưng trong cái thúng vừa la : ‘Hai ! Hai !’. Anh ta ở truồng - lúc nào cũng ở truồng - bên trên bận áo bà ba vải đen của bà nội may cho, đầu đội cái nón hình chóp bằng lá chuối mẹ xếp rồi ghim bằng cọng chân nhan . . . Mẹ đưa tôi gói xôi (đã thành lệ, ngày nào mẹ cũng chừa cho tôi một gói) tôi ngồi xổm cạnh mẹ, vừa ăn vừa đút cho thằng Cu. Ăn xong, tôi chạy qua bên kia đường xin một gáo nước ở nhà thầy giáo Hiển, rồi mang cho ba mẹ con uống (vì trong trường chỉ có một lu nước, không đủ cho đám học trò nên thầy Hiển đặt trước nhà thêm một lu. Vào giờ ra chơi, học trò bu qua đó đông như kiến) Uống xong, mẹ gánh thằng Cu bước đi thong thả, tôi lon ton chạy theo song song . . .
Hồi đó, vì phải chạy lúp xúp nên có lần tôi nhìn xuống bước chân của mẹ, coi mẹ đi cách nào mà mình cứ phải chạy theo lúp xúp ! Mẹ đâu có bước lẹ, mẹ bước đều. Mẹ đi chân không, mỗi bước chân của mẹ giậm xuống làm tung lên một chút bụi đường. Tôi nhìn chỉ thấy có như vậy. Bây giờ, hơn sáu chục năm sau, ngồi ở trời Tây này, tôi đâu cần nhìn mà sao vẫn thấy được - thấy rõ - hai bàn chân của mẹ. Hai bàn chân to bề ngang, mấy ngón chân chè bè không bao giờ xếp lại được. Hai bàn chân xấu xí đó chưa từng đụng tới đôi giày đôi dép. Hai bàn chân chỉ biết có đôi guốc dong khi rửa chân đi ngủ, hay khi đi dự dám giỗ, đám tang . . . Hai bàn chân đó đã bám lấy đất để đứng vững một mình nuôi hai thằng con, hỏi sao không chè bè cục mịch cho được ?
Tôi đốt điếu thuốc, thở một hơi khói dài. Lại nhớ hồi học lớp nhứt, có hôm tôi bắt chước bạn bè lén hút thuốc. Mẹ tôi thấy được, lôi tôi vào nhà bắt đứng khoanh tay để ‘hỏi tội’ : ‘Hai ! Ai cho mầy hút thuốc, hả ? Ai dạy mầy hút thuốc, hả ? Mầy bắt chước ai, nói tao nghe coi ? Mới có bây lớn đó mà bày đặt hút thuốc !’. Rồi mẹ chụp cây chổi chà dựng gần đó : ‘Tao phải đánh mầy cho mầy chừa’. Mẹ vừa nói ‘Chừa nè !’ vừa đập cây chổi lên đít tôi thật mạnh. Cứ mỗi một câu ‘Chừa nè ! ‘ là một phát chổi. Mẹ đánh một lúc rồi liệng cây chổi, trèo lên bộ ván, ngồi co chân, rút cái khăn rằn đấp lên mặt khóc. Tôi đứng chết điếng, nghe mồ hôi chảy dài theo xương sống, không thấy đau ở đít mà đau ở đâu trong lòng. Bởi vì đó là lần đầu tiên tôi làm cho mẹ tôi khóc. Tôi mếu máo, rặn ra mấy tiếng : ‘Dạ . . . con xin chừa . . .’
Vậy mà lớn lên, khi ra đời, tôi đã . . . không chừa ! Tôi tập tành hút thuốc hồi tôi đi lính, bởi vì ‘ở tiền đồn trời khuya đêm lạnh, ta chia nhau điếu thuốc ấm lòng’. . . Mỗi lần về phép, chẳng bao giờ tôi dám hút ở nhà vì trận đòn chổi chà thuở nhỏ vẫn còn đeo theo ám ảnh ! Tôi hút ngoài đường . . .
Một hôm, đang đứng hút thuốc với mấy thằng bạn cùng xóm, bất thần mẹ tôi đi qua. Tôi vội vã liệng điếu thuốc xuống đất. Mẹ tôi dừng lại, mỉm cười: ‘Mầy làm cái gì vậy, Hai ? Mầy lớn rồi chớ bộ còn con nít sao. Bây giờ, mầy có hút thuốc, tao cũng đâu có bắt mầy chừa!’ Rồi bỏ đi một nước!
Mẹ tôi như vậy đó. Quê mùa mộc mạc như làng của tôi, vậy mà tôi vẫn thương. Tôi thương, đâu cần mẹ tôi phải đẹp, quê hương tôi phải sang. Tôi thương, vì tất cả đều gắn liền với tôi từ thuở tôi ra chào đời. Tôi đã quen thở, quen sống trong vòng tay của mẹ, giữa lòng quê hương ; đã lớn lên trong cái thật thà chân chất đó. Cho nên hình ảnh của mẹ, của quê hương đã ghi sâu vào lòng tôi đến độ khi thiếu vắng, tôi thương tôi nhớ. Và tình thương đó vẫn chưa thấy mòn, mặc dầu bây giờ tôi đã ngoài bảy mươi . . .
------‐----
Mặt trời đã lên cao. Thấy có vài người hứng nắng bên bờ suối. Tôi đứng lên đi về nhà mà miên man nghĩ : ‘Những hình ảnh mà mình vừa gợi lại khi nãy sao mà dễ thương như vậy. Mình phải viết ra để cho nó có chỗ đứng bên ngoài ký ức, cho các con các cháu của mình thấy và hiểu tại sao hơn hai mươi bốn năm sống trên đất Pháp, cha và ông của chúng nó không nói ‘thương nước Pháp’ mà cứ nhắc hoài người mẹ đi chân đất và cái làng quê mùa không có đến hai con đường tráng nhựa !‘
Vào nhà, tôi đi thẳng lại bàn viết. Vợ tôi chắc đang nấu bếp nên nghe phất ra thơm phức mùi thịt kho tiêu. Tôi lấy xấp giấy trắng, không cần đốt điếu thuốc, không cần hớp mấy ngụm nước trà để trợ hứng. Bởi vì cái hứng đang ở ngay trong tôi, căng đầy . . .
Tôi cầm bút nắn nót viết cái tựa bằng chữ hoa : ‘Đá Mòn Nhưng Dạ Chẳng Mòn’ . .

Thơ MP.Trường Giang Thủy : GIẤC MƠ NGÀY 13 THỨ SÁU

  GIẤC MƠ NGÀY 13 THỨ SÁU   Lỡ tay ngắt nụ hoa vàng, Thương con ong vụt ngỡ ngàng bay đi. Xăm xoi mãi ảnh cố tri, Bỗng dưng thấy mộ xanh rì ...