Truyện ngắn Văn Giá
Ban đầu nhóm có năm thằng. Giờ chỉ còn ba.
Ba thằng tuổi hưu Hòa, Tùng, Sinh hẹn hò ăn sáng café với nhau vào các sáng thứ Hai hằng tuần. Tại sao lại sáng thứ Hai? Bởi các ngày thường có khi bận việc vợ sai bảo, con nhắc nhở, cháu yêu cầu, đồng nghiệp cũ hẹn hò… Mà cũng chỉ ở một chỗ thôi, cố định. Một nhà hàng rộng rãi bên hồ, gần như bán đảo, la liệt các bàn kê trong nhà, ngoài sân, thích nhất là sát mép hồ. Một bờ rào bằng sắt giả gỗ ven hồ bám đầy dây bìm bìm hoa tím. Cách dăm bảy mét lại một cây lộc vừng hay cây bằng lăng thả dáng xuống mặt hồ gợn sóng. Chỗ này vào tiết hè hay thu là thích nhất. Thức ăn không có nhiều món. Bảo là đặc sản thì chưa phải. Nhưng cũng trên mức bình dân. Quan trọng nhất là chỗ ngồi. Đến đây chủ yếu là ăn chỗ ngồi, uống chỗ ngồi. Khách phần lớn là bọn vô công rồi nghề, đủ kiểu đủ dạng. Nhiều nhất vẫn là bọn về hưu mất nết, như cái cách dân tình hay nói. Tha hồ, chúng mày muốn ngồi đến bao giờ thì ngồi, kệ, sợ không đủ sức.
Hôm nay càng có lý do để gặp nhau. Về cái chuyện đang nóng giãy trên cư dân mạng. Một ông cỡ to to dính vào một việc cũng to to.
Càng già càng hư. Bọn đàn ông gặp nhau chỉ có hai chủ đề chính trị và tình dục. Chính trị là chức tước thế nào, nhấc lên đặt xuống thế nào, kẻ ngã ngựa người hả hê thế nào? Là tình hình chiến sự giữa mấy nước kia thế nào, liệu có oánh nhau to không, ông ủng hộ nước nào, thích tổng thống nào… Thích hay không thích mặc kệ các bố, tôi không đứng về phe nào cả.
Cô chủ ơi, cho ba café đi, vẫn như mọi hôm nhé!
Chuyện chính trị chính em mệt lắm. Nếu khi tranh luận không tuân thủ nguyên tắc tôn trong sự khác biệt là dễ cãi nhau như bỡn. Mà cãi nhau để làm gì. Toàn những chuyện đẩu đâu, suy cho cùng cũng chẳng liên quan gì đến đời sống cụ thể của mình.
Ông nói lạ nhỉ. Sao lại không liên quan. Ông phải biết là chính trị nó đánh vào xăng xe ông đi, miếng thịt ông ăn, cái áo ông mặc, café ông đang uống đây này… Sao bố lại như trên trời ấy nhỉ. Thế Trung Đông nó đánh nhau, giá dầu xuất khẩu tăng, các nước ăn theo giá cũng tăng, nước mình đã sản xuất được dầu chưa, tôi hỏi?
Thôi thôi, các bố. Uống café đi cho nó ngon… Sinh nói.
Nhưng câu chuyện hôm nay báo chí đã loan tin ngay từ chiều hôm qua, chính xác là sau chương trình thời sự 12 giờ trưa. Cha ấy ngã ngựa rồi. Mất sạch sành sanh rồi. Về vườn rồi. Kinh thật. Thời buổi này làm quan cũng bất trắc lắm. Hôm nay vẫn đi đi lại lại nghênh ngang, vẫn cứ phải xuất hiện trước truyền thông báo chí, vẫn cứ phải mũ mãng cân đai diễn văn nghiêm chỉnh vào việc tròn vai. Sớm mai, đùng một cái, bàn dân thiên hạ đồn rầm rầm thằng ấy nghẻo rồi, toi rồi, out rồi, tèo rồi, chết mất ngáp rồi, về đuổi gà cho vợ rồi, rứa là hết chiều ni em đi mãi… Thật không lời nào tả xiết.
Hòa bảo, tôi nói thật với các ông, may mà tôi về hưu cách đây mấy năm, chứ để đến bây giờ cũng đ… tránh được. Các ông tính, đã ngồi ở chỗ đấy thì phải làm, phải lo cho quân nó có đồng lương, phải lo cho công ty nó cũng mở mày mở mặt lên một tí với thiên hạ… Mày tính, nếu không vượt rào tí, sàng xê tí, nhất là các khoản chi tiêu, đón khách, thăm thú, quà cáp xuân thu nhị kỳ tí thì có mà ăn cứt.
Tùng là thằng khôn nhất, chỉ tủm tỉm cười, ít khi nói ra ý nghĩ thực của mình.
Sinh ậm ừ, cái nghề giáo chức của tao đếch có gì để xà xẻo. Hay nói đúng hơn, chỉ xà xẻo được cái món thời giờ thôi. Mà thời giờ thì vô cùng lắm, có thằng biến được ra tiền, có thằng bỏ không chẳng để làm gì.
Lúc sau thằng Tùng mới lập lờ bảo, thấy trên mạng, bọn nó còn đưa cả hình tay này ngồi với các ẻm nữa cơ. Con ấy trông cũng đẹp. Áo xẻ cổ rộng. Mắt đĩ. Mặt dâm. Ngồi bên cạnh đặt tay lên đùi anh giai tình tứ lắm.
Lạ nhỉ. Sao khi hắn đang chức, đếch bao giờ thiên hạ biết được những cái ảnh ấy nhỉ?
Ông khờ bỏ mẹ. Có biết cũng bố thằng nào dám đưa lên. Chết sặc tiết ngay chứ dám đùa? Sự đời dậu đổ bìm leo mà.
Các ông tính, đời nó thế cũng mãn rồi. Mấy chục năm quan chức, quyền lực đầy mình, trên chỉ có sợ vài người, dưới thì cả vạn người sợ, nhà lầu xe hơi đất đai rải khắp vợ đẹp con khôn nước ngoài nước trong kẻ hầu người hạ bồ bịch vô số tiền có ở nhà băng Thụy Sĩ…, thì thế là người sướng chứ còn gì.
Tôi nói thật nhé, ngã ngựa như thế bẽ bàng lắm. Bây giờ sống ở đâu cũng khó chứ. Trước kia ăn nói cao đạo, ráo hoảnh đạo đức là thế, bây giờ lại như thế. Nhục đ… dám ra khỏi nhà ấy chứ.
Ừ, mà con cái nó cũng xấu hổ chứ nhỉ. Chỉ thương bọn trẻ con thôi. Nó có tội tình gì đâu… Có một ông giáo sư khả kính nói, vừa nghiêm trang vừa mỉa mai rằng, đối với những kẻ quan lại tham ô ăn đút ăn lót thì cái mất lớn nhất của chúng không phải gì khác mà chính là bị con cái nó thất vọng, nó đổ vỡ, nó khinh…
Kể ra cũng có lý.
Ở xứ mình, tất cả đều liên lụy hết. Đâu có như các nước văn minh, ai làm người nấy chịu. Ở ta thì chồng làm vợ chịu. Bố làm con chịu. Thậm chí ông làm cháu chịu, mấy đời sau còn chịu. Cái sự tai tiếng ở đời nó ghê lắm. Có những vết nhơ không thể nào tẩy sạch.
À, nghe bảo cái em kia dân điện ảnh đấy. Nữ minh tinh mà lại. Bọn ấy thì…
Người đẹp là của thiên hạ. Tất cả các cuộc thi hoa hậu ở ta thực ra là những dịp kén chọn người đẹp cho các đại gia trong nước hoặc cho các giai Tây có máu mặt thôi các ông ạ. Xét tư cách đàn ông Việt, như thế là cay đắng chứ.
Hôm nọ, tình cờ tôi còn chứng kiến câu nói của một em đẹp công khai rằng bọn con trai Việt bây giờ trông cứ hèn hèn thế nào ấy… Cay chứ ông, nhưng đếch làm gì được. Nó đẹp nó có quyền.
Sinh liếc nhìn đồng hồ. Độc một chuyện mãi cũng chán. Sinh bảo, về được chưa các bố? Tôi về còn đi đón cháu đây!
Tất cả nhổm đít tự động ra về, chả cần thằng nào nhất trí hay không. Vẫn thường là thế.
***
Ban đầu nhóm có năm thằng. Năm thằng vốn sinh ra ở tỉnh lẻ, học cùng cấp ba với nhau. Tốt nghiệp xong, thằng đi đại học, thằng đi công an, thằng đi bộ đội… Sau dễ đến hai chục năm có lẻ, qua facebook, vào một ngày đẹp trời, thằng nọ mách thằng kia rồi tìm thấy nhau. Vui. Có tuổi hết cả rồi. Tất cả, nhờ giời cũng có nhà cửa, con cái đề huề tại Hà Nội. Không dễ đâu nhé. Không hiếm những gã trai, không nói con gái, sau khi học xong đại học cũng tìm mọi cách bám trụ Hà Nội, nhưng sau hai ba năm bật bãi. Ta về với mẹ ta thôi…
Trong nhóm của Sinh, mỗi đứa ở lại Hà Nội theo mỗi cách khác nhau. Thằng Hòa ban đầu làm tại tỉnh, cấp sở gì đó. Nó có tí chức quan. Nó là thằng trí lự, sớm có một chiến lược đời sống. Nó dự tính năm nào lấy vợ, năm nào đẻ con, năm nào phải giàu đủ để đưa vợ con về Hà Nội. Nó lao vào làm ăn liên tục trong suốt 20 năm. Sau đó, khi đủ lực, nó “đánh chiếm” Hà Nội theo cách ngon ơ. Đầu quân về Bộ. Mua nhà. Cho con vào đại học. Kiếm việc nhàn, trú chân khoảng mươi năm rồi về hưu. Từng bước đúng quy trình răm rắp, thế là thành luôn.
Thằng Tùng thì học xong đại học giao thông, ra trường quanh năm ngày tháng đi công trường khắp nước, người đen như củ súng. Đi nhiều như thế tưởng có ít nhiều mang về cho vợ nuôi con, ai dè trên dái dưới cát tút. Bao nhiêu năm vợ con nheo nhóc. Đã thế, vợ lại nghĩ nó đi xa nhà suốt thế thì thể nào chả này nọ, bao nhiêu tiền lại chả cống cho con nào… Hai vợ chồng hục hặc suốt. Ấy thế mà số hưởng. Hơn chục năm vừa rồi, ông nhà nước quyết chí tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đều khắp, công trình cấp quốc gia, cấp tỉnh/thành phố, cấp huyện, cấp nông thôn, liên tục, dứt điểm, bao trùm (nghị quyết nói thế), thế là cánh giao thông vớ bở. Nó dân kỹ sư, lại sống lâu lên lão làng, cũng có tí chức tước đủ để tham gia nghiệm thu công trình này nọ. Kiếm tốt lắm. Cứ xẻo một mét đường nhựa thôi là đã có một món to rồi. Theo cách tính thật tội nghiệp của một nhà văn nọ, chỉ cần bán 1 mét đường nhựa thôi là có thể mua được 1 ki-lô-mét sách và các ấn phẩm văn hóa xếp đầy. Đành rằng vất vả, nhưng còn có miếng ăn. Chứ có những nghề vất vả mà mà chẳng có ăn đấy thôi. Thế là thằng Tùng bây giờ thuộc loại giàu nhất nhóm. Tốt số thế chứ!
Thằng Hải, sau khi học xong cấp 3, đi nghĩa vụ an ninh. Lang bạt chán tại mấy tỉnh miền Đông Nam bộ, sau cũng chừng gần hai chục năm, rồi được điều về Hà Nội. Khi về đây, với nghiệp vụ “trời cho”, nó lao vào công cuộc làm giàu. Chả mấy, nó bốc cả cô vợ vô công rồi nghề và hai đứa con nhỏ ra thủ đô. Nó mua nhà tại khu vực đắt đỏ nhất Hà Nội, trừ phố cổ. Các bạn biết ở đâu không? Bên ven bờ… Hồ Tây. Khủng khiếp. Nhiều người không cả dám mơ.
Thằng Nhan thì khác, nó về Hà Nội khá sớm. Chả là gia đình nhà nó thân với một quan chức cấp cao ở Hà Nội do những năm chiến tranh, ông này đi sơ tán ở nhà nó. Khi hết chiến tranh, theo phong trào “về nguồn”, ông này về tìm lại gia đình nhà nó. Thấy gia cảnh gieo neo, trông tướng mạo thằng Nhan cũng có vẻ nhanh nhẹn, sáng dạ. Ông này bảo gắng học giỏi, tốt nghiệp xong, chú đưa về Hà Nội học đại học, rồi tính việc cháu nhé. Ông bố như mở cờ trong bụng. Mọi tính toán như sắp sẵn. Những năm 90 của thế kỷ trước, việc thi đại học theo cách trường nào thi trường nấy, tự lo ra đề, tự lo chấm, tự lo tuyển. Thế thì thằng Nhan đỗ đại học là chuyện dễ như lấy viên kẹo trong túi. Học xong, ông này dúi vào tay Nhan một cái việc dễ dàng, không phải học hành gì thêm, chỉ việc chăm chỉ, tháo vát, phông hoa loa đài/cờ đèn kèn trống/ấm tích phích chén/leo trèo cắt dán kỳ cuộc ở cơ quan, năm nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thế rồi, Nhan cứ lần lượt thăng tiến. Cái chức cuối cùng cũng là chuyên viên gì đó, thấy bảo tương đương vụ phó vụ phiếc. Trông nó tốt mã nhất nhóm, phong lưu nhất nhóm. Nó có ô tô đi đầu tiên trong mấy thằng. Thỉnh thoảng đi đâu xa, được ngồi trên xe nó cũng sướng. Để được thỉnh thoảng nó cho đi xe nhờ, thỉnh thoảng nó trả tiền trong các cuộc bia rượu, tiếc gì, cả nhóm hùa vào nịnh nó không tiếc lời. Nào là trẻ dai, nào là phong lưu tài tử, nào thành đạt nhất trong mấy thằng, nào vợ đẹp con khôn… Nó sướng lắm! Được nịnh, ai chả thích. Nhất là cái thằng ai cũng biết rằng nó học dốt, đời nó ăn may, số nó tốt, nó thăng quan… Thì có mất gì! Khen cho mày chết đi!
Còn Sinh. Sau khi học xong sư phạm, Sinh bị điều lên miền núi, cách Hà Nội hơn 300 cây số. Cả tuổi trẻ rài rạc, mòn mỏi nơi góc rừng heo hắt, đói ăn, còi cọc, không lớn được. Xong nghĩa vụ sáu năm, lúc bấy giờ có quy định như vậy, dĩ nhiên rất lỏng lẻo, Sinh xin về Hà Nội học cao học. Học xong, do ăn may, Sinh được nhận vào làm anh giáo của một trường đoàn đội. Với nghề này, Sinh cảm thấy không vui không buồn. Nhưng Sinh thỏa được cái chí ở lại Hà Nội, công dân đỏ của Hà Nội. Sau đó, Sinh tán được một cô giáo người Hà Nội. Cũng là xong. Bạn bè ở quê, gặp Sinh phục lắm, bảo một anh trai cày tán được cô gái Hà Nội là ghê rồi, không phải chuyện vừa đâu… Sinh nghe thế, lòng râm ran sướng.
Ấy là phác qua lai lịch một chút thôi. Chứ sau hơn 20 năm cắm chân tại Hà Nội, mỗi thằng một phận, bây giờ về hưu hết cả. Có tuổi rồi. Lên “anh giề” hết cả rồi. Bây giờ thì các con cũng có đứa lấy vợ lấy chồng, còn đứa nào chưa thì ít ra cũng đã lớn tướng cả rồi. Lương hưu thì khiêm tốn, nhưng tích lũy cũng có đồng ra đồng vào. Vả lại, người hưu cũng chả có nhu cầu gì nhiều, quá lắm tích cóp để phòng thân, hoặc dư dả chút thì đi du lịch loanh quanh trong nước hoặc mấy nước gần. Biết đủ là đủ. Cổ nhân đã nói.
Nhưng sự đời không hẳn như cái lộ trình mà ta mong muốn. Trong số 5 thằng, thì có một thằng chết sớm, Hải và một thằng dở người, Nhan. Thằng Hải mới nghỉ hưu được hơn năm. Một hôm vợ nó gọi điện cho Sinh. Anh ơi, anh có thấy nhà em nói gì với các anh không? Sinh hoảng, nói gì đâu, có chuyện gì không em?
Nhà em bị K rồi.
Bỏ mẹ… Cụ thể là thế nào?
Em nghi là anh ấy giấu em. Em hỏi, anh ấy cứ vuỗi đi bảo không có bệnh gì nghiêm trọng. Lần khám nhất mới đây, em lén xin gặp riêng bác sĩ. Ông bác sĩ bảo, chị bảo anh ấy cần chế độ ăn uống kiêng khem tốt, hợp lý nhé, nhất là không được hút thuốc lá nữa. Em bảo bác sĩ cứ nói thật cho biết nhà em có phải bị K không? Bác sĩ lại còn gắt với em, ơ cái bà này, tôi bác sĩ hay bà là bác sĩ?… Về nhà em hỏi, nhà em bảo chết được cũng còn lâu.
Ờ, vậy cũng cẩn thận đấy. Để anh hỏi nó xem sao. Gặp nhau toàn chuyện lăng nhăng, chứ nó có nói bệnh tật gì đâu.
Thế mà, Sinh tính, mới có chưa đầy ba tháng, thằng Hải sụt trông thấy, người chỉ còn da bọc xương. Đận gần cuối, mấy thằng trong nhóm đến thăm. Nó chìa tay ra bắt, gượng cười. Mạnh lên, ông bạn. Chết thế đếch nào được. Chết được cũng khó chứ dễ đâu. Khỏe lên, hôm nào mấy thằng về quê câu cá uống rượu. Chúng nó mời mãi mà vẫn khất lần đấy… Khi trên xe ra về, Sinh bảo, hỏng rồi các ông ạ, chả mấy nữa mà nó đi. Đã phải đục khí quản ra để thở thì hết nước rồi. Không ai nói gì suốt dọc đường về… Sau mấy ngày, Hải đi hẳn. Tội nhất là nó mới nghỉ hưu được chừng một năm.
Từ bấy trở đi, nhóm ăn sáng café còn lại bốn.
Vào cái tuổi từ sáu mươi trở ra, không ai nói mạnh được điều gì. Nay biết nay, mai biết mai thôi. Thậm chí đang ở phút này, sang phút khác ta đã không còn là ta nữa, ta có thể đã mất hút, tiêu biến, tẩy trắng. Trong bốn thằng, chẳng phải thằng nào cũng mát mái xuôi chèo. Ngon nhất vẫn là thằng Nhan. Nó được cái trẻ. Sướng thế chứ. Cái nghề của nó chả hao tâm tổn trí gì, nên nó trẻ dai là phải. Ở trong cái môi trường công tác phong trào bề nổi lại lắm gái trẻ, chỉ đầu mắt cuối mắt thôi cũng trẻ lâu. Thế nên con vợ nó ghen là phải. Suốt ngày ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Mà có mấy khi ăn cơm nhà đâu, bận giao lưu, tiếp khách, đón ông nọ bà kia, được mời đi đây đi đó. Hắn bảo, đi uống rượu cũng khổ chứ em tưởng. Bây giờ cứ cho em đi uống thay anh vài cuộc xem có chịu đựng được không. Vợ lườm, chỉ lý sự cùn là giỏi thôi… Thế mà, thật khổ, đi ăn nhậu về khuya, lao vào nhà tắm xả nước ào ào, kỳ cọ ùm ụp, đang lau người chưa xong, cơn choáng xa xẩm mày mặt. Thằng Nhan gục đầu vào cửa nhà tắm thất thanh gọi vợ. Cô vợ lao ra, đẩy cửa bước vào đã thấy thằng Nhan mắt đờ dại toàn lòng trắng. Gọi xe cấp cứu. Đến bệnh viện, xác nhận tai biến nặng. Bao nhiêu của nả trôi tuồn tuột vào bệnh viện. Sau ba tháng trời ra viện phải chống nạng, trí nhớ lờ nhờ, chiều chiều phải có người giúp việc dìu đi quanh sân để tránh teo chân.
Từ bấy trở đi, nhóm bạn hưu café ăn sáng hầu như chỉ còn ba. Đời người như quả rụng.
***
Một hôm, Tùng bảo, có lẽ lần sau các bố tính đưa các bà vợ đi ăn sáng café cùng cho vui. Chứ bây giờ có ba thằng ít quá cũng chán. Với lại để cho các mụ còn chơi với nhau nữa chứ, chả lẽ chỉ có mỗi tụi mình.
Hòa, Sinh ậm ừ. Cuối cùng cũng đồng ý. Sinh bảo, tinh thần chung là thế, còn tùy theo. Rảnh, sắp xếp được thì cố gắng đủ đôi. Còn nếu không thì cũng không sao. Nhưng nói chung là phải cố gắng. Nên thế.
Tùng lại bảo, thằng Nhan hồi này khá dần lên rồi các ông ạ. Hôm nọ, tiện đường, tao ghé thăm, trông đỏ da thắm thịt lắm. Nói năng thì chưa được tròn vành rõ tiếng, nhưng nghe tốt. Mà bây giờ nó lại mắc cái bệnh nói lắm. Gặp nhau cái là mở máy. Toàn chuyện giời ơi đất hỡi. Mà có dấu hiệu hâm hâm rồi các bố ợ.
Thí dụ xem nào!
Thì thế này, không biết nó có hay gọi điện cho các ông không, chứ lần nào gọi cho tôi nó chỉ gọi duy nhất qua messenger có hình thôi.
Hòa, Sinh cùng bật cười. Sinh bảo, bỏ mẹ, nó cũng y như thế với tôi. Mà lần nào cũng như lần nào. Hòa bảo, có hôm mình đang đi ỉa thì nó gọi. Rơi vào tình huống ấy thì các ông có nghe không?
Tùng lắc đầu ngán ngẩm. Mà nói chung là phiền. Đang đánh trần quần đùi nằm trên giường với vợ, cứ gọi hình thì đố thằng nào dám nghe. Mấy lần tôi bảo nó gọi qua kênh tiếng thôi, nhưng nó đếch hiểu, đếch biết sử dụng.
Vô lý. Sử dụng kênh hình thì phải biết kênh tiếng chứ? Nó giả vờ đấy.
Cũng có thể…
Bây giờ, trong các kỳ cuộc café ăn sáng của nhóm ba thằng, ngoài chủ đề tình dục và chính trị, còn thêm chủ đề thằng Nhan nữa.
Một hôm, mới hơn một giờ chiều, Sinh đã nghe chuông điện thoại réo. Hóa ra thằng Tùng. Nó cười khớ khớ bảo sáng nay một mình thằng Nhan nó mò được đến nhà tao chơi. Mà lạ lắm, nó chả thèm gọi điện báo trước một câu. Hỏi, nó bảo tao nghĩ về hưu thì các bố ở nhà, chứ có công to việc lớn gì mà phải đi đâu. Nó lại bảo, không báo trước để cho nó bất ngờ… Bây giờ nó hâm mất rồi, ông ợ. Nó lại bảo, tao đến bất ngờ để cho chúng mày biết rằng tao chưa chết, chưa thể chết được.
Thế hai bố có làm tí bia bọt gì không?
Không. Hỏi, nó lắc đầu quầy quậy. Nó bảo cạch bia rượu rồi, độc hại lắm, rách việc lắm. Chết vì rượu lúc nào không biết chứ đừng có chủ quan… Rồi cứ thế, nó thao thao bất tuyệt về tác hại của rượu, về bọn làm rượu rởm, về bọn lắm tiền uống một chai rượu mấy nghìn đô. Ông biết không, nó lại đòi nấu cơm cho nó ăn, thong dong đến tối nó mới về. Ông bảo, tự nhiên nó dở tính dở nết thế chứ!… Tôi lo lo, lén lên tầng, bốc máy gọi cho vợ nó. Ôi giời, con Thúy tá hỏa bảo thôi chết, em bận đi làm như mọi khi, cứ yên tâm là anh ấy ở nhà, ai ngờ… Đi còn chưa vững mà đã ra ngoài một mình thế này có phen thì khốn. Anh ơi, anh giữ anh ấy ở lại, đừng cho đi đâu, rồi khoảng 5 giờ, từ chỗ làm em đến đón anh ấy ngay.
Sinh bảo, đừng nghĩ thằng Nhan hâm nhé. Nó có trí nhớ tuyệt vời đấy. Nó vẫn còn giữ nguyên số điện thoại của mấy thằng, kể cả số của thằng Hải đã chết. Chắc lần này nó nhớ lời vợ dặn, nó gọi điện cho tao bảo tí nữa tao đến nhà mày chơi. Nói xong, nó tắt rụp điện thoại. Nhớ chuyện nó đến nhà thằng Tùng mới đây, Sinh vội cầm máy gọi điện cho Thúy, vợ nó. Thúy chán nản, em bó tay rồi anh ơi, thôi bây giờ anh ấy muốn đi đâu thì đi, miễn là đừng thân tàn ma dại mà về với em là được. Chúng em cãi nhau suốt cũng chỉ vì em khuyên không nên đi đâu xa, ngộ nhỡ… Tiếng Thúy thút thít trong máy. Đến nước này thì phải cho nó đến nhà chứ ai dám cản nó. Chả lẽ bảo mày đừng đến nữa, hay nói dối bảo mình bận không có nhà? Kiểu nào cũng không đành.
Vừa mở cửa cho vào nhà, Nhan đã lấm lét ghé tai Sinh thì thầm, ông để ý xem có ai rình theo dõi tôi không?
Ai theo dõi? Mà ông làm gì để người ta phải theo dõi?
Ông không biết chứ, thời buổi này chả tin con mẹ thằng nào đứa nào cả. Hở ra một cái là nó móc túi, nó xiên dao ngang sườn. Nó gọi điện lừa đảo nhan nhản ra đấy. Mà ông cũng hạn chế chơi mạng miếc đi. Bây giờ lừa đảo nhiều lắm.
Nó lại hỏi, có khi nào nó lấy số của vợ con mình, hay cháu mình để gọi lừa mình không nhỉ?
Ơ, ông lạ thật, vợ ông, con ông, cháu ông, tất cả ông phải ghi tên trong danh bạ điện thoại, mỗi lần ai gọi, nó hiện tên lên chứ!
Nhưng nó còn giả được giọng của vợ, con, cháu mình cơ đấy. Kể cả hình ảnh nhé!
Sinh bảo, ông nói thế thì tôi cũng đến chịu. Người ta sống cũng phải có niềm tin chứ. Tôi nói cho ông biết nhé, bây giờ bọn nó còn chế ra được cả hình ảnh nữa nhé. Nó lấy ảnh trôi nổi của mình, rồi nó cắt ghép thế nào đó để ra cái hình của mình y như thật, với giọng nói thật luôn. Cái công nghệ “ây ai” khỉ gió gì ấy khủng khiếp lắm. Nhưng thôi, ông lo xa làm đếch gì. Uống nước đi. Nó lừa cái thằng đại gia hay quan chức lắm tiền chứ lừa loại ông với tôi trên răng dưới dái làm gì…
***
Lại đến phiên gặp nhau. Từ ngày chỉ còn 3 thằng cộng với 3 mụ vợ chẳng khi nào đủ mặt. Được người nọ mất người kia. Cho nên cái định lệ cũng có khi bị phá vỡ, tức là bị hoãn. Chẳng sao. Có cái gì bất di bất dịch được ở đời.
Hôm nay vợ chồng thằng Hòa có mặt. Vừa ngồi vào bàn, chưa kịp gọi phở, thằng Hòa hào hứng, đúng như các bố xác nhận, thằng Nhan đại hâm mẹ nó rồi. Một hôm, mình đang còn ngái ngủ trên tầng hai, nghe tiếng chuông bấm khẩn thiết. Tôi lầu bầu, mẹ nó, gọi gì mà như cháy nhà chết người không bằng. Mà bây giờ mới có hơn bẩy giờ tẹo. Tôi cứ nghĩ thằng con giai lớn mang con sang gửi ông bà đột xuất. Tôi mặc quần đùi lệt xệt mở cửa ra ngoài ban công nhòm xuống. Một gã đàn ông đầu hói đang bồn chồn đứng trước cửa. Tôi định hỏi vọng xuống xem ai, nhưng sực nghĩ cứ lặng im xem gã ta là thằng nào… Tôi nấp vào sau chậu cây nghe ngóng tiếp. Lại bấm chuông khẩn thiết. Nhìn cái mặt nó ngước lên tầng nhà. Đúng nó rồi, thằng Nhan hâm đây rồi. Tôi mới len lén vào bảo bà xã đừng đánh tiếng, nó biết có người trong nhà, nó cứ chờ thì bỏ mẹ. Bà xã bảo hay anh cứ xuống mở cửa đón anh ấy, cứ đứng mãi ở ngoài cũng tội. Tôi kiên quyết, kệ cái thằng hâm ấy, cho nó chừa cái thói đến nhà bạn bè tùy tiện đi. Cứ lang thang thế có ngày chết tầu chết xe chết đường chết chợ chưa biết chừng. Thế là cu chàng chờ mãi đếch thấy gì, phải quay về.
Tùng im, không nói gì.
Sinh cũng sững người không nói gì.
***
Ban đầu nhóm có năm thằng.
Giờ chỉ còn ba.
Có thể ngay sau đây thôi, nhóm chỉ còn hai. Sinh thoáng nghĩ, có thể nó là người rời sớm nhất…
Đầu mùa hạ 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét