Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Phan: TRẢ THÙ (T.Vấn và Bạn Hửu)


                             Red Revenge – Tranh:  Laura Scheving (Nguồn: pixels.com)

1.

Một trưa hè xa lắc xa lơ trong ký ức, nắng hè vàng như trái trứng gà chín rụng vỡ ra nên ngoài lộ không một bóng người, nhà nhà im lắng trong giấc ngủ trưa. Thằng bé trốn ngủ trưa tôi một mình ngồi dưới gốc cây mảng cầu xiêm cổ thụ bên hông nhà với cây cần câu cá rô vì cây mảng cầu sát bờ ruộng lúa. Bỗng nghe tiếng kêu cứu ngoài lộ, tôi trở thành người đầu tiên và cũng là lần đầu tiên thấy người ta chảy máu bụng tới ướt áo. Dĩ nhiên tôi la làng cho người lớn trong xóm ra cứu người. Nạn nhân không xa lạ là người đàn ông không được xem trọng trong xóm tôi. Ông chưa có tóc bạc nhưng không đi làm, suốt ngày chỉ bài bạc với rượu chè. Vợ ông nổi tiếng ngồi lê đôi mách, chuyên giựt hụi làng trên xóm dưới và căn nhà xiêu vẹo ngoài bờ sông của ông là nơi trẻ con trong xóm bị cấm đến vì lũ con ông là lũ trẻ không đi học, cả ngày chỉ lêu lỏng, trộm vặt đủ thứ trong xóm làng từ đôi dép nhựa tới cái gáo nhôm để bán ve chai…

    Ông ngồi ôm bụng máu đỏ hoe ở lề đường, chiếc xe đạp của ông bị gãy phuộc nên xảy ra tai nạn. Ông nhìn tôi không cầu cứu mà văng tục, chửi thề, đuổi tôi đi… nhưng phản xạ tự nhiên của đứa trẻ thấy tai nạn nên tôi cứ la làng cho người lớn trong xóm ra cứu ông.

   Những người lớn trong xóm đưa ông vào căn cứ lính Nhảy dù là gần nhất để nhờ lính cứu ông vì máu ra nhiều, đưa đi trạm xá khá xa. Lính cầm máu cho ông xong thì đưa ông lên xe Jeep chở qua căn cứ lính Mỹ sát bên để nhờ phẫu thuật vì lưỡi dao ông mang trong người đã đâm vào ruột.

   Sau đó ông chết vì vết thương bị nhiễm trùng do không đi bệnh viện thay băng và nhờ bác sĩ, y tá trong bệnh viện chăm sóc sau khi mổ..

   Một người sống không ra gì nhưng sau khi chết lại nhiều dư âm. Bài học nhãn tiền cho cả người lớn và trẻ em gói gọn trong câu, “cờ bạc là bác thằng bần”. Nhưng sâu xa hơn là việc ông thua bài mà đi trả thù. Về nhà lận dao đi đâm người ta vì ông cho là người ta chơi bài gian lận với ông. Chuyện thua bài tới mất trí thì có vì ông không chơi gian lận với ai thì thôi chứ ai gian lận được con ma bài bạc ông. Nhưng ông giận quá hoá thù nên trời trả báo kẻ lận dao đi đâm người thì lưỡi dao đâm vào bụng mình trước. Sống ở đời không nên hại người vì trời sẽ hại mình trước. Người lớn trong xóm dạy trẻ nhỏ bài học nhớ đời…

   Ít nhiều khái niệm trả thù cũng được cân nhắc hơn trong đầu óc trẻ con tin theo, sống theo những truyện bằng tranh bán ở cổng trường làng, thầy cô càng cấm mua thì những người trải tấm nhựa bán truyện tào lao càng đắt hàng với những tựa truyện hấp dẫn, mê hoặc như “tiểu lưu manh đại náo giang hồ”. Tốn biết bao nhiêu tiền nhịn ăn sáng và bị đòn roi biết bao nhiêu tới tiểu lưu manh bị giang hồ đánh hội đồng cho má nhìn không ra cũng chưa hết truyện vì nó bị vứt xác xuống biển nhưng không gặp cá mập mà gặp cao nhân cải tử hoàn sinh cho nó bởi cao nhân xem trọng nghĩa khí giang hồ của tiểu anh hùng…

   Rồi trên Sài Gòn Lý Tiểu Long xuất hiện trên màn bạc với roi nhị khúc làm mưa làm gió thì dưới quê tân tiểu lưu manh tái xuất giang hồ với tựa truyện có bị đòn roi, cô giáo khẻ tay bằng thước kẻ, phạt qùy gối tới đâu cũng mua cho được vì chân đi không đành với kiệt tác đê mê…“tân tiểu lưu manh tái xuất giang hồ;”; Kỳ tới là “tân tiểu lưu manh thần côn phục hận…” Trời ơi cao nhân truyền thụ cho nó võ công thượng thừa, khinh không thượng đẳng, nội công thâm hậu tới múa roi nhị khúc trời mưa không ướt áo. Nó đánh tơi tả giang hồ như mẹ tôi đánh tôi bằng chổi lông gà khi phát hiện trong áo gối của tôi toàn cẩm nang gối đầu giường về anh hùng tí hon bên Hồng Kông, một mình đại náo giang hồ gió tanh mưa máu. Cô giáo khẻ tay bằng thước kẻ đau té đái khi khám cặp táp cũng toàn truyện bằng tranh. Cô khẻ tay không thương tiếc còn bắt qùy gối. Chưa đủ sợ thì qùy giang tay cho thẳng ra, hai tay cầm hai cục gạch thẻ đang xây trường. Hễ xụi tay xuống là cô khẻ thước cho rụng hai cái tay để khỏi mua truyện tranh tiu lư manh nữa. Sợ rụng tay nhưng vẫn lén mua là tuổi nhỏ trường làng.

   Ôi những cuộc trả thù trong mơ thật sảng khoái thấy mình ra roi nhị khúc trời mưa không ướt áo làm mấy thằng hay ăn hiếp mình trong xóm, trong trường u đầu sứt trán, cô giáo quăng thước kẻ chạy mất dép, thật là đã đời. Nhưng cuối cùng là tiểu lưu manh sau khi trừ gian diệt bạo ở Hồng Kông lại ngộ đạo, theo chân nhân lên núi tu đạo và không bao giờ trở lại giang hồ nữa. Không biết đám đạo sĩ thúi trong truyện Kim Dung có phải là truyền nhân của tiểu sư phụ năm xưa, hay tiểu sư phụ là truyền nhân của đạo sĩ thúi mà lắm chuyện. Nhưng đệ tử truyện tranh trường làng đã quên hết hận thù dưới quê khi lên trung học, mặc đồng phục, đọc Duyên Anh… giang hồ phố thị hơn thâm sơn cùng cốc…

2.

Không phải ngẫu nhiên nó có cái biệt danh “pháp sư”, dù không nhớ ai đặt cho nó nhưng cả lớp, cả trường đều gọi nó là pháp sư. Bởi nó có cách trả thù khác hết tất cả những đứa con trai trong trường thường là giộng nhau một giộng là xong chuyện. Như thằng bạn mới thấy mình chuốt cây viết chì xong, nó hỏi mượn. Bạn thì không từ chối chuyện nhỏ nhưng tức cành hông vì nó mượn nhưng không xài, chỉ để ví ngọn bút chì xuống bàn cho gãy cái cóc. Làm được gì hơn là giộng cho nó một giộng trước khi nó bỏ chạy và phá lên cười… Nhưng pháp sư thù đứa nào thì ra sân trường gom đất cát đắp lên ngôi mộ nhỏ, cắm ba cọng cỏ  trước mộ thay nhang, nó lẩm bẩm đọc thần chú gì chỉ có nó biết, nhưng coi như đứa đó sẽ chết. Nó trả thù xong.

   Mấy năm trung học với người bạn thầy pháp qua vèo cho tới một hôm đi uống cà phê với cô bạn gái mới quen, tôi thấy nó trên truyền hình thành phố với tư cách ca nhạc sĩ. Tôi hỉnh mũi khoe đó là bạn anh. Tôi mừng cho bạn, thấm thía câu ngạn ngữ, “có chí thì nên…” Nhớ về những năm tháng sau hoà bình đói nghèo cả nước, chúng tôi chưa đủ lớn để lo việc đại sự nhưng cũng không còn nhỏ để vô tư đeo quàng khăn đỏ. Đám con trai chúng tôi biết làm gì ngoài giờ học là đi đá banh, tắm sông; có phụ mẹ việc chẻ củi thì cũng có gạo đâu mà nấu cơm. Chẻ thước củi xài cả tháng không hết. Trong khi nó miệt mài với cây đàn ghi ta cũ mèm không biết từ đâu nó có, cuốn sách học đàn của nó rách bươm mà nó qúy như bảo bối. Nó còn có mấy cuốn sách học tiếng Anh – English for today bìa màu vàng cũ mèm, nhưng không cho ai mượn bao giờ. Tôi nhớ lên cấp ba thì nó đã là tay ghi ta có tiếng trong trường, sau đó nó viết nhạc, những tình khúc học trò ngây ngô như nắng như mưa… Nó tin tôi là thằng quậy phá cũng có tiếng trong trường nhưng tiếng Việt tôi vững hơn bạn bè về ngữ pháp, chính tả, từ ngữ biết nhiều vì mê đọc, nên nó thường kín đáo hỏi ý riêng tôi nghĩ sao về lời nhạc của nó, nhớ đừng nói đứa nào biết! Tôi cũng thật lòng góp ý cho bạn về từ ngữ rõ nghĩa hơn để tránh hiểu lầm, phù hợp hơn với lứa tuổi vu vơ trong bài nhạc… Nhưng cách suy nghĩ của nó khác tôi mà thật lâu về sau tôi mới hiểu những từ nó chọn dùng lúc ấy mang ý nghĩa riêng tư về bản thân nó. Đến cuối cấp ba thì nó đã viết nhạc lời Anh ngữ chứ không chơi tiếng Việt nữa vì tiếng Anh có thể lẻo lự chối cãi được chứ viết tiếng Việt thì nó có thể bị bắt vì tội sáng tác nhạc đồi trụy, ủy mị, thậm chí là phản động.

   Rồi đằng đẵng thời gian xa cách, một cuộc gọi không ngờ. Nó gọi tôi từ Việt nam vì chúng tôi có bạn bên này về thăm nhà, cho nó số điện thoại của tôi. Hai mươi năm trò chuyện lại với người bạn khá lập dị hồi nhỏ. Nó vẫn từ tốn như xưa, tôi nói về tôi và gia đình nhỏ của tôi. Nó vẫn độc thân khi đã bước qua tuổi bốn mươi, cha mẹ qua đời. Người anh duy nhất của nó đã có vợ con, sống ở căn nhà cha mẹ để lại. Nó sống riêng trong khu tập thể giáo viên; ngày ngày đi dạy tiếng Anh. Đêm về viết nhạc.

   Sự nghiệp âm nhạc của nó không chấm dứt mà cũng không phát triển được vì trào lưu và tư tưởng của nó đã lỗi thời. Một tiết lộ với bạn thân, nó cho tôi biết: Đám ca sĩ loi choi trong nước bây giờ bắt chước ngoại quốc là hát nhạc và lời của mình. Nhưng sự đua đòi bị hạn chế ở trình độ, kiến thức. Họ viết lời thôi và thuê nó viết nhạc, nó kiếm sống cũng được nhưng không qua được lòng tự trọng vì trên bản nhạc ghi lời của ca sĩ nào đó nhưng nhạc mang tên nó cho phải phép. Nó cảm thấy bị xúc phạm vì có tên trên bản nhạc nhảm nhí với tư cách người viết nhạc nên nó chấp nhận ăn mì gói vì sĩ diện. Nhưng có lúc nó cũng cần tiền cho những việc khác nên thoả thuận với người viết lời là anh hãy ghi: Nhạc và lời của anh, tên anh, không có tên tôi là người viết nhạc… tôi lấy nửa tiền thôi! Ai dè bên đối tác sướng rơn, trả gấp đôi chứ không thèm trả một nửa tiền viết nhạc vì nhạc và lời của mình thì đương nhiên mình là ca nhạc sĩ… sánh tầm quốc tế được rồi!

   Vậy là nó khá lên nhờ không đứng tên nhạc sĩ trên những bản nhạc nhảm nhí, vô nghĩa theo trào lưu nửa người nửa ngợm nửa đười ươi như nó đánh giá. Dư âm sau cuộc nối lại chuyện xưa của hai người bạn học mà nó lỏn lẻn như con gái còn tôi là thằng trời gầm. Tôi suy nghĩ về việc nó khuyên tôi về sống ở quê nhà khi tuổi già gõ cửa. Nó đã vững vàng để có thể giúp tôi ổn định cuộc sống và thư thả tuổi già vì nó đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang…

   Thêm thời gian không gặp, bạn bè ở hải ngoại rủ bạn bè trong nước sang họp mặt trường xưa bạn cũ khi tuổi trẻ mới đó đã đến lúc nhìn nhau qua kính lão, tóc bạc như mây, có đứa vắn số đã đi trước bạn bè… nhưng nó vẫn cô đơn một mình. Hôm họp mặt linh đình có cô bạn bên Việt nam qua chơi, Hiền không lấy chồng cũng khó hiểu vì trắng da dài tóc, xinh xắn như ai nhưng phát nguyện đi tu, gia đình không cho thì ở vậy tới cha mẹ qua đời thì Hiền cũng đã già. Trở thành nơi nương tựa của nó khi bạn bè vượt  biên một dạo rồi tới đi bảo lãnh, Hiền không lấy chồng nên mới có thời gian cho nó ghé nhà chơi, lắng nghe tâm sự độc cô cầu bại của nó. Nó sống trong khu tập thể giáo viên và ở chung với vài ông thầy độc thân chứ không có phòng riêng nên khi đi chơi xa nó liệng cái ba lô bí mật đời tôi ở nhà Hiền cho không ai biết về đời tư của nó vì ngoài Hiền nó không có bạn thân nào trong suy nghĩ của nó. Hiền cho tôi biết một đoạn trong cuốn nhật ký của nó viết bằng tiếng Việt nhưng nhiều đoạn nó viết bằng tiếng Anh là thâm tâm, Hiền không hiểu hết u uẩn bằng tiếng Anh của nó nhưng hiểu được lần cuối nó đắp mộ, cắm nhang thật chứ không phải cỏ ở sân trường và đọc thần chú mà nó tin hiệu nghiệm từ nhỏ là ngôi mộ của nó. Cuộc trả thù đã kết thúc.

   Tôi chưa bao giờ gọi về Việt nam nên không biết cách gọi. Hồi làm báo toàn thời gian, nếu có cần liên lạc với cộng tác viên, hay đồng bào khó khăn cần được giúp đỡ trong nước thì mấy cô làm trong toà soạn gọi dùm cho tôi nói chuyện thôi. Nên nhiều khi nhớ bạn bè, tôi muốn gọi để nói với nó, những cuộc trả thù của mày đã kết thúc khi tự đắp ngôi mộ cho mình thì hãy sống chân thực, chân thành với bản thân hơn là tự coi như mình đã chết. Hy vọng tình bạn một đoạn đời nó nghe tôi. Phần tôi đã hiểu những ngôn từ tôi đề nghị nghiêm túc với nó trong lời nhạc nhưng nó có suy nghĩ lạ nên dùng ngôn từ lạ lùng đối với tôi ngày xưa…

   Ngẫm nghĩ sự trả thù là lưỡi dao giành cho người nhưng đâm vào bụng mình trước là luật nhân quả có thật sao trong cõi đời này…

3.

Từ đó nhớ chuyện bên Mỹ. Ông bạn gọi tôi ghé nhà anh làm vài lon bia cuối tuần, anh câu được cá ngon. Chuyện cuối tuần ở Mỹ đơn giản vậy, tôi chưa mua nhà nên thứ bảy đi rửa hai cái xe là hết việc. Chủ nhật đi câu cá sống qua ngày chờ qua đời với cái xứ Mỹ buổn chết được với người mới qua. Tôi đến nhà anh, đậu xe ngoài đường, có thấy thằng con nhỏ của anh nhìn ra cửa sổ. Thường thì nó gọi anh nó mở cửa và hai anh em cùng khoanh tay “thưa chú mới đến…” rất lễ phép.

   Lạ hôm đó không đứa nào mở cửa cho chú. Tôi bấm chuông thì thằng em ra mở cửa cũng là lạ vì thường thì thằng anh lớn hơn, lanh lợi hơn, nó quyết định mở cửa cho người quen và không mở cửa mà kêu ba mẹ khi thấy người lạ. Em nó không được mở cửa cho bất cứ ai dù lạ hay quen.

   Bước vô căn phòng khách thông với phòng ăn nên thấy nhà rộng rãi, thằng anh đang ngồi ăn một bàn thức ăn. Lần đầu nó “thưa chú mới đến’ mà không đứng dậy, không khoanh tay. Thằng em khoanh tay, “thưa chú mới đến” rồi trở lại sofa xem phim hoạt hình trên tivi. Nó đang ráp lego trên bàn phòng khách nhưng không ra hình thù gì… mặt nó chù bụ chứ không phải buồn ngủ nên tôi hỏi thăm,

   “Con ăn gì chưa, sao không ăn với anh con…”

   “Dạ con ăn rồi, anh cũng ăn rồi…”

   “Mẹ con đi làm hả? Trưa nay ba cho tụi con ăn món gì?”

   “Dạ, mẹ con đi làm. Trưa nay ba cho con với anh ăn cơm với thịt xào tôm…”

   “Sao trên bàn nhiều thức ăn quá vậy?”

   “Ba làm hai dĩa cơm cho anh với con ăn rồi. Bây giờ anh ăn thêm để trả thù ba…”

   “…”

   Lần đầu tôi nghe cụm từ “ăn trả thù” nên đến bàn ăn hỏi thằng lớn, “Ba làm gì mà con giận quá vậy?”

   “Không giận sao được, cái gì ba cũng bắt con nhường em…”

   “…Thì con lớn hơn, con là anh thì nhường cho em con là phải rồi…”

   “…Con ăn hết thức ăn trong tủ lạnh nhà con… rồi đi ỉa cho nghẹt cầu, cho ba đi thục cầu tiêu…”

   “Con nghĩ con ăn hết cả bàn thức ăn này nổi không?”

   “Con ăn hết luôn. Chiều mẹ con về, con nói mẹ chở con lên nhà chú. Con ăn hết tủ lạnh nhà chú, ỉa nghẹt cầu cho chú đi thục cầu tiêu luôn. Cái gì cũng phải rồi… phải nhường…”

   “Ba bắt con nhường gì cho em mà con giận dữ vậy?”

   “Ăn cơm xong, con hỏi nó trước rồi: ‘Mày muốn chơi gì chọn trước đi’? Nó chơi xe đua remote control ba mới mua. Nó chơi từ chiều hôm qua ba mua tới giờ, không cho con chơi. Con chơi lego, con ráp xe đua… Xe remote control của nó hết pin, nó đòi chơi lego; con không cho thì nó khóc, ba bắt con nhường… Tức không?!”

   “Tức. Chú cũng tức như con. Thôi để ngày mai chú chở con đi mua một chiếc xe đua remote control, ghi tên con lên xe để không phải nhường cho ai hết, con chịu không?”

   “Dạ chịu…”

   “Vậy thôi đừng ăn nữa, con no lắm rồi. Ba nấu ăn cho tụi con rồi đi cắt cỏ cũng mệt lắm rồi, bắt ba đi thục cầu tiêu cũng tội nghiệp cho ba…”

   “…”

   Nó không đi ỉa cho nghẹt cầu mà nó ói cũng đủ nghẹt cầu. Thằng em la làng, ba nó bỏ cắt cỏ ngoài sân sau, chạy vô nhà hết hồn với thằng con cứng đầu như… ba mày.”

   “…”

   Hôm nay đám giỗ ba, hai anh em trong căn nhà cũ ngồi nhìn di ảnh ba mẹ trên bệ lò sưởi. Thằng anh cứ đòi bán nhà chia đôi cho em nhưng thằng em cứ nhất định nhường cho anh ở, em ở chung cư được rồi, từ từ vợ chồng em mua nhà… Đứa con thằng anh cứ đeo bám chú vì muốn gì được nấy, không khó ưa như ba nó. Con nhỏ con thằng em lại đeo dính bác vì bác thương con gái, thương lá ngọc cành vàng của bà nội, thương bà nội vái trời phật cho sống tới cháu nội gái lấy chồng mà trời phật không cho… còn cháu nội trai thì kệ cha nó. Nhưng bác vẫn thương cháu gái vì không giành đồ chơi với anh họ như bác với ba con hồi nhỏ…

   Chú của hai thằng nhóc đã lên chức ông chú của hai đứa nhỏ, ngồi kể chuyện “ăn trả thù” cho hai cô cháu dâu nghe. Thằng anh lại bệ lò sưởi chắp tay xá xá… ‘con xin lỗi ba’. Thằng em không xin lỗi ba mà khoanh tay… ‘em xin lỗi anh’.

   Cuộc trả thù đã xong mấy chục năm ân oán chỉ đơn giản là nhường nhịn và một lời xin lỗi chân thành.

Phan



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐAU LÒNG : Thơ Ngọc Điệp Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

                                                               Cha tìm xác con ) ĐAU LÒNG Nghe tin bão lụt ở quê nhà, Xót dạ đau lòng kẻ ch...