Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

🌨🌨🌨 TRẬN LỤT NĂM GIÁP THÌN- 1964. 🌨🌨🌨

Hình như đây là đặc điểm của quê tôi: Phan Rang đầy nắng và gió!
Nắng thì trời ơi nắng- mong một giọt mưa… đừng hòng! Nhưng khi đã mưa thì… mưa dầm dề tê tái, như hồi đêm tới giờ, mưa từ 2g sáng đến giờ vẫn chưa ngớt hạt! Dự kiến sẽ đến “bão lụt thôi”!
Nói đến lụt, tôi bỗng nhớ đến trận lụt năm Giáp Thìn- năm 1964. Ngày ấy, tôi đến tuổi mười ba, lại là năm tuổi nên cả nhà lo lắng, dặn dò các kiểu! Trưa hôm ấy, trước rạp hát Thanh Bình gần nhà, nước ngập lênh láng, vẫn là chuyện thường, chỗ này cứ mưa lớn là ngập. Có nước, tôi sao có thể ngồi yên trong nhà? Nên cùng người chị con nhà bác đang ở cùng, cứ đi ra, đi vào, xem nước rút chưa? Nhưng chính là, xem xe chạy, nước văng tung toé, người đi đường vừa né vừa la hét… vui lắm! Theo lệ thường, chừng vài tiếng đồng hồ thì nước rút hết, nhưng sao hôm nay, nước không xuống mà cứ “bò dần” vào khúc trong…, dần dần qua khỏi đường Cao Thắng, vào đến lò rèn, rồi đến ngay đầu đường dẫn vào nhà tôi. Không thể nói hết sự “sung sướng” của hai chị em. Cả hai vào sân nhà hô hoán:
-Lụt rồi, nước vô rồi kìa…
Cả nhà tôi khi ấy đông lắm, đang dở dang công việc, ai cũng tối tăm mày mặt, nên có để ý gì đâu? Chỉ mỗi hai chị em la lối rần beng, la quá, mọi người bực bội, quay ra la mình nữa chớ:
-Tụi mày ở không quá, sướng quá rồi dậy giặc lên hở?
Bà Nội tôi còn mắng thêm:
-Lụt, lụt cái “thèng loàng choa” tụi mi! (Lụt, lụt cái thằng làng cha tụi mi!)
Vậy thì, thôi, không nói nữa, “hờn” rồi! Nhưng, nước đã tràn vào, ngập cả đường luồng dẫn vào nhà và… đang lên rất nhanh! Nghĩ sao, hai chị em vào đem ra mỗi đứa một cái ca, thi nhau múc và tạt ra đường… Chỉ mong lập được kỳ công, nhưng, ôi trời, nhanh quá, phút chốc tràn cả vào cái sân rộng. Vậy là, người lớn bắt đầu chú ý, bắt đầu… quáng quàng và hai chị em thi nhau phân bua, thi nhau kể công. Phải nói: may nhà đông người, bà Nội tôi lại là người chỉ huy kiệt xuất. Sau khi lùa hết lũ trẻ con lên gác thì rất nhanh, mọi thứ cần thiết đã được chuyển lên gác, cái gác gỗ, cộng hết tầm 40m2. Như bà và các anh đã tích luỹ kinh nghiệm từ nhiều năm khi là người dân miền Trung đầy dẫy thiên tai, lũ lụt:
-Gạo, mắm, muối… nước đã được đưa lên đầy đủ. Áo quần, các thứ…
Trời ơi, khi ấy thì nước đã lên đến đầu gối rồi, mọi người bì bõm chuyền mọi thứ cho nhanh, nước lên vùn vụt! Bà tôi lo cho sự an nguy của cả nhà… vì nước đã cao lắm rồi, đã qua khỏi bụng và mấp mem tới ngực nên bà gọi lớn:
-Tụi bây lên gác nhanh đi. Không đem gì lên nữa! Thèng Lãm lên mau! Đóng cửa chính lại, mở các cửa sổ ra!
Bởi vì anh ấy đang bưng bê tiếp hai cái lò và cả bao than, trong bao than đã có ngo và hộp quẹt! Nhưng… phía sau nhà vọng lên tiếng kêu rất gấp:
-Bà Năm, bà Năm, Tư ơi, Bảy ơi… mở cửa, mở cửa cho tụi tôi vô với!!!
Ôi, là những nhà hàng xóm, xóm sau nhà tôi. Hình như cả xóm, bởi vì khi ấy đây là cái “xóm nghèo” mà, cả xóm chỉ mỗi nhà Nội là có gác! Cũng vì chủ quan, giờ đây lũ lượt kéo đến, ngay cả bác Sáu nhà sát bên giờ mới xuất hiện, khi mà hai con của bác đã cùng bọn tôi lên gác từ đầu. Ai đến cũng đều có ít tư trang, riêng bác còn có thêm nồi cơm đậu xanh và chén muối đậu phụng rang… Vậy rồi, dù muốn dù không, căn gác gỗ đã chứa hầu như hết xóm, cả già trẻ, lớn bé, cả gái cả trai, cũng ngót 4-50 người cùng với tư trang; ngay khi ấy, Nội cho chuyển ngược các thứ “nặng” như gạo, nước, than, lò xuống cầu thang phần được xây bằng xi- măng. Nước lên nhanh phi mã! Khi tất cả đã ổn định, nhìn xuống dưới nhà: nước đã cao gần lút cửa sổ, chỉ còn 3 gang tay!
Lũ nhỏ được quản lý rất kỹ, được dồn về một góc, cũng hơn 10 nhóc, tự nhiên tôi thành trưởng tràng, cũng do lăng xăng canh nước xuống, lên mà tôi cứ choi choi đi ra nhìn xuống cầu thang để xem mực nước trong nhà, rồi lén ra sân bằng (là khoảng duy nhất bằng bê tông cốt sắt sau cái gác, chỉ non 10m2) để xem nước ngoài đường… Bà Nội tôi lo, giữ tôi khít rịt vì theo tử vi: năm nay là năm tuổi của tôi, gặp hạn về “sông nước”; vậy là tôi và cả lũ nhỏ bị đẩy vào góc nhà phía trước, bác Sáu giao cái nồi cơm đậu xanh và chén muối đậu phọng dặn dò:
-Mấy đứa chia nhau ăn đỡ đói! Ngày mai, chưa chắc nước rút, nên đừng nghĩ có cơm ăn.
Ôi, làm sao tôi chia đây? Nồi cơm bác nấu chỉ cho gia đình bác 4 người; giờ 10 đứa nhỏ hau háu đói? Vậy là:
Tôi không chia phần, biểu tụi nhỏ ngồi theo vòng tròn rồi đút theo thứ tự, cứ “há to miệng, một muỗng cơm, thêm chút muối đậu…” cứ vậy mà ngon cách gì đâu, rất trật tự, rất vui… có điều, cơm hết mà chẳng đứa nào no! Ăn xong, nhìn ra tôi mới thấy, hầu hết người lớn đã ra ngoài sân thượng, hò reo, xem chừng hào hứng và cả hoang mang lắm; hầu như người nhà cũng đã quên chuyện quản lý tôi. Tôi nhanh chóng len ra, chen vào, nhóng cổ nhìn xuống đường, hướng về phía Xóm Gò, nay là đường Cao Thắng, nơi có con đường khá rộng… mà giờ thì thênh thang nước, nước chảy từ trên ấy xuống, tràn qua đường Thống Nhất, chảy luôn qua lò rèn, rất gần , phía dưới, sau nhà tôi, từ sân thượng nhìn xuống mênh mông là nước, dòng chảy không hiền hoà mà cuồn cuộn… Hình như nước sâu lắm, thế nước chảy rất mạnh nó mang theo cả những cái thùng thiếc đóng chặt nắp từ trên Xóm Gò trôi xuống, tôi lại bỗng vui rộn lên khi mong:
-Xuống đây, trôi xuống đây đi! Trời ơi… xuống đây, xuống đây…
Sở dĩ, tôi vừa ước vừa gào như vậy vì tôi biết chắc trong những cái thùng thiếc đó có đầy bánh, bánh nào cũng ngon! Nó vốn của một nhà chuyên bán bánh, tối nào tôi lại chẳng được bà Nội sai lên đó mua. Không bánh mì lớp, thì cũng bánh in “lá bài”, toàn các loại bánh ngon… Khi ấy, anh Lãm đã đứng rất gần tôi, tôi lại chỉ chõ:
-Anh Lãm, anh Lãm, mấy thùng đó toàn là bánh ngon trong đó, nó mà trôi xuống đây, anh dám xuống vớt không?
Anh chộp ngay:
-Dốm chớ! Tô bơi chiến lắm, ngoài nớ lụt còn dữ hơn, sợ chi chừng ni? (Dám chớ! Tao bơi chiến lắm, ngoài nớ lụt còn dữ hơn, sợ chi chừng này?- Ngoài nớ là quê anh tận miền Trung đầy mưa bão).
Rồi, không chỉ 1,2, 3 mà một bầy thùng thiếc đang trôi, hướng trôi chắc chắn qua chỗ nhà tôi… Nước ngày một lớn, các thùng bánh còn dập dềnh lên xuống, quay trái, quay phải thì bỗng đâu xuất hiện một con trâu! Cả cái sân thượng reo hò…, xôn xao, trầm trồ:
-Vậy là nước lớn lắm, mạnh lắm! Xem kìa, nước cuốn con trâu trôi phăng phăng luôn kìa… Trời ơi, ghê quá…
Con trâu đang trôi về hướng sau nhà tôi, đây lại là cái sân rộng của lò rèn, có hai cây me tây rất lớn! Xem ra, con trâu đành “xuôi” theo dòng nước, nhìn mặt nó, nhất là đôi mắt đầy hoảng loạn, con vật mà còn như vậy thì con người trong cảnh ấy sẽ như thế nào? Ôi, ánh mắt nó đến giờ mỗi khi nhắc đến tôi vẫn hình dung được. Đang trôi theo dòng nước xiết nó vướng được vào gốc me tây, ai cũng mong nó trụ được… chưa kịp mừng, đột nhiên: có bóng người lao xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Trời ơi, đó là anh Lãm! Ảnh bơi về chỗ con trâu, tóm lấy sừng nó, chực leo lên lưng… nhưng, còn nhanh hơn, con trâu đã bị dòng nước cuốn và tiếp tục trôi! Cả sân thượng cùng la hoảng:
-Thả nó ra, bơi vô nhanh lên! Chết đó…
Nghe la quá, bà Nội tôi giờ mới ra, những gì trước mắt đã khiến bà nói không ra tiếng; chỉ nói nhẹ:
-Kêu nó vô giùm cái! Chỗ nớ có cái giếng…
Giờ mọi người mới thấy và chợt nhớ: hướng trôi của con trâu và anh Lãm là tiến về chỗ cái giếng, cái giếng miệng khá rộng và sâu! Nơi đó, giờ là cái xoáy nước đang xoay tít… Anh có nghe mọi người kêu hay không? Không biết, nhưng không thả trâu ra, hình như ảnh còn muốn “cưỡi trâu” mà chưa được… Nước ào xuống, mạnh lắm… quay tròn, đã nói “mạnh như trâu” mà giờ… chắc chắn trâu thúc thủ và dù nhiều tham vọng, anh Lãm cũng phải buông nó mà giữ mạng, nước xuống lớn lắm, mạnh lắm, nhìn anh Lãm bơi trở lại là đủ biết: lóp ngóp, trầy trật chứ không như lúc lao xuống, giờ thì… chẳng ai nhìn chi con trâu mà tất cả chăm chú nhìn anh Lãm vì: liệu anh có vào được hay không? Cả thùng bánh, cả mấy bao tải lớn luôn cả con trâu vừa mới là điểm nóng giờ cũng đã bị quên lãng… Khi anh leo được lên lan can, bà Nội tôi mới chợt tỉnh:
-Nước lớn lắm, chảy mạnh lắm! Nhà là gác gỗ, sân thượng cũng yếu lắm, tui năn nỉ mọi người vô nhà giùm, đừng chen lấn… chết hết đó!
Khi ấy, trời cũng đã quá hoàng hôn, chực tối; mưa bay lất phất… mọi người hình như cũng biết sợ, tất cả quay hết vào nhà, cánh cửa được đóng lại. Giờ thì, nước lớn hay ròng chỉ được theo dõi từ cầu thang gác nhìn xuống, lại một lưu ý từ bà Nội:
-Thang bằng gỗ, không cứng cáp chi đừng tụ lại đông quá!
Dặn dò xong, bà im lặng, miệng nhai trầu mà ánh mắt rưng rưng, nhìn như vô định, chốc chốc lại buông tiếng thở dài áo não, tôi vốn gần gũi bà, nên ngồi một bên, lâu sau, không im được, lên tiếng hỏi:
-Bà Nội lo sập nhà hở? Tại đông quá phải không?
Bà im lặng hồi lâu, tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi, bà chợt đưa tay lau mắt, nghèn nghẹn nói:
-Chú Tám mi đi đâu từ sáng, thả chày* ra là đi biệt, chừ không biết lành dữ ra sao? Cả nhà đây mà không có nó… (thả chày: ý nói làm xong việc nhà, chú có nhiệm vụ giã thịt làm chả lụa- còn gọi là chả giò).
Khi ấy, cả nhà mới nhớ đến sự vắng mặt của chú Tám! Tất cả đều lo lắng đến ngẩn ngơ, ba tôi thì đã khóc… Bà Nội vẫn là người tỉnh táo nhất; buồn lo thật, nhiều khi rối cả lòng, khi đêm đã tối hẳn, mực nước đã dừng, không cao thêm mà cũng chưa rút xuống, mọi người theo dõi bằng ánh sáng của những ngọn nến, người nôn nóng thì bật diêm quẹt mà soi! Bà gọi nhỏ:
-Con Tư, con Bảy đâu? (là má và cô tôi), lấy bánh tráng cho mọi người ăn đỡ đói đi!
Đó là bánh tráng mỏng, của thím Sáu tôi bán ở chợ, gửi nhà Nội để về lấy cho gần. Nhờ vậy mới có để cứu đói tạm đêm nay. Tiếng bẻ bánh rôm rốp, nhè nhẹ vang lên, sau đó là tiếng nhai nho nhỏ, râm ran khắp căn gác đang chìm trong bóng đêm. Trong khi ấy, bà Nội tôi đốt nhang khấn vái lâm râm trước trang thờ lớn được đặt giữa nhà, cao tầm 1,2m. Trên đó có cả Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, bà Chuẩn Đề và cả Quan Công, không nghe bà vái gì, nhưng tôi tin chắc là có cầu xin cho chú Tám bình an trở về…
Cả đêm mực nước được theo dõi sát sao, khuya dừng giao động, gần sáng bắt đầu rút dần, đến sáng là trơ mặt gạch đóng đầy bùn non… Vậy là lũ lụt đã qua! Mọi người lục đục ra về, sau đó là tiếng gọi nhau í ới rằng:
-Ra mau, phía đường Cô Giang có mấy bao đậu xanh bị ngâm nước, nở bung ra, ra lấy “giá” về xào ăn…
Tôi chợt nhớ mấy thùng bánh nhưng trôi đâu cả rồi, mà cho rằng có, cũng không đến lượt tôi được ra đó đâu! Cả nhà nháo nhào với việc dọn bùn, ba tôi vừa khóc vừa đi từ sáng sớm sau câu nói nghẹn cứng:
-Tui đi tìm thằng Tám!
Vừa nói, ông vừa bước nhanh ra ngõ, bà tôi nói với theo:
-Mi ráng tìm! Nước rút hết rồi, giờ này chưa thấy nó về là lành ít dữ nhiều rồi…
Sau đó, cả nhà lo dọn dẹp… Lũ nhỏ tụi tôi bị đuổi hết lên gác, lâu sau, lâu lắm, từ trên gác nhìn ra đường, tôi thấy dáng của ba tôi, đi thất thiểu, hơi cà nhắc, xiêu vẹo, vừa đi vừa khóc… Trời ơi, vậy là sao?! Tôi phi vội xuống, cũng vừa lúc ba tôi vào đến sân nhà, Nội tôi đã buông thỏng hai tay, tựa người vào cột nhà như không thể đứng vững được nữa, nước mắt rơi không kềm chế trong dáng vẻ “đợi chờ tin xấu”! Ba tôi thống thiết rằng:
-Nó chưa về nhà hở? Tui đi hết các nhà quen rồi, không ai thấy nó từ hôm qua đến giờ! Hu…hu… đau quá… hu…hu…
Bà Nội tôi nghe dứt câu đã không còn đứng vững, buông thỏng một câu:
-Lấy ngày hôm qua làm ngày giỗ của nó! Nó tuổi Thân, năm ni là năm Thìn hạp tuổi mà sao lại rủi ro vậy chớ!
Đến lúc này, tôi tỉnh hồn nhanh nhất khi nghe ông già kêu đau, thoạt nghe ai cũng nghĩ ông đau vì nỗi đau mất em, nhưng tôi chú mục nhìn ống quần ông vén cao, ai cũng tưởng để dễ lội nước nhưng, tôi thấy rồi: trên ống quyển có mấy chỗ thủng có lẽ sâu và đã lâu, vết thương đã thẫm màu, thâm lại không còn rỉ máu... Tôi có việc làm rồi và rất quan trọng vì không ai làm được, lợi hại hơn: tôi có sẵn một hộp cứu thương riêng, vì tôi thích công việc này! Hai cha con leo lên gác, tôi thi thố tài năng: sát trùng, lau rửa vết thương… lấy thuốc và bông băng chuẩn bị băng bó… Có làm cho ba tôi mới biết, đau tim lắm, may mà máu không chảy, tuy vết cắt khá sâu, chưa đụng vô, ông đã rên, kêu “đau, đau ba…”, trong suốt quá trình làm thuốc, thỉnh thoảng ông còn khóc thành tiếng, thật là thống thiết… thật không hiểu “ông khóc vì đau hay vì thương chú Tám”? Riêng tôi, giật mình theo từng tiếng nấc của ông… Tôi gợi chuyện cho ổng phân tâm, bớt rên, bớt khóc mới làm được, nên hỏi:
-Vì sao chân ba bị hương vậy?
Như chợt tỉnh, ông nói rõ:
-Ba lội nước tới trước tiệm Tường Nguyên, chợt thấy đau, nhưng lo đi tìm chú mày nên cứ đi. Chắc bị mẻ lu cắt rồi! Ư…ư… (lại rên tiếp).
Chuyện băng bó đã xong, ông tự khóc một mình trong khi tôi lo thu dọn chiến trường…, cho đến khi dưới nhà xôn xao, tiếng reo vui vang lên tận trên gác:
-Về rồi kìa! Anh Tám về kìa…
Tôi nhanh chân, chạy vội xuống gác, chú Tám đã vào đứng giữa sân nhà, dáng vẻ mệt mỏi, ngượng ngùng, cả lo sợ! Và cũng rất nhanh, bà Nội tôi ào ra, mắng to:
-Thèng loàng choa mi, tưởng mi theo “hoà boá” rồi chớ! Mi đi mô, lo vật sự chi để coả nhoà sợ chết khiếp rứa?
(Thằng làng cha mi, tưởng mi theo hà bá rồi chớ! Mi đi đâu lo vật sự chi để cả nhà sợ chết khiếp vậy?)
Ba tôi, từ trên gác cà nhắc bước xuống, tiếp lời bà…, ôi trời ơi! Quả là phong ba bão táp! Tôi không hiểu sao lẽ ra phải vui mừng mà giờ lại thành ra “thi nhau chửi”? Chú Tám lại là người dễ tủi thân, chuyện chú có thể làm lúc này:
Chú ngồi bệt luôn xuống đất, cất tiếng khóc thảm, vừa kể lể: tui thừa chết thiếu sống, đói khát ráng tìm về nhà, không ai hỏi han gì lại còn xúm vô mà chửi… Biết vậy, tui không về nhà chi nữa… hu..hu…”. Vậy là, một bầy con nít, đứa lớn nhất là tôi, kéo nhau tụ lại quanh chú, đứa nào cũng rưng rưng khóc theo chú! Trong tâm lý của lũ nhỏ tụi tôi: thấy ai khóc thì tin rằng người ấy đáng thương và lập tức về phe! Cả bầy rì rầm: bà Nội và ba (chú, bác tư) sao ác quá, không cho chú ăn mà còn xúm vô chửi…
Hậu quả sau trận lụt khá nghiêm trọng, mãi đến nhiều năm sau, khi nhắc lại vẫn có nhiều thông tin mới, vẫn nhiều cảnh đau thương, có người mất cả gia đình, thậm chí một dòng họ có đến trên 10 người cùng đi trên một chiếc ghe trôi theo dòng nước ra tới biển… Nay, trở lại năm Giáp Thìn, tròn 60 năm, tôi chợt nhớ và viết lại đôi điều còn nhớ được trong ký ức của Cụ Bà 73 tuổi, với bao nhiêu chuyện nhớ quên…
 
Thai Ly.
 
* Hình ảnh trận lụt năm Giáp Thìn- 1964 ở quê tôi.
Khu vực trước chợ Phan Rang. Ảnh trên trang Phan Rang Hoài Cổ.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GIÀN BẦU TRƯỚC NGÕ TG : Nguyễn Ngọc Tư

Tôi không thích khi cưỡi xe vào tận thềm nhà lại phải rạp mình dưới giàn bầu ấy. Chị và mẹ tôi lại ngại tóc rối. Cha tôi khó chịu khi phải d...