Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

Nỗi Niềm Khi Thấy Lại Giếng Làng - Hoàng Đằng

Tình cờ tôi gặp bức ảnh trên mạng. Bức ảnh nằm trong album ảnh tỉnh Quảng Trị trước năm 1975. Ảnh đa số do binh sĩ hoặc nhà báo Mỹ chụp. Tôi nhận ra ngay đấy là bức ảnh cái giếng nước của làng tôi. Bao kỷ niệm vui, buồn về mảnh đất làng, về lịch sử làng, về bà con dân làng hiện về.

Làng tôi là làng Điếu Ngao – Điếu là câu; Ngao là con rùa biển, chứ không phải con hến như nhiều người tưởng. Thời gian trước đây, có khi gọi là xã Điếu Ngao, có khi gọi là thôn Điếu Ngao, có khi gọi là ấp Điếu Ngao.

Trước năm 1955, làng tôi gọi là xã Điếu Ngao thuộc tổng An Đôn, phủ Triệu Phong. Từ năm 1955 đến 1968, làng tôi là thôn (rồi ấp) Điếu Ngao, thuộc xã Triệu Lễ, quận Triệu Phong. Năm 1968, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà lập quận Đông Hà; xã Triệu Lễ lấy ra từ quận Triệu Phong đưa về quận Đông Hà, đổi tên thành xã Đông Lễ; làng tôi là ấp Điếu Ngao thuộc xã Đông Lễ.

Rồi từ năm 1972, dưới quyền quản lý của chế độ Cách Mạng, làng tôi không còn tên Điếu Ngao trên văn bản hành chánh nhà nước mà thành tiểu khu 2, ít lâu sau, phường 2 của  thị xã Đông Hà rồi thành phố Đông Hà. Tên gọi Điếu Ngao đã trở thành chuyện quá khứ - chuyện của lịch sử.

Ngày xửa ngày xưa, lãnh thổ làng thuộc nước Chiêm Thành, nhập vào nước Đại Việt (Việt Nam) từ đầu thế kỷ XIV sau khi Huyền Trân Công Chúa được vua nhà Trần bán gả cho vua Chiêm để lấy đất (1306).

Mãi đến giữa thế kỷ XVI, tên làng mới xuất hiện ở sách Ô Châu Cận Lục - ấn hành năm 1555 -, trong một số bản dịch, đọc nhầm ra tên Hướng Ngao; mới đây, một nhóm dịch sách Đồng Khánh Địa Dư Chí (viết cuối thế kỷ XIX) lại ghi tên làng tôi là Quân Ngao. Xin nói rõ làng tôi là Điếu Ngao; Hướng Ngao hay Quân Ngao là do các dịch giả đoán nhầm từ Điếu viết thảo trong nguyên bản chữ Hán (ba chữ Hán - Điếu: câu; Hướng: tặng cho, thết; Quân: đơn vị đo lường bằng 30 cân – dễ đọc nhầm nếu viết thảo). Hướng Ngao hay Quân Ngao không có ý nghĩa rõ ràng gì hết; còn Điếu Ngao là “câu rùa biển” (chứ không phải “xúc hến” như nhiều người tưởng nhầm); rùa, trong văn hoá Việt Nam, biểu trưng cho sự bền vững, thành đạt. Các ngài đi lập làng, khi trên hành trình bằng đường biển, nghĩ ra hai từ tên làng với mong ước làng bền vững, hậu duệ “ăn nên làm ra”, thành đạt trong cuộc sống, trong sự nghiệp.



Hơn hai thế kỷ (đầu thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XVI), dù vua Chiêm đâ nhượng, lãnh thổ làng còn nằm trong vùng tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành, nên làng chưa thành hình được. Căn cứ vào gia phổ các dòng họ lâu đời trong làng – khoảng 16, 17 đời, tôi suy đoán điều này.

Làng chỉ phát triển sau khi Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp ở miền Thuận Hoá (năm 1558).

Dân làng từ đâu đến? Sử sách không truyền, gia phổ các dòng họ không chép; theo lời truyền khẩu của ngài Hoàng Công Quang (1892– 1963) - một dân làng có học vấn, từng làm xạ (lý trưởng) từ năm 1927 đến 1945 thì tổ tiên dân làng từ Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá vào. Chuyện tình cờ tôi biết là như thế này: Hai cháu nội ngài Hoàng Công Quang đặt tên một người tên Hoàng, một người tên Hoá; tôi hỏi tại sao họ đã là Hoàng mà tên cũng là Hoàng và được cho biết là Hoằng chứ không phải Hoàng; tên đặt như vậy để nhớ về nguồn cội của dân làng. Thế thôi!

Làng toạ lạc ở mạn Đông Nam sông Hiếu, dân không dựng nhà cửa sát bờ sông mà cách xa sông khoảng hơn 100 mét. Có lẽ các Ngài đem dân đi lập cư muốn tránh làng đỡ thiệt hại do lũ lụt.

 

Trong sinh hoạt, dân làng dùng nước sông là chủ yếu; tuy nhiên, nước sông có khi không trong, không sạch, không uống được; làng phải đào giếng. Tội là giếng đào trong khu gia cư và ở những cánh đồng lân cận không có nước tốt – nước bị nhiễm phèn nhiều.

May mắn đến! Không biết làng có cậy thầy địa lý không mà tìm được dòng nước ngầm rất tốt, xa làng cả gần cây số về phía Tây, khơi giếng và có nước dùng qua nhiều thế hệ …

 

Giếng ở mạn Tây sát đường thiên lý Bắc Nam – đường Quốc Lộ 1 bây giờ. Dân gọi đường này là Đàng Quan – đàng là đường; đường dành cho quan nhà nước đi từ Bắc vào Nam hay ngược lại. Ngày xưa, chỉ có quan mới thường xuyên đi lại do công tác đòi hỏi, chứ dân ít khi bước ra khỏi làng. Tên giếng Đàng Quan là vậy.

Hiện nay, do Quốc Lộ 1 mở rộng nhiều, giếng đã bị vùi dưới lòng đường. Vị trí giếng ngày xưa nằm ở góc Đông Bắc khu khách sạn & nhà hàng Mê-Kông bây giờ.

Ban đầu, từ đáy lên miệng, giếng được chất theo hình ống bằng đá ong. Mạch nước chảy rất mạnh. Chỉ cần nghỉ múc vài giờ, nước dâng cao gần miệng giếng; người đi đường, ngang qua, khát có thể ngồi trên miệng giếng dùng nón múc được nước để uống.

Thành giếng và nền giếng (như trong ảnh) mới được đúc khoảng cuối thập kỷ 1940 hay đầu thập kỷ 1950.

Từ năm 1946, giặc Pháp trở lại tái chiếm Quảng Trị, lính tráng đóng đồn quanh Đông Hà đông lên; do biết nước có chất lượng tốt – trong veo, ngọt thanh …, giặc Pháp cũng lấy nước giếng cho binh sĩ uống; sẵn ciment, họ cho đúc thành giếng và nền giếng để xe dễ vào hút nước và cũng để giữ vệ sinh cho nước.

Quái ác! Giếng là nguồn nước của dân làng Điếu; vậy mà về mùa hè, những năm quá hạn, nước sinh hoạt (đặc biệt nước uống) khan hiếm, giặc Pháp làm nắp giếng khoá chặt, khi nào xe của bọn chúng tới hút, mới mở nắp ra. Chúng chẳng quan tâm dân làng Điếu lấy nước đâu để uống !!!

Vào những thời điểm ấy, dân làng Điếu phải lên xin hay múc trộm giếng của làng Lương An – làng Sỏi. Giếng làng Sỏi nước không nhiều, thành ra, dân làng Sỏi, sợ hụt, cũng không vui vẻ khi cho.

Ngặt lắm, dân phải ra moi giếng ngoài Cồn cát của làng để có nước dùng tạm; nước giếng tạm ngoài Cồn có nhiễm mặn ít nhiều, nhưng cũng phải dùng thôi, chả lẽ chết khát !!!

 

Rồi vào giữa thập niên 1960, quân đội Mỹ qua tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Quân số Mỹ ở Việt Nam lúc cao nhất lên trên nửa triệu. Đông Hà biến thành căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

 

Để tiếp dầu cho các phương tiện cơ giới phục vụ chiến tranh, quân Mỹ cho đặt ống dẫn dầu đi ngang qua gần giếng Đàng Quan. Bất cứ ngày đêm, để trả đũa quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hoà bắn pháo hay cho máy bay ném bom vào vùng giải phóng, quân giải phóng không biết đặt giàn hoả tiễn ở đâu - trên Trường Sơn hay bên bờ Bắc sông Bến Hải? - pháo kích thường xuyên vào Đông Hà. Năm 1967 và 1968, tần số pháo kích dày và mức độ pháo kích dữ dội nhất; pháo kích hoặc từng tràng kéo dài 15, 20 phút, hoặc thỉnh thoảng vài ba quả rồi thôi. Dân quanh vùng nghe tiếng reo của hoả tiễn đi, vội vô hầm hay nằm xuống. Giờ nhớ lại còn ớn!

Hoả tiễn, có lần, bắn vào trúng vỡ ống dẫn dầu, dầu tràn ra lai láng, đổ về đầy cánh đồng nhỏ gần đó của làng Điếu Ngao. Dầu đầy ruộng; dân làng Điếu và các vùng lân cận đua nhau đi múc dầu về thắp, nấu rechaud và bán cho nông dân, ngư dân để chạy nông cơ. ngư cơ.

Cánh đồng ấy nhiễm dầu, không canh tác được, làng Điếu phân cấp cho dân làng để lập gia cư. Cái xóm nhà có dầu tràn về, được gán cho cái tên Xóm Dầu; người viết bài này đã lập gia cư năm 1969 ở Xóm Dầu đó.

Ống dầu vỡ, dầu tràn, giếng Đàng Quan nhiễm dầu; dân làng Điếu mất nguồn nước uống, phải đi kiếm nguồn khác. Làng Điếu không những vất vả lo cái ăn mà còn gian nan lo cái uống. Nghĩ mà thương!

Giếng Đàng Quan ở xa làng. Đường từ khu dân cư của làng đến giếng phải qua một cánh đồng rồi một vùng đồi. Nhà gần cách non cây số, nhà xa có thể cách cây số rưỡi hoặc hơn. Đường len giữ rú rậm, về mùa nắng nóng, trâu bò đi quết dậy bụi, về mùa mưa rét, bùn nhão lút nửa cẳng chân.

Nước từ giếng về nhà phải gánh. Người ta gánh nước bằng đôộc sành và gióng mây. Gánh được nước về nhà, mất công lắm, có khi mất hết cả buổi. Những người yếu phải nghỉ giải lao vài ba lần.

Trẻ em 6, 7 tuổi trở lên, đã phải gánh nước, phụ giúp cha mẹ. Ban đầu, hai trẻ gánh “cò ke” một “đôộc”, trẻ nào lớn hơn, mạnh hơn thì khoảng cách trên đòn gánh từ vai đến đôộc ngắn hơn để rước phần nặng hơn; nhưng oái oăm, trẻ thấp vẫn bị trọng lượng đôộc dồn lên nhiều, méo mặt, nhăn mũi …

Hết gánh “cò ke”, trẻ được tập gánh cả đôi, ban đầu, nước trong đôộc ít rồi tăng lên dần theo tuổi tác và vóc người. Gánh cả đôi thì phải tập “trở vai” – đưa đòn gánh đang đè lên vai này sang vai khác bằng cách cho đòn gánh xoay trên ót. Đau ơi là đau!

Về mùa khô hạn, người gánh nhiều, nước cạn, múc phải chờ nhau, mất công. Còn về mùa mưa, nước giếng đầy, đường lại trơn trợt; nhiều trường hợp nước về đến gần nhà, do trượt chân hay do gióng mây đứt vì mục - sử dụng đã lâu ngày -, đôộc vỡ toang … Công gánh nước biến thành công dã tràng.

Dù vậy, giếng xa cũng có thuận lợi cho mấy ả mới về nhà chồng. Mấy ả còn e dè, làm dáng làm bộ, đến bữa không chịu ăn cho no hoặc nhà chồng không có khả năng cho ăn no, mấy ả mượn cớ đi gánh nước, ghé nhà cha mẹ đẻ, giở nồi, lục tréc kiếm chút cơm sót trong eo nồi, ăn tạm cho đằm bụng.

Qua thập kỷ 1950, giặc Pháp đem tồn qua lợp doanh trại, tồn lẻn ra cộng đồng, dân mới mua được về gò thùng; có thép sợi, người ta kết gióng thay mây. Cảnh gióng đứt, đôộc vỡ giữa đường không còn nữa hay hiếm đi.

Qua thập kỷ 1960, nhiều nhà đã đóng xe kéo; ngoài dùng chở nông sản, chở vật liệu xây dựng, chở củi rào, xe kéo còn dùng chở nước; số nước mỗi lần chở đến hàng chục thùng. Công sức lấy nước tiết kiệm nhiều. Và qua đó, đàn ông cũng thay dần đàn bà đi lấy nước, chứ gánh nước bằng đôộc hay thùng, hình như được mặc định, ấy là việc của đàn bà.

Bây giờ, không ai đi gánh nước nữa, nước đã vào từng nhà qua mạng lưới ống dẫn. Những chuyện tôi kể ở trên thuộc loại chuyện cổ tích.

Mong các thế hệ sau này đọc để biết đã có những thời cuộc sống khó khăn, vất vả như thế! 

Và trên bức ảnh, có bảy người; chắc chắn họ là người làng Điếu. Ảnh vừa nhỏ vừa mờ, tôi không nhận ra ai. Chẳng biết có ai trong bảy người ấy là người thân của tôi không, họ còn sống hay đã chết, họ còn ở làng hay đã phiêu bạt nơi nao. Nghĩ đến đó, một luồng cảm xúc chạy rờn rợn trong người tôi./.

Hoàng Đằng

Tháng 7 năm 2020
(Viết trong những ngày ngồi ở nhà tránh Covid-19)

 https://quangtribacca.blogspot.com/2022/02/noiniem-khi-thay-lai-gieng-lang-hoang.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét