Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Duy Trì Ngôn Ngữ Việt Nam - Hồ Thị Đậm

Duy trì ngôn ngữ Việt Nam

Trong mấy năm đầu định cư ở Mỹ, tôi nhận thấy một số người Việt Nam ta e ngại con cái không giỏi tiếng Mỹ, nên họ cứ dùng tiếng Anh nói chuyện với các con. Tôi thầm nghĩ, thật đáng tiếc, vô tình chúng ta đã xem thường tiếng Việt mến yêu và làm cho con em chúng ta xa rời ngôn ngữ dân tộc.
Tiểu bang Kentucky nhỏ bé của chị An và tôi có ít người Việt nam định cư. Chị tâm sự cùng tôi rằng, khi đi thăm bạn bè chị nhận thấy đa số trẻ em hoàn toàn không biết nói tiếng Việt, một số rất ít chỉ biết nói bập bẹ vài câu và nói cũng không đúng, chẳng hạn như:
- Mom đang giặt đầu cho em. (Mẹ đang gội đầu cho em.)
- Có nhiều people đi lại, sao có nhiều shoes đậu ở đây quá vậy? (Có nhiều người đến, sao có nhiều giày ở đây vậy?)
- Bà nội, bà nội, mầy wait tao một chút. (Bà nội, bà nội, bà chờ con một chút.)
Nghe trẻ em nói tiếng Việt như thế chị An cảm thấy đau lòng và chị nhứt định sẽ không để các cháu của chị nói chuyện như vậy. Do đó, sau khi về hưu, chị bảo cô con gái của chị đừng đem cháu chị đi học lớp “Mầm non” ( Pre-school) mà để cháu ở nhà để chị dạy cháu chữ Việt. May mắn thay, con gái chị nghe lời mẹ. Khi cháu được ba tuổi, ngoài việc dạy cháu tô màu hay dạy cháu nhận dạng con vật hoặc đồ vật, đôi ba ngày chị dạy xen vào chữ “i” hoặc chữ “t”. Tuổi cháu lớn dần thì chị dạy cháu nhiều chữ hơn. Dạy như thế, lần lần khi cháu được 5 tuổi thì
cháu đã biết đọc và viết chữ Việt khá nhiều. Khi cháu vào lớp “Mẫu giáo” (Kindergarten), cháu chưa biết một tiếng Anh nào. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, cháu học thật giỏi, không trở ngại gì cả. Tôi tò mò hỏi:
“Ở đây con nít ít khi chịu ngồi lại học chữ Việt, làm sao chị dạy cháu thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và thơ văn Việt nam được?” Chị An cười trả lời:
“Chị biết không, tôi không giỏi gì đâu. Tôi có lợi thế là có nhiều thì giờ gần gũi cháu, nên việc dạy chữ Việt cho cháu dễ dàng hơn. Khi đưa cháu ra đón xe buýt của trường, trên đường hai bà cháu đi bộ đến trạm đón xe, tôi dạy cháu một câu ca dao hay tục ngữ. Khi rước cháu về nhà, trên đường về, sau khi tôi hỏi thăm cháu xem học có vui không, việc học thế nào, tiếp theo là phần dọn bài cháu. Tôi bảo cháu đọc lại câu ca dao hay câu tục ngữ mà tôi đã dạy cháu lúc sáng. Cũng giống như thế, những bài thơ 4 hay 8 câu hoặc những bài thơ khá dài như bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà, tôi lần lượt dạy từng câu một rồi ráp nối lại. Lợi dụng thời gian đưa đón cháu, tôi đã giúp cháu thuộc lòng khá nhiều ca dao, tục ngữ và những bài thơ Việt nam của cụ Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Tản Đà…” Tôi hỏi thêm:
“Vậy chị có dạy cháu viết chánh tả không?” Chị An trả lời:
“Trẻ con ở đây cần thì giờ nhiều để làm bài tập ở nhà, mà mình cũng bận rộn, nên phần nhiều cháu học viết chánh tả trong giờ tôi nấu cơm chiều. Đang khi các cháu chờ cơm chiều, tôi lấy giấy viết để sẵn trên bàn, tôi hỏi và giúp cháu viết những câu hỏi và trả lời, ví dụ như sau:
- Ba mẹ con bây giờ đang làm gì?
- Dạ, ba mẹ con đang làm việc.
- Ba mẹ con làm việc, kiếm tiền để nuôi ai?
- Dạ, để nuôi con và em con.
- Ba mẹ con làm việc có mệt không?
- Dạ, ba mẹ con làm việc rất mệt nhọc.
Tôi lại vuốt đầu cháu rồi nói:
- Như vậy con viết lại bài ca dao: ‘Công ơn cha mẹ’ để bà xem con viết có giỏi không.
Vì cháu đã thuộc lòng và tôi đã viết lại bài nầy trong tập cháu, cho cháu tập đọc nhiều lần nên cháu viết lại cũng dễ. Chữ nào cháu quên thì tôi nhắc cháu. Bây giờ cháu đã học lớp 8, thỉnh thoảng tôi vẫn bảo cháu đọc và viết lại những bài thơ mà cháu đã thuộc, hầu cháu không quên những gì tôi đã dạy. Ngoài ra tôi còn cho cháu tập dịch một số bài ngụ ngôn ngắn của một vị văn hào viết bằng tiếng Anh, dịch xong cháu viết ra tiếng Việt.”
Bạn bè thấy cháu chị An giỏi chữ Việt, họ cũng đem con cháu đến nhờ chị dạy. Muốn khuyến khích các cháu học chữ Việt, chị không lấy tiền thù lao, vậy mà lớp học của chị chỉ lèo tèo có vài ba đứa mỗi khóa. Học hết khóa nầy đến khóa khác, thỉnh thoảng có cháu mới vô học, khác trình độ, chị An dạy ba buổi trong tuần: sáng thứ bảy, sáng và chiều ngày chúa nhựt. Có hai cháu học hơn bốn năm nay mà vẫn còn theo học với chị. Chị An có vẻ ngưỡng mộ mẹ của hai cháu bé nầy lắm. Chị nói với tôi:
“Mẹ hai cháu này rất bận, trong tuần phải đi làm, lo việc nhà, chăm sóc con cái, vậy mà cũng ráng nhín thời giờ đưa cháu đi học đều đặn mỗi sáng chúa nhựt. Tôi nghĩ, nếu quyết tâm cho con đi học, cố gắng thêm một chút, trở ngại nào cũng vượt qua được, chị à!”
Nhân dịp chị em chúng tôi bàn về vấn đề dạy tiếng Việt, tôi chợt nghĩ đến một người Mỹ nói tiếng Việt rất giỏi mà tôi đã gặp ông ấy mười mấy năm trước đây. Tôi nói với chị An:
“Tôi nghĩ người Việt học tiếng Việt dễ hơn người ngoại quốc. Thế mà tôi đã gặp một người Mỹ nói thông thạo tiếng nước ta đó chị.” Chị hỏi tôi gặp ông ta trong trường hợp nào, tôi liền kể tiếp:
“Một hôm cô bạn và tôi đi mua sắm. Mua xong, chúng tôi đi từ trên lầu xuống tầng trệt bằng thang máy. Đứng trước mặt chúng tôi là một người đàn ông Mỹ thật mập, cô bạn tôi lên tiếng nói lén:
- Sao ông Mỹ nầy để mập quá!
Cô bạn tôi nói vừa xong, người Mỹ đó xây mặt lại nói:
- Tôi cũng khổ sở về bệnh mập nầy lắm đó cô!
Chúng tôi quê quá, không ngờ có một người Mỹ nói tiếng Việt trôi chảy như vậy. Cô bạn tôi e thẹn, lung túng vội xin lỗi và tấm tắc khen ông nói tiếng Việt lưu loát. Đến khi chúng tôi ra khỏi thang máy, người Mỹ đó còn đứng nán lại trò chuyện với chúng tôi:
- Các cô đừng ngại gì hết. Biết hai cô là người Việt nam tôi mừng lắm. Tôi đã từng ở Việt nam một thời gian khá lâu, vợ của tôi là người Việt nam. Hai cô biết không, tôi rước vợ tôi qua Mỹ trước năm 1970, lúc đó ở thành phố Louisville nầy không có người Việt nào cả. Vợ tôi rất buồn. Muốn cho vợ tôi không cảm thấy bơ vơ nơi xứ lạ, quê người, tôi quyết trở thành người đồng hương với vợ tôi bằng cách tôi phải học nói, học đọc và học viết chữ Việt. Vợ tôi là người dạy tôi. Chúng tôi đã thỏa thuận dùng tiếng Việt ở nhà, tôi còn có thể đọc được những cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh mà vợ tôi mang theo đó hai cô.
Ông ta nói một hồi dài, có lẽ ông cảm nhận được rằng chúng tôi rất ngưỡng mộ tài học tiếng Việt của ông. Ông cười, nói thêm:
- Song song với việc học tiếng Việt, tôi còn tập ăn và nấu thức ăn Việt nam nữa.”
Sau khi nghe tôi kể câu chuyện trên, chị An cho ý kiến:
“Theo tôi nghĩ, học chữ Việt cũng như làm bất cứ việc gì cũng phải bền lòng, cố gắng mãi sẽ thành công. Cộng đồng ta có nhiều trung tâm dạy Việt ngữ miễn phí, nhất là những tiểu bang có nhiều người Việt nam cư ngụ như: Texas , California, Virginia… Có nhiều học sinh đã theo học chữ Việt đã lâu, có nhiều cháu học thật giỏi. Chị biết không, tôi nghe nói học sinh ở California chẳng những thuộc thơ văn Việt nam mà còn biết làm thơ lục bát nữa. Sự hy sinh của quý thầy cô thật lớn lao, đáng kính phục.”
Vì tôi chưa từng biết điều nầy nên khi tôi nghe chị An nói, tôi rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ trẻ em ở đây chỉ cần biết nói, đọc và viết là quý rồi, mà các cháu còn biết cả làm thơ lục bát, thật đáng khen. Chị An hăm hở khoe tôi:
“Mặc dù nơi tiểu bang mình có ít người Việt nam, vậy mà quý Thượng tọa cũng mở lớp Việt ngữ tại chùa từ lâu. Riêng ông chủ tịch cộng đồng ở Louisville cùng một nhóm bạn hữu của ông cũng nhiệt tình mở trung tâm dạy Việt ngữ và toán để dạy cho trẻ em Việt nam ở đây. Có vài thầy cô ở thật xa cũng ráng đi dạy thiện nguyện. Dù bận rộn mưu sinh cho cuộc sống, có vài cô đã hy sinh thì giờ quí báu, theo dạy công quả hơn chục năm nay, thật xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ. Đối với quý thầy cô giáo trẻ, thời gian của họ rất hạn hep, họ nhín thời giờ để họ nhín thời giờ để đi dạy thật khó khăn, phải có thiện chí lắm mới làm được.” Chị tâm sự tiếp:
“Riêng tôi, về già, tôi có quá nhiều thì giờ rảnh rỗi. Ngoài giờ dạy ở nhà, trường Lạc Việt ở Louisville không chê tôi lớn tuổi, đã cho tôi cơ hội dạy các em ở đây, tôi rất vui, chớ không cảm thấy vất vả chút nào.Tôi cám ơn nhà trường và các cháu học sinh đã giúp tôi sống lại những ngày xa xưa và bớt cô đơn trong cảnh chiều tà bóng xế.”
Ước gì quý phụ huynh học sinh Việt Nam chúng ta ráng nhín thời giờ, cố gắng đưa các cháu đi học đều đặn, để không phụ lòng tốt của nhà trường và các em không quên tiếng mẹ đẻ mến yêu của chúng ta nơi đất khách quê người .Mong lắm thay.
6-5-2015
cgc Hồ thị Đậm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...