Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Hành tinh được coi là Trái Đất phiên bản 2.0

 Tác giả: Kimberly Berger, University of Texas at Austin | Dịch giả: Hannah

Có lẽ đây là hành tinh có nhiều đặc điểm tương tự nhất với Trái Đất trong số các hành tinh từng được tìm thấy”, Michael Endl nói. Ảnh : bức đồ họa mô phỏng hành tinh vừa được phát hiện được đặt tên là Kepler-452b. (Nguồn:. NASA Ames / JPL-Caltech / T Pyle)
Các nhà thiên văn vừa phát hiện một hành tinh có thể là người anh em họ lớn hơn và nhiều tuổi hơn Trái Đất. Đó là một hành tinh với kích thước khá tương đương với Trái Đất và xoay quanh một ngôi sao tương tự như Mặt Trời của Trái Đất trong “vùng thích hợp cho sự sống” – đó là phạm vi khoảng cách mà nước có thể đọng lại trên bề mặt hành tinh.
“Chúng tôi đang tiến về phía Trái Đất phiên bản 2.0″, nhà thiên văn học Michael Endl làm việc tại Đài thiên văn McDonald cho biết. “Đây có lẽ là hành tinh gần giống với Trái Đất nhất trong những hành tinh từng được tìm thấy.”
Hành tinh Kepler-452b, nằm cách Trái Đất khoảng 1.400 năm ánh sáng thuộc chòm sao Cygnus, lớn hơn Trái Đất khoảng 60 phần trăm và được coi là một “Trái Đất khổng lồ”. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác minh được khối lượng và thành phần của hành tinh này, nhưng nghiên cứu trước đây cho thấy rằng có nhiều khả năng nó ở dạng đất đá rắn. Chu kỳ quỹ đạo của nó tương tự như Trái đất – 385 ngày.

Thật cảm hứng vì hành tinh này đã trải qua 6 tỷ năm trong vùng thích hợp cho sự sống, một khoảng thời gian lâu hơn Trái Đất.

– Jon Jenkins


Khi tàu vũ trụ Kepler xác định được một hành tinh khả thi (tức là có khả năng tồn tại sự sống), “bạn cần phải thực hiện một loạt thủ tục theo dõi”, Endl nói. “Đây là lúc Đài thiên văn McDonald vào cuộc”.

Đất đá hay băng đá?

Dữ liệu từ Kepler cung cấp tỷ lệ giữa kích thước của một hành tinh tiềm năng so với kích thước ngôi sao mẹ của nó (tương tự như mối quan hệ giữa hành tinh trái đất và ngôi sao mặt trời), nhưng không phải là kích thước thực tế của hành tinh hay ngôi sao mẹ. Vì vậy, một khi Kepler tìm thấy một hành tinh ứng cử viên, kính viễn vọng ở Đài thiên văn McDonald và các nơi khác bắt đầu vào cuộc xác minh đặc tính của ngôi sao mẹ càng chi tiết càng tốt.
Theo Endl, “nếu bạn biết về ngôi sao mẹ, bạn sẽ hiểu được đặc tính về hành tinh đó”.
Các nhà nghiên cứu khảo sát ngôi sao bằng Kính viễn vọng Harlan J. Smith đặt tại Đài thiên văn McDonald ở Tây Texas. Cùng với các phép đo tương tự từ đài quan sát Whipple và Keck, các dữ liệu đã chứng minh rằng hành tinh này là có thật (có nghĩa là, đó không phải là một đốm đen của ngôi sao hoặc một tín hiệu sai lệch từ Kepler). Các phép đo giúp họ xác định kích thước hành tinh này gấp Trái Đất khoảng 1,4 đến 1,8 lần – một ước tính khiến các nhà khoa học hơi đau đầu khi xây dựng giả thuyết về thành phần cấu tạo của nó.
“Bán kính của nó gấp Trái Đất khoảng 1,5 lần, có vẻ như đang diễn ra một quá trình chuyển đổi từ hành tinh chủ yếu là đất đá sang hành tinh chứa vật chất dễ bay hơi như băng đá”, Endl nói, “nên nó có thể trông giống như một hành tinh băng đá”. Trong trường hợp của Kepler – 452b, “chúng tôi không biết liệu đó là một hành tinh đất đá hay là một Sao Hải Vương mini” (Sao Hải Vương được xem là hành tinh băng đá).

Ngôi sao tương tự như Mặt Trời của chúng ta

Đài thiên văn McDonald và các phép đo trên mặt đất cũng đã chứng minh rằng ngôi sao mẹ, Kepler-452, già hơn Mặt trời 1,5 tỉ năm, lớn hơn 10% và sáng hơn 20%. Nó có nhiệt độ giống như Mặt trời, và cũng giống như Mặt trời, Kepler-452b được phân loại là lớp G2.
“Kepler gần đây đã chỉ ra rằng hầu như tất cả các ngôi sao mà chúng ta nhìn thấy trên bầu trời đều có thể ngôi sao chủ của các hệ hành tinh”, Bill Cochran, một giáo sư nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin và một đồng nghiên cứu viên trong sứ mệnh Kepler cho biết. “Bây giờ chúng ta đang dần khám phá ra rằng có một số lượng đáng kể trong những hệ hành tinh này rất giống như của chúng ta và có khả năng thích hợp cho sự sống”.
Trong khi các hành tinh nhỏ hơn Kepler-452b đã được tìm thấy trước đây nằm trong vùng thích hợp cho sự sống của ngôi sao mẹ của nó, đây là hành tinh nhỏ đầu tiên quay quanh một ngôi sao rất giống với Mặt Trời của chúng ta.
Phát hiện này cùng với sự phát hiện của 12 hành tinh ứng cử viên cũng nằm trong “vùng sự sống” mà Kepler mới phát hiện gần đây, nhiều hành tinh đang xoay quanh ngôi sao mẹ giống như Mặt Trời, đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc hành trình tìm hiểu vị trí của loài người chúng ta trong vũ trụ.

Rất nhiều thời gian để sự sống nảy sinh

“Chúng ta có thể xem Kepler-452b như một người anh em to lớn và già cỗi hơn Trái đất, nó sẽ cho chúng ta một cơ hội để tìm hiểu và phản ánh sự tiến hóa của môi trường Trái đất”, Jon Jenkins, trưởng ban phân tích dữ liệu Kepler tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA cho biết.
“Thật cảm hứng vì hành tinh này đã trải qua 6 tỷ năm trong vùng thích hợp cho sự sống, một khoảng thời gian lâu hơn Trái Đất. Có rất nhiều cơ hội để sự sống nảy mầm nếu như tất cả các thành phần và điều kiện thích hợp cho sự sống có mặt trên hành tinh này”.
Endl giải thích rằng vùng sự sống của một ngôi sao thay đổi trong suốt cuộc đời của nó. Khi ngôi sao già đi và trở nên sáng hơn, nó phát ra nhiều bức xạ hơn và như vậy ‘vùng sự sống’ phải ở xa hơn. Các nhà thiên văn ước tính thời gian Kepler-452b nằm trong vùng sự sống của ngôi sao mẹ bằng cách kết hợp phép đo độ sáng và độ tuổi của ngôi sao với phép đo quỹ đạo của hành tinh.
Nhóm nghiên cứu Kepler tại Đài thiên văn McDonald đã tham gia vào nhiệm vụ này trước khi tàu Kepler được phóng vào năm 2009. Nhóm nghiên cứu theo dõi các ứng cử viên hành tinh bằng kính viễn vọng Harlan J. Smith, và năm tới sẽ quay lại với nhiệm vụ quan sát theo dõi của Kepler với kính viễn vọng Hobby–Eberly được tân trang, một trong những kính viễn vọng lớn nhất thế giới.
Phát hiện này được đăng trên Tạp chí Thiên văn học.
Nguồn: Đại học Texas ở Austin .
(daikynguyen.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...