Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Ở Một Phía Sau Lưng Hạnh Phúc _ Thuyên Huy


Viết cho một phần chuyện tình của người con gái quen xứ Trãng Bàng có tên N


    Vào học trở lại không bao lâu, từ Bến Cầu xuống  Sài Gòn, Chiêu cho biết Tường về Sài Gòn nghỉ phép vài ngày, có hỏi thăm Huân dạo này ra sao. Cứ theo như lời Chiêu, thì Tường trông vẫn còn vui vẻ như ngày nào, hắn không nhắc nhở gì tới chuyện mấy cái thư mà hắn đã gởi. Tường mời bọn Chiêu, Thảo Ly và Xưa đi ăn và nghe nhạc vài lần, lúc ở Queen Bee lúc ở quán Gió. Tường cũng đôi lần, đến chờ ba cô trước cổng trường Đại Học Sư Phạm trong bộ quân phục sinh viên sỉ quan Đà Lạt. Hôm Tường trở lên Đà Lạt, sáng sớm trời lất phất mưa như bụi, không ai đưa Tường ra phi trường vì kẹt giờ học. Cả bọn chia tay nhau ngay tại quán ăn nhỏ đầu đường Cộng Hoà, Tường hỏi Chiêu chừng nào hắn sẽ có được tin vui, trước khi lên xe ta-xi. Thảo Ly làm thinh nhìn Chiêu, Chiêu đáp lời,  bằng nụ cười ngày nào mà không nói gì cả. Hai cô bước vội lại trường, hình như không ai quay nhìn về hướng chiếc xe ta-xi, lăn bánh chầm chậm mù mờ trong màn mưa, rồi không ai nhắc nhở gì chuyện này, Tường đi rồi Sài gòn vẫn vậy, bọn họ vẫn ngày qua ngày, đi về với cổng trường, sân cỏ.
   
    Sáng thứ bảy, Huân, Chiêu và Thảo Ly lại rủ nhau theo Tùng về Tầm Vu. Lần này ba mẹ Tùng mời họ, xuống ăn mừng cô em gái Tùng đậu tú tài một. Theo chuyến sớm, cả bọn tới Tầm Vu trời vẫn chưa có nắng, Ba mẹ Tùng và Thủy, em gái Tùng, đã đứng chờ tự hồi nào ở bến xe. Hàng cây xê-ri quen bên rào, mùa này không thấy trái. Thủy nhập bọn với Chiêu và Thảo Ly, nói nói cười cười trên đường về lại nhà. Ba mẹ Tùng hỏi thăm Huân đủ thứ chuyện, từ chuyện học hành tới tình hình trên nhà anh ở Bến Cầu. Về đến nhà không lâu thì anh bà con của Tùng cũng vừa tới, anh ta về Long An rồi mới ngược lên đây. Mấy cô gái quây quầng phụ mẹ Tùng trong nhà bếp, đám con trai rủ nhau đi lòng vòng ra chợ xã. Ở bên kia, phía sông Vàm Cỏ Tây trời vẫn còn giăng đầy sương sớm. Buổi chiều, Huân cùng mấy cô bạn gái về Sài gòn, Tùng ở lại Tầm Vu. Trên đường về, hình như Thảo Ly xem ra có cái gì đó vui hơn thường ngày, trời còn một chút nắng chiều muộn, trên mấy cánh đồng xa xa, trơ gốc rạ.
   
    Mùa Thu năm nay tàn muộn hơn mọi năm, trời đã  lạnh như giữa đông, phố xá ít ngày có nắng sớm. Sài Gòn chiều nào cũng vậy, cũng vội vàng, cũng chật cứng người đi người về. Sài Gòn vẫn vắng những cơn mưa muộn. Thảo Ly đến tìm Tùng, rồi hai người bỏ đi đâu đó, Huân cười nhìn theo không hỏi han gì cả. Sau cái ngày từ Tầm Vu về với nụ cười vui hơn ngày thường đó, Tùng và Thảo Ly đã yêu nhau, một cái yêu hết sức tình cờ và bất chợt mà cả bọn không ai ngờ. Hai người đi rồi, Huân ngồi một mình, lặng thinh trong bóng đêm vừa xuống, nhìn ra, căn nhà đối diện mở máy truyền hình thật lớn, đám con nít trong hẽm bắt đầu kéo nhau tới, đứng ngồi chật cả sân. Bà bác chủ nhà từ trong đi ra, mở cánh cửa sổ song sắt rộng thêm, có  tiếng người đàn bà nào đó nói cám ơn, bà bác mĩm cười, một nụ cười thật gọn. Huân khép cửa, bỏ vào bàn học. Nhìn tấm ảnh Chiêu trên đầu kệ sách, mĩm cười, một nụ cười cũng thật gọn như bà bác chủ nhà bên kia. Không lâu Tùng về, không có Thảo Ly, không đợi Huân hỏi, Tùng cho biết là Thảo Ly có hẹn đi đâu đó với Chiêu nên không ở lại chơi được. Tùng lấy trong cái túi giấy ra, hai khúc bánh mì Nguyễn Ngọ, còn nóng hổi đưa cho Huân một khúc, anh chưa cầm trọn tay thì Tùng đã cắn khúc kia ăn ngon lành:
    - Cơm chiều của mình hôm nay đó, Thảo Ly mua và dặn là phải nhớ đưa cho mầy một khúc, ăn đi kẻo cô nàng buồn.
Tùng vừa nói vừa cười thoải mái. Có tiếng con gái khóc từ trong máy truyền hình, vẳng ra, Tùng lắc đầu:
    - Lại kịch Sống Túy Hồng hay Kim Cương gì nữa đây!
    
     Chiều thứ sáu, tan học sớm, Huân và Tùng đón xe buýt đi ngã sáu. Hai thằng xuống xe,  thong thả lội bộ tới trường đại học Sư phạm, chờ đón Chiêu và Thảo Ly, hàng cây phượng già rợp bóng, che mát rượi phía bên này đường. Phía bên kia, trong vòng rào của bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, cảnh sát dã chiến tập họp rần rộ với súng ống và xe cộ, mặt người nào người nấy trông đằng đằng sát khí. Tùng nhìn Huân thắc mắc, Huân nhìn Tùng lắc đầu không nói gì hết.  Sinh viên bắt đầu lưa thưa ra cổng, từ  ngoài nhìn vào, Chiêu lửng thửng đi trước, vừa đi vừa quay lại nói, Thảo Ly cười ngặt nghẽo, không thấy Xưa như ngày thường. Gió thổi, nhè nhẹ đưa từng vệt nắng nhỏ, lắc lư trên đường, trời chưa muốn về chiều. Bọn họ đi ngược lên hướng đường Phan Đình Phùng, rồi kéo vào quán chè Hiển Khánh ngồi tán dốc. Chiêu cho biết ba của Xưa đau nặng, Xưa về Trãng Bàng hai hôm rồi không nghe tin gì nữa, không biết bác có sao không, mấy ngày rồi thấy Xưa có vẻ buồn buồn mà không chịu nói gì hết.

    Sáng thứ bảy, như đã sắp xếp, cả bọn đón chuyến sớm đi Trãng Bàng. Xe ngừng lại ngã tư Bảy Hiền đón khách quen, trời chưa có nắng. Sương mai còn mù mờ, che giăng kín tháp chuông nhà thờ Đắc Lộ, dù đã có tiếng chuông lễ sáng đổ từng chập một. Trời vừa có chút nắng, xe tới đầu phố Trãng Bàng, sáng rực, lác đác trên hàng cây Phượng già hai bên đường, Trãng Bàng xem ra vẫn còn ngái ngủ. Đám con gái, bán hàng của mấy cái quán dọc theo bến xe chưa chịu kẹp tóc lên, thả dài theo từng cơn gió sớm lẻ loi, ươm mùi sương sáng, cây trứng cá quen thuộc ngay ngã ba đường vào chợ, rợp đầy trái chín ửng từng trái một. Trên đường vào nhà Xưa, trong màn sương mù mờ vừa thấp thỏm tan chờ sáng, chiếc xe tang chở cái quan tài phủ lá cờ quốc gia ướt đẩm, chầm chậm qua từng bước một, người con gái còn quá trẻ, chắc không quá tuổi hai mươi, phủ cái khăn tang trắng trên đầu, tay bưng chặt tấm hình người chồng trong quân phục quân nhân khóc nức nở, ngã nghiêng đi lờ đờ như một bóng ma. Mười mấy người đi theo sau, lặng thinh, cuối gầm nhìn xuống đất, mặc ai cứ khóc. Chiếc xe tang đi qua lâu rồi, nghe tiếng Chiêu gọi, Huân quay lại, có một chút nước mắt chảy dài xuống môi, thì ra Huân đã khóc và hình như đây không phải là khóc lần đầu. Huân chợt thấy mình đã quá quen với hình ảnh chiếc xe tang và cái khăn tang trắng, giữa những buổi sáng lạnh câm, mịt mờ hay của cuối chiều mưa chập chùng nức nở.

    Xưa ngạc nhiên mở tròn xoe mắt, đứng nhìn bọn Huân đẩy cổng vào nhà, cánh cửa sổ căn phòng bên hông đóng kín dù trời đã ngập đầy nắng. Như người trong nhà, Chiêu đẩy cửa vào trước, mấy người còn lại nấn ná chờ Xưa, chưa nói với nhau một câu nào cả. Vào nhà, mẹ Xưa và cô em gái kế từ trong bước ra chào, Huân giới thiệu Tùng với bà, chưa kịp nói gì thêm thì Chiêu, Xưa và Thảo Ly lặng thinh bỏ vào trong. Hai thằng ngồi xuống hai cái ghế kê sát cạnh tường, ngay cửa sổ ngó ra đường. Bác gái bảo cô em gái vào trong lấy nước rồi ngồi xuống bên cạnh Huân, bà nhìn ra đường chậm rãi nói:
    - Bác trai vừa mới khỏe chừng hai bữa nay thôi, bác cứ tưởng là đã xong rồi...
Bà thở dài, lặng thinh, Huân tìm lời an ủi nói với bà, bà nắm tay anh rưng rưng:
    - Cám ơn mấy đứa đã lên thăm gia đình bác.

    Huân, Tùng theo bà vào phòng ba của Xưa nằm. Bác trông xanh xao và gầy guộc quá. Thấy bọn Huân, tuy không ngồi dậy nổi, nhưng bác cũng cố gượng cười chào. Một vài sợi nắng sáng gầy, len vào khe cửa sổ, chẳng đủ sức hâm nóng căn phòng. Bác gái kéo hờ tấm mền đắp che ngang người ông. Huân làm dấu cho cả bọn xin phép ra ngoài để bác trai nằm nghỉ. Bác nhắm kín mắt gật đầu, quanh đây có tiếng gà gáy muộn vọng vào, bác gái theo hai người đi ra. Bọn họ ở lại ăn cơm trưa với gia đình Xưa cho tới quá giữa trưa.

    Chợ Trãng đã thưa người từ lâu, đường vào phố trong cũng đã bớt  dần bụi đỏ. Một hai ba anh lính quận, mang súng hờ hững đi ngược ra hướng khu bến xe ngoài quốc lộ một. Xưa đưa bọn Huân ra bến, hoa gạo nhà ai đó, ở đầu ngã ba chợ quận, rưng rưng đong đưa theo gió xế chiều. Hai ba con sáo hoang, đuổi nhau mặc tình trong cái sân loang lở cỏ của trường trung học Trãng. Nắng lên cao, Xưa đứng trốn nắng, dưới bóng cây bàng, đầu mấy sạp bán thức ăn, vẫy tay chào bọn Huân về lại Sài Gòn, mắt nhìn theo, nhưng hình như, thiếu mất nụ cười thường ngày.

    Chiến tranh cứ ngày càng lan rộng, bạn bè bỏ đời nằm xuống nhiều hơn xưa. Tin thằng này chết, tin thằng kia bị thương nghe riết rồi quen tai, không cần hỏi thêm hỏi bớt tại sao. Thằng nào về phép thì ráng mà vui cho trọn mấy ngày phép, khi tiễn nhau không cần hỏi chừng nào về. Trời đã vào giữa đông, không còn bao lâu nữa là Tết đến. Đường phố rộn rịp bày bán đủ loại thiệp chúc xuân, chợ hoa đã có lưa thưa vài cánh hoa mai nở sớm. Rồi cũng như năm nào, Sài Gòn hăm hở đón xuân, một mùa xuân vẫn còn tiếng súng. Năm nào người ta cũng uớc cũng mơ, cũng hẹn nhau đón tết thanh bình xuân sau, không xuân sau này cũng xuân sau nữa. Cứ như vậy mà sống cùng với bốn mùa mưa đi nắng về.

    Huân kéo cao cổ áo, thả bộ dọc theo đường Cộng Hoà, đi ngược về hướng ngã bảy. Lâu lắm rồi mới thấy một sáng giữa mùa đông có chút nắng, một chút nắng yếu ớt, không đủ làm tan đám sương cuối đêm, còn ngủ mê trên hàng phượng già nua bên rào khu đại học sư phạm và khoa học. Tùng về Tầm Vu ăn đám giỗ của bà cô nào đó từ chiều hôm qua, cuối tuần này không có giờ học. Hai ba ngày nữa là trường đóng cửa nghỉ tết. Học trò trung học đứng chờ chật trên lề, tại trạm xe đầu đường Hồng Thập Tự, chiếc xe buýt không có khách từ hướng Chợ Lớn ra chẳng buồn nhấn ga thêm, dù đã là đèn xanh từ lâu. Xa xa, từ phía Viện Hoá Đạo, chuông chùa thong thả đổ từng chập một.  Hai ba đứa con gái trường Thánh Linh đi học sớm, ngang qua khẽ gật đầu chào, chút sương hờ hững đọng trên tóc.

    Đến đầu đường Phan Thanh Giản, vừa định băng qua bên kia phố thì có tiếng người gọi tên mình, Huân quay hẳn người lại, Thuần vẫy tay, từ quán cà phê nhỏ vắng người bên cạnh trường Phan Sào Nam. Huân kéo ghế ngồi sát bờ tường, cùng một phía với Thuần nhìn ra đường. Hai thằng cùng thốt lên một lượt :
- Lâu quá mới gặp lại !
    Thuần học chung lớp đệ nhất với Huân, ở chung với nhau trong ký túc xá. Nhà Thuần ở Suối Cụt, là người ít về thăm nhà nhất trong số bạn bè, ít nói và vui tính, chuyện gì cũng xuề xòa cả làng. Thuần học không xuất sắc nhưng không đến nổi tệ, học sinh lớp lớn trong ký túc xá đếm chừng chục người, cho nên bọn họ không thân cũng thành thân. Thuần không thường nói gì nhiều về gia cảnh mình, đám chung lớp cũng chẳng màng hạch hỏi, thân thằng nào thằng nấy lo. Mỗi lần Chiêu hay Thảo Ly, vào tìm Huân trong ký túc xá ra về, thì Thuần thì thầm cho là Huân may mắn quá. Thuần thường đóng tiền ăn ở trễ, cô quản lý thông cảm chẳng nhắc nhở gì. Rồi thì ngày thi tới, gặp nhau ở trường thi mãi tít dưới Sài Gòn, thằng cười thằng khóc. Thuần ôm mộng hải hồ, quyết định sẽ vào hải quân nếu đậu. Lần gặp nhau cuối tại sân trường Gia Long, khi coi kết quả rồi thì không nghe tin gì của hắn nữa. Thuần nuốt ngụm cà phê thật chậm, khói nóng cà phê và sương lạnh sáng sớm quyện nhau mù mờ trên mặt :
- Chắc cũng phải hơn hai năm rồi.
Huân gật đầu, hỏi lại :
- Hai năm rồi mầy lặn đi đâu mất tiêu vậy ?
Thuần không trả lời mà hỏi chuyện khác :
- Chuyện mầy với Chiêu tới đâu rồi ?
- Chưa có gì cả, còn là bồ bịch, chờ học xong mới tính.
Như những ngày còn ở ký túc xá, Thuần nhìn Huân cười thật thân :
- Mầy may mắn thật.

    Nắng len chút nhỏ vào mái hiên, một phần lề đường đã không còn hơi sương, hai ba tiệm quán bên đường bắt đầu mở cửa. Tiếng cửa sắt kéo dài mệt nhọc. Thuần cho biết đã tốt nghiệp khóa sĩ quan hải quân ở Nha Trang sau hai năm, đúng như dự tính. Ra trường hồi đầu năm nay, đã được bổ về Y tế hạm Hát Giang gì đó. Đang còn được nghỉ phép, chưa tìm được người tình, chắc phải lắc lư theo sóng nước. Biết là không có bạn bè gì hết ở Sài Gòn nhưng không lẽ đi nghỉ phép ở nơi khỉ ho cò gáy. Lang thang hai ba ngày thấy chán, về thăm gia đình ở Suối Cụt chỉ vào ban ngày, ban đêm không dám ngủ lại vì an ninh không mấy tốt, Việt Cộng lén lút về phá phách hoài, rũi mà có chuyện gì thì ân hận. Đang ở tạm nhà tại một nhà trọ trên chợ Hòa Hưng, chờ sáng mốt xuống bến Bạch Đằng trình diện ra tàu, nghe Thuần nói mà nghĩ tới phận mình, cũng là thân ở trọ chớ có hơn gì. Người qua đường nhiều hơn, sương mù chầm chậm tan dần, Huân viết vội địa chỉ nhà, hẹn gặp lại Thuần tý nữa. Thuần cầm lấy, đón xe xích lô về Hòa Hưng thu dọn hành lý để trở qua ở với nhau. Đêm nay  không đủ dài cho hai thằng nhỏ to chuyện đời vụn vặt, thêm một đêm không ai chờ sáng.

    Sáng thứ bảy, Chiêu và Thảo Ly qua, rủ Huân  đi lên nhà một người bà con quen, có vườn bưỡi trên Biên Hòa. Đẩy xe honda vào sân, hai cô tròn mắt ngạc nhiên, không ngờ gặp lại Thuần. Bọn họ kéo nhau ra chợ Nancy ăn sáng, hai cô mặc sức mà hỏi han chuyện này chuyện nọ, chuyện Thuần biến mất sau khi đậu tú tài hai, chuyện vào quân trường, chuyện Suối Cụt, chuyện tình yêu. Huân im lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng  nhắc hắn nhớ uống cà phê không thôi nó nguội mất. Cũng như hôm qua, Sài Gòn mùa này vẫn chưa có nhiều nắng, bọn Huân đến Biên Hòa trời vừa giữa trưa, vòng vòng chợ một chút rồi vào nhà người quen của Chiêu, thăm vườn bưỡi và được đãi một bữa cơm trưa hết sức tươm tất. Ở Biên Hòa không lâu, họ về lại Sài Gòn sớm, để Thuần có đủ thời giờ sắp xếp công việc riêng, trước khi lên đường. Chiêu và Thảo Ly cùng chung một chiếc xe honda về nhà, Huân mượn tạm xe của Chiêu đưa Thuần đi làm vài việc cần thiết.

    Xế chiều, Chiêu và Thảo Ly đến, cả đám kéo nhau, đi ăn cơm tại một quán cơm quen trên đường Trần Bình Trọng. Từ lúc gặp Thuần ở ngã bảy, hôm qua cho đến chiều nay mới thấy mặt hắn buồn buồn, không biết là buồn vì sắp chia tay hay buồn vì mình thiếu may mắn như hắn từng nói. Ngoài đường trời giăng kín sương đêm, đèn điện vàng vỏ tưởng chừng đèn ngoại ô hiu quạnh. Họ vừa ăn, vừa tiếp tục nói về những chuyện chưa nói trọn vẹn. Đang nhìn hai cô nói say sưa, bỗng dưng chợt như nhớ ra điều gì đó, Thuần quay ngang qua:
- Phải rồi, một vài lần nghỉ phép, tao có lên Đà Lạt chơi. Thuần ngưng lại phút chốc, chưa ai nói gì thì hắn tiếp:
- Mầy còn nhớ thằng Tường không, tao gặp nó trên Đà Lạt, cà phê cà pháo vài lần, hình như khóa nó chắc phải ra trường sớm...
    Cả ba người, Huân, Chiêu và Thảo Ly ngồi lặng thinh, mỗi người nhìn mỗi hướng. Không khí bữa ăn bỗng dưng ngột ngạt và lạnh ngắt. Thuần định nói thêm nhưng lại thôi, có lẽ Thuần cũng cảm nhận được là có cái gì không ổn lắm đây. Thuần nhìn Huân hỏi thầm, Huân cười gượng:
- Vậy sao, nó cũng khỏe chứ?
Không đợi Thuần trả lời, Huân tìm cách đổi đề tài:
- Chừng nào về phép nữa nhớ ghé tao hay là muốn tìm một người tình yêu hoa biển thì nói  với Chiêu, để lần sau về có người mà nhớ.
Thuần cười, gục gặc đầu nhìn Chiêu:
- Ừ thì nhờ Chiêu đi nghe!
Chiêu mĩm cười:
- Sợ là không vừa ý anh Thuần thôi.
      
    Chiêu đứng dậy trả tiền, Thảo Ly cũng đi theo, bà chủ tiệm chưa chịu cầm lấy, ráng hỏi qua hỏi lại gì đó, Thuần không nói thêm, bình thản nhìn ra ngoài. Ở góc phố, bên kia đường, đôi tình nhân còn rất trẻ, bịn rịn chia tay khi chiếc xe ta xi vừa tới trong bóng đêm ảm đạm. Huân cùng nhìn theo, chiếc ta xi mất hút, sau dãy nhà lầu cao cuối đường, người con trai vẫn còn đứng lặng yên chỗ đó. Cũng như Huân, dường như người con trai chắc hẳn biết là, ở phía sau lưng của hạnh phúc vẫn còn có một chút gì đó không hạnh phúc.


Thuyên Huy.
(ảnh;Google)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...