Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Anh Quốc: Từ Calais Đến Dover – Lội Biển Tìm Đường Sống


Chuyện Thế Giới Trong Tuần

Người di dân lậu, Phi châu cũng như Trung đông, với ước mơ đến được xứ Anh, từ
phía bên này thành phố Calais của đất Pháp, đã liều chết lội qua biển Manche, để
mong tới thành phố Dover, Anh quốc nhưng hậu quả nhiều khi xãy ra không như ý họ

Mùa hè năm ngoái, khi ngồi ngắm biển, trước quán ăn của mình, Nigel Wyndmus,
thấy xa xa, một đốm đen nhỏ có hình thù chiếc bè nhỏ có buồm, nhấp nhô theo từng
đợt sóng, không xa chiếc tàu tuần duyên mấy, ông nghĩ là cảnh sát đang thực tập
cứu người hay gì đó nhưng không phải vậy, cái bè nổi nhỏ này là của hai người di dân
lậu đang cố tìm cách đến Anh quốc. Hiện nay, dường như có không biết bao nhiêu
người di dân loại này, quyết định bất chấp hiểm nguy, một cách tuyệt vọng, lội biển
qua Anh từ bên bờ Pháp. Trong lúc có một số người, bắt đầu chuyến đi bằng bè phao
hay thuyền gắn buồm nhỏ, thì một số khác, bằng cách lội đường dài băng ngang eo
biển Manche, một eo biển được xem là đường tàu bận rộn nhất trên thế giới. Sau
nhiều tháng tìm kiếm, tờ báo Dagbladet, Na Uy, xác định được gốc gác lý lịch của hai
người di dân đàn ông. Họ đã mua bộ đồ lội nước chống lạnh cùng một ngày trong
tháng mười năm rồi và từ đó không ai biết tin tức gì về họ nữa cả. Có thể họ đã tìm
cách leo lên chiếc tàu, theo người địa phương như ông Nigel Wyndmus thấy hoặc là
đã tự lội biển suốt con đường dài từ Pháp đi.

Ký giả Anders Fjellberg đã để ý ngay lần đầu đọc tin có một xác chết trôi, trong bộ
đồ lội chống lạnh, được tìm thấy tại bải biển phía nam Na Uy. Thoạt đầu, anh lo sợ và
hy vọng, nạn nhân không phải là người mà anh ta quen biết, trong hội chơi lướt sóng
vì hội này không có đông người, và nếu ai đó chết mà mặc đồ loại này, chắc là một
người chơi môn thể thao giống như anh, nhưng sau khi phối kiểm sự việc với cảnh
sát, vụ này có sự liên kết với việc tìm thấy một phần thi thể con người, cũng trong bộ
quần áo lội nước, nhưng lần này ở Hòa Lan. Cảnh sát Hòa Lan đã đến một số tiệm
bán quần áo lặn, trợt nước, lướt sóng ở Calais để tìm kiếm tông tích của nạn nhân,
một vài nhân viên bán hàng ở đó cho biết, những người đàn ông đến mua có hình
dáng giống người A Phú Hản. Khi chuyện này được lan truyền trên các trang mạng
điện tử, thì có người lên tiếng là đang đi tìm một người di dân lậu gốc Syrian, mất
tích, tên Mouaz al-Balkhi.

Ký giả Fjellberg, truy tìm dấu vết, liên lạc với chú của Mouaz ở thành phố Bradford,
phía bắc nước Anh, rồi cha mẹ của anh ta đang ở trong một trại tỵ nạn người Syrian
tại Jordan, và ký giả Fjellberg sắp xếp xin phép làm phép thử nghiệm huyết thống
DNA. Cuộc thử nghiệm chỉ dành cho cái xác tìm thấy ở Na Uy nhưng nó lại trùng
đúng với phần thân thể còn lại của xác người trôi dạt tới Hòa Lan. Cô Rahafal al
–Balkhi, chị của Mouaz, từ thủ đô Amman, Jordan, cho biết, anh là một người em rất
tốt và nấu ăn rất ngon. Cô trốn bỏ Syria nhưng Mouaz thì ở lại để tiếp tục hoàn tất
việc học của mình ở Damascus, sau đó Mouaz xum họp với gia đình tại Jordan nhưng
lại đi tới Libya tìm việc làm không lâu sau, gia đình thường xuyên liên lạc với anh
nhưng chưa gặp lại nữa. Cũng theo cô Rahafal, anh ta muốn đến Anh quốc, tiếp tục
việc học và lần cuối cô nói chuyện với Mouaz là ngày 7 tháng mười, lúc anh đang ở
tại Calais. Đó là ngày, mà hai người đàn ông này đi mua quần áo lội chống lạnh và
theo kết quả thử nghiệm DNA, chứng tỏ cho cô Rahafal biết, Mouaz đã chết. Cô
thêm, điều cuối cùng mà Mouaz nói với cô là, anh ta nhớ chị mình rất nhiều, lúc đầu
cô không tin kết quả này nhưng cũng là điều tốt vì ít nhất, gia đình biết được chuyện
gì đã xãy ra với em mình.


Sau đó, gia đình cô và một số ký giả liên lạc được với bạn bè của người đàn ông
Syrian thứ hai cũng mất tích cùng ngày 7 tháng mười. Anh ta là Shadi Kataf và sau
thử nghiệm DNA, anh chính là xác chết trên bờ biển Na Uy. Tóm lại, sự việc cho
người ta biết, cô Rahafal và em mình, Mouaz, bỏ trốn khỏi một trại ty nạn ở Syria, do
quân khủng bố ISIS kiểm soát nhưng rồi cả hai được xem mất tích, và tin cho rằng đã
bị bắt cóc. Ký giả Fjellberg nói rằng, không ai biết làm thế nào hai người đó gặp nhau
nhưng chắc chắn một điều là, họ đi xuyên qua Ý từ Libya cách nhau hai ngày trước
sau. Trở lại Dover, ông chủ quán ăn Nigel Wyndmus, cảm thấy kinh ngạc và buồn
buồn khi nghe tin về số mạng của họ, ông lắc đầu, trừ khi đến Calais, rồi ở đó nhìn về
đây, qua biển, có thể tầm nhìn làm mình thấy gần và vì vậy, họ cứ nghĩ là sẽ lội tới
nơi được nhứt là hình ảnh của vực dốc đá Bạch Thạch, nơi dấu tích nổi tiếng Anh
quốc, của thuyền bè qua lại từ cả hàng trăm năm qua và luôn được nhắc tới trong
nhiều bài hát của người Anh. Vực dốc đá cao sừng sững như là một biểu tượng của
tự do, ánh sáng mặt trời lúc nào rực chiếu trên đó, làm cho người ta có cảm tưởng
nó quá gần đất Pháp hơn, do đó, khi gần tới mới biết là còn quá xa, ngoài tầm với
của người muốn tới ngoài biển vào.

Hai người thanh niên bị chết đuối như đã nói trên, là những người di dân lậu đầu
tiên, đã dùng cách bơi qua biển Manche, hy vọng sẽ đến được nước Anh, sau khi
trốn chạy vùng đất mang tên “vương quốc Hồi giáo” do quân khủng bố ISIS cai trị.

Hai xác người được người ta tìm thấy trên bờ vùng biển Bắc, ở hai địa diểm cách
nhau nhiều cây số giữa Hòa Lan và Na Uy, và cả hai đều khởi hành từ thành phố
Calais, Pháp quốc. Hai người chết đuối, Mouaz Al-Balkhi, 22 tuổi và Shadi Kataf đã
trốn chạy cuộc nội chiến trên đất nước họ vào năm ngoái với ước mơ được sống một
đời an bình tại Anh. Nhân viên bán hàng của tiệm buôn quần áo thể thao Decathlon
ở thành phố biển Calais xác nhận, hai người thanh niên này đã cùng đến mua bộ
quần áo lội chống lạnh cùng với mái chèo, mặt nạ để lặn sâu và dây thừng hôm 7
tháng mười, nhưng không hỏi họ dùng nó để làm gì.

Cũng trong ngày hôm đó, Mouaz Al Balkhi, làm thợ điện, gốc ở Damascus, thủ đô
Syria, gởi tin nhắn từ điện thoại di động cho chú anh ta, đang sống tại Bradford, bảo
là, anh có thể thấy vực sâu Bạch thạch ở thành phố Dover bên kia đại dương và có kế
hoạch lội băng qua đó. Chú của Mouaz, ông Badi, trả lời lại, khuyên anh ta không nên
tìm cách lội qua biển, chuyện đó không thành công đâu, trốn tránh đâu đó đi thì tốt
hơn chờ dịp khác. Mouaz không nghe lời ông chú Badi khuyên, xác anh được người
ta tìm thấy, trôi dạt vào bờ một cái đảo nhỏ tên Texel của Hòa Lan vài ngày sau. Còn
xác Shadi Kataf thì lại trôi lên tận phía bắc, dạt vào bờ thị trấn Lista ở Na Uy. Người
ta cũng nhớ lại trong năm rồi, cũng có một thiếu niên người Á Phú Hản, đã thả bè
vượt biển Manche, trên chiếc bè ván, chỉ có năm ba cây đinh, và tấm khăn trải
giường ngủ làm buồm, lênh đênh giữa trời nước mênh mông. May mắn cho anh ta,
chiếc bè bị gió thổi trôi theo hướng đường đi của chiếc tàu phà P&O gần Calais, thủy
thủ đoàn phát hiện và anh đã được vớt lên sống còn.

Phần số của Mouaz và Shadi, đã cho người ta thấy hình ảnh những hiểm nguy,
thảm nạn mà người di dân lậu chấp nhận cam chịu, với bất cứ giá nào phải trả để
đến được xứ Anh, sau khi vượt thoát sự khống chế tàn bạo của quân “vương quốc
hồi giáo ISIS” cũng như cuộc chiến đang xé nát Syria và Iraq như hiện nay và sự
nghèo đói triền miên, đời này qua đời kia của Phi châu hoang vu cát bụi.


Thuyên Huy

Fm974 - Melbourne.

(ảnh minh hoa:  Thuyền nhân  từ châu Phi trốn qua châu Âu trên biển Địa Trung Hải- BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...