Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Dùng gạch không nung: Xu thế tất yếu để bảo vệ môi trường

Hiện nay, để thi công các tòa nhà, công trình... rất nhiều chủng loại vật liệu xây dựng đã được đưa vào sử dụng. Trong đó, gạch viên rỗng làm từ đất sét nung được dùng phổ biến nhất do có hình dạng, tính năng và giá thành hợp lý.
Theo thống kê của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, mỗi năm nước ta sử dụng khoảng 40 tỷ viên gạch để dùng cho các công trình xây dựng.
Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải sản xuất hơn 400 tỷ viên gạch, tương đương với 600.000 m3 đất sét. Cùng với đó là 60 triệu tấn than để nung gạch. Quá trình nung này lại nảy sinh ra nhiều vấn đề như: các viên gạch này sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu khi nung, đặc biệt là nếu dùng than nung truyền thống sẽ gây ô nhiễm môi trường (do khói bụi phát sinh trong quá trình nung gạch) và gây ra hiệu ứng nhà kính do khí CO2 thải ra trong quá trình nung đốt.
Thêm vào đó, việc sử dụng làm vật liệu chính để nung gạch sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đất, gây ra xói mòn đất và nhất là thu hẹp diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Trần Duy Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế tạo máy và Sản xuất Vật liệu mới Trung Hậu, trong những năm 60 của thế kỷ trước, miền Bắc đã sản xuất gạch nhẹ không nung, song ngày ấy không phát triển được bởi thiếu xi măng, sắt, thép... nên nhà thấp tầng chủ yếu là làm tường chịu lực, bắt buộc phải dùng gạch đất nung.
Trong khi đó, “ngày nay xi măng thừa thãi, sắt, thép không thiếu, xây nhà khung chịu lực là chính, gạch chỉ làm chức năng bao che, nên rất cần gạch nhẹ nhằm giảm trọng lượng của cả ngôi nhà, có nghĩa là giảm chi phí xây dựng phần móng”.
Việc sử dụng các vật liệu không nung đã và đang trở thành xu thế chung của ngành xây dựng trên thế giới. Tại Việt Nam, ngày 16/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10 – CT – TTG về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung.
Trong đó, yêu cầu các công trình sử dụng vốn nhà nước như: trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học... bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung, các công trình nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn cũng cần ưu tiên sử dụng vật liệu này. Đặc biệt, vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ tối thiểu phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây.
Với tiêu chí sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường, nguồn nguyên liệu được tận dụng tối đa với chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh, Công ty Cổ phần Chế tạo máy và sản xuất Vật liệu mới Trung Hậu đã nghiên cứu và chế tạo thành công sản phẩm gạch polymer khoáng tổng hợp với tên gọi “Gạch ống – xi măng cốt liệu” nhằm mục đích thay thế gạch đất sét nung truyền thống.
Dùng gạch không nung: Xu thế tất yếu để bảo vệ môi trường - 1
Ông Trần Trung Nghĩa giới thiệu về sản phẩm "Gạch ống xi măng cốt liệu"
Đây là thế hệ vật liệu ra đời bằng cách tổng hợp những cơ chế polymer hóa vô cơ, polymer hữu cơ và quá trình khoáng hóa trong một hệ kép kín, tạo nên một hệ polymer – khoáng tổng hợp.
Nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm là cát, xi măng và phụ gia polymer. Các hợp chất này được định lượng theo dạng phối liệu và sử dụng phương pháp ép khuôn với áp lực ép lớn để tạo ra các viên gạch đồng nhất về kích thước, khối lượng và cường độ.
Theo ông Trần Trung Nghĩa, công nghệ sản xuất vật liệu mới này đã được công ty nghiên cứu và hoàn thiện, với hệ thống trang thiết bị được chế tạo hoàn toàn trong nước với độ tự động hóa hoàn chỉnh. Do đó, doanh nghiệp có thể đưa vào sử dụng ngay mà không mất quá nhiều thời gian.
Với nguồn nguyên liệu sẵn có ở hầu hết các địa phương (xi măng và cát), sản phẩm này có hình dáng, kích thước tương tự gạch đất sét nung truyền thống với các tính chất cơ lý tương tự. Do đó, sẽ không làm thay đổi tập quán của đại đa số người dân.
Về giá thành, sản phẩm có giá tương đương gạch đất sét nung truyền thống nhưng hình dáng sắc sảo, đẹp hơn và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Chi phí đầu tư cũng tương đối thấp, chỉ bằng 30 – 40% chi phí đầu tư so với các lò gạch thông thường.
Được biết, hiện công nghệ sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu đã được Công ty Trung Hậu chuyển giao cho hơn 30 nhà máy, với năng suất hơn 200 triệu viên/ năm. Sản phẩm cũng đang được lựa chọn để xét Giải thưởng sáng chế TP.HCM năm 2015 – 2016 do Sở KHCN TP.HCM tổ chức. 

Thiện An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quần Đảo KERGUELEN

  Hòn đảo xa xôi này là nơi sinh sống của một cộng đồng nhỏ, tạm thời gồm khoảng 45 đến 100 người, chủ yếu là các nhà khoa học, quân nhân và...