Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Câu chuyện vui “Chìa Khoá và Ổ Khoá Thiên Đàng” và 15 Điều Nghiệm Sinh Ở Đời


Một hôm nọ, khoá cửa Thiên Đàng bị hư, Thánh Phêrô đích thân mang cả chìa lẫn khoá xuống trần gian để tìm người sửa chữa. Ngài tới nhà anh thợ khoá đầu tiên.
 - Chào anh, tôi có cái ổ khoá bị hư, anh làm ơn sửa giùm.
 - Cụ làm nghề gì mà cửa nhà cụ lại có cái ổ khoá to và quý thế này ?
 - Tôi làm nghề đánh cá, sau đổi sang nghề chăn chiên anh ạ.
 - Ừ ! Nhìn quần áo và chân tay của cụ, tôi tin. Nhưng cụ nói thật đi, cụ "chôm" cái vật quý bằng vàng ròng này ở đâu vậy ?
Thánh Phêrô tần ngần trả lời:
- Của tôi đó, vì đây là khoá cửa của Thiên Đàng, còn tôi là Phêrô.
Anh thợ vồn vã:
- À ! Thế thì lại khác, chỉ một giờ là tôi sửa xong cho cụ thôi, cụ cho xin 100.000 đồng.
Thánh Phêrô giật mình:
- Đắt thế à ? Tôi chỉ có một ngàn thôi.
- Không được đâu cụ ơi. Tôi nghe ngày xưa cụ đứng đầu Hội Thánh, hẳn là cụ giàu có lắm ?
- Anh hiểu lầm rồi ! Trong Hội Thánh chúng tôi, ai càng đứng đầu thì lại càng là người tôi tớ phục vụ, sống khiêm hạ khó nghèo như Đức Giêsu làng Nadarét. Thôi anh cố sửa nó đi, có thể vì công khó của anh mà tôi sẽ xin Chúa cho anh vào Thiên Đàng.
Anh thợ mỉm cười lắc đầu:
- Tôi cần cái thực tế. Tiền thôi cụ ạ, còn Thiên Đàng thì xa lạ quá. Vả lại ở Thiên Đàng mà nghèo như cụ thì tôi chẳng ham. Thôi cụ đi xoay xở đâu đó thêm đi, rồi quay lại đây.

Thánh Phêrô bước đi, buồn bã nghĩ thầm: Anh thợ này sửa được nhiều thứ khoá, chỉ trừ khoá của Thiên Đàng. Đồng tiền quý đến thế kia ư ?
Ngài lại tìm đến nhà một anh thợ khác, nổi tiếng khéo tay và giàu có nhất vùng, hy vọng gặp được người yêu mến Thiên Đàng hơn chuyện tiền bạc.
Anh thợ đon đả chạy ra đón mừng:
- Tôi nhận ra ngài rồi. Tay cầm chìa khoá vàng, khuôn mặt và thân hình lại giống hệt bức tượng trong Nhà Thờ xứ tôi. Vào đây, gia đình tôi hân hạnh tiếp đón Thánh Cả.
Thánh Phêrô vui mừng, nhưng cũng ngần ngại dò hỏi:
- Tôi có cái khoá cửa Thiên Đàng bị hỏng, tôi chỉ có 1.000 đồng, nhờ anh sửa giúp
- Xin cất đi, tôi còn phải biếu ngài thêm lộ phí nữa kìa. Còn cái khoá thì không thành vấn đề, chỉ độ nửa tiếng là xong thôi. Có điều là, xin ngài hứa cho tôi một việc.
- Tốt lắm, anh cứ nói.
- Xin ngài đưa tôi vào Thiên Đàng và cho tôi làm trùm phường khóa ở trên đấy. Ngồi trên các Thánh hay các Thiên Thần thì tôi không dám, nhưng làm sếp đám thợ khoá thì tôi dư sức. Ngài sẽ thấy tay nghề của tôi khi sửa khoá cho ngài, xem tôi có đáng ngồi chỗ tốt hay không.
Bỗng có tiếng ầm ầm từ đầu ngõ, hàng trăm dân làng ùa chạy tới nhà anh thợ khoá khi nghe nói Thánh Phêrô đang ở nhà anh. Tiếng hò hét vang lừng từ ngoài cổng ra vào.
- Lạy Thánh Phêrô, Ngài cho vợ chồng con vào Thiên Đàng với.
- Đứa nào xô tao vậy, đây là cổng nhà anh thợ khoá chứ đã phải là cửa Thiên Đàng đâu mà chen dữ thế ? Phải có hàng lối chứ.
- Gặp Thánh Phêrô chứ có phải đi mua vé xi-nê, hay đi mua thịt mua cá đâu mà phải xếp hàng cha nội.
- Chúng mày biết gì ? Ông Trùm nói có lý đấy. Thế chúng mày không nghe cha giảng là ở trên Trời có "rám rước mặc quần áo trắng tinh tay cầm cành thiên tuế" à ? Phải trật tự chứ !
- Chúa ơi ! Chết con rồi.


Thánh Phêrô lắc đầu ngán ngẩm. Cần phải "gửi" đi đâu nữa, họ đang ở hoả ngục rồi còn gì ?!? Họ cãi nhau chí chóe, chửi thề, dẫm đạp lên nhau để "tranh" Thiên Đàng. Có kẻ còn dúi được vào túi Thánh Phêrô phong bì, hoa, nến. Rồi hí hửng vì đã "hối lộ" được người giữ cửa đầy quyền uy.
Bỗng có một cơn gió mù mịt cuốn lấy Thánh Phêrô. Thiên Thần đã đưa ngài đi trong gió. Để lại đám dân làng khóc la tiếc nuối, và anh thợ khoá tiu nghỉu vì tan giấc mộng vàng.
Thiên Thần đưa Phêrô tới bên một bờ suối rồi chào tạm biệt ra đi. Thánh nhân nhẹ gật đầu từ tạ. Ngài vẫn còn bực bội vì chuyện xảy ra vừa rồi. Tại sao con người lại coi nhẹ Thiên Đàng để kiếm tìm tiền tài danh vọng nhỉ ? Ngay cả đám dân muốn "xấn xổ" vào Thiên Đàng, họ có nghĩ gì tới Chúa và anh em mình đâu, lợi lộc riêng tư đã che mắt họ. Người ta có thể nhân danh một Thiên Đàng tốt đẹp để giành giật, gấu ó nhau đến vậy hay sao ? Ôi ! Nếu có Gioan và Giacôbê ở đây, "những người con của sấm sét" chắc cũng sẽ như xưa, muốn xin lửa Trời xuống đốt tiệt cái đám dân nông cạn này.
- Hãy uống bát nước này cho mát đi, cụ đang có lửa trong lòng đó.
Thánh Phêrô giật mình quay lại. Một cậu bé thật xinh trai, tay cầm ly nước, đã đứng sau lưng mình từ lúc nào. Ngài cầm lấy ly nước, uống một hơi thật sảng khoái.
- Cám ơn cậu bé, cậu thật tốt bụng.
Cậu bé lém lỉnh nhìn cái ổ khoá trên tay Thánh Phêrô.
- Ổ khoá này đẹp quá, cụ cho cháu xem tí nào.
- Khoá cửa Thiên Đàng đó mà. Cậu có muốn lên đấy không, tôi dẫn cậu đi ?
- Chả cần cụ dẫn đâu, cháu thừa biết nó ở đâu rồi.
- Thật không ?
- Thật chứ ! Thiên Đàng thuộc về những người bé nhỏ như cháu mà, cụ quên rồi à ?
Ngạc nhiên trước câu trả lời ngộ nghĩnh, Thánh Phêrô cảm thấy mến cậu bé thông minh này. Ngài đưa cả ổ khoá lẫn chìa cho cậu bé.
- Cẩn thận kẻo rơi nhé.
Cậu bé cầm cả hai ngắm nghía, rồi cậu tinh nghịch trả lại chìa khoá cho Phêrô.
- Cụ giữ lấy chìa khoá này như một kỷ niệm hay một biểu tượng cho bổn phận và quyền uy. Còn cái này thì… Chưa dứt lời, cậu đã ném ổ khoá đánh "tõm" xuống giữa lòng suối sâu.
Thánh Phêrô giật mình lớn tiếng:
- Ôi Chúa ơi ! Cậu làm gì vậy ?
Cậu bé mỉm cười trả lời:
- Thật ra cửa Thiên Đàng đâu cần ổ khoá. Điều quan trọng không phải là nó đóng hay mở, mà là sự "đóng hay mở" của lòng người. Phải giải quyết chuyện này ở dưới đất chứ không phải trên Trời cụ ạ." Điều gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc. Điều gì con tháo mở dưới đất, trên Trời cũng tháo mở ". Có người đã nói với cụ câu đó, cụ không nhớ sao ?
Thánh Phêrô ngẩn ngơ hỏi lại:
- Nhưng làm sao để họ mở hay đóng để tôi cầm buộc hay tháo gỡ ? Vì họ cứ khép kín trước vẻ đẹp của Thiên Đàng, nhưng lại sẵn sàng mở lòng ra với tiền tài, danh vọng. Làm sao để họ làm ngược lại đây, cậu bé ?
- Cụ đừng chỉ trỏ lên Trời và nói những chuyện cao xa của Thiên Đàng với họ nữa. Ngược lại, phải dẫn họ tới một nơi để họ học biết khó nghèo, khiêm hạ, hy sinh. Cụ có muốn cháu đưa cụ tới đó, để rồi sau cụ có thể dẫn họ đi không ?
Thánh Phêrô sốt sắng:
- Được rồi, tôi theo cậu. Nhưng đi đâu mới được chứ ?
Cậu bé mỉm cười, nheo mắt nhìn Phêrô:
- Đi Bêlem, rồi lên Núi Sọ.
Nói xong, cậu quay lưng, lững thững bước đi về phía có ánh nắng chói chang, phía của Mặt Trời.




15 ĐIỀU NGHIỆM SINH GIỮA ĐỜI
1. Thuốc tốt trên đời này, mỗi một loại thuốc chỉ có thể chữa một loại bệnh; còn thuốc tốt của tâm linh, trí tuệ và từ bi thì có thể chữa trị tất cả mọi đau khổ.
2. Con người vẫn hay than phiền không thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, nhưng kỳ thực, trước giờ nó vẫn ở sâu trong lòng, bạn không cần phải tìm kiếm. Chỉ cần bạn có thể giữ tâm bất động, không “vì dục vọng mà cực khổ, bận rộn suốt cả ngày” thì tự nhiên sẽ cảm nhận được sự tồn tại của nó.
3. Khi trong lòng bạn ngập tràn sự yên vui, thì đi đến đâu cũng đều là hoan hỷ tự tại; khi trong tâm tràn đầy trí huệ thì một cành hoa, cọng cỏ cũng khiến bạn thấy được chân lý.
4. Thế giới mà bạn đang nhìn thấy, chỉ là phản ứng của nội tâm. Trong lúc tâm trạng cởi mở, nhìn thấy ai cũng là bạn bè thân thiết; còn khi đang buồn bực, đi đâu cũng chỉ thấy những khuôn mặt đáng ghét.
5. Mọi người đều cho rằng giàu có và nổi tiếng đồng nghĩa với vui vẻ. Nhưng thực ra, nếu trong lòng bạn ngập tràn niềm vui, bạn vốn dĩ không cần danh lợi. Còn nếu trong lòng bạn không có niềm vui, hiển nhiên là có sở hữu giàu có và nổi tiếng của cả thế giới cũng không có ý nghĩa gì. Nếu bạn chỉ biết suốt ngày bận rộn mong kiếm được nhiều tiền hơn và bảo vệ sự giàu có mà bạn sở hữu, thì thật ra đối với bạn mà nói, chúng đã không có lợi ích thực sự nào nữa rồi.
6. Nếu bạn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt phán xét, thế giới này sẽ chỉ toàn những người có khiếm khuyết; nhìn bằng đôi mắt kiêu ngạo, thế giới này sẽ chỉ toàn những người thấp hèn và ngu ngốc; nhìn bằng đôi mắt trí tuệ, bạn sẽ phát hiện ra rằng mỗi người bạn gặp phải, đều có những điểm đáng để bạn học hỏi và tôn trọng.
 7. Người có trí tuệ, khi ở một mình sẽ quản thúc tốt tâm của mình và coi đó là cơ hội tốt để tự kiểm điểm bản thân. Còn khi tiếp xúc với người khác, họ sẽ quản tốt cái miệng của mình và coi đó là cơ hội để khiêm tốn học hỏi.
8. Kẻ tự biết mình là ngốc thì không phải kẻ ngốc, còn kẻ tự cho mình là thông minh thực ra lại là kẻ ngốc trong số những kẻ ngốc.
9. Mỗi một người bạn gặp hàng ngày đều là thầy của bạn: Người thông thái dạy đạo lý từ bi, người ngang ngược dạy bạn đạo lý nhẫn nhục.
10. Tất cả mọi người, tất cả mọi sự vật trên thế gian này đều là có sự liên quan, tương hỗ với nhau. Trong lúc cho đi, thật ra là bạn đang làm lợi ích cho chính mình. Vũ trụ, vạn vật đều là nhất thể. Khi bạn làm hại mặt đất, dòng sông và các sinh linh sống trên đó, thật ra là bạn đang làm hại chính mình.
11. Nếu như bạn muốn thường xuyên vui vẻ, đừng đem niềm vui đặt vào những thứ phù phiếm bề ngoài. Hãy xem sự giàu có của bạn, nhà và xe của bạn đều là mượn của người khác, lợi dụng chúng thật tốt, nhưng không được si mê chúng. Chỉ cần làm được như vậy bạn sẽ hưởng thụ được một cuộc đời đơn giản nhưng vui vẻ.
12. Tài sản lớn nhất của đời người chính là sức khỏe, sự giàu có lớn nhất chính là sự thỏa mãn, thắng lợi lớn nhất chính là không tức giận, thành tựu lớn nhất không gì hơn chính là dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào đều ung dung tự tại.
13. Nếu như vấn đề có thể giải quyết, bạn không cần phải lo nghĩ. Nếu vấn đề không cách nào giải quyết, bạn có lo nghĩ mấy cũng không giúp ích được gì.
14. Mọi người đều thích có thể sống tự chủ, nhưng nếu như bạn nghe người khác nói câu gì đó khó chịu liền nổi nóng, thì bạn chính là đang giao quyền tự chủ cho người khác, rồi dần dần, ngoài bản thân bạn ra, mọi người đều trở thành chủ nhân của tâm bạn. Nếu bạn muốn có thể sống tự do tự tại, thì bạn nên đi học cách làm chủ tâm của mình trước.
             15. Tâm là nguồn gốc của sự an vui và cũng là nguồn gốc của sự đau khổ. Thân – Khẩu – Ý do một cái tâm chứa đầy hận thù và tham vọng gây ra thì chỉ mang đến đau khổ; ngược lại, những hành động, suy nghĩ, lời nói mà xuất phát từ một cái tâm thiện lành thì điều mang lại chính là phúc lạc.


(Hoa Huỳnh chuyển)

"Cá Voi xanh’ của Exxon sắp chính thức hoạt động?


Rex Tillerson
Chủ tịch ExxonMobil Rex Wayne Tillerson trong một hội nghị ở London về dầu lửa hồi 2015. Hiện ông Tillerson là Ngoại trưởng Hoa Kỳ

Dự án khí đốt của hãng Exxon Mobil Corp tại mỏ Cá Voi xanh sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 11, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin hôm thứ Ba.
Đây là dự án khai thác khí lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay, và cũng là một trong hai dự án khai thác ngoài khơi của Việt Nam mà Trung Quốc quan ngại.
Mỏ Cá Voi Xanh nằm tại Lô 118 ngoài khơi Đà Nẵng, có trữ lượng ước tính đạt 150 triệu mét khối.
Trung Quốc luôn phản đối hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của các hãng nước ngoài với Việt Nam ở những vùng nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” (đường Lưỡi Bò), tức nơi mà Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền của mình.
Theo phóng viên BBC Bill Hayton, đường Lưỡi Bò đi vào giữa Lô 118, nơi có mỏ khí Cá Voi Xanh, cách bờ khoảng 88 cây số.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc thì “Exxon tự tin rằng họ có đủ quyền về luật pháp để khai thác dự án Cá voi Xanh,” phóng viên Bill Hayton nói với BBC Tiếng Việt hồi tháng 6.
PetroVietnam
Vào cuối tháng Ba, PetroVietnam thông báo đã ký kết thỏa thuận với Exxon Mobile về dự án mỏ khí Cá Voi Xanh
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Ba nói với Exxon Mobil rằng ông hy vọng dự án sẽ chính thức khởi động vào lúc khai mạc hội nghị thượng đỉnh APEC trong tháng 11, khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các quan chức Hoa Kỳ được trông đợi là sẽ tham dự, VTV nói.
Jon Gibbs, phó chủ tịch của Exxon Mobil tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, nói rằng hãng dầu khí của Mỹ muốn bắt đầu sản xuất khí đốt cho các nhà máy điện của Việt Nam vào năm 2023, theo VTV.
Đối tác của Exxon Mobil trong dự án là PetroVietnam, nói rằng dự án sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la cho ngân sách nhà nước.

Bản đồ các lô khai thác dầu khí của Việt Nam
Bản đồ các lô khai thác dầu khí của Việt Nam
BBC

Posted by

Thơ Tếu : ĐẸP ỚN ÓC - Hồ Nguyễn


ĐẸP ỚN ÓC
Không răng ch Tám rán nhe cười,

Xơ xác nhưng nhìn thy cũng tươi.

Trng rng gió vào kêu rn tóc,

Lênh chênh cp nghiến rn da vùi.

Ngày xưa em đ răng xinh xn,
Hốc hác bây chừ n óc tui.
Nghĩ đến hình em trong giấc ngủ,

Thân tôi gai gốc phi.. lau ...chùi!!

Chết tôi... “ui!”
HỒ NGUYỄN (28-8-17)

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Vụ án ăn thịt người gây sốc ở Nam Phi





Cảnh sát tìm thấy nhiều phần thi thể người trong một cuộc đột kích vào nhà tên thầy lang
Cảnh sát tìm thấy nhiều phần thi thể người trong một cuộc đột kích vào nhà tên thầy lang

Nỗi sợ hãi bao trùm khắp làng Shayamoya tại tỉnh KwaZulu-Natal của Nam Phi sau khi người ta phát hiện ra một xác chết không đầu.
Gia đình của Zanele Hlatshwayo, 25 tuổi, người bị mất tích từ tháng Bảy, tin rằng cô là một nạn nhân của một đường dây ăn thịt người mà gần đây đã có 5 người đàn ông bị bắt giữ vì tình nghi liên quan.
Thi thể đang phân hủy của cô được tìm thấy sau khi một người đàn ông tự xưng là thầy lang đến trình diện với cảnh sát và nói ông ta đã quá mệt mỏi với việc ăn thịt người.
Các tường thuật nói cảnh sát ban đầu đã bỏ qua lời tự thú này.
Nhưng sau khi người này đưa ra bàn tay và bàn chân đầy máu làm bằng chứng, ông ta ngay lập tức bị bắt giữ. Đối tượng dẫn cảnh sát tới căn nhà thuê của mình, nơi đã tìm thấy tám chiếc tai người trong một nồi nấu.
Đây được cho là món ăn nghi phạm đã chế biến cho các khách hàng của mình, những người tin rằng ăn món này có thể giúp họ có phép thuật biến hóa ra tiền, quyền lực và sự bảo vệ.
Nhiều phần cơ thể người khác cũng được tìm thấy trong một chiếc vali.
Cơ thể của Zanele Hlatschwayo được tìm thấy dưới những tảng đá này
Cơ thể của Zanele Hlatschwayo được tìm thấy dưới những tảng đá này
Bộ quần áo rách nát và đầy máu của cô Hlatschwayo cũng được tìm thấy giữa những phần cơ thể còn sót lại tại nhà nghi phạm.
Bộ quần áo đã được gia đình cô xác nhận.
Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đang chờ kết quả giám định ADN để xem liệu những phần cơ thể còn lại có phải của người mẹ có con trai 2 tuổi này hay không.
Gia đình Hlatschwayo vẫn chưa thể an táng cho cô.
Khi tới thăm căn nhà tồi tàn của gia đình Hlatschwayo, tôi được chào đón một cách trang trọng và cảm nhận được nỗi đau tột cùng của gia đình cô.
“Chúng tôi chỉ có thể tưởng tượng được con bé đã van xin cho sự sống của mình như thế nào, nó đã chết một cái chết quá đau đớn,” chị gái cô là Nozipho Ntelele lấy tay gạt nước mắt.
Nozipho Ntelele (áo trắng) nói cái chết của cô Hlatschwayo quá tàn nhẫn
Image captionNozipho Ntelele (áo trắng) nói cái chết của cô Hlatschwayo quá tàn nhẫn
“Quần áo của con bé phủ đầy cỏ và bụi, điều này đã thể hiện con bé đã rất khó khăn để giữ lấy mạng mình,” cô Ntelele nói.

Mùi hôi thối bốc ra

Nghi phạm sống tại một căn chòi thuê tại Rensburgdrift gần Escourt.
Ông ta có biệt danh “Mkhonyovu”, có nghĩa là “kẻ đồi bại” trong ngôn ngữ Zulu.
Ông ta thuê căn chòi từ Philani Magubane, người có em trai cũng bị bắt giữ vì tình nghi là kẻ đồng lõa với nghi phạm.
Tên
Tên thầy lang thuê căn nhà này từ anh trai của một kẻ bị nghi là đồng phạm
Cảnh sát đã niêm phong ngôi nhà nhưng qua khe cửa vẫn có tể nhìn thấy những đồ dùng mà nghi phạm sử dụng cho
Cảnh sát đã niêm phong ngôi nhà nhưng qua khe cửa vẫn có tể nhìn thấy những đồ dùng hắn sử dụng cho “nghi lễ” của mình
“Tôi rất sốc khi biết em trai mình tin vào lời nói của tên thầy lang – hắn hứa rằng em tôi sẽ trở nên giàu có trong khi hắn cũng nghèo như chúng tôi,” ông Magubane cho biết.
Ông nói rằng một người thuê nhà đã phản ánh về mùi thịt thối bốc ra từ nhà hàng xóm.
“Mkhonyovu mới chỉ chuyển vào căn nhà này hai tháng trước – tôi không hề biết hắn giữ các phần thi thể người ở đây vì tôi không dùng chung vườn với hắn,” ông Margubane nói.
Magubane nói ông tin rằng em trai mình, cùng ba thanh niên nữa, đã bị nghi phạm lừa làm việc cho mình vì họ đang gặp khó khăn tìm việc.
Có thông tin cho rằng nghi phạm đã sai những thanh niên này đào nhiều ngôi mộ vào nửa đêm để ông ta có thể làm bùa mà người dân địa phương gọi là “muti”.

Người dân thú nhận đã từng ăn thịt người

Mthembeni Majola, một chính trị gia địa phương, đã triệu tập một cuộc họp cộng đồng khẩn cấp sau khi những kẻ tình nghi ăn thịt người xuất hiện lần đầu tại tòa vào tuần trước.

Mthembeni Majola nói một số người dân trong vùng đã từng ăn thịt người
Mthembeni Majola nói một số người dân trong vùng đã từng ăn thịt người
“Phần lớn người dân đều sốc bởi thông tin này và đang sống trong sợ hãi,” tuy nhiên ông Majola nói nhiều người không ngạc nhiên.
“Một số người thú nhận đã nghe lời khuyên của tên thầy lang và đã từng ăn thịt người,” ông nói.
“Nhưng điều làm hầu hết chúng tôi tức giận là việc tại sao mọi người có thể cả tin đến vậy.”
Ông Majola cho biết các khách hàng của Mkhonyovu là một đám trộm cướp tin rằng họ bất diệt, và thậm chí đạn bắn không thủng, vì vậy cảnh sát không thể bắn được họ
Phepsile Maseko, từ Tổ chức Lang Y Nam Phi, đã lên án hành động ăn thịt người này.
Bà cho biết “Mkhonyovu” là một thầy lang giả muốn lừa tiền và đã “mang lại tiếng xấu cho công việc thiêng liêng của chúng tôi”.

Phepsile Maseko nói sự việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của những thầy lang chân chính
Phepsile Maseko nói sự việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của những thầy lang chân chính
“Việc hiến tế và sử dụng cơ thể người không phải là một phần của những phương pháp chữa bệnh truyền thống… việc này làm những lang y chính nghĩa như chúng tôi bức xúc vì chúng tôi muốn khẳng định công việc mình làm là chân chính,” bà Maseko nói.
Năm nghi phạm bị đưa ra trước tòa hôm thứ Hai giữa lúc có nhiều người biểu tình phản đối bên ngoài tòa.
Các nghi phạm đã bỏ đơn xin tại ngoại hầu tra và sẽ ra tòa lần nữa vào cuối tháng Chín.
BBC

Posted by

Mời đọc 1 Bài viết cũ :Người Việt từng được ăn đồ rất sạch và rất rẻ

Hiệu Minh |


Người Việt từng được ăn đồ rất sạch và rất rẻ

Thế hệ U50-70 vùng đồng bằng Bắc Bộ chắc còn nhớ thời chưa có đê quai nhiều, về mùa nước lũ, cá đủ loại trên ruộng hay vào bờ đẻ trứng từng bầy.



Chuyện bắt được cá chép dăm ký là thường. Nhà nghèo vác cái nơm hay cái giậm ra bờ sông, sáng sớm bắt được vài kg cá. Nhà không có gạo ăn thì mang ra chợ bán, vài kg cá ngon chỉ được vài bơ gạo.
Về mùa nước rút, tôm tép nhiều tới mức chỉ vài mẻ dủi đã đầy rổ. Vài lần quăng giậm đủ đầy giỏ cua. Nắng hạn cua cá trồi lên bờ trẻ con cũng bắt được. Mang ra chợ chẳng ai mua vì nhà nào cũng bắt được, dân chỉ thích gạo.
Rau cỏ cũng thế. Trồng bắp cải chỉ tưới nước tiểu là đủ tốt. Chỉ tội nhiều sâu tới mức cứ mỗi sáng có thể bắt hàng trăm con cho gà ăn. Bắp cải luộc ngọt lừ chỉ tội thiếu gạo.
Vụ đông xuân, hàng đàn chim di cư bay rợp trời. Đống rơm còn sót ít lúa hạt, lũ chim sẻ hàng trăm con thi nhau chui vào để kiếm ăn. Lũ trẻ 4-5 tuổi biết cầm cái roi, rình vụt được vài con đem nướng chả.
Một thời đất nước này có thịt sạch, cá sạch, gạo sạch, rau sạch, có lúc bán rẻ như cho. Nhưng lịch sử đã sang trang. Phát triển không gắn với môi trường là phát triển không bền vững.
Người Việt từng được ăn đồ rất sạch và rất rẻ - Ảnh 1.
Sáng 23/8/16 , Chương trình Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH do Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Soha.vn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng tổ chức tại Khách sạn Melia Hà Nội.

Khoa học đã biến đổi
Khoa học đã biến đổi mọi thứ. Thay vì phải bắt sâu hay nhìn mùa màng bị rầy nâu phá hoại thì thuốc trừ sâu đã làm giúp. Đắp đê quai làm tăng vụ, sản lượng tăng gấp 3-4 lần so với canh tác kiểu cũ.
Nhưng phát minh khoa học có giá của nó. Từ khi thuốc sâu có trên luống rau thì rau bớt ngọt và nhiều khi trở nên nguy hiểm. Phun trên diện rộng thì mọi sinh vật trên đồng bị tiêu diệt. Cá tôm không còn, ngay cả loại sống dai như đỉa cũng không thể tồn tại.
Chưa kể công nghiệp phát triển làm ô nhiễm sông suối, khói bụi gây ra mưa axit, đến như loài vắt trong rừng cũng chết. Chất thải công nghiệp đổ xuống sông thành ra nguồn nước độc.
Dân số tăng, người khôn của khó, thay vì chỉ bắt cá tôm theo mùa, người ta dùng mìn, kích điện để tiêu diệt hàng loạt.
Chim muông, thú rừng không còn thức ăn, không còn đất sống và bị săn đuổi tới mức cùng kiệt.
Rừng bị tàn phá, thủy điện mọc lên vô tổ chức, những dòng nước mang đầy phù sa cũng không còn, đất bị bạc mầu, phân hóa học phải dùng nhiều lên.
Muốn môi trường trong sạch như xưa là không thể, chỉ còn cách sống chung với hậu quả do con người gây ra và tìm cách thay đổi từ ngày hôm nay.
Người Việt từng được ăn đồ rất sạch và rất rẻ - Ảnh 2.
TS. Hoàng Đình Chân phát biểu tại Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH sáng 23/8/16.
Xem bài cùng tác giả TẠI ĐÂY

Làm thế nào?
Thuốc kích thích sinh trưởng, biến đổi gien trong chăn nuôi hay trồng cấy là một trong những phát minh quan trọng. Hóa chất giữ thực phẩm tươi rất cần trong bảo quản vì phải vận chuyển đi xa hàng ngàn km.
Các quốc gia phát triển đều cho phép dùng hóa chất trong cấy trồng, vật nuôi và thực phẩm nhưng có chuẩn để không hại đến sức khỏe.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) chịu trách nhiệm quản lý việc xử lý và phân phối thực phẩm bao gồm kiểm soát sản phẩm nội địa, xuất/nhập khẩu, đánh giá rủi ro và hướng dẫn cho công chúng về an toàn thực phẩm.
Cơ quan kiểm soát thực phẩm phải đảm bảo đồ bán ra thị trường có nhãn dán bao gồm nguồn gốc, ngày đóng gói, ngày hết hạn và số liệu dinh dưỡng trên đó.
Một khi nhãn đã dán nhưng khi kiểm tra không đúng trong phòng thí nghiệm thì công ty cung cấp sẽ gặp rắc rối với pháp luật.
Tác giả Hiệu Minh
Khách hàng mua thực phẩm về nhà sử dụng mà bị ngộ độc và nếu chứng minh được nhà cung cấp có lỗi thì khỏi phải nói về tiền đổ ra mà đền cao như thế nào để trả giá cho sự bất cẩn.
Việc kiểm tra thực phẩm do các công ty tư nhân có chứng chỉ của USDA thực hiện. Họ không dễ bị mua chuộc vì nếu làm sai thì sẽ sạt nghiệp vì bị phạt, bị mất hợp đồng do kiểm tra chéo.
Chuẩn quốc gia về thực phẩm và luật pháp nghiêm minh giúp cho đồ ăn an toàn hơn.
Tại Việt Nam, môi trường đã bị hủy hoại và để trả lại như xưa chắc chắn mất hàng thế kỷ. Nhưng nếu bắt đầu từ ngày hôm nay thì vào ngày này sau 100 năm nữa Việt Nam lại có rừng vàng biển bạc, giầu như nước Mỹ.
Nông dân phải được hướng dẫn, đào tạo rất kỹ về dùng hóa chất. Thả nổi thì cái giá phải trả rất lớn vì ảnh hưởng đến sức khỏe của 90 triệu người, uy tín quốc tế, khó mà bán hàng cho TPP.
Người Việt từng được ăn đồ rất sạch và rất rẻ - Ảnh 5.
GS. Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH sáng 23/8.
Số người giầu chiếm 1% dân số nhưng giữ 40% GDP có vai trò lớn trong việc giữ gìn môi trường. Nếu chỉ vì lợi ích riêng, họ lập dự án phá rừng, chiếm đất nông nghiệp, kinh doanh không có đạo đức, thì đó là thảm họa quốc gia, chưa nói đến lãnh đạo tham lam "ăn không trừ một thứ gì".
Những đại gia "tiền vào đầy nhà nhưng văn hóa vẫn ngoài cửa" tiếp tục dùng đồ gỗ độc, vào quán gọi món lẩu nhím ăn vừa hôi vừa nhạt với giá trên trời, không mong gì rừng được bảo vệ.
Đất dành cho nông nghiệp và công nghiệp phải hài hòa. Bài học FORMOSA không cần phải viết ra đây. Kêu gọi đầu tư bằng mọi giá thì phần lãi không đáng kể so với môi trường bị hủy hoại, học hỏi chẳng được gì ngoài chuyện làm thuê với giá rẻ mạt.
Tại Bỉ có những luật về đất thải rất ngặt nghèo. Một xe đất đào lên phải chuyển ra một nơi xử lý, phân loại đất dùng cho trồng trọt thì chuyển cho cây trồng, phần đá sỏi cho mặt đường.
Mảnh đất cấy trồng được thay đổi hàng năm. Năm nay trồng lúa mỳ, năm sau trồng ngô, năm sau nữa lại trồng khoai tây để các giống làm giầu chất dinh dưỡng.
Xử lý sâu phá hoại thông qua phân bón hữu cơ có hóa chất trừ sâu hoặc dùng phương pháp sinh học để không bị ô nhiễm môi trường.
Và cuối cùng, nhân loại hãy ăn vừa đủ nhu cầu. Các nước nghèo bị bệnh do thiếu ăn, các nước giầu bị bệnh do ăn quá nhiều.
Nhiều người ăn thừa dinh dưỡng mà không biết. Người ta tính với cách ăn như hiện nay chỉ đủ cho 1/3 dân số trên hành tinh, 2/3 số còn lại đói khát.
Việc có nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm giúp mỗi người tự biết là ăn bao nhiêu là đủ một cách khoa học.
Để có thực phẩm sạch và rẻ, dễ mà khó. Dễ vì ai cũng làm được, nhưng khó là có hệ thống đồng bộ. Giải pháp có ở mỗi người trên trái đất này. 
Theo Tri Thức Trẻ 
Bắt cá đồng:ảnh Hoàng gia Viễn

TÌNH BẰNG HỬU - Chuyện Ngắn Hồ Thị Đâm




            
Mặt trời xuống thấp, người làm rẫy trong cánh đồng đã thưa-thớt. Ông tám Khương lau vội những giọt mồ hôi trên trán rồi vác cuốc về nhà. Khi đi tới bờ tre, ông thấy gần khu mộ sau nhà của chú Thành có đứa bé đang ngồi gục đầu khóc, ông biết ngay đó là cháu Châu, ông lằm-bằm: “Tội nghiệp thằng nhỏ, lại nhớ ba nó”, ông vội tiến đến khu mộ, nhỏ nhẹ lên tiếng:

-Châu hả con?

Đứa bé vội lấy tay quẹt nước mắt, đứng dậy chào ông tám. Ông tám Khương tiến đến gần Châu, âu-yếm vuốt đầu nó rồi ân-cần khuyên:

Chiều rồi, vào nhà đi con, cha con chết đã gần ba tháng, con đừng ra đây khóc nữa, vong-linh ba con không vui đâu. Thương ba con, con hãy cố-gắng học hành giỏi là ba con vui.

Châu đứng dậy, ôm ông Tám, nước mắt ràn-rụa nói:

-Con buồn quá ông tám ơi, mỗi lần giận con, thằng Tuấn, con Mai nói con ăn chực cơm của nhà nó và hai đứa nó không cho con chơi chung.

Nghe thằng nhỏ nói, tim ông tám Khương đau nhói, ông cố nuốt nước mắt hỏi:

-Con Mai mấy tuổi, thằng Tuấn mấy tuổi, con mấy tuổi?

-Dạ thưa ông Tám, con Mai sáu tuổi, thằng Tuấn tám tuổi và con mười hai tuổi.

Ông tám ôn-tồn khuyên:

-Ở cùng một xóm với nhau, ông tám cũng biết tuổi của Tuấn và Mai, ý của ông muốn tự con nói tuổi của chúng nó để con thấy rằng chúng nó nhỏ hơn con nhiều, chúng nó còn khờ dại con đừng buồn chúng nó. Con thấy không, chú thím Thành của con thương con, đâu có nói con ăn chực cơm, chú thím thấy con ra mộ ba con hoài, chú thím sẽ buồn lắm đấy. Vô nhà đi con, lo học-hành cho giỏi là chú thím con vui mà ông cũng vui nữa.

Châu ngoan-ngoãn đứng dậy chào ông tám rồi vô nhà. Ông tám cũng hối-hả vác cuốc tiến về hướng sau nhà ông. Vừa tới mấy cây ổi sau nhà, ông thấy bà tám đứng ở bên nhà bếp, hướng mắt ra cánh đồng, ý chừng đang đợi ông về. Vừa thấy ông, bà lên tiếng:

Sau hôm nay ông về trễ quá vậy, tôi đã dọn cơm xong, trông ông đến mỏi con mắt.

Vừa để cái cuốc vào nhà kho nhỏ, ông tám nói:

Thấy thằng Châu ngồi khóc bên mộ cha nó, tôi đau lòng quá, đến an-ủi và khuyên-lơn nó một chút nên về trễ.

Bà tám chép miệng than:

Tội cho thằng bé, mới mười hai tuổi mà cha mẹ đều chết, không có bà con thân quyến ở đây, thấy thương quá ông à. Tôi cũng trông thấy nó đứng khóc ở mộ ba nó mấy lần. Tôi thắc-mắc không hiểu vợ chồng chú Thành có thật lòng thương nó không hả ông.

Ông tám rửa tay chân xong, vừa bước đến bàn ăn vừa trả lời:

-Theo tôi vợ chồng chú Thành rất thương nó, tôi biết chú thím Thành rõ lắm, họ là hạng người đạo đức, bà thấy không ở xóm mình ai cũng kính nễ gia đình đó và chú Thành đã cho tôi biết, ba thằng Châu là bạn thân của chú. Xưa kia, khi chú Thành đi học ở Tây ninh, chú cùng học với ba thằng Châu ở trường Lê văn Trung đó bà.

-Bà ba Khương thắc-mắc hỏi chồng:

-Cùng là bạn học, mà sao ba thằng Châu trông nghèo khổ quá hả ông?

Ông tám cười, lên giọng:

-Bà khéo hỏi. Như bà với dì Bông là chị em ruột, cùng một cha mẹ sinh ra, tại sao dì Bông có chồng giàu, còn bà gặp tôi, một nông dân nghèo xơ, nghèo xác vậy?

Nghe chồng nói, bà cười, kết luận:

- Tại số tôi là số nghèo, tôi mới thương ông đó.

Ông ba Khương nheo mắt cười hì-hì, ghẹo bà:

-Chớ không phải bà thương vì tôi đẹp trai và có duyên sao?

Hai ông bà cùng cười vui vẻ, như họ đang sống lại trong khoảnh khắc xa xưa, hồi còn son trẻ. Đoạn ông nói tiếp:

-Tôi nghe nói, xưa kia nhà ông nội thằng Châu ở Trảng bàng, thuộc gia-đình giàu có, bị đánh tư sản, gia-đình phải chịu cảnh ly-tán. Vì ba thằng Châu làm lục sự ở tòa án tỉnh nào đó, nên đi cải tạo mấy năm. Trong khi ông ta đi cải-tạo không bao lâu thì vợ bệnh nặng và chết, lúc đó thằng Châu mới ba tuổi.

-Bà tám Khương thở dài, buồn-bã hỏi tiếp:

-Tại sao ba thằng Châu không ở Trảng bàng với họ hàng mà trôi giạt về miền Hậu giang mình vậy ông?

Ông Khương vừa xúc cơm vào chén, vừa trả lời bà:

-Tôi nghe nói, sau ngày bị đánh tư sản mấy năm thì ông bà nội thằng Châu lần-lượt qua đời. Ba thằng Châu chỉ có một cô em gái, bây giờ cô ấy cũng khó khăn trong cuộc sống. Sau khi được ra khỏi trại tù cải tạo, cha thằng Châu không có việc gì làm, chú Thành là chủ lò đường, vì thương bạn thất nghiệp, chú mời ba thằng Châu về làm quản lý lò đường cho chú. Cha thằng Châu bán căn nhà ở Trảng bàng, dẫn thằng Châu về miền nầy, chú Thành chia rẻ cho bạn phần đất sát nhà chú, nhờ vậy cha thằng Châu cất được căn nhà nhỏ để có chỗ cho cha con họ tá-túc. Cũng may, nhờ vậy sau nầy thằng Châu có được căn nhà, không đến đỗi sống vô căn cư. Rủi cho ba thằng Châu, cất nhà ở chỉ được vài năm thì mắc bệnh ung-thư rồi qua đời, để lại thằng con côi cút, tôi thương nó quá bà à.

-Còn thắc-mắc, bà ba Khương hỏi tiếp:

-Nghe hôm ba thằng Châu mất, cô nó có về đây dự đám tang, sau không đem nó về nuôi giúp?

-Chuyện gia-đình người ta tôi không hiểu rõ. Tôi chỉ biết, cha thằng Châu viết di chút, gởi thằng Châu cho chú thím Thành nuôi dưỡng giùm và chôn cất ông ta ở phần đất sau nhà, mộ sát bên khu mộ gia đình của chú Thành cũng ấm-cúng và để tiện cho thằng Châu thăm viếng. Tôi nghĩ có lẽ cha thằng Châu biết “chọn mặt gởi vàng” đó bà.

-Bà tám Khương thêm ý kiến:

-Có lẽ sau nầy thằng Châu lớn lên, nó sẽ lấy cốt mẹ nó về đây cho cha thằng Châu không nằm lẻ-loi. Vợ chồng mà chôn mỗi người một nơi thấy tội-nghiệp quá.
                                      ***
Thím Thành là người tốt, thím coi Châu như con ruột, khi thím mua sắm quà cáp gì cho các con, thím cũng mua cho Châu. Thỉnh-thoảng thím Thành thấy Châu ra mộ cha khóc, tìm hiểu, thím biết con thím còn nhỏ, thường nói xúc phạm Châu. Thím la rầy chúng nó vài lần, nhưng mỗi khi giận Châu, Mai và Tuấn vẫn nói những lời khiến Châu phải tủi thân, ngậm-ngùi đến rơi nước mắt. Một hôm, thím Thành quyết-định không để tình trạng nầy xảy ra nữa, thím trình bày mọi lẽ cho chồng biết và thím đề-nghị với ông Thành:

-Các con sợ ông hơn tôi, ông tìm cách khuyên chúng nó, thấy thằng Châu tủi thân, tôi khổ tâm lắm ông à.

Sau bữa cơm chiều hôm đó, bà Thành đang lui-cui rửa chén ở nhà sau, trời bắt đầu tối, ông Thành bảo Châu, tuấn và Mai vào phòng khách, dưới ánh đèn điện sáng choang, chú bảo ba đứa ngồi đối diện với chú. Vẻ mặt chú trông nghiêm-nghị làm sao! Tụi nhỏ ngạc-nhiên không biết có chuyện gì xảy ra mà ba Thành làm cho chúng nó điều lo-lắng.

Khi ba đứa ngồi im, ông Thành bắt đầu hỏi:

-Tuấn và Mai, hai con nghe ba hỏi: Ba thí dụ như trong một hoàn cảnh nào đó, ba và mẹ đều chết, Tuấn và Mai phải chịu cảnh sống côi-cút như anh Châu, các con có buồn, có đau-khổ không?

Hai đứa nhỏ sốt-sắn trả lời:

-Dạ có, rất buồn.

Vẻ mặt Mai buồn xo, khi nghe ba hỏi như vậy, riêng Tuấn, Tuấn, Tuấn nói thêm ý nghĩ của mình:

-Nếu ba mẹ chết, ai nuôi chúng con? Chúng con sẽ khổ nhiều lắm.

Mai nhanh-nhẩu nói với vẻ nũng-nịu:

Con không muốn ba mẹ chết đâu, ba đừng nói như vậy.

Ông Thành nghiêm-nghị hỏi tiếp:

-Vậy Tuấn và Mai hãy trả lời, Anh Châu có muốn ba của anh Châu chết không?

Hai đứa đồng nói:

-Dạ không.

Nói đến đây ông đến đặt hai bàn tay lên đầu hai đứa con, ông rơm-rớm nước mắt, ôn-tồn nói:

-Hai con ơi, ba anh Châu chết, anh Châu buồn lắm, thấy các con còn đủ cha mẹ, có lẽ anh Châu cũng tủi thân đó hai con.

Nói đến đây, ông ngó Châu nói một câu rất cảm động:

-Ba muốn rằng, từ đây về sau, Châu cũng có ba mẹ như Tuấn và Mai, Châu gọi chú và thím bằng “Ba mẹ” như chúng nó gọi, con nhớ nghe chưa.

Nói đến đây, ông ôm đầu Châu, nghẹn-ngào nói:

-Xin lỗi con, vì mấy tháng nay ba bận ở nhà máy đường, đi sớm về tối, nên ba không biết Tuấn và Mai đối xử tệ với con.

Nghe ông Thành nói, Châu cảm-động, không nói nên lời, chỉ ôm ông khóc thút-thít. Tuấn và Mai cũng khóc theo. Ông Thành rơm-rớm nước mắt. Ông đứng dậy, kéo ba đứa nhỏ đứng sát bên nhau, ông đưa hai bàn tay ôm ba cái đầu của ba đứa trẻ thâu-yêu, nói trong nước mắt:

-Một lần nữa ba dặn, kể từ ngày hôm nay, ba đứa là anh em. Châu không gọi “Chú, thím” như trước nữa, mà gọi là “Ba và mẹ” như hai em, đồng thời Tuấn và Mai là hai em của con, con



là anh cả của chúng nó. Con phụ ba dạy dỗ các em. Tuấn và Mai phải vâng lời anh Châu, không được hổn với anh Châu. Các con phải hòa-thuận và thương-yêu lẫn nhau, như vậy ba mẹ mới vui lòng.

Nghe ông Thành nói, ba đứa bé cũng cảm động, khóc nức-nở. Tuấn và Mai ôm Châu, vui vẻ cùng gọi “Anh Châu, anh Châu của em”. Châu lau nước mắt, nắm tay hai em, tỏ ra vui mừng và nở nụ cười sung-sướng.
                                      
Ngày tháng trôi nhanh, thám-thoát Châu đã tốt-nghiệp đại học và có chỗ làm vững chắc. Ông bà Thành rất vui mừng lo bề gia-thất cho con. Thật may-mắn, ngày thành hôn của Châu là một ngày nắng ráo, đẹp trời. Nhà ông Thành được trang-hoàng thật đẹp. Ông Thành giao-thiệp rộng nên khách đến dự tiệc cưới của Châu khá đông. Có cô dượng của Châu đến dự đám cưới đông đủ. Sau thủ-tục cưới hỏi, vợ chồng ông Thành nhắc lại chuyện xưa và trình cho hai họ xem tờ di chúc của ba cháu Châu. Theo lời di chúc, ông nhờ người bạn thân nuôi hộ đứa bé và tài sản của người quá cố để lại là mười hai cây vàng, nhờ ông Thành giữ giùm đế phụ chi phí nuôi dưỡng bé Châu.

Ông Thành rơm-rớm nước mắt nói:

- Trời đã giúp tôi làm ăn thuận-lợi, vợ chồng tôi có khả năng lo chu-toàn trong việc nuôi dạy Châu, đứa con của người bạn rất thân của chúng tôi. Bây giờ Châu cũng là đứa con yêu quí của chúng tôi, trước mặt hai họ, tôi xin trao lại mười hai cây vàng cho vợ chồng Châu làm vốn.

Khi ông Thành nói đến đây, người vợ của ông Thành mở
hộp, trình số vàng cho hai họ xem, trong khi đó, ông Thành thân-mật dặn dò vợ chồng Châu:

-Đây là di vật của ba mẹ con để lại, hai người đã bỏ biết bao công lao khổ cực để có nó. Chúng con phải biết giữ gìn, khi phải cần dùng số vàng nầy để làm phương-tiện sinh sống, các con phải suy-nghĩ thật kỹ, hầu tránh thất bại và không tiêu xài phí-phạm, như vậy các con mới xứng-đáng là những đứa con hiếu-thảo.

Cô dâu và chú rể ứa nước mắt, đồng nói:

- Dạ, dạ, chúng con xin cám ơn và vâng lời dạy dỗ quí-báu của ba mẹ.

Những người khách đến dự đám cưới hôm đó đều vui mừng là Châu có người cha mẹ nuôi thật tốt, họ cảm động và ngưỡng-mộ tấm lòng cao-thượng của vợ chồng ông Thành.

Ôi! Cao quí thay tình bằng hữu!

Hồ thị Đậm (2017)

 

Hồn ma đêm Giáng Sinh (Báo Mai )

  Hồn ma đêm Giáng Sinh _ câu chuyện vượt qua lòng tham quỷ dữ Tất cả chúng ta đều từng gặp những người tham lam, và dường như với họ không ...