Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Ghi chép ở bệnh viện ung bướu


Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 Tp.HCM hôm nay vắng vì là Chủ nhật. Cả 4 khu A, B, C, D của bệnh viện không ồn ào như mọi ngày. Những gương mặt xám xịt, mệt mỏi và cau có bên ghế đá, trên những chiếc chiếu trải tạm hay ngoài cửa phòng khám. Đó là những người "còn sức".
Võ Văn Đồng, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào đây điều trị ung thư. Tôi nghe chữ được chữ mất từ bệnh nhân này vì anh chỉ "còn sức" phều phào. Đồng "còn sức" nên còn lê bước ra cổng lấy phần thức ăn từ thiện phát mỗi chiều Chủ nhật. Người nhà Đồng đã về quê và anh ấy thì ở lại. Một mình...
Có nhiều người như Đồng. Họ trải chiếu ngủ bên những hành lang và coi bệnh viện ung bướu là nhà. Họ tắm giặt bên nhà vệ sinh và phơi đồ ở bất cứ đâu trong sân công viên bệnh viện. Vấn đề này nhiều bệnh viện cũng có nhưng bệnh viện ung bướu có một thứ khác, rất đặc trưng: mùi chết chóc. Mùi ấy có ở những người già sắp ra đi...Đặc sệt ở khu B, C, D.
Khu A bệnh viện có vẻ có sinh khí hơn. Đa phần bệnh nhân ở đây là nữ (chiếm chừng 70%) và đa phần mắc ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp là nhẹ nhất và có hy vọng chữa trị thành công nhất. Một phụ nữ trẻ đi cùng chồng đã khuyên một phụ nữ lớn tuổi hơn: "Khi nghe nói mắc ung thư, em khóc hết nước mắt vì sợ mình phải chết, phải bỏ chồng con. Vô đây em tăng ký vì bác sĩ nói phải khỏe mới phối hợp thuốc tốt. Chị cũng ráng lên, bịnh này chữa được mà..."
Vì là Chủ nhật, căng tin bệnh viện đóng cửa. Có những bệnh nhân lê bước khó nhọc ra quán bình dân ngoài bệnh viện mua cơm. Những cái đầu trọc lóc, cái bụng trương phình sau lớp áo, những đôi chân khẳng khiu, những làn da xám xịt…
Hiếu- thành viên nhóm thiện nguyện Chủ nhật nhân ái nói với tôi nhóm đã hoạt động được 4 năm, bất chấp nắng mưa. Nhóm nấu những suất ăn miễn phí cho người bệnh hoặc người thân đi chăm bệnh. Những giỏ lớn chứa nhiều suất ăn đóng hộp không bõ bèn gì so với nhu cầu. Mỗi lần phát phiếu là mỗi lần bệnh nhân bu lại đông nghịt, năm sau đông hơn năm trước. Mà suất ăn thì có hạn...
Tôi hỏi chừng chục bệnh nhân rằng họ có biết về thuốc trị ung thư giả và phiên tòa liên quan VN Pharma không. Đa phần nói chỉ biết qua người nhà kể lại. Và họ thở dài, họ hoang mang. "Còn chữa được!" chính là câu thần chú duy nhất ở ở bệnh viện ung bướu.
Mấy hôm nay, nhiều kẻ mang danh trí thức vẫn đang cố gắng bênh vực cho những viên thuốc đặc trị giả, cho những kẻ khoác áo blouse ngửa tay chào đón hoa hồng để kê đơn thuốc, cho những kẻ ăn trên ngồi trốc miệng rao giảng đau đớn blouse trắng vấy máu. Ở nơi này, những bệnh nhân ung thư vẫn đang mòn mỏi từng ngày quy đổi của nả để giành lấy những khoảnh khắc được nhìn thấy cơ hội sống.
Rất mong phiên phúc thẩm, biên bản tòa sẽ ghi đúng tội danh buôn thuốc giả (cao nhất tử hình) thay vì tội buôn lậu thuốc. Vì nếu những kẻ đưa và nhận "hoa hồng máu" tội nhẹ hay thoát tội chính là hình ảnh của Thần Chết kề lưỡi hái vào cổ Thần Công Lý và giật mạnh.
Giật "bay đầu" luôn cả y đức của những bác sĩ biến chất, của lương tâm những người kinh doanh dược tham lam. Và dĩ nhiên, cả trách nhiệm của những quan chức "bảo kê" thuốc giả đang muốn làm nhà báo hay bận diệt lăng quăng.
Và với tình hình ô nhiễm hiện nay, tất cả người dân đều là những người "đợi ung thư" theo kiểu rủi/may phó thác số phận. Chừng nào dân chưa biết lên tiếng cho chính họ, gia đình họ và người khác!


Võ Văn Đồng và vết thương vừa phẫu thuật không lâu.


Bệnh nhân ung thư và người nhà xếp hàng chờ suất cơm từ thiện.


Bệnh nhân và người thân coi hành lang bệnh viện là nhà.

Sân chơi trẻ em ở giữa bệnh viện ung bướu thành nơi... phơi đồ

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...