Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Chagos: Nơi dân đảo bị đuổi khỏi quê hương





Diane Selkirk

Cho đến trước khi con cá chình moray trườn tới gần thì cuộc dạo chơi của tôi xung quanh Đảo Takamaka đã gặp nhiều phong ba hơn mong đợi.
Con cá chình đuổi theo con cua, con cua chạy nhanh biến ra khỏi mặt nước, leo lên bờ và con cá chình phát hiện ra ngón chân tôi. Tôi thì vội vã phi thân lên cây để bảo toàn ngón chân. May mắn là con cá chình chỉ đuổi theo con cua kia, và tôi trở lại suy tính xem sẽ làm gì tiếp tục: băng qua đại dương qua những dải san hô lởm chởm hay đi trở lại trong đất liền qua khu rừng rậm rạp.
Tôi cùng một người bạn bước ra đi dạo vào một buổi sáng để ngắm chim và thám hiểm một xác tàu tại đầu đằng kia của Đảo Takamaka nằm trên Đảo san hô Salomon giữa Ấn Độ Dương. Trên đường đi, chúng tôi hy vọng sẽ bắt gặp một vài con gà hoang dã mà tôi nghe nó gáy mỗi buổi sáng trong khoảng thời gian gần một tháng tôi ở đây. Tôi không biết vì sao chúng có thể sống sót và còn phát triển mạnh trong khoảng thời gian gần 50 năm kể từ khi những người dân địa phương bị đuổi khỏi hòn đảo này.

Ít được biết đến

Đảo san hô Salomon là điểm dừng chân kỳ ảo mà những người du hành phải đi nửa vòng Trái Đất mới đến được. Nó nằm về phía nam đảo Maldives và về phía đông bắc của Quần đảo Chagos, một khu vực thuộc lãnh thổ Anh giữa Ấn Độ Dương bao gồm bảy đảo san hô và 60 hòn đảo thấp. Phần lớn không được mọi người biết đến, hòn đảo được biết đến nhiều nhất là Diego Garcia, một căn cứ quân sự của Mỹ nằm cách Đảo Takamaka 100 hải lý về phía nam.
Diane Selkirk
Để đến Chagos, các thủy thủ (như chúng tôi) cần bằng chứng về việc sơ tán y tế và bảo hiểm vớt tàu đắm, và với 200 bảng bạn sẽ được cấp giấy phép đến thăm dành cho du thuyền trong vòng 28 ngày. Khoảng thời gian đó thật ra không phải là dài nếu tính đến việc bạn phải vượt hàng ngàn hải lý để đến đó.
Vào hồi thập niên 1960, Anh và Mỹ đã có một sự sắp xếp phi đạo đức để phi dân cư hóa quần đảo Chagos lấy chỗ xây dựng căn cứ quân sự Diego Garcia. Trong vòng một thập niên sau đó, toàn bộ dân cư trên quần đảo, ước tính vào khoảng từ 2.000 cho đến 2.500 người, đã bị đẩy ra khỏi làng mạc của họ – nơi họ làm việc trên những đồn điền trồng dừa từ thế kỷ 18 – và được đưa đi xa hàng trăm cây số đến đảo Seychelles hay Mauritius. Ở những nơi này, người dân đảo Chagos đã bắt đầu cuộc đấu tranh kéo dài hàng chục năm để được trở về nhà.

Khu bảo tồn biển

Thật là điều kỳ lạ khi được phép dùng quốc gia của một dân tộc bị lưu vong thành sân chơi riêng. Khi chúng tôi đi quanh Đảo Takamaka, leo lên cây và lội dưới nước ấm, tôi đã rất ấn tượng trước sự phong phú của sự sống ở nơi này. Hồi năm 2010, chính phủ Anh đã thành lập một khu vực bảo tồn biển để biến vùng biển xung quanh Quần đảo Chagos thành khu bảo tồn hải dương lớn nhất thế giới. Khu vực ‘không được phép đánh bắt’ được kiểm soát chặt chẽ có nghĩa là người dân ở Chagos không được phép đánh bắt để mưu sinh và chính điều đó làm thành một rào cản, khiến họ phải đi khỏi nơi này.
Nhưng trong lúc người dân Chagos đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý ở các tòa án quốc tế thì Quần đảo Chagos đang chứng kiến sự hồi sinh ngoạn mục của các loài cá, cá mập và chim biển ở một nơi được xem là còn nguyên sơ nhất trên thế giới.
Diane Selkirk
Có lúc trong cuộc dạo chơi, chúng tôi đã lội qua một nơi như là nơi cá mập vây đen chọn để sinh con. Ở một chỗ nước cạn, những con cá mập vây đen con đang bơi thành vòng tròn xung quanh đầu gối của tôi. Trông chúng nhỏ bé một cách buồn cười cạnh bàn chân tôi. Khi đi tiếp, chúng tôi tìm thấy một vịnh biển với vài con rùa biển xanh và choáng ngợp trước một đàn cá mó đông đúc phóng tới phóng lui. Ở nơi giao nhau giữa rừng rậm và biển cả, có vài chục tổ chim biển với những con chim điêu chân đỏ trong danh sách khẩn nguy đậu trên cây.
Ở những nơi sóng đánh cao, chúng tôi bị buộc phải đi vào đất liền. Không giống như Đảo Boddam gần đó vốn từng là khu dân cư chính và có đống đổ nát của một nhà thờ, một nhà tù, một bệnh viện và một nghĩa trang, Đảo Takamaka chỉ có một đồn điền trồng dừa với dân cư thưa thớt và không có lối mòn đi sâu vào đảo.
Ngay cả với đôi giày cứng cáp và một cái rựa thì vẫn khó phát quang lấy đường đi trên đảo. Tuy nhiên chỉ mang dép lê, chúng tôi cẩn thận bước tránh những bụi đầy gai những con nhện to bằng lòng bàn tay trong khi đảo mắt coi chừng loài cua dừa hung hăng vốn có kích thước lớn tới mức chúng có thể săn chuột.
Diane SelkirkBản quyền hình ảnhDIANE SELKIRK
Khi các sinh vật quanh đảo Chagos đang sinh sôi, người dân Chagos vẫn đang tiếp tục cuộc chiến của họ. Trong những năm trước, các phán quyết tích cực của tòa đã làm tăng cao cơ hội định cư người dân trở lại – nhưng sau đó chính quyền Anh lại gặp những tranh luận về chi phí và những khó khăn trong việc đưa con người trở lại quần đảo này.
Vào 11/2016, Anh Quốc tuyên bố không cho phép dân đảo Chagos quay trở lại chốn cũ.
Vài tiếng đồng hồ sau khi đi dạo quanh hòn đảo nhỏ xíu Takamaka, chúng tôi cuối cùng ra khỏi khu rừng, quay lại gần chỗ để tàu. Sau đó, khi ngắm đàn cá mập bơi trong làn nước xanh dưới mạn tàu và đám cá đuối, cá heo lượn lờ xa xa, tôi chợt nhận ra rằng Chagos là một nơi nguyên sơ, một thiên đường nhiệt đới. Nhưng cũng là nơi mong manh, đang bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng lên từ từ.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.


Posted by

1 nhận xét:

XUÂN MỚI - Thơ Phượng Hồng và Thơ Họa

                                              XUÂN MỚI   Xuân mới dành cho những mến thương Gửi về đất mẹ, cõi vô thường Niềm vui chất ngất ...