Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Choáng ngợp trước những bức tranh do tử tù vẽ

Myuran Sukumaran
Myuran Sukumaran
Vẽ tranh có thể là cách thể hiện những cảm xúc riêng tư cho những tử tù đang chờ ngày ra pháp trường. Và nhiều tác phẩm có thể đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của sự sống, Geraldine Cremin viết.
Sáng tạo nghệ thuật có thể giống như một sự giải thoát. Rất khó tìm được nơi nào người ta khao khát sự giải thoát mạnh mẽ hơn là nơi phòng giam tử tù.
Với những người tù đối diện án tử, nghệ thuật là một cách để xác định danh tính của bản thân họ và xác nhận lại sự tồn tại của họ với khán giả rất xa bên ngoài ranh giới phòng giam và rất lâu sau khi họ bị hành hình.
Gần hai năm sau khi bị tử hình, Myuran Sukumaran là tác giả chính xuất hiện trong triển lãm hội họa có tên “Một ngày nữa ở thiên đường”, đang được trưng bày tại quê nhà của ông ở Sydney, Úc.
Các bức tranh của Sukumaran – hầu hết là vẽ chân dung – được sáng tác trong vài năm cuối đời ở nhà tù Keroboken ở Bali, nơi ông bị giam cầm sau khi bị bắt hồi năm 2005 vì tham gia nhóm vận chuyển ma túy khét tiếng với tên gọi Bali Nine.
Mối quan hệ giữa nhà tù và sự theo đuổi sáng tạo rất dài và mạnh mẽ. Trong lịch sử, viết lách từng là điểm đến sáng tạo cho các tù nhân vì môn này đòi hỏi ít dụng cụ và tác phẩm có thể giấu hoặc truyền bí mật bên trong và ngoài phòng giam.
Các bức tranh của Sukumaran - hầu hết là vẽ chân dung - được sáng tác trong vài năm cuối đời ở nhà tù Keroboken ở Bali
Các bức tranh của Sukumaran – hầu hết là vẽ chân dung – được sáng tác trong vài năm cuối đời ở nhà tù Keroboken ở Bali
Aleksandr Solzhenitsyn đã viết tác phẩm “Quần đảo ngục tù” (The Gulag Archipelago) từ trại lao động khổ sai dưới thời chính quyền Xô Viết.
Martin Luther King Jr. viết “Lá thư từ nhà tù Birmingham” khi đang bị giam ở Alabama.
Cùng với sự biến đổi của các thể thức nghệ thuật theo thời gian, rapper người Mỹ Gucci Mane thậm chí còn ghi âm qua điện thoại từ trong tù một vài đoạn trong album Burrprint 2 phát hành năm 2010 của ông.
Ở những nhà tù tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc, các lớp học hội họa và dụng cụ được chuẩn bị cho nhiều tù nhân hơn bao giờ hết. Những chương trình này đã cho thấy tác động tích cực tức thời và lâu dài với thái độ của tù nhân – mặc dù các dụng cụ vẽ được trao cho người tù cũng đáng sợ. Khi không có các dụng cụ đó, sự sáng tạo lại chiếm ưu thế, như sơn vẽ được làm từ kẹo nghiền ra hoặc cà phê hòa tan.

Thông điệp cá nhân

Hệ thống xét xử tội phạm có thể vô nhân tính hóa con người; tòa án và giới truyền thông thường tạo ra một câu chuyện không gắn với ý tưởng của tù nhân về hành động hoặc danh tính của họ. Nghệ thuật có thể đính chính lại điều này.
Margot Ravenscroft là Giám đốc Amicus, một tổ chức hướng đến xét xử công bằng và các vấn đề luật pháp xung quanh án tử hình ở Hoa Kỳ. Tổ chức của bà thường nhận được tác phẩm nghệ thuật từ tù nhân bị án tử hình. Bà nói nghệ thuật là một trong những cách tù nhân có thể thể hiện bản thân họ từ trong tù.
Tranh của Myuran Sukumaran trong những giờ phút cuối đời ảnh hưởng phong cách vẽ của Francis Bacon
Tranh của Myuran Sukumaran trong những giờ phút cuối đời ảnh hưởng phong cách vẽ của Francis Bacon
“Nói chung, và điều này càng trở nên khắc nghiệt hơn đối với các trường hợp bị án tử hình, một phần của quá trình giam giữ có mục đích nhằm tước bỏ định danh của người tù, không coi họ là một con người,” Ravenscroft nói. “Sự thể hiện nghệ thuật là cách để tái định nghĩa lại sự vô nhân tính hóa và xác định bản thân bạn là một cá nhân và là một thành viên của xã hội.”
Chân dung tự họa của Myuran Sukumaran thể hiện chính xác điều đó. Qua các bức tranh, ông cho ta thấy “Myu”, một người đàn ông chân thành, hoàn toàn khác với một chuyên gia võ thuật đáng sợ lao vào các nhiếp ảnh gia trong ngày bị tuyên án tử hồi 2006.
“Myuran buộc chúng ta phải nhìn ông ấy như chính bản thân ông ấy,” Ben Quilty, người thầy của Sukumaran và là họa sĩ người Úc đoạt giải, người đã vẽ các tác phẩm không ngừng truy vấn về sự nam tính và xác định danh tính bản thân, nói.
Sukumaran liên hệ với Quilty vào năm 2013 để hỏi xin lời khuyên về kỹ thuật vẽ tranh. Bị hấp dẫn bởi sự tò mò của Sukumaran và sự hết mình của ông trong tập luyện, Quilty trở thành thầy hướng dẫn và cuối cùng đã là bạn thân của Sukumaran trong bốn năm cuối đời người tử tù.
Myuran ngoài đời thật, theo Quilty kể lại, khiêm tốn, trầm tư và hoàn toàn tập trung vào luyện tập nghệ thuật. Chính sự thành tâm đó khiến các tác phẩm của Sukumaran tự nó đã là những tác phẩm tốt, dù có xuất thân từ đâu.
“Ông ta làm nghĩa vụ đi tìm một tiếng gọi,” Quilty nói. “Tôi nghĩ ông ta mang theo cảm giác tội lỗi vì những gì ông ta đã làm với gia đình trong từng khoảnh khắc thức tỉnh trong đời. Đi tìm tiếng gọi bản thân là điều sẽ khiến ông ta có cơ hội làm gia đình tự hào.”
Sukumaran cũng bị cuốn vào điều mà Quilty gọi là “khát vọng nam tính mạnh mẽ” là để lại dấu ấn của bản thân. “Myuran rất ý thức rằng ông ta tạo ra một tác phẩm sẽ vượt xa khỏi cơ thể vật lý của mình. Ông ấy đi đến nơi hành quyết và biết mình đã tạo ra ngôn ngữ hình ảnh sẽ cất tiếng nói chống lại sự man rợ của án tử hình trên khắp thế giới.”

Nhìn qua song sắt

Tù nhân chờ xử tử ở Hoa Kỳ thường sống trong cô lập nhiều năm và tác phẩm nghệ thuật của họ trở thành sợi dây sự sống kết nối với thế giới bên ngoài.
Hầu hết các tác phẩm được sáng tác từ phòng giam tử tù cho thấy những khao khát về thế giới bên ngoài; động vật, cảnh quan, không gian rộng mở như liều thuốc chống lại sự cô độc mà hầu hết tử tù phải trải qua suốt 23 giờ mỗi ngày.
Kenneth Reams phải ngồi tù từ 1993 tại Arkansas, và trong hầu hết thời gian chờ thi hành án, ông đã vẽ các tác phẩm với tâm trí bị ám ảnh về án tử
Kenneth Reams phải ngồi tù từ 1993 tại Arkansas, và trong hầu hết thời gian chờ thi hành án, ông đã vẽ các tác phẩm với tâm trí bị ám ảnh về án tử
Nhưng một số những tác phẩm đột phá có cách tiếp cận hoàn toàn đối lập, thể hiện hoàn cảnh khó khăn và những mối bận tâm của người nghệ sĩ. Nghệ thuật và hoạt động thường đi sánh đôi với nhau trong hội họa và nghệ thuật từ phòng giam tử tù thường tự nhiên thể hiện những vấn đề chính trị – xã hội nhạy cảm.
Kenneth Reams hiện đang đợi đến ngày hành quyết ở Arkansas vì tham gia vào vụ bắn chết Gary Turner năm 1993 – mặc dù không thể bác bỏ được là Reams, khi gây án mới 18 tuổi, không phải là tay súng trong vụ án.
Hơn 23 năm chờ tử hình, Reams đã trở thành một họa sĩ nổi danh và là nhà thơ. Mỗi tác phẩm của ông phản ứng với một vấn đề hoặc vụ án cụ thể liên quan đến án tử hình. Các bức tranh hội họa của ông thể hiện những song sắt nhà tù dày, tròng cổ, đạn và ghế điện.
Vào tháng 11/2014, Reams viết cho một người ủng hộ về ý định của ông muốn sử dụng hội họa như một công cụ để giáo dục xã hội về án tử hình ở Hoa Kỳ, “theo một cách mới”. “Tôi đang bị giam trong một phòng giam nhỏ gần như 24 giờ mỗi ngày và một thế giới lớn tồn tại bên ngoài cái hộp bé nhỏ của tôi,” ông nói. “Tuy nhiên, từ cái hộp bé nhỏ của mình, tôi sẽ tác động đến thế giới nếu tôi có đủ thời gian.”
Kenneth Reams
Bức tranh có tên Dặm Dài (Long Mile) của Kenneth Reams

Cạn kiệt thời gian

Tại cuộc trưng bày tác phẩm của Sukumaran ở Sydney, bộ sưu tập với tựa đề “72 Giờ” lấp đầy một bức tường của phòng tranh.
Trong hơn 10 năm trong tù ở Indonesia, Sukumaran đã nỗ lực tìm kiếm, đệ đơn kháng cáo tới mọi nơi có thể nhận đơn, có thể xem xét dù chỉ có chút hi vọng mong manh.
Ngày 5/3/2015, Sukumaran bị chuyển từ nhà tù Kerobokan đến Nusa Kambangan, còn gọi là “đảo hành quyết”. Ngày 25/4/2015, nhà chức trách Indonesia gửi cho Sukumaran lệnh hành quyết trong vòng 72 giờ. Ông đã vẽ điên loạn cho đến những phút cuối cùng.
Trong 72 giờ cuối cùng của cuộc đời, Sukumaran đã vẽ một cách điên cuồng cho tới khi bị xử bắn tại pháp trường, hôm 29/4/2015
Trong 72 giờ cuối cùng của cuộc đời, Sukumaran đã vẽ một cách điên cuồng cho tới khi bị xử bắn tại pháp trường, hôm 29/4/2015
Số lượng và chất lượng của các bức tranh Sukumaran đã vẽ trong ba ngày cuối đời cho thấy sự chống cự không mỏi mệt của ông. Quilty nói: “Tôi nghĩ ông ấy chỉ muốn thể hiện sự tuyệt vọng cuối cùng này, ném một thứ gì đó vào mặt [Tổng thống Indonesia Joko Widodo] và nhà chức trách Indonesia và nói, “Tôi vẫn còn sống và tôi là con người.”
Tiêu đề của 12 bức tranh trong bộ sưu tập thể hiện một dòng thác cảm xúc: 72 Giờ vừa bắt đầu, Thời gian đang điểm, Tan vỡ. Những bức chân dung tự họa của ông rất khó xem vì ông thể hiện cánh tay và chân bị tù túng và bóp méo.
Quilty nói hình ảnh chân tay là dấu ấn ảnh hưởng từ họa sĩ người Ireland Francis Bacon, người có tác phẩm mà Sukumaran đã học vào thời gian đó. Nhưng bố cục cơ thể vặn xoắn trong các tác phẩm của Sukumaran cho thấy một người đàn ông bị nhét chặt trong không gian khung tranh, hoặc có lẽ tuyệt vọng muốn cuộn mình để trở thành một cái kén.
Trong bất cứ trường hợp nào, hành động khác thường của ông trong 72 giờ cuối đời cho thấy sự lạc quan và tham vọng thường thấy trong tác phẩm của Sukumaran từ khi lần đầu tiên ông cầm cọ vào năm 2013.
“Tôi chưa từng thấy ai tiến bộ như Myuran,” Quilty nói.
“Ông ấy làm việc cật lực toàn thời gian, nhưng sau đó trong 72 giờ cuối đời ông đã tạo ra những tác phẩm này.” Trong cuộc điện thoại cuối cùng của Sukumaran gọi cho thầy, ông nói với Quilty ông đã nỗ lực hết sức cả đời trong ba ngày cuối đời và hỏi: “Thử tưởng tượng nếu tôi có thêm một vài năm?”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Posted by

1 nhận xét:

XUÂN MỚI - Thơ Phượng Hồng và Thơ Họa

                                              XUÂN MỚI   Xuân mới dành cho những mến thương Gửi về đất mẹ, cõi vô thường Niềm vui chất ngất ...