Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Rối loạn tiền đình ( Bài của BS.Hồ văn Hiền)

voatiengviet.com
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Thính giả tên Vân hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi 62 tuổi, mới bị bệnh 3 tuần nay, với triệu chứng chóng mặt khi nằm xuống, nghiên đầu qua lại và khi ngồi bật dậy, phải nhắm mắt một lúc mới hết.
Bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn tiền đình, cho tôi thuốc uống và bảo nếu không hết nên đi chụp CT brain.
Tôi đã đi chụp và bác sĩ cho biết kết quả: Có dấu hiệu bị teo não.
Xin hỏi Bác sĩ nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị triệu chứng nói trên.
Xin cảm ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Rối loạn tiền đình
Chóng mặt (vertigo) là một triệu chứng bao gồm nhiều nguyên nhân khác nhau. Chóng mặt chúng ta nói ở đây được định nghĩa là cảm giác chuyển động trong lúc thực tế mình không di động (motion), hoặc cảm thấy di động quá mức trong lúc mình chỉ làm một cử động nào đó. Người chóng mặt có thể cảm thấy mọi vật chung quanh chạy vòng vòng hoặc cảm tưởng mình lắc lư muốn té về trước hoặc về sau, như cảm giác say sóng lúc đi trên biển. Thường vertigo gây ra do bịnh lý của một bộ phận trong phần tai trong (inner ear) còn gọi là “mê đạo” (labyrinth) vì nó gồm nhiều ống chứa đầy một chất dịch nối liền với nhau. Mê đạo thu nhận những tín hiệu về âm thanh (thính giác), từ bộ phận gọi là gọi là con ốc (cochlea). Những tín hiệu về phương hướng, vị trí cơ thể đến từ phần của mê đạo gọi là tiền đình (vestibule). Những tín hiệu này được chuyền qua não bộ bằng thần kinh tiền đình (vestibular nerve), là một thành phần của dây thần kinh số 8 (8th cranial nerve, vestibulocochlear nerve).
Trong labyrinth có một phòng nhỏ trong xương gọi là tiền đình (vestibule), chứa một túi nhỏ gắn liền với 3 ống nhỏ, tròn (ống bán khuyên), nằm trên 3 mặt bằng khác nhau nhưng gắn liền chụm vào nhau (superior, posterior and lateral semicircular canals), chứa đầy môt chất dịch lỏng. Bên cạnh là 2 túi nhỏ (saccule và utricle) phụ trách về cảm giác trọng lượng [gravity] và gia tốc hay giảm tốc (acceleration and deceleration).
“Vestibule” có nghĩa là cái sân, khoảnh trống dẫn vào cổng chính của một ngôi nhà. Ở đây các nhà cơ thể học thế kỷ thứ 18 ví von mô tả cái hang trong xương trước khi đi vào các semicircular canals và con ốc cochlea là cái “vestibule”. Các nhà cơ thể học Việt Nam dịch ra là “tiền đình” (cần phân biệt với một vùng trước ở bộ phận sinh dục nữ cũng gọi là vestibule).
Mỗi lần đầu chúng ta quay qua lại, gật đầu, ngẫng đầu, nước dịch này di chuyển trong các ống semicircular canals và kích thích các tế bào lông (hair cells, cilia) trong ống. Các tế bào này phát tín hiệu vào não bộ, não bộ phân tích để biết phương hướng mới của cơ thể trong lúc di chuyển. Bộ phận tiền đình có trách nhiệm giúp giữ hai mắt chúng ta giữ focus vào một vật nào đó lúc thân thể chúng ta di động và giúp chúng ta giữ thăng bằng (balance).
Trong utricle và saccule (=otolith organs), có những vật nhỏ gọi là “đá tai” (otolith; oto: tai, lith: đá; nhưng thật ra là những tinh thể rất nhỏ kết tụ với nhau); chúng di động lúc đầu chúng ta lên xuống cao thấp, di chuyển trước sau, phải trái bên này qua bên kia, chúng cho biết vị trí đầu chúng ta so với chiều sức hút quả đất (gravity); (ví dụ lúc đi thang máy chạy lên khác chạy xuống) và gia tốc (acceleration; ví dụ lúc xe chúng ta ngồi chạy vọt lên). Ví dụ nếu cỗ chúng ta nghiêng qua một bên, chúng ta vẫn ý thức đâu là trên trời đâu là dưới đất.
Nếu vì một lý do gì đó, tiền đình một bên bị rối loạn sẽ gởi những tín hiệu sai lạc, là chúng ta cảm thấy sự vật chung quanh xoay vòng vòng (vertigo, spinning sensation) hoặc “lắc lư con tàu đi” (say sóng, dizziness, imbalance).
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tiền đình (vestibular neuritis, ảnh hưởng trực tiếp đến phần thăng bằng) là do ảnh hưởng của một virus, ví dụ bịnh nhân bị cúm (influenza), nhiễm virus herpes (gây lỡ miệng, trái rạ [thuỷ đậu, chicken pox], hay bịnh zona [dời ăn, herpes zoster, shingles]). Có thể nguyên nhân do một lại vi khuẩn là nhiễm trùng tai giữa và ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình thuộc về tai trong). Hiếm hơn, viêm thần kinh tiền đình có thể do viêm màng óc (meningitis).
Triệu chứng: chóng mặt, ói mửa, đi đứng không vững đột ngột. Cần phân biệt với lâng lâng như say rượu (lightheadedness), cảm giác mất thăng bằng (imbalance, muốn té), hay cảm giác sắp xỉu, hoặc xỉu (fainting) vi những lý do khác như đường máu quá thấp, áp huyết quá thấp, máu lên đầu bị giảm vì các động mạch nuôi óc bị nghẽn do xơ động mạch.
Bịnh nhân cần thu thập quan sát và ghi chú chi tiết về cơn chóng mặt của mình để nhờ bs của mình khám và phân tích, nhất là loại bỏ những nguyên nhân quan trọng như nghẽn mạch máu, bịnh não bộ, thiếu máu (anemia).
Tiến trình tự nhiên: đa số bịnh nhân chỉ bị triệu chứng nặng một hai ngày, sau đó các triệu chứng giảm dần. Hiếm khi, các triệu chứng cấp tính kéo dài vài ngày hay vài tuần, tuy nhiên những triệu chứng nhẹ như cảm giác mất thăng bằng còn sót lại, đi đứng không vững có thể kéo dài hàng tháng. Bịnh nhân cải thiện thật nhanh có lẽ nhờ não bộ (thần kinh trung ương) thích ứng với hoàn cảnh mới và tập điều chỉnh theo các tin tức bất bình thường do thần kinh tiền đình mắc bịnh gởi vào. Tuy nhiên, bộ phận tiền đình có thể cần thời gian lâu hơn để hồi phục, và trong một số trường hợp những hư hại của hệ tiền đình trở thành vĩnh viễn, không đảo ngược được, nghĩa là cơ năng của nó bất bình thường.
Thường bịnh nhân chỉ bị bịnh viêm thần kinh tiền đình một lần mà thôi. Trong một nghiên cứu, người ta theo dõi 103 bịnh nhân trong gần 10 năm, và chỉ 2 bịnh nhân bị bịnh lần thứ nhì, ở phía bên kia, khác với lần đầu. Chừng 15% sẽ mắc chứng bịnh chóng mặt từng cơn theo vị trí của đầu (PPV), và một số ít hơn bị rối loạn gồm những cơn khủng hoảng vô cớ (panic disorder)
Chữa trị:
1) Một số bác sĩ dùng corticoid uống. Ví dụ prednisone trong 10 ngày, liều thuốc lúc đầu 60mg prednisone/ngày giảm dần xuống 5mg/ngày. Các nghiên cứu chưa dứt khoát là có lợi về lâu dài, mặc dù có những khảo cứu cho thấy cơ năng tiền đình phục hồi nhanh hơn ở người bịnh dùng corticoid.
2) Các thuốc chữa triệu chứng, ói mữa, mất nước. Ví dụ:
(i) Chất kháng histamine:dimenhydrinate (Dramamine), diphenhydramine (Benadryl), Meclizine (Antivert), Promethazine (Phenergan).
(ii) Thuốc đối kháng hệ đối giao cảm (anticholinergic), vd:scopolamine (Transderm-Scop)
(iii) Thuốc an thần : diazepam (Valium), lorazepam (Ativan)
Thường là chích trong 1-2 ngày đầu ở bịnh viện mà thôi. Sau đó người ta tránh không dùng thuốc nữa vì những thuốc này ức chế cơ năng của tiền đình, làm cho việc thần kinh trung ương thích ứng với hoàn cảnh mới (tiền đình bất bình thường) khó khăn hơn và hồi phục lâu hơn.
3) Vật lý trị liệu để phục hồi cơ năng tiền đình (vestibular rehabilitation): có thể giúp phục hồi nhanh hơn, hay giúp cho những người mà cơ quan tiền đình bị tổn thương vĩnh viễn (permanent injury) giảm thiểu tình trạng của mình.
Càng lớn tuổi, từ 40 tuổi trở đi, lúc mà thể tích não bộ ở điểm cao nhất, não bộ con người càng nhỏ lại. Bình thường, bộ óc người lớn nặng chừng 3 pound (1,3-1,4 kilogram). Cứ một thập niên, 10 năm, cân nặng não bộ nhẹ đi 5%. Hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não bộ cũng bị cũ đi và không cung cấp máu và oxy đầy đủ như trước nữa. Khả năng làm việc hay hiểu biết (cognition) cũng giảm theo.
Về triệu chứng não bộ teo trên CT scan, có thể chỉ là hiện tượng tự nhiên ở người lớn tuổi và có thể không liên quan đến bịnh chóng mặt. Tuy nhiên cũng tuỳ theo “teo” nhiều ít, ở vùng nào, ý kiến của bác sĩ quang tuyến như thế nào, có đi kèm theo triệu chứng lâm sàn hay không.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com

1 nhận xét:

SOI GƯƠNG - Lê Trung Ngân

  Soi Gương Hình như dù là ai đi nữa thì một ngày cũng soi gương ít nhất là một lần. Tôi cũng vậy, nhưng tôi có suy nghĩ riêng mình là: Soi ...