Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

12/12/1980: Sổ ghi chép của Da Vinci được bán với giá hơn 5 triệu USD

Nghiến Cứu Quốc Tế



Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1980, ông trùm dầu mỏ Mỹ Armand Hammer đã trả khoản tiền 5.126.000 USD trong một cuộc đấu giá để mang về cuốn sổ tay có chứa các tác phẩm của nghệ sĩ huyền thoại Leonardo da Vinci.

Cuốn sổ, được viết vào khoảng năm 1508, là một trong số 30 cuốn sổ mà da Vinci dùng để ghi chép trong suốt cuộc đời của ông về nhiều chủ đề khác nhau. Nó gồm 72 trang với khoảng 300 ghi chú và bản vẽ chi tiết, tất cả đều liên quan đến chủ đề chung về nước và cách nó di chuyển. Các chuyên gia nói rằng da Vinci dùng nó để vẽ nháp cho nền bức tranh kiệt tác của mình, Mona Lisa. Các ghi chú, được viết bằng mực nâu và phấn, đọc từ phải sang trái, là một ví dụ về kỹ thuật viết ngược mà da Vinci ưa chuộng.

Họa sĩ Giuseppi Ghezzi đã phát hiện ra cuốn sổ vào năm 1690 trong một rương gồm các cuộn giấy thuộc về Guglielmo della Porto, một nhà điêu khắc người Milan thế kỷ 16, người đã nghiên cứu tác phẩm của Leonardo. Năm 1717, Thomas Coke, Bá tước Leicester, đã mua lại cuốn sổ và lưu giữ nó trong bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng của ông tại dinh thự gia đình ở Anh.

Hơn hai thế kỷ sau, cuốn sổ tay – giờ đây được biết đến với cái tên Leicester Codex–  đã xuất hiện trên sàn đấu giá của nhà Christie ở London khi Bá tước Coke hiện tại buộc phải bán nó để trang trải thuế thừa kế cho bộ sưu tập nghệ thuật và bất động sản. Trong những ngày trước khi diễn ra cuộc đấu giá, các chuyên gia nghệ thuật và báo chí đã suy đoán rằng cuốn sổ sẽ có giá từ 7 đến 20 triệu USD.

Thực ra, buổi đấu giá bắt đầu ở mức 1,4 triệu USD và kéo dài chưa đầy hai phút, vì Hammer và ít nhất hai hoặc ba người tham gia khác đã cạnh tranh với bước giá 100.000 USD một lần. Cái giá 5,12 triệu USD là mức cao nhất từng được trả cho một cuốn sổ bản thảo tại thời điểm đó; một bản sao của Kinh thánh Gutenberg huyền thoại đã được chốt ở giá chỉ 2 triệu USD vào năm 1978. “Tôi rất hài lòng với mức giá này. Tôi dự kiến sẽ phải trả nhiều tiền hơn,” Hammer nói sau đó. “Không có tác phẩm nghệ thuật nào trên thế giới mà tôi muốn nhiều hơn nó.” Mặt khác, Bá tước Coke, chỉ “hạnh phúc đôi chút” với buổi đấu giá; ông tuyên bố số tiền thu được sẽ không đủ để trả các khoản thuế mà ông còn nợ.

Hammer, chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí Occidental, đã đổi tên cuốn sổ thành Hammer Codex và thêm nó vào bộ sưu tập nghệ thuật có giá trị của mình. Khi ông qua đời vào năm 1990, ông đã để lại cuốn sổ và các tác phẩm khác cho Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Armand Hammer tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA).

Vài năm sau, bảo tàng đã mang cuốn sổ đi bán, tuyên bố rằng họ buộc phải thực hiện hành động này để trang trải chi phí pháp lý phát sinh khi cháu gái và người thừa kế duy nhất của người vợ quá cố của Hammer, Frances, kiện bảo tàng, tuyên bố rằng Hammer đã lừa gạt để loại Frances khỏi hàng thừa kế. Ngày 11/11/1994, Hammer Codex đã được bán cho một người đấu giá ẩn danh – sau đó nhanh chóng được xác định là Bill Gates, tỷ phú sáng lập Microsoft – tại một cuộc đấu giá ở New York với mức giá cao kỷ lục mới là 30,8 triệu USD. Gates đã khôi phục tên gọi Leicester Codex và từ đó đã cho một số bảo tàng mượn cuốn sổ để trưng bày cho công chúng tham quan.

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...