Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Trả giá vì hủy hoại môi trường : 'Vua' khí thải Trung Quốc (TTO )


Một cô gái chụp ảnh tại quảng trường Thiên An Môn trong màn sương mù do ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Nếu Trung Quốc thực sự muốn trở thành lãnh đạo thế giới về khí hậu, họ phải kìm hãm các doanh nghiệp nhà nước xây dựng các nhà máy điện đốt than tràn ngập thế giới
TRUSHA REDDY (nhà điều phối Tổ chức Earthlife Africa của Nam Phi)
Than đá chính là nguyên nhân tạo sương mù gây ô nhiễm ở Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia phát khí thải CO2 nhiều nhất thế giới bởi sản xuất 2/3 sản lượng điện từ than đá. Hầu hết các nhà máy đều sử dụng than.
"Thời hủy diệt không khí"
Mùa đông năm 2012-2013, Bắc Kinh đã trải qua giai đoạn ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng được gọi là "thời hủy diệt không khí". 
Chính phủ Trung Quốc phải thông qua chương trình hành động về môi trường phấn đấu đến cuối năm 2017 giảm chỉ số hạt bụi PM2.5 còn 60 microgram (tức 60 microgram hạt PM2.5 trong mỗi mét khối không khí), giảm 25% chỉ số PM2.5 ở vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, 20% ở lưu vực sông Dương Tử và 15% tại đồng bằng sông Châu Giang.
Đến cuối năm 2015, tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 ở Pháp, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận về giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính và cam kết sẽ đạt mục tiêu vào năm 2030.
Tại đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 3-2017, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ đấu tranh chống ô nhiễm "đến chiến thắng cuối cùng". Ông cam kết "mỗi năm bầu trời sẽ xanh hơn" và "ai gây ô nhiễm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc". 
Tại đại hội đảng 19 ngày 18-10-2017, Nhân Dân Nhật Báo ghi nhận trong báo cáo chính trị ông Tập Cận Bình đã sử dụng từ "môi trường" 89 lần trong khi chỉ nhắc đến từ "kinh tế" 70 lần.
Năm 2017, Trung Quốc đã mở chiến dịch chống ô nhiễm chưa từng có, lấy trọng tâm là vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc. 28 thành phố thuộc khu vực này đến tháng 3-2018 phải giảm 15% CO2. 
Sau đó, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất như thép, nhôm, kính, ximăng phải chấn chỉnh lại. Hàng trăm nhà máy bị đóng cửa. Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc) là địa phương sản xuất thép nhiều nhất đã đóng cửa 50% nhà máy. Tập đoàn nhôm Hồng Kiều Trung Quốc lớn nhất thế giới đã giảm năng suất 2,7 triệu tấn.
 Hiện trường vụ lở đất ở làng Tân Ma (tỉnh Tứ Xuyên) ngày 24-6-2017 do mưa lớn bất thường vì biến đổi khí hậu - Ảnh: AP

Quốc gia phát khí thải CO2 nhiều nhất
Bộ Môi trường đã phái hàng ngàn thanh tra viên môi trường đến vùng đông bắc. 1.140 cán bộ bị kỷ luật sau khi có kết quả thanh tra. Cuối năm 2017 chỉ còn 10.000 mỏ than hoạt động so với 25.000 mỏ than năm 2012. Chính quyền cấm người dân sử dụng than để sưởi.
Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc quyết định đến năm 2020 sẽ giảm mức sử dụng than đá còn 58% tổng nhu cầu năng lượng. Song trên thực tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát khí thải CO2. 
Tháng 11-2017, Tổ chức Dự án khí carbon toàn cầu đã công bố báo cáo thường niên kết luận: Lượng phát CO2 toàn cầu đã tăng trở lại vào năm 2017 sau ba năm ngừng lại và nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc tăng tiêu thụ than 3%, dầu mỏ 5%, khí thiên nhiên 12%. 
Như vậy Trung Quốc vẫn tiếp tục là quốc gia phát khí thải nhiều nhất với 10,2 tỉ tấn CO2, chiếm 1/4 lượng khí thải toàn cầu.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ghi nhận lượng phát khí thải CO2 đã tăng 1,7%, lên đến mức lịch sử 32,5 tỉ tấn. 
Theo báo cáo này, mức sử dụng dầu mỏ và khí thiên nhiên trên thế giới vẫn tăng lần lượt 1,6% và 3% trong năm 2017, trong đó 1/3 mức tăng thuộc trách nhiệm của Trung Quốc.
Nhà máy điện đốt than của Trung Quốc tại Sahiwal (Pakistan) - Ảnh: Bloomberg
"Xuất khẩu" nhà máy nhiệt điện than
Vào thời điểm Bắc Kinh đóng cửa nhà máy nhiệt điện cuối cùng vào tháng 3-2017, ba tổ chức CoalSwarm, The Sierra Club và Greenpeace đã công bố báo cáo cho thấy số nhà máy nhiệt điện đốt than xây mới trên thế giới giảm 62% trong năm 2016 và số nhà máy nhiệt điện than dừng hoạt động đã tăng lên. 
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đầu tư ồ ạt cho các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.
Theo báo cáo của tổ chức bảo vệ môi trường Urgewald (Đức) công bố ngày 19-6-2017, 250 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia gần 50% trong 1.600 dự án xây dựng nhà máy điện than trên thế giới. 
Trong 20 doanh nghiệp lớn nhất chuyên xây dựng nhà máy điện than có đến 11 doanh nghiệp Trung Quốc. 
Đại học Boston ghi nhận từ năm 2000 đến nay, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã giải ngân hơn 43 tỉ USD đầu tư xây dựng nhà máy điện than ở nước ngoài.
Tập đoàn Shanghai Electric đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Ai Cập, Pakistan và Iran với tổng công suất 6.285MW. 
Tại Bosnia-Herzegovina, vào tháng 11-2017, China Eximbank đã cấp khoản vay gần 720 triệu USD xây dựng thêm một đơn vị 450MW của nhà máy điện ở Tuzla. 
Dự án do hai tập đoàn Trung Quốc thực hiện. Tại Ai Cập, năm 2016 Tập đoàn Shanghai Electric của Trung Quốc đã xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Hamrawein bằng vốn đầu tư công.
Gần đây nhất là ngày 27-6-2018 tại Zimbabwe, Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã đặt viên đá đầu tiên cho dự án nâng công suất nhà máy nhiệt điện than tại Hwange từ 920MW lên 1.520MW. 
Dự án trị giá 1,5 tỉ USD chủ yếu bằng vốn vay của China Eximbank, do Công ty Sinohydro của Trung Quốc thực hiện. Trung Quốc còn thực hiện nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than ở châu Á, Iran, Gruzia, Malawi, Kenya…
Bắc Kinh đóng cửa nhà máy nhiệt điện cuối cùng
Trong cuộc chiến với than đá, Bắc Kinh đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than để chuyển sang nhà máy điện khí.
Sau khi ba nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa vào năm 2014 và năm 2015, ngày 19-3-2017 nhà máy Hoa Năng Bắc Kinh là nhà máy nhiệt điện than cuối cùng ở Bắc Kinh ngừng hoạt động.
Nhà máy hoạt động từ tháng 6-1999, công suất 845.000MW, ngốn mỗi năm 1,76 triệu tấn than. Như vậy Bắc Kinh trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng hoàn toàn điện sản xuất từ nhà máy nhiệt điện khí.
Bốn nhà máy nhiệt điện khí đã góp phần giảm mỗi năm 29.000 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính và 3.000 tấn bụi.
(Tuổi Trẻ Online )

1 nhận xét:

  1. Phải có các biện pháp bảo vệ mội trường một cách tốt nhất

    Trả lờiXóa

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...