Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 46 : ĐÔNG


                                    ĐÔNG QUÂN sao khéo bất tình, 
                                    Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.

        Đó là hai câu thơ oán trách và bất mãn của nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều. ĐÔNG QUÂN 東君 là "Ông Vua ở Hướng Đông", là Chúa Xuân mang lại ánh nắng ban mai  ấm áp cho hoa lá cỏ cây.
        1. Theo Sử Ký, Phong Thiền Thư 史記·封禪書 thì : ĐÔNG QUÂN là thần mặt trời ở hướng đông, với hình tượng của một nam nhân mặt đỏ, tay cầm cung tên, áo xanh quần trắng. Nghĩa phát sinh trong văn học cổ dùng để chỉ nhà vua, như trong "Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca" của Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái có câu :
                                   Chủ trương mừng thấy ĐÔNG QUÂN,
                                   Thái bình cây cỏ được nhuần hơi mưa.

        2. Theo truyền thuyết dân gian cổ Trung Hoa thì ĐÔNG QUÂN là Chúa Xuân, như thơ của Vương Sơ đời Đường trong bài "Lập Xuân Hậu Tác 立春后作" là :        
           
           Đông Quân kha bội hưởng san san,       東君珂佩響珊珊,
                      
          Thanh ngự đa thì hạ cửu quan.             青馭多時下九關。
                    
          Phương tín ngọc tiêu thiên vạn lý,         方信玉霄千万里,
           
         Xuân phong do vị đáo nhân gian.          春風猶未到人間".  
     
  Có nghĩa :
                              ĐÔNG QUÂN đeo ngọc bước đing -đang,
                              Cởi ngựa xuống trần qúa cửu quan,
                              Mới biết trời cao muôn vạn dặm,
                              Gió xuân chưa thổi đến nhân gian.

            Trong "Tứ Thời Khúc Vịnh" của một danh sĩ đời Mạc là Hoàng Sĩ Khải cũng có câu :

                                        Đâu đâu chịu lệnh ĐÔNG QUÂN,
                                     Cửu giao lừng lẫy đón xuân rước về !

        3. ĐÔNG QUÂN 東君 còn dùng để chỉ người đàn ông, người chồng trong gia đình ngày xưa với năm thê bảy thiếp, làm chủ trong nhà như chúa xuân mang đến ân huệ cho tất cả thê thiếp trong gia đình, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

                                            Vẻ chi một mảnh hồng quần,
                                      Chúa hoa đành đã ĐÔNG QUÂN đây rồi !

                                      Inline image

          Cũng như hai câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc mở đầu cho bài viết nầy, ĐÔNG QUÂN là Chúa Xuân, là Vua, là người đàn ông đầy quyền lực trong gia đình, nên nếu không khéo xử sự thì sẽ rất dễ tạo nên những hờn oán cho thê thiếp vì :

                                            Muôn hồng nghìn tía đua tươi,
                                     CHÚA XUÂN nhìn hái một hai bông gần !

... để đến nỗi buông lời oán trách như lời thơ sau đây :

                                            ĐÔNG QUÂN sao khéo bất tình, 
                                     Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.

          Sau ĐÔNG QUÂN 東君 ta có ĐÔNG CUNG 東宮, là Cung điện được xây dựng ở phía đông cung vua, là chỗ ở của Hoàng Thái Tử, người sẽ kế vị ngôi vua sau nầy. Theo Dịch lý ngũ hành thì Đông phương là Giáp Ất thuộc Mộc, chủ màu Xanh, là biểu tượng của mùa Xuân, nên ĐÔNG CUNG còn được gọi là "Thanh Cung 青宮" 
hay "Xuân Cung 春宮".  Như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái :

                                           ĐÔNG CUNG đã lập Duy Tường,
                                     Bỗng không lại đổi Duy Phường cớ sao ?

         ĐÔNG CUNG 東宮 còn chỉ chỗ ở của Hoàng Hậu là mẹ của Hoàng Thái Tử. Vào đời Hán, hoàng hậu ở cung Trường Lạc nằm ở phía đông của cung Vị Ương là cung của vua ở, nên Hoàng Hậu còn được gọi là  ĐÔNG CUNG HOÀNH HẬU 東宮皇后, khác với Tây Cung là chỗ ở của Thứ Phi, Qúy Phi... Như trong truyện Nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa  (dân gian thường gọi là Phạm Công Cúc Hoa) của ta :

                                           Thương chồng chẳng quản xấu xa,
                                     Phong làm hoàng hậu chính toà ĐÔNG CUNG.

        Còn ĐÔNG PHONG 東風 là "Gió từ Hướng Đông" chớ không phải là "Gió của Mùa Đông". Gió của hướng Đông là gió Xuân. Theo chương Nguyệt Lệnh trong sách Lễ Ký 礼记·月令 như sau : Mạnh xuân chi nguyệt, đông phong giải đống 孟春之月,東風解凍. Có nghĩa : Tháng giêng của mùa xuân, gió đông thổi tan băng giá. Nên hai câu thơ cuối trong bài "Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處" (Còn có tựa là Đề Đô Thành Nam Trang 題都城南莊) là : 
                Nhân diện bất tri hà xứ khứ,           人面不知何處去,
   
                Đào hoa y cựu tiếu ĐÔNG PHONG   桃花依舊笑.
... còn được viết là : 
                        Nhân diện bất tri hà xứ khứ,           人面不知何處去,
                        Đào hoa y cựu tiếu XUÂN PHONG    桃花依舊笑春風。

        Cụ Nguyễn Du đã mượn ý của hai câu thơ trên để tả lúc Kim Trọng trở lại Vườn Thúy tìm Thúy Kiều với hai câu lục bát rất hay là :
                                           Trước sau nào thấy mặt người,
                                      Hoa đào năm ngoái còn cười GÍO ĐÔNG.
                  
                                      Inline image Inline image

        Trong truyện Nôm Hoa Tiên ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện đã tả nàng Dương Dao Tiên với hai câu thật gợi cảm :
                                           GIÓ ĐÔNG gờn gợn sóng tình,
                                      Dưới hoa lộng lẫy một cành mẫu đơn.

       Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc thì Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mượn GÍO ĐÔNG để chỉ sự mơn trớn của nhà vua với nàng cung nữ khi mới được yêu :

                                           Cành xuân hoa chúm chím chào,
                                        GÍO ĐÔNG thôi đã cợt đào ghẹo mai.

     ... và khi thất sủng, thì nàng cung nữ cũng nhắm vào ĐÔNG PHONG mà trách móc :

                                           Thù nhau ru hỡi ĐÔNG PHONG,
                                       Góc vườn đãi nắng cầm bông hoa đào.

          Còn cụ Nguyễn Trãi trong Quốc Âm Thi Tập : "Đào Hoa Thi bài một" thì viết như sau :


                                          Một đoá đào hoa khá tốt tươi,
                                          Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.
                                          ĐÔNG PHONG ắt có tình hay nữa,
                                          Kín tịn mùi hương dễ động người.
        
                           Inline image Inline image

           Còn trong "Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến" thì nhà thơ Jean Leiba (Lê Văn Bái) đã viết trong bài Mai Rụng như sau :
                                        
                                   Yêu chàng, em cố chuốt hình dong
                                   Tô cặp môi son, điểm má hồng,
                                   Em thấy xuân nay hoa nở đẹp,
                                   Cảm tình Thanh Đế, tạ ĐÔNG PHONG,

            Ngoài ĐÔNG PHONG là GIÓ ĐÔNG ra, ta còn có TƯỜNG ĐÔNG là bức tường ở mé đông, do câu nói trong sách Mạnh Tử. Cáo Tử Hạ 孟子.告子下 là : Du đông gia tường nhi lâu kỳ xử tử 踰東家牆而摟其處子. Có nghĩa : Trèo qua bức tường  phía đông nhà hàng xóm mà ôm cô gái còn trong trắng. Ý nói là :  Chọc ghẹo cô gái hàng xóm, như trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du nói về chị em Thúy Kiều khi vừa đến tuổi câp kê là :

                                         Êm đềm trướng rũ màn che,
                                  TƯỜNG ĐÔNG ong bướm đi về mặc ai.

            Có nghĩa là : Chị em Thúy Kiều sống êm đềm trong "trướng rũ màn che", mặc cho đám thanh niên lối xóm có tỏ tình trêu ghẹo gì cũng mặc ! Nên TƯỜNG ĐÔNG, ĐÔNG GIA, ĐÔNG LÂN ... đều dùng để chỉ Hàng Xóm, như khi Thúy Kiều tảo mộ xong về lại nhà, cụ Nguyễn Du đã có những câu chuyển cảnh thật hay như sau :
                                          Kiều từ trở gót trướng hoa,
                                    Mặt trời gát núi chiêng đà thu không.
                                        Gương nga chênh chếch vòm song,
                                    Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.
                                          Hải đường lả ngọn ĐÔNG LÂN,
                                     Hạt sương trĩu nặng cành xuân la đà....

                              Inline image  Inline image

           Chữ ĐÔNG còn đưa ta đến với hai nhân vật trong văn học cổ mà nhắc đến thì mọi người đều quen biết, đó chính là :
        1. ĐÔNG PHA 東坡 : là Tô Thức (1037-1101), chính trị gia, văn thi sĩ đời Tống, tự là Tử Chiêm, hiệu là Đông Pha Cư Sĩ, nên người đời quen gọi là TÔ ĐÔNG PHA 蘇東坡. Ông nổi tiếng với nhiều bài Thi Từ Ca Phú, nhất là hai bài Tiền, Hậu Xích Bích Phú với các câu như : Quế trạo hề lan tương, kích không minh hề tố lưu quang, diễu diễu hề dư hoài, vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương... 桂棹兮蘭槳,擊空明兮泝流光。渺渺兮予懷,望美人兮天一方... Có nghĩa : ... Thuyền quế nầy chèo lan, khua vầng trăng sáng nầy theo dòng nước lan man, lòng ta diệu vợi muôn vàn, phương trời người đẹp mơ màng ngóng trông !... Theo sử thi "Mai Đình Mộng Ký 梅亭夢記" của Nguyễn Huy Hổ 阮輝琥 trong đó cũng có câu :

                                    Này này quế trạo lan tương,
                             Ví đua Xích Bích, chi nhường ĐÔNG PHA.

      2. ĐÔNG SÀNG 東床 : là cái giường nằm ở phía đông. Theo tích Vương Hi Chi 王羲之 trong Tấn Thư 晉書 như sau :

          Vào đời Đông Tấn, có quan Thái Úy là Khước Giám, có một cô con gái vừa tài hoa vừa đẹp đẽ, nên ông luôn muốn kén chọn một chàng rễ cho xứng với con gái mình. Biết được trong nhà của Tể Tướng Vương Đạo có rất nhiều con cháu trai đều văn hay chữ tốt, bèn cho môn sinh đến để cầu thân. 
    Khi người môn sinh của Khước Giám đền ngỏ ý, thì Vương Đạo bèn bảo rằng : Tất cả bọn chúng đều đang ăn ở học tập ở phía đông sương, cứ qua đó mà chọn. Người môn sinh bèn đi về phía đông sương, thấy những chàng trai con cháu của họ Vương người nào cũng mi thanh mục tú, ra vẻ "Nền phú hậu bậc tài danh, Văn chương nết đất thông minh tính trời", lại nghe nói có người nhà của quan Thái Úy đến chọn rễ, nên ai nấy đều ăn mặc chải chuốc bảnh bao, duy chỉ có một chàng nằm phơi bụng ở giường mé đông đọc sách xem như không có gì xảy ra cả. 
     Người môn sinh về kể lại tài mạo của các chàng trai họ Vương bên đó cho quan Thái Úy Khước Giám nghe. Khi nghe xong, Khước Giám liền bảo : "Chính hắn ! Chính cái chàng trai nằm phơi bụng ở giường đông như không có việc gì xảy ra đó, chính là chàng rễ mà ta muốn chọn đó".

     
            

     Qủa không sai, vì chàng rễ đó chính là Vương Hi Chi, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng với bút pháp của Thiếp Lan Đình để đời cho đến hiện nay. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã cho Hoạn Thư khen Thúy Kiều khi thấy nàng chép kinh ở Quan Âm Các là :

                                      Khen rằng bút pháp đã tinh,
                                So vào với Thiếp Lan Đình nào thua !

       Sau nầy, hễ muốn chọn được chàng rễ qúy thì người ta thường gọi là "Kén Rễ Đông Sàng". Nên "RỄ ĐÔNG SÀNG" là chàng rễ qúy. Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Nhị Độ Mai" của ta cũng có câu :

                                      Con ta yểu điệu khuê phòng,
                                Có Tây Tử đó, thiếu ĐÔNG SÀNG nào ?!   

      Còn trong "Sơ Kính Tân Trang" của Chiêu Lỳ Phạm Thái, một danh sĩ ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 của ta thì gọi là GIƯỜNG ĐÔNG :

                                     Lẽ đâu dám kẻ GIƯỜNG ĐÔNG,
                                 Tước bình xin đợi, thừa long xứng tài.  
   
                      

       TƯỚC BÌNH là "Tước Bình Trúng Tuyển 雀屏中選"; THỪA LONG là "Thừa Long Khoái Tế 乘龍快婿". Cả hai thành ngữ nầy cùng với "Diệu tuyển ĐÔNG SÀNG 妙選東床" đều là những thành ngữ chỉ kén được chàng rễ quý !

           Hẹn bài viết tới !

                                                                                    Đỗ Chiêu Đức   
                       *Góc Việt Thi : Thơ MẠC ĐĨNH CHI         

         

1 nhận xét:

Mỡ máu không gây ra bệnh tim .....

Một tổng quan ba nghiên cứu lớn do ngành công nghiệp dược phẩm tài trợ đã phát hiện ra các vấn đề với kết luận của nghiên cứu. Tôi sẽ chia s...