Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

7 phát minh tuyệt kỹ của người Trung Hoa cổ đại hiện đã bị thất truyền

Trung Hoa là một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới với nền văn hóa 5000 năm rực rỡ. Nhắc đến văn hóa truyền thống Trung Hoa ta không thể không kể đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm ra từ các nghệ nhân tài hoa như tơ lụa, đồ gốm, điêu khắc,… Dưới đây là 7 phát minh tuyệt kỹ của người Trung Hoa cổ đại hiện đã bị thất truyền.
1. Lư hương
Lư hương là vật dụng thường được làm bằng đồng, bên trong bỏ than nóng, được dùng để sưởi ấm nên được coi là vật dụng quen thuộc của người xưa, có thể cầm tay hoặc thường được để bên trong chăn để giữ ấm.
Lư hương
Bên ngoài là hình cầu, ở giữa có hai đến ba lớp vòng tròn đồng tâm, ở giữa là nơi đặt than. Điểm đặc biệt chính là dù than có nóng đến thế nào, có rung lắc thế nào than đều được đặt nằm ngang, nên tuyệt đối không gây tổn thương cho người sử dụng. Vật lý học hiện đại giảng cách tốt nhất để giữ thăng bằng các vật có trọng lượng là dùng một điểm tựa. Lư hương của người phương Đông được kết cấu có có một con quay, so với phát hiện của Tây phương vật lý học thì có thể nói là sớm hơn 1000 năm.
2. Đèn đồng hình nhạn ngư thời Tây Hán
Trong một ngôi mộ thời Tây Hán (221 TCN – 24 SCN), hai cây đèn đồng có thể ‘nuốt’ khói được phát hiện. Các nhà sử học đã gọi đây là những cây đèn ‘thân thiện với môi trường’ đầu tiên được biết đến trên thế giới.
Đèn đồng hình nhạn ngư thời Tây Hán.
Hai chiếc đèn đều có hình dáng con chim nhạn đang ngậm cá trong miệng. Điểm đáng lưu ý ở đây là con cá. Khói tỏa ra khi đốt sáp sẽ tiến vào thân thể con chim thông qua một lỗ thông trên mình con cá. Sau khi di chuyển qua phần cổ chim, khói sẽ tan biến trong nước trữ ở khoang bụng rỗng.
Việc sản xuất các loại đèn đồng đã gia tăng trong thời nhà Hán. Tuy nhiên, hai chiếc đèn được phát hiện là sản phẩm đầu tiên thiết kế theo kiểu hút khói được biết đến, và nhiều khả năng chúng thuộc về tầng lớp quý tộc. Bên cạnh đó, độ sáng của bóng đèn có thể được điều chỉnh bằng cách xoay chụp đèn, và các bộ phận có thể được tháo rời để lau rửa.
3. Chiếu ngà
Vào những năm 1960, khi các nhân viên của Bảo tàng Cố cung kiểm tra các cổ vật của nhà Thanh, họ đã tìm thấy một chiếc chiếu ngà trong kho, được trộn lẫn giữa nhiều chiếu trúc khác. Do màu sắc của chiếc chiếu tươi sáng, nên nó đã thu hút sự chú ý của các nhân viên bảo tàng. Theo ghi chép lại trong cuốn “Cách chí kính nguyên”, chiếc chiếu ngà này được làm trong thời Ung Chính và Càn Long.
Đây là một món quà được các quan chức Quảng Đông sử dụng để dâng lên hoàng đế.
Nguồn gốc và cách làm chiếc chiếu ngà này cũng được mô tả trong cuốn sách “Cách chí kính nguyên”. Do tính chất cứng và giòn của ngà voi, khí hậu phía bắc quá khô nên chiếu chỉ có thể được làm ở phía nam ẩm ướt. Hơn nữa, ngà voi cũng được ngâm trong một loại thuốc đặc biệt để đạt được kết cấu mềm và mượt. Tuy nhiên, công thức của loại thuốc này không được ghi lại trong cuốn sách. Bên cạnh đó bởi chi phí sản xuất quá đắt đỏ nên với một vị vua luôn thi hành chính sách cần kiệm như Ung Chính, ngài đã hạ lệnh ngừng hoàn toàn việc sản xuất. Từ đấy, quy trình sản xuất chiếc chiếu này đã bị thất truyền.
Một trong hai chiếc chiếu ngà duy nhất được lưu giữ ở Cố Cung và bảo tàng tỉnh Sơn Đông.
Vậy, chiếc chiếu ngà được sinh ra lần đầu tiên trong triều đại nào? Trong “Tây kinh tạp kỹ” do Lưu Hâm viết vào thời nhà Hán, có một đoạn ghi chép “Ban cho Lý phu nhân chiếu ngà voi”. Cuốn sách cũng mô tả kết cấu của chiếc chiếu ngà. Kết cấu tốt và đồng đều, bề mặt mịn, mềm mại và thoải mái, có thể cuộn lại tùy ý. Từ đó có thể thấy, chiếu ngà ra đời từ thời nhà Hán, và luôn được coi là đồ dùng của giới quý tộc.
Tuy nhiên, riêng việc bảo quản chiếu  đã là một việc khó khăn, nên những chiếc chiếu ngà được lưu truyền tới ngày nay chỉ còn hai cái, và chúng vô cùng quý giá, ước tính mỗi chiếc có giá vài triệu đô.
4. Chiến xa đồng thời Tần
Năm 1980, các nhà khảo cổ học đã khai quật được rất nhiều cổ vật thời nhà Tần, trong đó đáng chú ý nhất chính là hai cỗ xe ngựa bằng đồng, hiện nay đang được bảo tồn trong Bảo tàng về lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Một trong hai cỗ xe ngựa đồng khai quật được, cỗ xe này thường dùng với mục đích nghỉ ngơi.
Hai cỗ xe ngựa này có kích thước bằng một nửa xe ngựa thật dưới thời Tần và là món đồ đồng lớn nhất từng được tìm thấy trên thế giới. Mỗi cỗ xe bao gồm hơn 3.000 bộ phận tinh xảo, cho thấy tay nghề bậc thầy của người xưa.
Cỗ xe trong bức ảnh trên dài 317 cm và cao 106 cm, không gian chỗ nghỉ phía sau với chiều rộng 78 cm và chiều dài 88 cm, với tổng trọng lượng lên đến 1241 kg. Cửa sổ được thiết kế có thể kéo trượt, sang hai bên.

Cỗ xe ngựa thứ hai được khai quật, thường được dùng đi thị sát, ngắm cảnh và đi săn.
Điểm đặc biệt của cỗ xe ngựa này nằm ở phần cán dù, dù được mở to vừa có thể che mưa, che nắng; bên trong còn được cấu tạo thêm các loại cơ quan, cất giấu bên trong các vũ khí sắc bén.
5. Cổ kiếm của Việt vương Câu Tiễn
Được chế tạo cách đây hơn 2500 năm, nhưng thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn, thời kỳ Xuân Thu vẫn vô cùng sắc bén và không hề có dấu hiệu bị xỉn màu hay hoen gỉ.

Dài khoảng 55,7 cm, nặng 875 gram, lưỡi kiếm rộng 4,6 cm, chuôi kiếm dài 8,4 cm và trải qua hàng ngàn năm dưới lòng đất trong môi trường ẩm thấp, nhưng thanh kiếm của Câu Tiễn dường như đang thách thức thời gian.
Qua phân tích, các nhà nghiên cứu cũng ngạc nhiên khi phát hiện thành phần của thanh kiếm đặc biệt này còn có một lượng nhỏ các chất sắt (Fe), chì (Pb) và tỷ lệ cao giữa lưu huỳnh (S) và đồng (II) sunfua (CuS) giúp chống gỉ sét. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra công thức và phương pháp chế tác thanh kiếm này, điều này cho thấy tay nghề “bậc thầy” thời cổ đại.

Trong quá trình khai quật, một nhà khảo cổ đã vô cùng kinh ngạc khi trông thấy thanh kiếm này trong hầm mộ hơn 2.000 năm tuổi. Ông đã nảy ra ý định là thử độ sắc bén của thanh kiếm và trong lúc loay hoay đã bị đứt tay, chảy máu. Ngoài ra, một thử nghiệm được các nhà khảo cổ học tiến hành, cho thấy thanh kiếm sắc bén này có thể dễ dàng cắt xuyên qua một chồng gồm 20 mảnh giấy.
Phần chuôi kiếm được quấn lụa, trong khi núm kiếm được tạo thành từ 11 hình tròn đồng tâm xếp chồng lên nhau. Đây được coi là một trong những loại kiếm xuất hiện sớm nhất tại Trung Quốc và có mối liên hệ mật thiết với thần thoại ở quốc gia này.
6. Tôn Bàn của Tăng Ất Hầu
Tôn bàn
Năm 1978, Tôn Bàn được khai quật trong ngôi mộ của Tăng Ất Hầu (khoảng 475 TCN – 433 TCN) ở tỉnh Hồ Bắc, nay đang được bảo tồn trong bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Tôn Bàn được dùng như vật đựng rượu, được ghép từ tôn (bình chứa rượu) và bên dưới là chậu đựng nước. Tôn sâu 33,1 cm, miệng rộng 25 cm, nặng 9kg; chậu cao 24 cm, chiều rộng là 57,6 cm và sâu 12 cm và nặng 19,2kg.
Tôn bàn có kết cấu vô cùng phức tạp với 34 các bộ phận ghép lại với 56 phần được đúc và hàn mà tạo thành một thể. Mặt trên chạm khắc hơn nghìn con vật đang cuộc tròn, như rồng cuộn, ly cuộn (loại rồng không có sừng)…
Tôn Bàn được đánh giá là một trong những di vật bằng đồng tinh tế và cao cấp nhất.
7. Quả cầu ngà voi
Quả cầu ngà voi
Quả cầu ngà voi là sản phẩm được trang trí hoa văn công phu, gồm các quả cầu đồng tâm, mỗi khối cầu đều có thể tự xoay và được cấu tạo bởi cùng một chất liệu.
Những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo này được tạo thành từ 3-7 lớp, đặc biệt quả cầu lớn nhất thế giới có đến tận 42 khối cầu đồng tâm. Quả cầu có thể được treo bằng một sợi dây hoặc trưng bày trên giá đỡ được thiết kế đặc biệt.
quả cầu
Quả cầu gồm rất nhiều lớp hình cầu đồng tâm tách biệt.
Điều đáng kinh ngạc là các quả cầu nhỏ bên trong đều có thể dịch chuyển riêng biệt đến khi tất cả các lỗ thẳng hàng, đến giờ phương thức chế tạo vẫn luôn được coi là bí ẩn lớn. Điều đó cũng cho thấy tài năng bậc thầy, đỉnh cao của các thợ nghề thời cổ đại đáng kinh ngạc đến mức nào!

Trâm Anh(daikynguyen)
Nguồn: Sound of Hope (Bài và ảnh)

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...