Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Kinh Quran nói gì về việc Jesus giáng sinh?


Nguồn: Mustafa Akyol, “Why it’s not Wrong to Wish Muslims Merry Christmas”, The New York Times, 23/12/2016.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hàng tỷ Kitô hữu trên toàn thế giới đang hân hoan chào đón lễ Giáng Sinh cuối tuần này. Nhưng các thành viên của cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai thế giới, những người Hồi giáo, lại không cùng chia sẻ niềm hân hoan. Tại một vài nước có đa số là người Hồi Giáo, như Ảrập Saudi, Brunei và Somalia, việc mừng lễ Giáng Sinh bị cấm. Ở Thổ Nhĩ Kỳ quê hương tôi, việc mừng lễ Giáng Sinh không bị cấm, nhưng một số nhóm theo chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan vẫn tổ chức các cuộc biểu tình hàng năm phản đối cây thông Giáng sinh và trang phục ông già Noel, những điều mà họ coi là những áp đặt từ phương Tây.
Dù vậy, vẫn có nhiều người Hồi giáo trên thế giới tôn trọng những người hàng xóm theo Kitô giáo và thậm chí cùng chung vui trong ngày thiêng liêng này. Trong số họ có những người chủ một nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ ở Luân Đôn vừa quyết định tổ chức một bữa ăn Giáng Sinh miễn phí cho những người già và vô gia cư, và một doanh nhân Hồi Giáo ở Baghdad đã cho dựng một cây thông Noel nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với những người Kitô hữu bị bách hại bởi Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Những người Hồi Giáo ủng hộ Giáng Sinh đã đúng, không đơn giản bởi vì việc tôn trọng các tôn giáo khác là một đức tính tốt. Họ cũng đúng bởi vì lễ Giáng Sinh là lễ hội mừng sự chào đời nhiệm mầu của Jesus, một đề tài quan trọng không những trong kinh Tân Ước, mà còn cả trong kinh Quran.
Hai chương trong sách thánh của người Hồi giáo thuật lại một cách chi tiết sự chào đời của Jesus, những chương này giống một phần với những điều mà phúc âm thánh Luke (Luca) thuật lại.
Cả hai chương, một chương có tên là Maryam, hay là Mary (Maria), kể về một người phụ nữ Do Thái đáng kính được Thiên Chúa “thanh tẩy” và “được ơn phước hơn mọi người nữ khác.”
Theo kinh Quran thuật lại, một thiên thần gặp Mary một ngày nọ và nói với bà rằng Thiên Chúa đã quyết định sẽ cho bà một “bé trai thuần khiết.” Mary phản đối: “Sao tôi có thể có một người con trai khi chưa có người đàn ông nào động đến tôi?” Thiên thần trả lời rằng, “Thiên Chúa tạo dựng những gì Ngài muốn.” Rồi Thiên Chúa “thổi hơi thánh thần vào Mary,” và bà thụ thai Isa, hay là Jesus.
Dĩ nhiên có những phần mà câu chuyện của người Hồi Giáo về Jesus khác biệt với phiên bản của Kitô giáo được chúc tụng mỗi dịp Giáng Sinh. Kinh Tân Ước viết rằng Jesus được sinh ra ở Bethlehem (Bê-lem), trong máng cỏ hay là trong quán trọ, khi Mary ở chung với chồng bà, Joseph. Trong Kinh Quran, Mary hạ sinh con trai ở “một nơi xa xôi,” một mình dưới tán cây cọ. Điều đáng chú ý là các câu chuyện được thuật lại trong các kinh ngụy tác phương Đông, và các phát hiện khảo cổ gần đây, đều có những điểm chung với những điều mà kinh Quran thuật lại.
Quan trọng nhất là Kinh Quran khác biệt với Kinh Thánh về thần tính của Jesus. Sách thánh của người Hồi Giáo nhấn mạnh rằng Jesus là người và là một ngôn sứ. Sách liên tục kể rằng Jesus là “đấng Mê-si-a,” nhưng đây có vẻ là khái niệm đấng Mê-si-a theo định nghĩa của Do Thái giáo: một tôi tớ đặc biệt của Thiên Chúa, chứ không phải là hiện thân của Thiên Chúa. Jesus trong Kinh Quran cũng được gửi đến những người con của Israel, qua đó “xác nhận Kinh Torah” và khẳng định mạnh mẽ chủ nghĩa nhất thần. Jesus trong Hồi Giáo, theo một nghĩa nào đó, gần với Jesus của người Do Thái hơn.
Tuy nhiên, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo đều chia sẻ sự tôn kính với Isa và Maryam, hay Jesus và Mary. Người Hồi Giáo là những người duy nhất không phải là Kitô hữu trên trái đất nhưng tin rằng Jesus được sinh ra từ một người nữ đồng trinh.
Trong nhiều thế kỷ, người Hồi Giáo đã coi điều này là một sự thật. Những người chú giải Kinh Quran thời trung cổ đã tranh luận những chi tiết như là cách mà thần khí của Thiên Chúa được “thổi” vào Mary, và cho rằng việc Jesus được sinh ra từ Đức mẹ đồng trinh nhờ bàn tay của Thiên Chúa là sự thật. Sayyid Qutb, một nhà Hồi Giáo chính thống, mô tả việc Maryam mang thai là “sự kiện kỳ lạ nhất mà nhân loại xuyên suốt lịch sử đã được chứng kiến.”
Trong một cuốn sách vào năm 2002 được viết để chỉ trích đạo Hồi, Emil F. Caner và Ergun M. Caner, hai người Thổ cải đạo sang Thiên Chúa giáo và sau này trở thành mục sư của giáo phái Southern Baptist, cho rằng về vấn đề sự ra đời của Jesus thì người Hồi Giáo còn mang tinh thần Kitô hơn cả những “Kitô hữu có tư tưởng ‘tự do’, những người vốn chỉ tìm kiếm những cách giải thích mang tính ẩn dụ về phép màu tuyệt diệu này.
Để nhấn mạnh thêm đặc tính phi thường của Jesus, kinh Quran thậm chí còn gọi Jesus là “Lời của Chúa” (Words of God). Các học giả Hồi Giáo đã bối rối từ lâu vì tên gọi này, bởi vì Kinh Quran không dùng cách gọi đó cho bất kỳ ai khác. Các nhà thần học Kitô giáo cũng ngạc nhiên, bởi vì nó gợi nhắc chuyện Tin mừng của thánh Gioan, nơi định nghĩa Jesus là Ngôi Lời, người “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Gioan 1:14 – ND).
Việc giải thích những điểm tương đồng này giữa Kinh Quran và những nguồn ban đầu từ bên Kitô giáo phụ thuộc một phần vào đức tin của mỗi người. Các Kitô hữu có thể nghĩ rằng Đạo Hồi vay mượn từ tôn giáo của họ. Những người Hồi Giáo thì có thể nghĩ rằng phần lớn những gì Kitô giáo kể lại tiên báo cho họ. Nhưng chúng ta đều có thể đồng ý rằng cả hai tôn giáo lớn khởi nguồn từ Abraham này, mặc cho những tranh chấp cay đắng giữa hai bên, đều có nhiều điểm chung. Năm nay, khi những căng thẳng giữa người Hồi Giáo và Kitô hữu ở châu Âu, Mỹ và những nơi khác ngày càng gia tăng, đó là điều đáng nhớ.
Những người Ảrập Saudi và Brunei ngăn cấm Giáng Sinh đã có ý nghĩ sai. Mặc dù Giáng Sinh không phải là một ngày lễ của người Hồi Giáo, nhưng chúng ta không cần phải phản đối nó. Sự ra đời nhiệm mầu của Jesus – ngôn sứ, đấng Mê-si-a, và “Lời của Chúa” – không phải là điều gây xúc phạm những người Hồi Giáo. Salaam alaikum, hay là “bình an đến với bạn,” là điều mà người Hồi Giáo có thể nói với những người hàng xóm Kitô giáo vào ngày 25 tháng 12, và họ cũng có thể nói thêm mà không phải chần chừ câu “Chúc mừng Giáng Sinh!”
Mustafa Akyol, một cây bút xã luận, là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “The Islamic Jesus: How the King of the Jews Became a Prophet of the Muslims.”

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...