Bạn kể nhỏ tới giờ bạn bị đòn hai lần. Nhớ đời. Không hẳn vì ít đòn mà nhớ như khắc như khảm. Lần đầu là năm bạn mười bảy tuổi, quãng đó là mùa đầu của làn sóng lấy chồng ngoại quốc.
Cô bạn bên xóm được gả tới Busan, năm sau về thăm nhà, đem theo ông chú chồng muốn tìm vợ. Bạn được rủ qua cho người ta coi mắt, cùng với mấy đứa con gái bên xóm. Hôm đó cả đám cũng không cần ưỡn ẹo tới lui, chỉ ngồi đó thôi, cắn hột bí, phát vào vai nhau cười. Chiều lại thì má bạn hay, bà bắt nằm dài trên ván ngựa, quất ba roi, thẳng tay.
“Má đẻ con chớ không đẻ món hàng, sao tùy tiện cho người ta săm soi”, bạn nhớ lúc quăng cây thước thợ may gãy đôi đi, má khóc tức tưởi một hồi, khóc lớn hơn cả bạn, khi đó choáng váng vì trận đòn đầu đời, vì nhận ra mình hạnh phúc cỡ nào bởi được nuôi dạy tử tế mà không cần kinh qua những trận mưa roi.
Năm bạn hai mươi hai tuổi, thử việc ở công ty bảo hiểm. Một tối ba nhìn thấy bạn xỉn mèm trong quán nhậu, vì khách nói uống hết mấy chai này anh sẽ ký hợp đồng. Bạn tỉnh dậy thấy mình nằm ở nhà, không nhớ về được bằng cách nào, nhưng nhớ được nằm đây là đúng chỗ bị đòn lần trước, nhưng đợt này khác ở người cầm roi.
“Con là ai mà muốn bán mình bằng mấy cái hợp đồng rẻ mạt?”, ba nói trước khi quật bạn một roi duy nhất, rồi nghẹn giọng bỏ ra ngoài.
Bốn roi tất thảy đó thay đổi bạn. Cây roi chỉ chạm vào bề mặt thịt da, nhưng lời của ba má thì vào đến xương tủy. Rằng người ta thì không phải hàng hóa, ít nhất cũng không cho phép bản thân coi chính mình là thứ có thể mặc cả, bán mua.
Bạn không coi đó là bài học đạo đức. Nó là ngón tự vệ. Hệt như bạn đi học mấy khóa Aikido phòng thân. Đặt mình ra ngoài những cuộc mặc cả là một thứ kỹ năng sống, nhất là trong cái kỷ nguyên nhốn nháo bán mua này. Thứ gì cũng có thể là món hàng, thánh thần chung phận, điểm thi đại học giá cao, nội tạng đắt hàng, tới mấy bộ xương khô còn được nhiệt tình chào bán.
Có quá nhiều thứ được ngụy trang kỹ càng trong phiên chợ điên rồ. Những hợp đồng lao động không ghi điều khoản đi uống bia tiếp khách công ty vào cuối giờ và ký giao kèo làm ăn trong quán nhậu lúc nửa đêm. Những tiệm gội đầu mát xa treo bảng việc nhàn lương cao bao ăn ở. Những chị sếp hay bảo nhân viên chạy về nhà chị ấy gom quần áo đang phơi ngoài sào, hay “ghé chợ mua giùm chế chai dầu nước xanh”.
Phân biệt làm công ăn lương và nô lệ là hai chuyện khác nhau, bạn bị chê gàn, mỗi lần nhảy việc là để lại sau lưng một biển lườm, “thời buổi này mà còn làm cao”. Má bạn thấy con ngồi điền cả chục hồ sơ xin việc, có lần than với xóm giềng, nói sợ mình đã dạy con sai, rằng lấy tự trọng làm đầu, rằng một con người nên đặt mình ra ngoài mọi cuộc mặc cả.
Đặt mình ra ngoài những cuộc mặc cả là một thứ kỹ năng sống, nhất là trong cái kỷ nguyên nhốn nháo bán mua này. Thứ gì cũng có thể là món hàng, thánh thần chung phận, điểm thi đại học giá cao, nội tạng đắt hàng, tới mấy bộ xương khô còn được nhiệt tình chào bán.
“Không sao đâu, con cũng không ưng mình bị dán hạn sử dụng”, bạn cà rỡn, an ủi người lớn trong nhà. Bạn thực sự thấy thoải mái khi chưa đánh mất mình, bởi tiền hoặc nhiều tiền. Quãng nào không có việc thì đi làm thiện nguyện. Có lần đi dạy tiếng Anh cho nhà mở của những phụ nữ bị bán qua biên giới, chiều nào về mắt cũng sưng bởi chuyện cuộc đời.
Mấy cô gái ở đó hồi nhỏ bị đòn như cơm bữa, nhưng không ai dạy họ như ba má dạy bạn, đừng để bản thân trở thành một món hàng. Họ bị bán bởi người thân, bạn bè, hoặc chính họ đứng ra bán mình, hết thảy đều bằng tiền mặt. Nhìn những người phụ nữ được cứu về từ địa ngục, bạn nhớ đứa cháu họ bỏ ngang đại học khi cuối năm ba, đi lao động chui ở nước ngoài. Chỉ chữ “chui” đã nói hết thân phận đó rồi. Lần nào đi ngang nhà thằng nhỏ, cũng thấy bà nội nó ngồi lần tràng hạt, cầu an cho đứa cháu lâu chẳng tin gì.
“Qua bên đó làm giàu siêu nhanh”, câu cuối cùng của thằng cháu khi từ giã bà con, đã chính thức khước từ những lời khuyên nhủ.
Bạn không kịp kể thằng cháu nghe chuyện anh Khoai bán vé số ở trạm xe buýt gần nhà. Lúc thằng nhỏ lên máy bay và biến mất như một làn khói, anh chưa xuất hiện. Bẩm sinh không tay nửa người trên trụi lẳn, đeo cái giá giắt vé số trước bụng, anh để người mua tự lấy, chính họ tự bỏ tiền vào miệng giỏ đeo trên ngực. Nhiều lần được bố thí nhưng anh đều từ chối, anh nói mình thu nhập vậy đủ rồi. “Người ta có hai tay, kiếm một ngày hai trăm, tui không tay thì bằng phân nửa họ, là phải”, anh nói. Rồi kể hồi mình bảy tuổi, có người tới gợi ý đưa bà nội anh ít tiền để đưa đứa nhỏ ra phố ăn xin. Nhưng bà nội anh cầm cả xô nước tạt vào người nọ, nói mời đi nơi khác, nhà này gì cũng bán, con cháu thì không.
Bà nội anh ngầu, nên anh cũng ngầu. Nhưng bạn thấy trong sự ung dung có gì đó như là chống đỡ, được chừng nào hay chừng ấy. Bạn biết đặt mình ra ngoài những cuộc bán mua điên dại buổi này, chỉ tự vệ tương đối. Bởi ta đâu biết trước chuyện leo lên chiếc xe đò nọ lại bị bán vài lượt mới đến nơi, hoặc đăng ký một chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày, là công ty du lịch đã kịp ngã giá bán khách cho mối khác kiếm lời. Và bạn biết làm gì đây, một khi Tổ quốc bị đem ra mặc cả, phận con dân sao khỏi bị sang tay với giá rẻ như cho!
Nguyễn Ngọc Tư
(FB Nguyễn Ngọc Tư)
Nội dung bài viết rất hay
Trả lờiXóa