Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Nước mặn xâm nhập bất thường đe dọa miền Tây

Người dân phải mua máy lọc nước mặn, hoặc mua nước ngọt với giá 50.000 đồng một khối, tưới cây nhỏ giọt vì xâm nhập mặn đến sớm, sâu.
Sáng giữa tháng 12, vẻ mặt lo lắng, anh Lê Minh Hiếu (40 tuổi, Hưng Khánh Trung B, Chợ Lách, Bến Tre) ra con rạch sau nhà. Múc ca nước dưới rạch, anh Hiếu nhỏ nước vào máy đo độ mặn, chỉ số báo 2.0 (hai phần nghìn). "Với các cây chịu mặn kém như mai, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, chỉ tưới được nước có độ mặn dưới 0,5 phần nghìn", anh Hiếu cho biết.
Máy lọc nước mặn chi phí 80 triệu đồng, bốn giờ lọc được một mét khối nước. Ảnh: Hoàng Nam.
Máy lọc nước mặn chi phí 80 triệu đồng, bốn giờ lọc được một mét khối nước. Ảnh: Hoàng Nam.

Gia đình anh có 3.000 m2 sầu riêng giống và mai bán Tết. Ba năm trước, như hàng nghìn hộ dân khác ở Bến Tre, khu vườn nhà anh đã trải qua một cơn "bão khô". Các con rạch cạn trơ đáy, mặn chát, gia súc lẫn con người đều kiệt sức vì khát. Hết nước ngọt dự trữ, anh và nhiều người trong vùng phải mua nước bình dùng cho sinh hoạt, đổi nước chở từ sông cách đó vài chục cây số với giá 100.000 đồng mỗi khối để tắm gội, cho gia súc uống và tưới cây. 
Những vườn cây sau nhiều ngày thiếu nước, bị nhiễm mặn rụng lá, chết dần. Hoa kiểng, rau màu héo khô. Ấp Tân Trung từng được biết đến với màu xanh bạt ngàn của chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, qua mùa hạn mặn trở nên xơ xác. Lỗ từ vài chục đến hàng tỷ đồng mỗi hộ, nhiều người sau đó đốn bỏ cây ăn trái, chuyển sang trồng hoa kiểng. "Cũng từ đợt hạn mặn ba năm trước, đến giờ gia đình tôi và nhiều người vẫn còn nợ ngân hàng", anh Hiếu cho biết.
Các vùng lân cận ruộng nứt nẻ, lúa ngả vàng, người dân cắt cho bò ăn, khi rơm rạ khan hiếm, giá gần 50.000 đồng mỗi cuộn. Đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử ở Bến Tre và nhiều tỉnh khác ở miền Tây đã khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
Chưa quên bài học xương máu cũ, mùa này, anh Hiếu đã chủ động đào sẵn hai ao dự trữ nước ngọt với sức chứa 100 m3, để đủ dùng cho đợt mặn xâm nhập thường bắt đầu sau Tết âm lịch. Anh bảo, với cây ăn trái, nếu sống sót qua mùa mặn thì cây cũng bị kiệt sức, phải mất khoảng ba năm mới cho sai trái trở lại.
Khi niềm vui với vụ trái cây hồi sinh chưa được bao lâu, một tuần trước, người dân Hưng Khánh Trung B phát hiện cá chết nổi trên sông Cổ Chiên, cách đó khoảng 5 km. Họ dùng máy đo nước sông, phát hiện độ mặn đã ở mức tám phần nghìn, cao gấp đôi so với đợt hạn mặn năm 2016.
Cây đang cần tưới nhiều, trong khi chưa kịp trữ nước ngọt, anh Hiếu phải thuê thợ lắp một máy lọc nước mặn, chi phí 80 triệu đồng. Bốn giờ máy lọc được một mét khối nước. "Nếu chạy hết công suất cũng chỉ đủ phân nửa nước tưới so với ngày thường, nhưng phải ráng cầm cự cho qua hết đợt mặn này chứ không còn cách nào khác", anh Hiếu nói.
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 ở miền Tây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo đến sớm, khi Thủ tướng làm việc với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này hồi tháng 9. Hạn mặn có thể tiến sâu vào nội đồng 35-110 km, cao hơn năm 2016 từ 3 đến 7 km. Nước mặn sẽ ảnh hưởng đến 100.000 ha lúa vụ đông xuân. 50.000 hộ dân có nguy cơ bị thiếu nước, trong đó Long An, Tiền Giang, Bến Tre là các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng.
Ba tháng sau khi được cảnh báo, người dân Bến Tre đã bắt đầu sống trong hạn mặn. Ông Đặng Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Khánh Trung B cho biết, do vị trí cảnh báo cách đó 60 km, nên người dân chủ quan, xã cũng chưa có cống ngăn mặn khép kín, khi mặn tràn đến trở tay không kịp.
Cách xã Hưng Khánh Trung B 10 km, người dân trồng cúc mâm xôi dọc hai bên đường mấy ngày qua đang lâm vào tình cảnh "ngồi trên đống lửa". Địa phương có hệ thống cống ngăn mặn đã đóng, nhưng một số nơi nước biển vẫn thẩm thấu vào hệ thống rạch nước tưới tiêu của người dân.
Anh Huỳnh Văn Linh bơm nước lợ vào ruộng dự trữ tưới hoa Tết. Ảnh: Hoàng Nam.
Anh Huỳnh Văn Linh bơm nước lợ vào ruộng trữ tưới hoa Tết. Ảnh: Hoàng Nam.
Buổi trưa, anh Huỳnh Văn Linh, 21 tuổi, đấu nối hệ thống ống, bơm nước từ con rạch vào các rãnh trong vườn, để tưới gần 6.000 chậu cúc mâm xôi. "Nước rạch vẫn mặn, nhưng sau khi đo độ còn thấp, nên tôi tranh thủ bơm vào dự trữ cho mấy ngày kế tiếp, sợ sẽ mặn hơn", anh Linh nói.
Cách đó khoảng 50 m, chị Phan Thị Bé (43 tuổi) xả nước từ bể xi măng sức chứa 10 m3, dự trữ nước sinh hoạt gia đình vào thùng nhựa 10 lít. Sau đó, chị xách thùng đến từng luống hoa, dùng ca nhựa nhỏ múc nước tưới vào từng chậu cây.
Chị Bé cho biết, với 10.000 chậu cúc mâm xôi, nếu tưới bằng máy bơm mỗi ngày một buổi, chị mất ba tiếng. Do phải xách tay từng xô, nên thời gian tưới gấp đôi. Với lượng nước dự trữ còn trong bể, chị ước lượng cầm cự được hai hôm, sau đó phải mua nước. "Cúc đang ra bông, chỉ cần sơ suất nước quá mặn là lỗ cả vụ, nên dù tốn tiền tôi cũng không dám liều tưới nước rạch", chị nói.
Một vườn cúc mâm xôi nông dân đầu tư 30-50 triệu đồng. Sau sáu tháng, nếu thuận lợi họ thu lãi 15-30 triệu đồng. Năm nay, cúc phát triển tốt do thời tiết thuận lợi, hứa hẹn sẽ trúng vụ. Do xâm nhập mặn sớm, nhà vườn hiện chỉ còn biết tưới cầm chừng và chờ trời mưa xuống, để rửa bớt mặn.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, toàn huyện có 13.000 hộ sản xuất 600 ha cây, hoa phục vụ Tết, như: cúc mâm xôi, mai vàng, tắc, vạn thọ... Đa số hoa kiểng sắp thu hoạch, đã được thương lái đặt hàng. "Hiện mặn đã xâm nhập sớm và sâu, đến hầu hết xã trên địa bàn từ 0,1 đến 6,6 phần nghìn, đe dọa các diện tích cây trồng, gây nguy cơ thiếu hụt hoa Tết", ông Liêm nói.
Phòng nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã tính phương án, nếu mặn kéo dài, sẽ vận chuyển nước tưới hỗ trợ nông dân. Vùng sản xuất cũng sẽ được thu hẹp để giảm thiệt hại, sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tăng sức chịu đựng hạn mặn cho cây.
Chị Phan Thị Bé dùng nước sinh hoạt dự trữ từ bể xi măng tưới hoa. Ảnh: Hoàng Nam.
Chị Phan Thị Bé dùng nước dự trữ từ bể xi măng tưới hoa. Ảnh: Hoàng Nam.

Tại Tiền Giang, UBND tỉnh vừa họp khẩn, bàn giải pháp chống xâm nhập mặn, đe dọa 60.000 ha lúa đông xuân, 10.000 ha hoa màu và 80.000 ha cây ăn trái. Tỉnh khuyến cáo người dân không gieo sạ lúa ngoài lịch, chủ động mua dụng cụ trữ nước ngọt. Trong trường hợp cấp bách, địa phương sẽ cấp phát thùng chứa, đồng thời khẩn cấp khoan các giếng lớn phục vụ đời sống, sản xuất.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tháng 6-10, lượng mưa vùng thượng nguồn sông Mekong ở mức thấp hơn trung bình 35 - 40%; vùng trung và hạ lưu ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn hiện thấp hơn trung bình 0,4 - 0,7 m. Dự báo, dòng chảy sông Mekong về miền Tây từ nay đến tháng hai năm sau rất hạn chế, khả năng thiếu hụt 30 - 45%.
Các chuyên gia về môi trường nhận định, thủy triều sông Mekong năm nay lên xuống rất dị thường. Biển Hồ Tonle Sap (Campuchia) đang bị bồi lắng, ít nước, kết hợp tình trạng sụt lún của miền Tây làm nước đổ về ít giữ được, thoát ra biển nhanh hơn. Tình trạng xây đập thủy điện ồ ạt trên sông Mekong gây thiếu hụt nước về hạ lưu, kết hợp nước biển dâng đẩy mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Nước ngầm được khai thác quá mức gây sụt lún đất, trong khi nhiều tỉnh miền Tây vốn có độ cao thấp, làm nước biển xâm nhập nhanh hơn.
Nhiều nhà môi trường cho rằng, thay vì tìm cách đối phó, miền Tây nên phân rõ vùng ngọt mặn trong sản xuất, và xem nước mặn là tài nguyên, theo kiểu "sống chung với lũ".
Mới đây, Bến Tre đã khởi động dự án Quản lý nước, tổng kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng. Tám cống ngăn mặn cùng trạm bơm sẽ được xây tại các huyện và thành phố Bến Tre. Mục tiêu của công trình nhằm tạo ra các "túi nước ngọt", kiểm soát mặn cho hơn 200.000 ha diện tích tự nhiên. Dự án sẽ chủ động nguồn nước ngọt sản xuất cho 100.000 ha, khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp. Dự kiến, các hạng mục đưa vào sử dụng từ năm sau đến 2025.
Trước mắt, tại làng hoa Chợ Lách, người dân hàng ngày vẫn mang can, xô, phuy nhựa... đi chở nước về dự trữ. Những chiếc sà lan chở cát loại nhỏ, nay được trưng dụng chạy 30-40 km đến các con sông khác lấy nước ngọt về bán. 
Trụ sở UBND xã Hưng Khánh Trung B luôn tấp nập người dân ra vào, mang mẫu nước thử nồng độ mặn. Cán bộ chuyên trách luôn túc trực, chỉ vào bảng phân loại độ mặn để hướng dẫn nước nào quá tiêu chuẩn. Đa số các mẫu sẽ có chung một kết quả: "Mặn quá, không tưới được". "Giờ chỉ mong sao có mưa sớm để dân đỡ khổ", anh Lê Minh Hiếu hy vọng.
Hoàng Nam
vnexpress

1 nhận xét:

  1. Phải có các biện pháp hữu hiệu để ngăn nước mặn xâm nhập

    Trả lờiXóa

THƠ CAY CUỐI TUẦN: BLINKEN, TẬP CẬN BÌNH VÀ TIK TOK !

  (CNN, 04/26/2024.) Beijing(CNN)- Chinese leader Xi Jinping said the US and China should be “partners rather than adversaries” as he met ...