Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

CHIA TAY- TG : Mạch Nha

Tôi bắt đầu bài viết này khi bác sĩ T. nói với tôi qua điện thoại rằng với tình trạng của bố tôi hiện nay thì chị nghĩ là ở nhà tốt hơn. Tôi không biết khi dấu chấm hết được đặt xuống thì bố có trút hơi thở sau chót chưa. Bình oxy đã được chở đến, kiểm chỉnh, đặt ngay đầu giường ngủ. Bác sĩ bệnh viện công nói không qua khỏi Tết tây, giỏi lắm Tết ta. Bác sĩ nhà thương tư nói [dạo tháng mười một năm ngoái] cỡ chừng ba bốn tháng. Bây giờ là tháng ba.  
Có thể bố tôi sẽ kịp nhìn thấy tờ báo, trong có bài con gái ông kể chuyện. Ông sẽ cười nhè nhẹ mà không cần nghe tôi viết gì. Ông không còn đủ sức để nghe, không còn đủ sức để cười nói, khen chê. Cũng có thể, một người đã đi đến cánh cửa cuối cùng không quan tâm đến bất kỳ kinh nghiệm nào nữa. Để làm gì?
Một ngày sau
Sau nhiều cuộc hội thảo, nội và ngoại, đôi, tam, tứ, ngũ, v.v và tập thể, rút cuộc, mọi người đồng ý đưa bố tôi trở vào bệnh viện. Tài xế taxi là một người tử tế. Anh đồng ý bật máy lạnh cho bố tôi ngồi chờ trong xe trong lúc tôi đi tìm bác sĩ T. và làm thủ tục nhập viện. Anh cũng đồng ý chở chúng tôi thêm một vòng để bố tôi xuống đúng khu chỉ định mà không nhấn đồng hồ. Trong khuôn viên bệnh viện, anh lái chậm, tôi kịp chỉ chị tôi căng tin. Tôi cũng kịp nhìn thấy hàng chữ treo trước một gian phòng ẩn khuất ở sân sau bệnh viện: Nhà Vĩnh Biệt. Chặp tối, chị tôi bảo tôi về. Chị đi cùng tôi xuống căng tin mua ít thức ăn. Chúng tôi đi ngược lối ban chiều. Phần lo âu, buồn rầu phần sợ hãi màu chạng vạng trên khoảng sân  ít người nhiều cây, chúng tôi đi sát vào nhau. Biết chị còn sợ hơn mình, tôi không nói gì lúc đi ngang Nhà Vĩnh Biệt. Gồng mình bước, im lặng. Im lặng cho đến khi chị bỗng bấu chặt cánh tay tôi, thì thào: zơi zơi!
- Hở? Cái gì?
- Zơi zơi! Zơi zơi đấy!
Chị hất mặt chỉ. Chẳng cần nhìn xa trông rộng, tôi thấy rồi. Lũ dơi. Chúng bay như những nắm đấm đen, không cao không thấp, nháo nhào ngang đầu. Chúng chờ đợi cái gì trước cửa nhà xác?
Hai ngày sau
Tin từ Hoa Kỳ: 3T, tác giả câu thơ ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới đã từ trần ngày hai mươi hai tháng ba, 2006 lúc 11:00 am tại Minnesota. Chú thích của người báo tin: 3T ra đi kết thúc một thế hệ. Tôi không dấu bố tôi chuyện chết chóc. Tôi muốn ông nhìn nó quen mắt, nghe nó quen tai. Cái gì cũng thế, quen rồi thì không kinh đởm nữa, tôi nghĩ vậy.
Tin buồn về 3T được tôi báo với bố bằng một giọng chính tôi cũng ngạc nhiên. Khi khỏe lại đôi chút, bố tôi viết lên giấy [ông bị bác sĩ cấm nói]: Mày báo hung tin như hỉ sự!
Đọc ông xong, tôi cười hà hà. Ông nhún vai, cười hì hì. May quá, bác sĩ không cấm cười.
Ba ngày sau
Tôi báo hung tin như hỉ sự nhưng khi nhìn cô ý tá lụi kim vào da thịt bố tôi thì tôi khóc. Máu ông theo mũi kim chảy ra ướt đẫm drap giường, rơi vãi xuống nền nhà. Tìm mãi không ra mạch, lại nghe tôi xụt xà xụt xịt bên hông, cô đổ quạu, đuổi thẳng: Người nhà đi ra ngoài!
Tôi đi. Đến cuối hành lang thì thấy gió. Năm giờ chiều, trời đã thôi nắng nhưng dấu nắng vẫn đỏ rựng trên hoa quả. Bạn tôi bảo đó là hoa dầu khi tôi tả hình dáng nó cho anh nghe vào hôm sau.
- Đang kể chuyện ông già nằm nhà thương sao lại quẹo qua hoa dầu?
- Đó là một loại hoa tuyệt vời. Tuyệt vời ở cái kiểu nó chết. Khi lìa cành cho điểm đáp cuối cùng là mặt đất, dáng vẻ nó thật ung dung. Đúng là nhẹ tựa lông hồng. Từ giã bằng một điệu múa. Nghệ thuật quá!
Nhặt mấy cánh hoa dầu đã nằm xuống, nhẹ nhàng cho vào túi, lòng tôi bớt hoang mang vì hình ảnh lũ dơi đêm trước.    
Bốn ngày sau
“Lượng oxy trung bình một người cần để thở là 90. Bác hiện chỉ hơn 40 một chút.”  Bác sĩ H. thông báo sau khi có kết quả xét nghiệm và cô lệnh cho y tá tăng mực oxy trong bình từ hai lên năm lít / phút. Viên y tá có bộ mặt và dáng điệu giống hề Bảo Chung quay sang tôi sau khi đã y lệnh: “Chuyện tui, tui làm xong rồi đó, còn chị, yêu cầu ra khỏi phòng để bệnh nhân có oxy mà thở. Cám ơơơơơơn.” Tôi chào bố bằng mắt như vẫn làm dạo gần đây dù rất nhiều lúc ông nhắm nghiền, chẳng đáp. Ra hành lang, giở đại một trang trong cuốn Triết Học Hiện Sinh của thầy Trần Thái Đỉnh.
[…] Cuộc đời của đa số người ta đều mang vẻ tầm thường, buồn nôn; cuộc đời đó là một phóng thể; vì thế cần thiết chúng ta phải tỉnh ngộ, ý thức về giá trị cao quí của nhân vị mình: do đó sinh ra ưu tư; tuy nhiên sống là vươn lên, vươn lên mãi, bởi vì dừng lại là tự đặt mình vào cảnh chết của tinh thần; đàng khác, cuộc đời là một thử thách, đòi ta phải sáng suốt để quyết định, tự quyết. Trong tất cả mọi hành động đó, tôi không thể ỷ lại vào người bên cạnh, lấy họ làm gương mẫu: tôi không được làm thế, vì mỗi nhân vị là một độc đáo: thành thử con người tự cảm thấy cô đơn, một mình gánh vác định mệnh của mình, không ai sống thay và chết thay ta được. Chính khi đã ý thức như thế rồi, chúng ta mới thực sự bước sang giai đoạn sống như một nhân vị tự do và tự đảm lấy định mệnh của mình. […]
Năm ngày sau
“A, bác ăn được rồi!” Đó là câu đầu tiên và duy nhất tôi nói với ông bệnh nhân chung phòng với bố tôi. Khi bố tôi vào, ông đã nằm đó. Suốt bốn ngày qua, không thấy ông ăn. Chỉ uống và rên. Mắt ít mở, khi mở trông hệt mắt cá ươn. Hai con mắt đó, bộ ngực lép kẹp thoi thóp đó, bàn chân tù vù đó, môi mép lở loét đó, tiếng rên đau đớn đó khiến tôi lo ngại cho bố. Vấn đề tinh thần. Nhất là khi bố nhìn ông lão rồi hỏi: “Chân bố có sưng không?” “Đâu có!” “Sưng tức là tim có nước. Toi tới nơi!” “Sưng tức là tim có nước” là lời bác sĩ nói khi vào khám cho cụ mà bố tôi nghe được. “Toi tới nơi!” là kết luận của bố khi quan sát diện mạo người chia phòng với mình.
Ông cụ ngước mặt nhìn tôi. Trong đôi mắt trắng dã đó bỗng lóe lên chút gì sang sáng. Tôi tưởng tượng chăng?… Dường như ông cảm động vì tiếng “A” vui mừng của tôi. Tôi có là gì của ông đâu. Ông có tới mười một người con và một đống cháu. Hết thảy mấy chục mạng ra vào thăm nom. Ông thiếu gì những “ Ôi! A!” như thế. Thế mà, thêm một tiếng “A” của người dưng cũng không thừa. Ông cười. Rõ ràng là ông cười.    
Sáu ngày sau
“Đồng hồ chỉ đúng một giờ ba mươi phút khi cụ đi. Chết trên tay con trai” Chị tôi tóm tắt tin đêm trước. Tôi khẽ liếc bố, thấy mặt ông tỉnh tỉnh. Chợt nhớ mùi cháo chiều qua. Nhiều hành, rất thơm. Bà y tá già lúc vào phòng phát thuốc cũng công nhận vậy.
Tôi chỉ cái giường trống, “Có dám nằm không?”. Chị tôi cười, “Sợ gì!”. Nhưng sau đấy chị lại trải chiếu nằm ạch ra sàn ngay dưới chân giường bố. Phía trên chỗ chị nằm là khung cửa sổ nhìn xuống sân trước bệnh viện. Ở đấy có nhiều đốm trắng bay. Không hiểu sao tôi lại nghĩ ông cụ chưa đi xa. Ông vừa nhập bọn vào đàn bướm hồn nhiên kia. Chúng có vẻ hân hoan lắm. Chúng làm người ngắm chúng vui lây. Tôi muốn rủ bố tôi cùng ngắm cảnh tượng này, nhưng ông đã quay mặt vào tường. Tôi hôn bố và chờ ông thức dậy.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...