Nhật Bản là một nền văn minh thú
vị và giàu bản sắc. Trong từng câu nói tưởng chừng đơn giản hàng ngày
của người Nhật vẫn chứa đựng những giá trị truyền thống rất sâu sắc.
Một nền văn hóa trọng sự hòa ái
Ví như để kết thúc một cuộc giao tiếp,
người Nhật nói: Yoroshiku onegaishimasu (宜しくお願いします), thường được hiểu là
“xin nhờ giúp đỡ”, nhưng nội hàm sâu sắc hơn của câu nói này có thể
được giải thích từ chữ tượng hình truyền thống. Chữ Nghi (宜) có nghĩa là
hòa thuận, còn chữ Nguyện (願) có nghĩa là mong muốn. Vậy nên
“宜しくお願いします” dịch sát nghĩa là mong muốn hòa hợp, muốn hợp tác, tức là
người Nhật rất coi trọng tinh thần hòa hợp trong tập thể.
“Hòa hợp” còn được thể hiện trong nền ẩm
thực đặc sắc của người Nhật. “Hòa thực” (和食) – hay nghệ thuật ẩm thực
Washoku của Nhật Bản đã được UNESCO công nhân là Di sản văn hóa phi vật
thể đại diện của nhân loại vào ngày 4/12/2003. Washoku sử dụng nguyên
liệu thiên nhiên một cách bền vững, theo nguyên tắc tôn trọng thiên
nhiên, gồm những món ăn truyền thống với nguyên liệu được lựa chọn theo
mùa, như: gạo, cá, rau… với việc nêm nếm gia vị và kết hợp hương vị hài
hòa, bất cứ ai cũng có thể ăn và cảm nhận.
Nhắc tới ẩm thực Nhật Bản, không thể
không nói tới trà đạo. Tinh thần của trà đạo Nhật thể hiện qua 4 chữ :
Hòa – Kính – Thanh – Tịch. “Hòa” chính là là bình hòa, cân bằng. “Kính”
là tôn trọng người trên, tri ân cuộc sống. “Thanh” là thanh tịnh, thanh
khiết. “Tịch” là tĩnh lặng mang đến cho con người cảm giác an hòa.
Không chỉ trong lời nói, miếng ăn, người
Nhật còn mang sự hòa hợp vào trong trang phục của mình. Những bộ lễ phục
Kimono của Nhật Bản còn gọi là Hòa phục (和服). Vào triều đại Heian (794 –
1192), một công nghệ làm kimono mới đã được phát triển. Đây là phương
pháp straight-line-cut (cắt đường thẳng), yêu cầu cắt các mảnh vải theo
đường thẳng và khâu chúng lại với nhau. Những bộ kimono làm theo phương
pháp này phù hợp với hình dáng cơ thể khác nhau, hơn nữa nó còn dễ gấp
và phù hợp với các loại thời tiết. Chúng được mặc ở bên trong để tạo sự
ấm áp trong mùa đông. Còn kimono làm từ những loại vải mát như lanh rất
thích hợp cho mùa hè.
Một chữ Hòa khác xuất hiện nhiều lần
trong các niên hiệu của hoàng gia Nhật bản, từ thời Asuka (538 – 710)
đến nay, nước Nhật đã trải qua 248 niên hiệu, trong đó có 19 niên hiệu
có chữ “hòa”. Mới đây nhất, niên hiệu mới đánh dấu thời kỳ trị vì mới
của Nhật Hoàng bắt đầu từ ngày 1/5/2019 là Lệnh Hòa (Reiwa – 令和). Niên
hiệu mang nghĩa “sự hòa hợp tốt lành”. Một vài ví dụ trước thời Lệnh Hòa
là: Chiêu Hòa – Showa (昭和) từ 1926-1989 nghĩa là hướng tới sự hòa hợp,
Hưởng Hòa – Kyowa (享和) từ 1801-1804 nghĩa là tận hưởng hòa bình, hòa
hợp…
Từ những ví dụ trên có thể thấy người Nhật coi trọng sự hòa hợp, hài hòa.
“Hòa” trong văn hóa truyền thống phương Đông
Người Nhật chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn
hóa Trung Hoa, thậm chí họ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền
thống hơn cả cái nôi của tam giáo là Trung Quốc. Thế nên người Nhật quan
niệm làm việc gì mà đi đến cực đoan là không tốt, mọi thứ nên giữ ở mức
độ bình hòa. Vậy hiểu thế nào về chữ “hòa” trong văn hóa truyền thống?
Theo Khang Hy tự điển, hòa (和) nghĩa ban
đầu là một loại nhạc cụ cổ (龢) có lẽ phản ánh sự hài hòa của âm thanh do
nhạc cụ đó phát ra, sau này nghĩa chuyển có nghĩa là hòa thuận, hài
hòa, không cứng nhắc không mềm yếu.
Trong các triều đại nối tiếp nhau suốt
chiều dài lịch sử của vùng đất Trung Nguyên, triều nhà Đường được xem là
giai đoạn hưng thịnh nhất. Tất cả những lĩnh vực như tư tưởng văn hóa,
tiềm lực quốc gia, an ninh biên cương hầu như đều đạt đến đỉnh cao thịnh
vượng. Điều này không thể tách khỏi khí độ khoan dung bao hàm mọi thứ,
hoà hợp mọi mặt của văn hóa Đại Đường.
Sau khi Đường Thái Tông đánh bại Đột
Quyết, ông không truy cùng diệt tận mà khoan hồng rồi tin dùng hơn 100
tướng lĩnh đầu hàng của quân Đột Quyết. Sau đó các thủ lĩnh dân tộc Tây
Bắc này xưng tụng Đường Thái Tông là “Thiên Khả Hãn” (vua của người Đột
Quyết).
Thổ Phiên (dân tộc Tạng ngày nay) từng là
một trong những dân tộc du mục hung hăng hiếu chiến. Sau vài lần triều
Đường chiến thắng Thổ Phiên, nhà vua cử công chúa Văn Thành đi kết thân
với họ. Công chúa Văn Thành truyền bá nông nghiệp và Phật giáo tới Thổ
Phiên, khiến cho trong suốt mấy chục năm sau đó, Thổ Phiên và Đại Đường
chung sống hòa hợp.
Chính sách khoan hồng của triều Đường
thực sự đã giúp thu phục nhân tâm, từ đó làm nền tảng để Đại Đường có
thể thu phục được bốn bể. Thời kỳ này, Tam giáo Nho – Thích – Đạo đồng
thời tồn tại mà không xảy ra xung đột. Từ sự khoan dung, hòa hợp tư
tưởng này đã làm nên một nền văn hóa đặc sắc, đồ sộ trong thời kỳ ấy với
những tinh anh văn hoá: Lý – Đỗ [1], sơ Đường tứ kiệt [2]…
Từ chữ “hòa” trong quá khứ nghĩ tới hiện tại
Người xưa thuận theo nhịp điệu của tự
nhiên để sản xuất. Một năm bốn mùa, mùa xuân vạn vật sinh sôi nảy nở,
thích hợp cho nhà nông cày cấy. Mùa hạ là mùa tăng trưởng vươn mình
nhanh chóng. Mùa thu thu hoạch. Mùa đông không thích hợp cho hoạt động
nên phải bảo dưỡng tốt.
Dưỡng thân và tâm cũng cần sự cân bằng,
hòa hợp với quy luật của tự nhiên. Ví như, buổi sáng như mùa xuân phải
dậy sớm để bản thân có sức sống. Khoảng buổi trưa trong ngày như mùa hạ,
hoạt động thịnh vượng. Lúc chiều tối giống như mùa thu, hoạt động thu
lại. Buổi tối như mùa đông, con người cần ngủ nghỉ, bảo dưỡng tinh thần
và thể lực để chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Trong tác phẩm Trung Dung, đoạn đầu có đề cập về “Trung” và “Hòa” như sau:
“… Mừng, giận, buồn, vui lúc chưa phát ra
gọi là Trung. Phát ra mà phù hợp tiết độ gọi là Hòa. Trung là gốc lớn
của Thiên địa, Hòa là chỗ đạt đến Đạo của thiên hạ. Đạt đến cảnh giới
Trung và Hòa thì mọi vật trong Trời Đất đều ở đúng ngôi thứ, muôn vật
trong Đất Trời đều được sinh sôi nảy nở”.
“Phát ra mà phù hợp tiết độ gọi là Hòa”
có nghĩa là con người có các cảm xúc như mừng, giận, buồn, vui nhưng
không được thái quá, nên giữ cảm xúc ở vị trí cân bằng.
Xã hội hiện đại thứ gì cũng nhanh nhanh
chóng chóng, làm cảm xúc con người cũng không ngừng dao động theo. Làm
việc cũng gấp gáp cho xong, suy nghĩ quá nhanh dễ đưa ra quyết định sai
lầm, nói quá nhanh trong khi chưa suy xét kỹ lưỡng thì dễ lỡ lời, chạy
xe cũng mong chạy cho nhanh dễ dẫn đến sự việc đáng tiếc, âm nhạc điện
tử tiết tấu nhanh mạnh làm căng thẳng thần kinh… những điều nhanh chóng
ấy làm cơ thể ta căng thẳng thiếu hài hòa. Lúc này, tâm trí cần một
khoảng thời gian để hòa hoãn, giữ tâm thái bình ổn trong những xung đột.
Chữ “hòa” khi này mới thật giá trị.
Con người là một thành phần nhỏ bé giữa
đất trời rộng lớn, do vậy muốn sinh tồn và phát triển được thì phải hòa
hợp với tự nhiên. Giống như Lão Tử từng giảng: “Người thuận theo Đất,
Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên” vậy.
Ghi chú:
[1] Lý Đỗ: Lý Bạch, Đỗ Phủ.
[2] Sơ Đường tứ kiệt: 4 nhà thơ nổi tiếng sinh ra vào đầu đời Đường là Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân và Lạc Tân Vương.
Văn hoá Nhật Bản rất đặc sắc
Trả lờiXóa