Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

BÌNH HAY LOẠN- Trương Đình Phượng

Truyện Trương Đình Phượng
(Câu chuyện về con rái cá ở sông Hồng)
Nguyễn Hữu ngồi bên sông Nhuệ câu cá. Sáng đến chiều không câu được con nào. Nhưng miệng gã cứ nghêu ngao hát, chốc chốc lại giơ bầu rượu tu một hớp, cười ha hả coi bộ sảng khoái lắm.
Có mụ đàn bà mỗi ngày hai lần ra sông giặt áo, thấy Hữu, tò mò hỏi:
– Này ông đang câu gì đấy?
Hữu cười ha hả:
– Câu cá chứ còn câu gì nữa.
Mụ đàn bà nói:
– Sao tôi thấy ông chả giống người câu cá tý nào cả. Người ta không câu được cá thì mặt nhăn mày nhó đằng này ông lại cứ cười hát tỉnh bơ.
Hữu đáp:
– À có gì lạ đâu người ta câu cá sông còn tôi câu cá tâm. Câu tâm thì không thể nóng vội, có khi câu cả đời cũng chưa được cơ mà.
Mụ đàn bà cho là Hữu bị bệnh thần kinh nên không thèm nói nữa.
Mùa mưa đến bến sông nước dâng cuồn cuộn, Hữu vẫn ra sông câu. Hôm ấy, thái úy Trần Thủ Độ ngang qua bến sông, vì mưa gió dữ quá đành bảo lính cho thuyền ghé vào bờ. Thấy có kẻ bất chấp mưa gió đội nón tơi ngồi buông cần, Độ cho là chuyện quái liền tiến lại hỏi:
– Ngươi không thấy trời đang cơn cuồng nộ sao mà còn ngồi câu cá?
Hữu cười:
– Trời dông tố có nhằm nhò gì so với xã hội đang đảo điên, thưa ngài.
Độ cau mày nghiêm giọng hỏi:
– Ý nhà ngươi là sao hả? Ngươi biết ta là ai không?
Hữu khẳng khái đáp:
– Nhìn cờ hiệu trên thuyền tôi đã biết ngài là ai rồi. Lại tu hớp rượu rồi tiếp. Chẳng lẽ mắt ngài sinh ra chỉ để nhìn thấy thái bình thịnh vượng thôi sao. Ngài có biết gần đây đời sống dân chúng thế nào chăng?
Độ vuốt râu:
– Vua hiền tôi trung, nhân dân bốn cõi vui vẻ hòa thuận sống trong ơn mưa móc.
Hữu cười như điên dại, nước mắt ràn rụa:
– Than ôi, kẻ ngồi trên kiệu nhung võng tía đi qua cầu không thể thấy sông sâu đang đục ngầu bùn, kẻ ở lầu cao gác tía hai con mắt chẳng bao giờ nhìn thấy nỗi khổ của những kẻ nơi chốn bần hàn lều tranh mái rạ. Đúng lắm thay, đắng chát lắm thay. Ngài có biết gần đây khắp các địa phương bọn tham quan ô lại đang ngày ngày giao thương với giặc phương Bắc hay chăng. Chúng bán đất cho giặc lập đồn ấp sản xuất các loại vũ khí, mua độc dược về điều chế thành thực phẩm bán rẻ cho dân chúng. Bao nhiêu người nghèo khổ chết mòn chết dần vì bệnh tật, gởi đơn cầu cứu nhưng nào có thấu đến tai các bậc ở kinh thành. Cứ tình hình này rồi đây Hoàng Thượng chỉ còn cai quản một đất nước đầy xương trắng mà thôi.
Độ nghe vậy giật nẩy mình, hốt hoảng hỏi
– Tiên sinh đang nói giỡn ta chăng?
Hữu nói:
– Ta nói giỡn ngài để làm gì, chả nhẽ ta không biết tiếc cái mạng hèn của mình hay sao? Giọng Hữu buồn thảm. Ngày ngày ta ra đây ngồi nào có phải câu cá đâu, mà đang đau đớn suy nghĩ về vận mệnh non sông. Ta muốn dâng tấu sớ lên Hoàng Thượng, tẩy rửa nền chính trị đất nước này. Cần phải trừ khử bọn sâu mọt hại dân hại nước thì mới có cơ hội phát triển lâu bền được.
Độ nói:
– Vậy tại sao ngươi không dâng tâu sớ sớm cho Hoàng Thượng?
Hữu nói:
– Nào có dễ đâu thưa ngài, đơn từ hiện nay trăm khâu ngàn mối, muốn dâng tấu sớ lên triều đình phải trải qua bao nhiêu cửa, có khi chưa đến được tay người có thẩm quyền thì cái mạng hèn của tôi và dân chúng đã hóa thành tro bụi.
Độ đứng im lặng nhìn dòng nước sông điên cuồng gào rú, mây trời âm u như ngày tận thế. Mưa lại rơi, gió rít từng hồi, lá cờ trên thuyền vật vã như chực rách, chiếc nón trên đầu Hữu đã bị gió thổi lật, hiện ra một khuôn mặt đầy nét suy tư.
Lời Hữu hòa theo gió, như tiếng ai oán của trăm vạn bách tính trong thiên hạ:
-Làm quan cốt lấy dân làm gốc, dân ấm no thì đất nước mới cường thịnh. Hiện giờ chốn triều ca thì vua tôi vui say hưởng thú, lúc nào cũng nghĩ rằng non sông đang yên bình an lạc mà thực ra thì có khác gì biển ngầm ẩn sóng, bão dựng ngoài khơi. Các chốn địa phương thì quan viên bao che cho nhau hà hiếp dân chúng, thẳng tay vắt mỡ chắt dầu. Tháng tháng tấu sớ về kinh toàn báo cáo ấp này được mùa, ấp kia buôn may bán đắt, chỗ này dân chúng được đến trường học hành tử tế, chốn nọ bệnh xá khang trang con bệnh được lương y chăm bẳm như người nhà… Than ôi, ngài Thái Uý hãy thử một phen làm kẻ thường dân tìm đến bệnh xá mà xem, bọn lang trung chúng đối xử với con bệnh còn tồi tệ hơn phường mổ chó đối xử với chó. Hễ có tiền đút thì chúng bố thí vài thang thuốc, băng bó vài miếng vải thơm, ngược lại đến thuốc mốc vải ố chúng còn cắt xén.
Độ càng nghe máu nóng càng xông lên đỉnh đầu, giữa cơn mưa gió mà người như có lửa nung, gầm lên một tiếng, thét lớn:
-Lẽ nào những điều nhà người nói đều là sự thật đang diễn ra trên non sông này ư?
Hữu nói:
-Nếu ta có, dù chỉ nửa câu bịa đặt, thì xin trời giáng sấm sét mà tiêu hủy mạng này đi.
Độ bất ngờ quỳ xuống trước mặt Hữu vái hai vái mà rằng:
– Cảm tạ ngươi đã mở mắt cho ta.
Hữu vẫn ngồi im, bình thản nói:
– Tôi hi vọng với tài trí và lòng yêu dân như con, ngài sẽ đem đến cho đất nước thanh bình tự do thực sự chứ không phải là hình sương bóng khói.
Độ nói:
– Lời tiên sinh cũng chính là tâm tư của Độ này.
Độ đỡ Hữu đứng dậy, hai người ôm chặt nhau cười sảng khoái giữa cơn mưa tầm tã.
Sau đó Hữu được Độ mời về kinh, Hữu trở thành quan khâm sai chuyên tiêu trừ bọn tham quan ô lại. Từ bấy giờ, từ kinh thành đến thôn quê những tên hôn quan nghe tên Hữu là vỡ mật. Nhờ thế nạn tham nhũng được khống chế, tiếng than oán trong dân vắng dần. Hữu lại cho người đến các bệnh xá tiêu trừ hết thuốc mốc vải ố, cấp phát thêm giường cho bệnh nhân, lọc trừ bọn lang trung mặt người lốt thú.
Năm 1264 Độ chết, cùng năm đó Hữu bị chính bọn tham quan thuê người ám sát ngay giữa kinh thành.
Giết Hữu xong, bọn sát thủ âm thầm đưa xác Hữu ra sông Hồng thủ tiêu. Nghe nói lúc cái xác vừa bị quăng xuống mặt sông, đột nhiên sóng nổi dữ dội, nước sôi lên sùng sục như đun. Nước lặng cái xác biến mất. Bọn sát thủ nhìn thấy một con rái cá trồi lên, quẫy một cái thật mạnh rồi nương theo dòng nước mà trôi đi mất.
Ít lâu sau những kẻ tham gia ám sát Hữu bỗng phát điên, kẻ thì treo cổ tự sát, kẻ thì dùng gươm đâm vào bối tâm mà chết…
Bọn quan viên trong triều thầm rỉ tai nhau, chắc là oan hồn Hữu không siêu thoát nên về báo oán, tuy chúng có phần sợ hãi nhưng vẫn không buông bỏ thói tàn dân hại nước.
Năm 1268 một buổi sáng mùa thu, khí trời se sắt,  trên đường kinh thành Thăng Long bỗng xuất hiện một tay thầy tướng, tay cầm phướng vừa đi vừa rao: Gieo quẻ xem vận nước/ bốc mu đoán việc nhà.
Bốn bên lặng như mồ, chẳng ai thèm quan tâm.
Lại rao: Xem quẻ kiết hung/ Non sông còn mất.
Một vài nhà hé cửa nhìn ra, một vài kẻ đi đường tò mò ngoái lại, rồi tất thảy lại đâu vào đó. Tay thầy tướng vẫn không nản.
Lại rao: Này những kẻ tàn dân hại nước/ Đến đây ta gieo chước thần tiên/ Túi tham cởi lỏng hơi tiền/ Buông đao đồ tể tới miền thảnh thơi.
Đến đây thì một số tiếng xì xầm bàn tán nổi lên.
Kẻ nói:
-Lão này điên.
Kẻ nói:
-Tên này chán sống, dám vuốt dái các quan.
Lại có kẻ cười nói:
-Rõ anh chàng dớ dẩn học đòi thánh nhân đây mà.
Gã thầy số đã tiến lại sát cổng cấm Thành, càng rao lớn hơn. Hoàng thượng đà say giấc/ Dân khốn khổ mặc dân/ Triều ca như gỗ mục/ Quan như sâu đục thân.
Mỗi tiếng rao của tay thầy số tuy ngôn từ thô kệch nhưng ý nghĩa sâu xa, câu nào câu nấy như cố tình ám chỉ rằng triều đình đang hồi mối mọt, non nước đang độ điêu tàn.
Mấy tay lính canh cổng thành nghe tay thầy số rao liền chạy vào bẩm báo lên gã Vệ Uý. Tay này chạy ngay ra, nghe xong mặt tím tái hốt hoảng chạy vào bẩm báo lên nhà vua, lúc đó Trần Thánh Tông đang cùng phi tần thưởng hoa nơi ngự uyển, nhác trông lên thấy tay Vệ Uý mồ hôi nhễ nhại, mồm thở dốc nói không ra hơi, liền nghiêm giọng:
-Có chuyện gì, mau bẩm ta rõ.
Tay Vệ Uý quỳ xuống tâu lên sự việc. Trần Thánh Tông mặt rồng hừng hực lửa, thét lớn:
-Nhà ngươi mau ra lôi gã thầy tướng vào đây để ta xem gan của nó lớn cỡ nào mà dám rêu rao những lời xằng bậy phạm thượng như thế.
Tay Vệ Uý chẳng chờ nhà vua nói dứt đã vùng dậy, vâng dạ rồi lao luôn ra ngoài. Thật may là tay thầy tướng chưa đi. Tay Vệ Uý lớn giọng ra lệnh cho bọn lính canh cổng thành:
-Bây đâu, mau tóm tên to gan lớn mật kia điệu vào cho Hoàng Thượng xử tội.
Bon lính dạ ran, lao ngay lại, lôi gã thầy tướng số như lôi con lợn đã bị trói chặt bốn chân.
Vào đến nơi, Thánh Tông ra lệnh cho phi tần lui ra, chỉ để lại bọn lính, thị nữ và tên Vệ Uý.
Tay thầy tướng nhìn thấy nhà vua nhưng vẫn cứ đứng chứ không chịu quỳ.
Nhà vua nhìn qua hình dáng, thấy hắn tai thỏ mặt gấu, thầm nghĩ “hẳn là kẻ kiệt liệt chứ chẳng thường đâu”. Nhà vua nhấp ngụm mỹ trà rồi hỏi:
-Ngươi là thầy tướng số?
Hẳn dửng dưng đáp:
-Cái đó ngài nhìn là biết, đâu cần hỏi.
Nhà vua nén giận hỏi tiếp:
-Phải chăng ngươi tự tin cho rằng mình có tài xem quẻ kiết hung cho non sông này?
Hắn vẫn dửng dưng đáp:
-Không phải là tự tin cho rằng mà là chắc chắn, thưa ngài.
Nhà vua bắt đầu cảm thấy tay thầy tướng số này thú vị, không còn tỏ ra vị thứ vua dân mà lấy đạo chủ khách đối đãi, lệnh cho bọn cung nữ dâng trà, dịu giọng nói:
-Nếu quả tiên sinh có kế sách gì giúp ta cải tạo đất nước thì xin hãy trình bày cho ta được mở mang tầm mắt. Xin mời tiên sinh ngồi.
Tay thầy số chẳng khách sáo ngồi luôn xuống, mồm miệng thao thao:
-Đạo làm vua có ba việc nên làm và ba việc không nên làm, không rõ ngài đã biết hay chưa?
Nhà vua nói:
-Xin rửa tai lắng nghe.
Tay thầy số nói:
-Ba việc nên làm là: tiêu trừ tham nhũng từ trong triều ca đến tận chốn nhân gian, trừng trị tham quan bất kể hoàng thân quốc thích, trọng dụng nhân tài không kể hèn sang.
Thương dân như con, dân đứt tay thì coi như mình rồng chảy máu, dân đói khát thì coi như dạ rồng khô hạn, dân bệnh tật thì coi như long thể tổn thương.
Xem vận nước là trọng, chẳng vì sợ hãi mà xem giặc ngoại bang là bằng hữu chi giao, xem mỗi ý kiến của dân chúng cũng là mưu chước của mưu sĩ.
Ba việc không nên làm là: bao che cho hoàng thân quốc thích hà hiếp bá tánh, nghe lời xiểm nịnh bùi tai của lũ cẩu quan mà ruồng rẫy giết hại trung thần.
Xem dân là công cụ để thể hiện quyền uy, xem dân là phường hèn hạ còn mình là đấng chí tôn.
Che đẩy sai lầm của bản thân, xem lời cuả bậc trung lương là gió thoảng qua tai.
Chỉ cần ngài thực hiện được ba việc nên và không nên ấy thì ngôi vị của ngài mới bền lâu, non sông này mới phát triển được. Nhược bằng ngài cứ u u mê mê để cho bọn gian thần lộng hành, lấy miệng cú mồm hâu che mắt thì sớm muộn gì non sông này cũng thành chốn hoang tàn mà thôi.
Nhà vua nghe tay thầy số nói, mặt rồng liên tục biến đổi từ tức giận sang bình hòa, lại từ bình hòa sang tức tối. Khi tay thầy số dứt lời, nhà vua vỗ bàn thét:
-Gớm ghê thay miệng lưỡi phường giang hồ, hẳn rằng trong mắt ngươi trẫm chẳng bằng một đứa trẻ hay sao?
Tay thầy số bình tĩnh đáp:
-Thưa ngài, ngay khi quyết định làm việc này ta đã xem cái mạng hèn của ta nhẹ tựa lông hồng. Làm người ai chẳng một lần phải chết, miễn sao sống không thẹn với lòng. Thân nam tử đứng trong trời đất há lại vì kiếp sống thừa mà bịt mắt đâm tai mặc non sông bị hà hiếp hay sao?
Tất cả những gì ta nói chính là lời gan ruột, ngài nghe nghịch tai mà trừng trị ta, ta cũng chẳng oán thán gì. Ngài ở ngôi chí tôn, ta là phường giang hồ, lời dù hay cũng chẳng thấu tai rồng vậy.
Nói rồi tự cầm ấm rót trà bưng chén lên uống, khà một tiếng, khen:
-Đúng là mỹ trà. Trước khi chết được cùng nhà vua ngồi thưởng trà xem ra cái mạng ta cũng đáng giá lắm thay.
Rồi cười ha hả, nước mắt tuôn đầy má.
Ngẩng đầu nhìn những đám mây trôi vô hướng trên khung trời, hắn cất giọng u uẩn ca rằng:
-Non non nước nước nhà nhà
Đã đau đến tận tiếng gà cũng đau
Trời cao sông rộng ngàn lau
Một mai xương trắng nhuộm màu tà huy
Muôn dân sống phận gối quỳ
Biết tìm đâu kẻ dám vì nước non.
Ca dứt, nhìn nhà vua, hỏi:
-Bài ca ta vừa hát ngài nghe có cảm thấy buồn chăng?
Nhà vua đáp:
-Bài ca thật não nề.
Thời gian âm thầm lướt qua. Nhà vua ngồi trầm tư suy ngẫm. Tay thầy tướng nét mặt đầy dửng dưng, vẫn một tay châm trà một tay bưng trà lên uống chẳng khác gì một kẻ tao nhân đang hưởng thú thanh nhàn.
Trời vào trưa, nắng chan hòa cây lá, vườn ngự uyển muôn hoa tỏa hương hòa theo gió tạo nên khung cảnh vô cùng thanh nhã. Nhà vua im lặng, bọn thị vệ cung nữ cũng đứng đờ như tượng, chẳng kẻ nào dám nhúc nhích. Tay thầy tướng đưa tay nhón một miếng Như Ý Bính cho vào miệng nhai, còn khen lấy khen để:
-Quả nhiên là loại bánh danh bất hư truyền chỉ vua chúa mới được dùng, còn dân đen như ta sống một đời cũng chẳng có cơ hội nhìn thấy, nói gì đến chuyện thưởng thức. Hôm nay ta được ăn, âu cũng là diễm phúc lắm thay.
Như Ý Bính này được làm từ bột bình tinh, sảy sương qua nhiều đêm được ướp hoa bưởi, ăn vào vừa có cảm giác ngọt dịu vừa thanh mát, chà chà để ta làm thêm miếng nữa, có chết cũng là con ma no vậy.
Vừa nói vừa đưa tay lấy thêm miếng bánh nữa. Trước nay chưa từng có kẻ nào kể cả quan nhất phẩm đại thần dám ngồi trước mặt vua mà bình phẩm về đồ ăn thức uống của  vua chứ chưa nói gì đến việc khen chê, thế mà tay tướng số lại dám nói những lời rất chi phạm thượng ấy, khiến bọn thị vệ và cung nữ đứa nào đứa nấy bức sốt cả lên, phần lo nhà vua nổi giận ra lệnh giết tên thầy tướng, phần lo thân mình cũng bị vạ lây, muốn lên tiếng bảo tay thầy tướng im miệng nhưng lại chẳng dám mở mồm.
Tay thầy số vẫn thao thao:
-Hoàng thượng muốn ngồi ngôi cao yên yên ổn ổn mà thưởng thức muôn trân vạn thức là nhờ vào đời sống nhân dân hòa bình thịnh vượng, non sông không lởn vởn bóng ngoại bang. Có lẽ đâu kẻ làm vua mà một việc như thế lại không thấu rõ. Than ôi, xưa nay chỉ thấy dân chết vì vua chứ nào đã thấy quan vì vua mà chết, vậy mà vua chỉ xem quan là tay là áo mà xem dân là cứt là đái, bi ai lắm thay, chua chát lắm thay.
Sau một hồi lâu suy nghĩ, nhà vua như kẻ từ cơn mơ sực tỉnh, đổi giọng hòa nhã mà rằng:
-Nãy giờ lời của tiên sinh quả đã mở mắt cho ta rất nhiều.
Tay thầy tướng số nghe nhà vua nói vậy lòng mừng khôn xiết, bụng bảo dạ: Thật may nhà vua không phải loại hôn quân, ta đi chuyến này thật không uổng công vậy.
Liền quỳ xuống dập đầu mà rằng:
-Cảm tạ ngài đã thấu tỏ những lời gan ruột của ta. Bây giờ ngài có thể ra lệnh bằm ta thành ngàn vạn mảnh ta cũng cam tâm.
Nhà vua cả cười:
-Ngươi an tâm, ta sẽ không làm gì tổn hại đến ngươi. Nếu như ngươi đã là kẻ vì dân vì nước hay là hãy ở lại trong cung ngày ngày hiến mưu bày kế, giúp ta gây dựng non sông thành một đất nước cường thịnh có được chăng?
Tay thầy số gạt đi mà rằng:
-Xin ngài thứ cho, ta khó mà tuân mệnh. Ta chỉ thích làm kẻ lưu lãng sông hồ, không ưa gì cân đai áo mão. Nếu ngài đã không xử trí cái mạng hèn này thì xin được bái biệt.
Nhà vua níu giữ hai ba lượt nữa, tay thầy số vẫn khăng khăng từ chối. Vua bèn lệnh cho thái giám đem ban cho tay thầy số hai trăm lượng bạc trắng. Tay thầy số nhất quyết không nhận, vua chẳng còn cách nào khác đành truyền bọn lính đưa tay thầy số rời cung.
Từ sau cuộc gặp gỡ ấy, Trần Thánh Tông trở thành vị vua nhân từ độ lượng, hết lòng chăm lo việc nước. Đối nội, vua khuyến khích khai khẩn đất hoang, mở mang điền trang thái ấp bằng cách chiêu tập những người nghèo đói lưu linh khắp nơi, giúp trăm họ an cư lạc nghiệp…
Năm 1270, một hôm nhà vua đang cùng các cận thần ngao du sông Hồng bỗng dưng sông nổi sóng, rồi một con rái cá khổng lồ trồi lên, bơi sát thuyền rồng. Bọn lính vội vàng dùng gươm giáo thi nhau chém xuống nước, cố giết con rái cá. Trong chốc lát, máu nhuộm đỏ nước sông, con rái cá đã bị chém nát như tương.
Người ta kể rằng từ đó, vào những ngày mưa gió, bên bờ sông Hồng thường xuất hiện hình ảnh một người đang ngồi buông cần câu cá. Mỗi khi ánh chớp lóe lên, người đó lại biến hình thành một con rái cá.
Năm 1278, Trần Thánh Tông băng hà, từ đó hình ảnh người câu cá bên sông Hồng vào những ngày mưa gió cũng đột nhiên biến mất…
(Trích Đại Nam thần quái truyện)

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...