Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

CHUYỆN Ở NHẬT *

 

Năm ngoái, tôi có dịp tham gia một diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ở TP Osaka (Nhật Bản). Điều đáng nhớ không phải là món cá nóc ăn theo kiểu sashimi danh bất hư truyền mà là cuộc tiếp xúc gần gũi với một nhà giáo tóc đã hoa râm, sống tại thành phố này.
Tiếng Nhật của tôi vẻn vẹn chỉ có từ arigato (cảm ơn) nên tôi và ông giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Anh. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tên ông là Yamamota và ông nói tiếng Anh khá giỏi, xét ở cái tuổi cao niên như vậy. Ông từng đôi ba lần đến Việt Nam nên chúng tôi thân thiết ngay từ lúc đầu gặp mặt. Vì phải ở lại dăm ba tuần sau buổi gặp các doanh nghiệp Nhật nên tình cảm giữa chúng tôi càng gắn kết, thậm chí ông còn tặng tôi một cái huy hiệu nhà giáo gắn vào áo vest tôi mặc hàng ngày.
Tôi rất cảm kích và sực nhớ đến ngày 20-11 ở Việt Nam nên hỏi ông, ngày nhà giáo ở Nhật Bản có phải là ngày nghỉ và được tổ chức như thế nào. Ông tròn mắt nhìn tôi và đáp, ở Nhật Bản không có ngày lễ nào dành cho các nhà giáo. Nghe câu trả lời của ông, tôi bán tin bán nghi, không biết ông nói đùa hay nói thật và trộm nghĩ: “Tại sao một đất nước có nền kinh tế, có trình độ khoa học và công nghệ phát triển cao như vậy mà lại không có ngày tôn vinh các nhà giáo, tôn vinh sự đóng góp của họ như vậy?”
Một lần, sau giờ dạy ở trường, ông Yamamota có nhã ý mời tôi về nhà chơi, một dấu hiệu cho thấy sự tin cậy của người Nhật với một vị khách lạ (thường người Nhật sống khép kín, ít khi mời ai tới nhà). Nhà ông Yamamota sống cách xa trường nên chúng tôi quyết định đi bằng xe điện ngầm. Vào giờ cao điểm nên các toa xe đông chật cứng. Khi vào được bên trong, tôi bám lấy thanh ngang trên tàu để giữ mình tránh va chạm với các hành khách khác.
Bỗng nhiên, một cụ già ngồi kế bên đứng dậy nhường ghế cho tôi. Không hiểu thái độ kính trọng của người đàn ông cao tuổi, tôi nhất quyết từ chối lời mời, song do ông bày tỏ sự thiết tha nhiều lần nên tôi buộc phải ngồi xuống. Sau khi bước ra ngoài, tôi có hỏi ông Yamamota về hành động đó, ông mỉm cười chỉ vào cái huy hiệu tôi đeo trên áo, nói: “Ông già đó nhìn thấy cái huy hiệu giáo viên của anh và vì sự kính trọng với nghề nghiệp của anh nên đã nhường chỗ ngồi cho anh”.
Tôi tròn xoe mắt vì nhiều cái lạ ở đất nước có cách hành xử hết sức nhân văn với con người và thiên nhiên, mà không nơi đâu có được. Và tất nhiên, vì lần đầu đến thăm nhà thầy giáo Yamamota nên không thể đến bằng tay không, cần mua một món quà gì đấy. Tôi chia sẻ ý nghĩ ấy với ông Yamamoto và được ông nhất trí ủng hộ. Ông nói phía trước có một cửa hàng dành cho giáo viên, nơi có thể mua hàng với giá rẻ hơn các nơi khác.
Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Thưa ông, ông nói là cửa hàng có giá ưu đãi dành cho giáo viên?” Gật đầu khẳng định, ông Yamamota nói: “Ở Nhật Bản, nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất, nghề được kính trọng nhất. Các doanh nghiệp Nhật rất vui mừng khi các nhà giáo đến cửa hàng của họ, vì họ coi đó là vinh dự lớn nhất cho bản thân”.
Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại Nhật Bản, tôi đã chứng kiến không ít lần người dân nơi đây tỏ lòng thành kính với những người theo nghiệp phấn trắng, bảng đen. Trên tàu điện ngầm có chỗ ngồi dành riêng, ở mọi nơi có cửa hàng riêng, giáo viên không phải đứng xếp hàng khi chờ các phương tiện giao thông công cộng…
Như thế, nhà giáo Nhật đâu cần một ngày dành riêng cho họ nữa, vì đơn giản ngày nào trong đời cũng dường như là ngày lễ với họ!
Kể lại câu chuyện ngắn này, tôi hy vọng rồi một ngày nào đó trong xã hội chúng ta, nhà giáo có thể tự hào với thiên chức của mình!

Đỗ Biên Quốc
Le Van Quy st

* Tựa do người post bài tạm đặt

Xem Thêm  1./
 
 2./ 
 

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...