Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

10 cách để tăng cường trí nhớ của bạn

Theo các chuyên gia, nhiều người mắc chứng hay quên, nó thực ra là bình thường và không hoàn toàn do tuổi tác. 

Các chuyên gia chỉ ra rằng, chứng hay quên không nhất thiết phải liên quan đến tuổi tác và hầu hết chúng đều có thể được cải thiện. Hãy ghi nhớ mười biện pháp dưới đây, để não bộ có thể ghi nhớ tốt hơn về sau.

-Muốn có “cái đầu tốt” thì trước hết cơ thể bạn phải “khỏe”:
-Ăn uống có thể cải thiện trí nhớ
-Siêng năng luyện tập trí óc 
-Tập trung vào một việc duy nhất
-Rèn luyện khả năng quan sát
-Viết mọi thứ cần làm ra giấy
-Liên tưởng hình ảnh và ý nghĩa
-Thực hành phương pháp đọc thông tin
-Nếu thực sự không thể nhớ, hãy thư giãn 
-Đọc trước khi đi ngủ

Có thể bạn không dám thừa nhận, nhưng gần đây bạn có thể hay quên, từ thanh toán tiền điện nước, trả lời thư, đến cả tên người bạn mới gặp; dường như quên rất nhiều thứ, phải chăng bạn đã già?
Nếu bạn đang ở thời kỳ sung sức, tại sao bộ não lại dần trở nên “vô dụng”? Hay bạn mới ngoài 50 tuổi, tình trạng suy giảm trí nhớ này phải chăng ám chỉ bệnh Alzheimer đang ập đến?
Theo các chuyên gia, nhiều người mắc chứng hay quên, nó thực ra là bình thường và không hoàn toàn do tuổi tác. 

Những người ở độ tuổi 30-40 mắc chứng hay quên, và nguyên nhân lớn nhất thường là do cuộc sống quá bận rộn. Bởi nếu làm quá nhiều việc cùng lúc có thể sẽ cản trở hệ thống xử lý thông tin của cơ thể, từ đó cản trở trí nhớ. 
Khi tâm trí của bạn luôn bị nhồi nhét nhiều thứ từ công việc, gia đình và con cái, họp hành và nhiệm vụ, não bộ có khả năng sẽ bị quá tải vào một thời điểm nào đó.
Tin tốt là suy giảm trí nhớ do căng thẳng cuộc sống không phải là một bệnh vĩnh viễn, và cách vượt qua tình trạng này thực sự không khó. 
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thông thường, có khoảng 1/10 người có thể tiếp tục cải thiện khả năng tinh thần của họ sau 80 hoặc 90 tuổi.

Vậy làm thế nào để có thể tăng cường trí nhớ, chấm dứt tình trạng đãng trí và giúp não bộ minh mẫn hơn khi lớn lên? Bạn nên thành thạo 10 cách dưới đây để tăng cường trí nhớ ngay từ hôm nay:

1. Muốn có “cái đầu tốt” thì trước hết cơ thể bạn phải “khỏe”:
Bạn có thường xuyên tập thể dục không? Tập thể dục có thể thúc đẩy tuần hoàn máu trong não và cải thiện độ nhạy bén, là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa suy giảm trí nhớ. 
Các chuyên gia khuyên bạn nên tập cardio nhiều hơn, đặc biệt là những bài đòi hỏi sự phối hợp phức tạp, chẳng hạn như khiêu vũ hoặc chơi quần vợt.

2. Ăn uống có thể cải thiện trí nhớ
Đối với hoạt động bình thường của não bộ con người thì vitamin và khoáng chất rất quan trọng, chế độ ăn thông thường cần chú ý bổ sung vitamin nhóm B nhiều hơn. 
Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, bổ sung vừa phải sắt và kẽm ở phụ nữ tiền mãn kinh có thể giúp cải thiện trí nhớ. 

3. Siêng năng luyện tập trí óc 
Những người bước qua tuổi 50, do sự thay đổi sinh hóa trong não bộ, có thể làm mất đi một số tế bào não, và trí nhớ quả thực sẽ kém đi một chút. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy không phải ai cũng có trí nhớ kém khi về già. 
Kết quả kiểm tra trí nhớ cho thấy trong số những người ở độ tuổi 80, khoảng 20-30% người có hiệu suất hoạt động của não bộ tương đương với người trung niên ở độ tuổi 30 đến 40. 
Vậy chìa khóa để những người cao tuổi này duy trì được sự minh mẫn là gì? Chính là thực hiện các hoạt động trí tuệ mang tính thử thách hơn. Bạn càng sử dụng nhiều não bộ, thì bạn càng nhạy bén hơn. 
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Pennsylvania, trong đó quan sát và theo dõi 5.000 nam giới và phụ nữ trong 35 năm.
Kết quả cho thấy, những người có khả năng thích ứng tốt, thích tìm hiểu những điều mới, đi đến những nơi mới, có kỹ năng đọc hiểu và diễn đạt cao thường có khả năng duy trì năng lực trí tuệ khi về già cao hơn.
Đá cầu, đoán chữ và các trò chơi giải đố, học phần mềm máy tính mới, học chơi piano và các hoạt động khác đều rất hữu ích cho trí nhớ.
Các chuyên gia cũng nhắc nhở rằng những người đã nghỉ hưu thường có xu hướng tự cô lập mình khỏi đám đông, và sự “cô lập” này thực chất không hề tốt cho não bộ. 
Thực tế, chúng ta luôn phải duy trì sự nhiệt tình và hứng thú với cuộc sống và công việc, đồng thời giữ cho đầu óc luôn cởi mở.

4. Tập trung vào một việc duy nhất
Hãy chú tâm, đừng tham lam làm nhiều việc cùng lúc. Bạn hay quên, thường là do bạn bị phân tâm, hoặc không biết phải làm gì tiếp theo. Bộ não phải nhận thức được những gì nó đang làm, nếu không nó không thể nhớ được. 
Tập trung vào những việc bạn đang làm, nếu bạn cần uống thuốc hàng ngày thì khi uống bạn phải tập trung cao độ để không quên mình đã uống thuốc hay chưa.
Và tự mình ghi nhớ thôi là chưa đủ, bạn phải thực sự cố gắng nhớ lại. Một cách hiệu quả là nói to những điều bạn muốn bản thân ghi nhớ, chẳng hạn như: "Tôi để chìa khóa trên bàn ăn", "Tôi đang đi đến ngân hàng"...
Ngoài ra, khi đọc hoặc nghe mọi người nói, thỉnh thoảng bạn nên cố gắng ghi nhớ lại những gì bạn vừa đọc hoặc nghe. Khi não bộ lưu trữ thông tin, bạn càng đưa ra nhiều chi tiết thì trí nhớ sẽ càng tốt.

5. Rèn luyện khả năng quan sát
Một số chuyên gia tin rằng đây là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa chứng hay quên. 
Đây là một bài tập dành cho bạn: Mỗi khi bạn đến một địa điểm mới (cho dù đó là phòng chờ, cửa hàng hay nhà của người thân hoặc bạn bè), hãy ghi nhớ vị trí của mười thứ trong phòng và khi bạn rời đi, hãy nghĩ cẩn thận về vị trí của mười thứ đó.

6. Viết mọi thứ cần làm ra giấy
Lập danh sách, lịch và nhật ký rất quan trọng. Hãy bắt đầu với các loại nhiệm vụ (chẳng hạn cuộc gọi bạn phải thực hiện, hóa đơn phải thanh toán, địa điểm phải đi), hãy nghĩ về chúng từng thứ một.

7. Liên tưởng hình ảnh và ý nghĩa
Không thể nhớ tên, đây là vấn đề thường gặp nhất của chứng hay quên. Bạn phải học một mẹo nhỏ, chẳng hạn, sử dụng các liên tưởng hình ảnh hoặc lời nói để hỗ trợ trí nhớ.
Mỗi người có một cách ghi nhớ khác nhau, điều cốt yếu là cố gắng kết nối những điều bạn không thể nhớ với những điều bạn phải nhớ. Ví dụ: để nhớ một số điện thoại hoặc mật khẩu, hãy liên kết nó với ngày hoặc số quen thuộc nhất.

8. Thực hành phương pháp đọc thông tin
Ví dụ, xe của bạn đang đậu tạm ở cột D, tầng hầm 2, khu B… Trước khi lấy xe, bạn cũng nên “đọc” thông tin (vị trí đậu) trong đầu. Lặp đi lặp lại một vài lần khi cần bạn sẽ thấy dễ nhớ hơn.

9. Nếu thực sự không thể nhớ, hãy thư giãn 
Khi bạn bị quên, tốt hơn hết bạn nên nghĩ ra cách khác hơn là tiếp tục xâu xé bộ não của mình. 
Ví dụ: nếu bạn không thể nhớ tên của một nhà hàng, hãy nghĩ về diện mạo của nó hoặc lần ghé thăm gần đây nhất của bạn. Còn không thì cứ để yên và sau một thời gian nghĩ lại, những gì đã lưu trữ trước đó có thể xuất hiện.
Học các kỹ thuật thư giãn cũng có thể giúp tăng cường trí nhớ của bạn. Khi căng thẳng, trí nhớ của con người thường kém hơn. 
Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên dành vài phút để tưởng tượng về một không gian yên tĩnh, chẳng hạn như bên bờ biển và để các giác quan kết nối với nó: nhìn và nghe tiếng sóng, cảm nhận làn gió, ngửi không khí trong lành, hít thở sâu. Sau khi thư giãn, trí nhớ cũng phục hồi.

10. Đọc trước khi đi ngủ
Một cách dễ dàng khác để cải thiện trí nhớ của bạn là đọc sách và tài liệu trước khi đi ngủ. 
Thực nghiệm cho thấy rằng, đối với cùng một dữ liệu, những người đọc trước khi đi ngủ ghi nhớ nhiều hơn so với những người đọc vào các thời điểm khác trong ngày. 
Các chuyên gia tin rằng, điều này có thể là do thông tin bạn đọc trước khi đi ngủ được lưu lại trong não mà không có các yếu tố khác can thiệp vào trong thời gian ngủ. Nhờ đó, hiệu quả ghi nhớ được cải thiện.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, làm thế nào để bạn đánh giá được tình trạng mất trí nhớ của mình là bình thường hay không, hay nó là tiền thân của bệnh Alzheimer? 
Thực tế, nếu bạn lo lắng về trí nhớ của mình ngày càng kém đi thì xin chúc mừng, não bộ của bạn bình thường đến 80%. Ngược lại, những người thường nói: "Tôi nghĩ tôi ổn, chỉ có vợ tôi hay nói tôi hay quên"... có xu hướng nguy hiểm hơn.
Một điểm nữa là những người mắc bệnh Alzheimer, đó là trí nhớ sẽ suy giảm nhanh chóng trong vòng một năm, còn những người mắc chứng hay quên do tuổi già, thường những năm đầu không thấy triệu chứng giảm trí nhớ rõ ràng.

Bảo Vy


Mời Xem Thêm :
 
 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...