Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

KHẢ NĂNG CỦA GIÁO DỤC KHÔNG NGOÀI PHÁT TRIỂN BẨM CHẤT ĐÃ CÓ SẴN( POTT số 71 )

Tác giả: FUKUZAWA Yukichi

Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Tài năng của con người bị hạn chế do bẩm sinh hay di truyền. Con người không thể vượt qua giới hạn này.

Đối với bò hay ngựa người ta có thể biết dễ dàng tốt xấu khi chúng 2 hay 3 tuổi. Con người cũng vậy. Các lực sĩ sumo có thân thể không to lớn dù được xếp vào cuối danh sách thi đấu trong 2 hay 3 năm cũng khó hy vọng lên đến chức “Quan Thu” (Sekitori).

Vì hoạt động của tinh thần, trí tuệ không thể nhìn thấy được như mạnh yếu,

lớn nhỏ của cơ thể nên rất khó biết được con người khôn ngoan hay ngu dại khi còn bé. Bởi vậy người đời thường hay xem trọng việc giáo dục, cho rằng nếu chịu học thì khôn ngoan, tài giỏi, không học thì ngu dại, bất tài. Quá xem trọng giáo dục đến nỗi có người tin rằng khôn ngu của con người có thể quyết định bằng giáo dục hay sức người. Nhưng đó là sai lầm to lớn.

Trình độ khôn ngu của con người đã được định đoạt sẵn trước khi chào đời giống như tốt xấu của loài ngựa, giống như thăng tiến của lực sĩ sumo có giới hạn, tiến lên được trình độ nào đó rồi thì không thể vượt thêm nữa. Người xưa có câu: “Tuyệt khôn, tuyệt ngu không thể thay đổi”. Không phải chỉ có khôn nhất và ngu nhất mới không thể thay đổi. Ngay cả khôn ngu bình thường cũng có thể phân chia thành hàng trăm, hàng ngàn cấp bậc nhưng các cấp khôn ngu này đều được định trước khi con người chào đời, không thể thay đổi được. Từ lý lẽ nói trên, có thể có người cho rằng giáo dục vô ích, không dạy dỗ con cái cũng không có tai hại gì. Nhưng đây cũng là sai lầm to lớn.

Ở đời có thể nói, không việc gì quan trọng bằng việc giáo dục con người. Dưới đây hãy thử xem tại sao vậy.

Nói tỉ dụ, giáo dục giống như công việc của thợ trồng cây (thợ làm vườn). Dù cao quý như cây tùng hay hoa mẫu đơn nhưng cứ bỏ mặc cho thiên nhiên thì hoặc là hình dáng cành lá của tùng xấu xí đi, vẽ đẹp hoa mẫu đơn cũng mất, hoặc là sâu bọ làm cả hai khô héo hay chết mất đi. Trái lại, nếu thợ làm vườn ra công sức không lúc nào sao lãng cắt tỉa cành lá dư thừa, chăm sóc bón phân thì cả cây hay hoa đều tươi tốt, xinh đẹp, có hương thơm so với trường hợp bỏ mặc cho thiên nhiên chênh lệch rất lớn đến nỗi không thể nghĩ là cùng chung giống loại.

Đối với trẻ em, nhi đồng cũng thế. Nếu như từ lúc chào đời để mặc chúng lớn tự nhiên, không có người chú ý giáo dục thể lực, trí tuệ và đạo đức thì dù có tài năng bẩm sinh chúng cũng bị ảnh hưởng của môi trường chung quanh, có thể quen theo thói hư tật xấu, mất đi phẩm cách con người, trở thành kẻ thô lỗ, hạ tiện. Ngược lại, để không đánh mất các tài năng bẩm sinh, lại thêm mài dũa và phát huy được các bẩm chất này thì không thể không trông cậy vào giáo dục. Do đó, điều quan trọng của giáo dục không phải là tạo ra tài năng, đức tính mới, những cái không có sẵn trong con người mà phát huy tất cả không để sót mọi bẩm chất đã có trong con người đó. Người làm vườn tài giỏi đến bậc nào đi nữa cũng chỉ thành công phát triển những đặc tính, đặc sắc mà giống cây cỏ đó có mà thôi, không thể có kỹ năng, công phu nào tạo ra đặc tính hay đặc sắc mà giống đó không có.

Đừng vì giáo dục quan trọng mà quá xem trọng để rồi gây ra tai hại. Đôi lúc có người muốn sử dụng nỗ lực, cố gắng của nhà giáo để đào luyện con người một cách vô lý nhưng kết cuộc chỉ gây ra tội lỗi do bởi họ không biết rằng tài năng, cá tính con người được định đoạt bởi bẩm sinh hay di truyền.

Nguyễn Sơn Hùng, Tháng 6/2017

Nguồn: Truyện số 71 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.


 Mời Xem :

Truyện số 40: NÊN GIÁO DỤC CON CÁI CÓ PHẨM CÁCH CAO QUÝ ( Phúc Ông Trăm Truyện.)





Ảnh từ Google : trong 1 lớp tiểu hoc tại Nhật

1 nhận xét: