Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

MARIA QUÁN THẾ ÂM

 Đây có thể là một danh xưng rất lạ đối với mọi người, thế nhưng đối với kinh nghiệm bản thân của tôi thì phải nói là rất sâu sắc. Vào năm 1989, tôi đi du lịch Nhật Bản. Như nhiều vị đã biết, nước Nhật là một xứ rất sùng kính đạo Phật, nhất là cố đô Kyoto gần thành phố Osaka là một nơi có rất nhiều chùa chiền và thắng cảnh. Những ngôi chùa tại Nhật Bản phần đông đều cũ kỹ nhưng lại có một lịch sử rất lâu đời, ngôi chùa Nara và tượng Phật bằng gỗ ngự trong chùa lại cao lớn vô vàn.


Trở lại danh xưng Maria Quán Thế Âm. Khi bước vào chánh điện của một ngôi chùa thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, tôi nhìn lên tượng ngài, thoạt trông vào tôi thấy bức tượng có một vẻ gì là lạ khó nói, nhưng phải công nhận rằng bức tượng đó rất đẹp. Khi bước đến gần nhìn kỹ thì điều khiến cho tôi kinh ngạc là tượng Phật Bà có một chiếc mũi rất cao và thẳng, rõ ràng đó là chiếc mũi của người tây phương, còn tròng con ngươi thì lại màu xanh da trời. Tính tò mò thúc đẩy tôi tìm đến vị trụ trì của ngôi chùa để hỏi cho rõ nguyên nhân. Vì vấn đề ngôn ngữ không thông, lúc đầu chúng tôi có hơi lúng túng, nhưng vấn đề này sau đó vượt qua được vì ông và tôi có thể bút đàm bằng Hán tự (Kanzi). Chúng tôi có thể diễn đạt được tư tưởng cho nhau nhờ vào trang giấy trên bàn.


Trước hết tôi hỏi ông ta danh hiệu của vị Bồ Tát trên chính điện. Ông ta viết ra: Maria Quán Thế Âm. Điều này mới khiến cho tôi kinh ngạc vô cùng. Tại sao lại có thể như thế được? Khi tôi tiếp tục hỏi về nguồn gốc thì ông ta mới từ từ kể rõ câu chuyện thật như thế này:



Hai trăm năm về trước, nước Nhật dưới chế độ cai trị của những sứ quân thời Mạc Phủ hãy còn là một nước lạc hậu chậm tiến. Họ dùng chính sách bế quan tỏa cảng, không chịu giao thương với các nước Tây Phương, có thể nói là tương tự như chánh sách Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. Đã vậy người Nhật vốn đã có tính bài ngoại trong người cho nên họ rất sợ sự xâm nhập của nền văn hóa Âu Tây, vì vậy mà Thiên Chúa Giáo chịu sự bài bác nhiều nhất.


Chánh sách của nước Nhật lúc đó bắt buộc mỗi người dân trong nước phải theo một tín ngưỡng chung là đạo Phật và thần Mặt Trời. Tất cả những tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo đều được xem là dị giáo. Những người dân trong nước không tuân theo luật định này đều bị cạo đầu bôi vôi, chịu những khổ hình về thân xác và cuối cùng lại bị lưu đày đến vùng cực bắc giá lạnh. Hình phạt lúc bấy giờ rất nặng, nhiều người lưu đày đã không có cơ hội sống sót trở về!


Nhưng làm sao chính quyền có thể biết được ai là tín đồ của dị giáo? Điều này cũng đơn giản thôi, khi họ nghi quyết một người nào là tín đồ của Thiên Chúa Giáo, họ chỉ cần đặt những bức tượng chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, thập tự giá vân vân xuống đất, và ra lệnh cho những người "nghi can" này phải khạc nhổ nước bọt vào đó và phải bước ngang qua tượng thờ! Nếu người nào có thể làm được như vậy thì họ sẽ được tha, còn những người nào không chịu thực hiện những điều vừa kể sẽ được qui tội là tín đồ của dị giáo, họ bị đánh đập và cuối cùng sẽ chịu cảnh lưu đày!


Tín đồ Thiên Chúa Giáo đúng ra có thể chối bỏ nguồn gốc tôn giáo của họ bằng cách làm theo lời của nhà cầm quyền, thế nhưng sự thật không đơn giản như vậy vì hình như tôn giáo nào cũng có một sự tôn kính huyền bí mà những tín đồ thà bị chết, thà bị lưu đày chứ không thể nào làm những hành động phản lại tôn giáo hoặc lăng nhục những thánh vật mà họ thờ phượng. Vì vậy trong thời bấy giờ đã có rất nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo bị hại. Lúc đó, họ như đang sống trong một tình trạng dầu sôi lửa bỏng mà không biết trước cuộc đời của họ sẽ đi đến đâu?


Trong số những người lo âu nhiều nhất có một linh mục người Bồ Đào Nha. Đứng trước tình trạng những con chiên của ông đang thấp thỏm trước cửa tử thần, ông khấn nguyện hàng đêm trước tượng của Đức Mẹ Maria với hy vọng là Đức Mẹ sẽ soi sáng và chỉ điểm cho tín đồ một phương cách để tránh tai kiếp này. Vào một đêm kia, quá mệt mỏi nên ông ngủ thiếp trước bàn thờ Đức Mẹ. Thế rồi trong giấc mơ, ông thấy Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ra mỉm cười. Linh mục người Bồ Đào Nha này đã nhiều năm nghiên cứu những nguồn gốc tôn giáo khác cho nên ông biết chắc đó là Quán Thế Âm Bồ Tát vì người có cầm tịnh bình và cành dương liễu trên tay.


Khi tỉnh giấc, ông bỗng nghĩ ra một phương pháp: Tạc tượng Đức Mẹ Maria trong trang phục của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tượng này sẽ được cúng dường trên bàn thờ theo truyền thống của Thiên Chúa Giáo, nhưng nếu như có ai vào tra xét thì họ sẽ trả lời là tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Rủi ro trong trường hợp bị bắt buộc phải bước ngang qua bức tượng thì trong lòng của họ sẽ nghĩ là bước qua bức tượng của Quán Thế Âm để tránh cái tội chà đạp chính tôn giáo và niềm tin của họ.


Thế là bức tượng lập tức được điêu khắc. đổ khuôn và đúc ra rất nhiều rồi chuyền tay đến cho những tín đồ lưu giữ. Nhờ sáng kiến này mà hàng chục ngàn tín đồ Thiên Chúa Giáo đã thoát được tai ách. Bức tượng tổng hợp hai đấng dịu hiền từ đó được đặt tên là Maria Quán Thế Âm từ chỗ đã sát nhập hai bậc thánh của hai tôn giáo lớn.


Mãi cho đến ngày nay, đã hơn hai trăm năm trôi qua mà bức tượng vẫn còn lưu truyền và người ta cứ tiếp tục tạc y hệt như vậy. Cùng một bức tượng đó đã được thờ cúng trong nhà thờ Công Gáo và chùa chiền Phật Giáo. Trong chùa Phật Giaó thì bức tượng được gọi là Maria Quán Thế Âm (Quán Thế Âm Bồ Tát tên là Maria) và trong nhà thờ Thiên Chúa Giáo thì bức tượng lại được gọi là Quán Thế Âm Maria (Đức Mẹ Maria tên là Quán Thế Âm). 


Là Quán Thế Âm Bồ Tát hay Đức Mẹ Maria, điều đó không quan trọng, điều đáng nói là người đã dìu dắt chúng sinh nâng cao niềm tin, vượt qua khổ nạn của thế gian để từ đó hướng về con đường đi vào Phật Pháp.


Khi tôi viết ra câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói lên sự thật. Một sự thật mà tôi tìm hiểu ở xã hội Nhật Bản hai trăm năm về trước. Trong thâm tâm, tôi không bài bác một tôn giáo nào, tất cả mỗi tôn giáo đều đưa con người đến chỗ hướng thiện vì vậy ta nên cố gắng gạt bỏ những cố chấp của tôn giáo. Thí dụ như có nhiều người cho rằng họ là Phật Giáo đồ, là Chính Thống Giáo, những tôn giáo khác là dị giáo, là ngoại đạo cần phải bị loại bỏ. Thậm chí trong cùng một tôn giáo thì lại được chia ra làm nhiều tông, nhiều chi, chẳng hạn: "Chỉ có Thiền Tông là chánh, còn những tông phái khác là phụ thuộc" hoặc "Phật giáo Đại Thừa được truyền từ Đạt Ma sư tổ là đệ tử ruột của Đức Phật". Như vậy chẳng là những tông phái khác là đệ tử ngoài da hay sao?



Một khi trong lòng của ta đã có một sự ngăn cách, chia đôi ranh giới thì bắt đầu tư tưởng của ta đã đi vào "ma đạo". Vì sau khi xưng tụng tông phái của ta là chính, có khi nào ta lại chịu dừng lại ở điểm đó? Trong tim óc ta bắt đầu chủ quan và cho rằng "Trong cùng một tông phái thì sư phụ của ta là có đạo hạnh cao nhất, những sư phụ khác không thể nào so sánh được". Sự phân chia đó lại tiếp tục đi dần đến chỗ đánh đổ cả chính sư phụ của mình rồi tự xưng làm giáo chủ cho xong chuyện. Vì vậy mà tại Đài Loan, tuy rằng Phật Giáo đồ rất đông, người tin Phật rất nhiều, nhưng hình như mỗi năm lại có một vị giáo chủ ra đời, và cũng có người tu hành lên chức "Phật Sống", "Hiện thân Bồ Tát" v.v...


Tại sao chúng ta lại không nghĩ ngược lại một chút thôi: "Sư phụ của tôi đạo hạnh cao siêu, những sư phụ khác cũng có công đức nhiều lắm. Nếu không thì làm thế nào mà họ có nhiều tín đồ như vậy?" hoặc giả "Tông phái của tôi đã làm rạng danh Phật giáo, những tông phái khác cũng góp phần không ít" hay "Tôn giáo của ta dạy dỗ con người và đưa con người đi vào con đường Phật Pháp để từ đó tiến đến Niết Bàn. Những tôn giáo khác cũng hướng dẫn những tín đồ của họ tìm đến Thiên Đàng của cuộc sống" v.v...



Trong lịch sử của nhân loại, những tôn giáo đã giữ vai trò phát triển văn hóa, đề cao văn minh nhân loại, tôn giaó nào cũng đã có công đức lớn lao như nhau. Chỉ cần chúng ta dẹp bỏ quan niệm hẹp hòi về ranh giới, chúng ta sẽ thấy bầu trời trên đầu bao la bát ngát. Tôi chỉ khuyên quí vị một điều, trước khi muốn trở thành tín đồ của một tôn giáo, ta hãy có lập luận vững chắc về căn bản làm người cho bản thân trước đã.


Bản thân của tôi đã có một kinh nghiệm về tôn giáo như sau: Ba năm trước, khi tôi (LâmThanh Huyền) vừa viết xong quyển Lá Bồ Đề Tím, tuyển tập đầu tiên về loại sách Bồ Đề, tôi đã tìm đến những nhà xuất bản nhờ họ phát hành. Những nhà xuất bản tỏ ý ngần ngại vì sợ rằng loại sách này không thể "câu" được độc giả. Tôi không trách họ vì sống thế giới thực tiễn ngày nay ai ai cũng phải tính toán đến cuộc sống để không phải chịu cảnh thiệt thòi. Gặp trở ngại ở những nhà xuất bản, tôi quay sang cầu cứu những hội đoàn Phật giáo và những ngôi chùa mà tôi đã từng quen biết.


Trong lòng tôi nghĩ rằng những chuyện của mình viết về Đạo, về Phật, về Pháp, về người tu hành thì chắc chắn sẽ được những chùa chiền ủng hộ. Nào ngờ những chùa chiền, thiền viện cho tôi biết là họ còn hàng khối kinh điển cần phải thụ lý, những lời khai thị của quí vị trưởng giả, cao tăng trong chùa cần phải được hoàn chỉnh thành sách. Dĩ nhiên một người trần tục chẳng phải tăng cao, chẳng là tăng thấp như tôi thì có được đạo hạnh bao nhiêu mà bàn chuyện Phật Pháp.



Thế rồi một lần nọ, khi được đài phát thanh Đài Bắc mời trong một chương trình mạn đàm về vấn đề giáo dục thanh thiếu niên, tôi đã gặp linh mục X. Ông là một người đã tham gia tích cực vào những hoạt đông công ích nên được đài phát thanh mời phát biểu ý kiến trong lần hội thoại đó. Sau giờ làm việc chung, chúng tôi đứng nói chuyện ngoài sân. Tôi cho linh mục biết là tôi đã viết một truyện sách về hình ảnh của Đức Phật và Bồ Tát, nhưng những vị này không linh ứng cho nên đi đến đâu tôi cũng không được ai chấp thuận để in giùm. Linh mục X cho tôi biết ông và Soeur Y đang xuất bản tập san Khởi Hành cho thanh niên Thiên Chúa giáo, ông đề nghị tôi nên gởi một bản thảo đến để ông thử duyệt xem có chuyện nào đăng tải được hay không?


Lúc đầu tôi hơi ngần ngại không muốn gởi đi vì nghĩ rằng những chuyện về Phật mà mang đến cho tạp chí Thiên Chúa giáo duyệt xem thì còn ra thể thống gì nữa? Nhưng cuối cùng thì tôi nghĩ rằng biết đâu lần này Đức Mẹ Maria chẳng giúp tôi truyền đạt những tư tưởng của Đức Phật Thích Ca? Quả nhiên, sau khi đọc qua những bài viết của tôi, linh mục X đã gọi cho tôi biết là ông sẽ mở cho tôi một trang đặc biệt lấy tên Phụng Nhãn Bồ Đề và sẽ đăng liên tục những bài của tôi mỗi kỳ. Thế là những câu chuyện về Đức Phật, tư tưởng, triết lý của Ngài mà tôi ra công soạn thảo bấy lâu đã được phép ra mắt độc giả, lạ lùng thay, lần đầu tiên trên một đặc san Thiên Chúa giáo. Đó là một chuyện mà không bao giờ tôi có thể nghĩ đến trong suốt cuộc đời viết văn của tôi.



Một tháng sau đó, khi những quyển đặc san hàng tuần đã xuất bản được bốn số, thư từ của độc giả gởi về nườm nượp ngợi khen ý tứ trong những loạt bài của tôi. Tôi đã tìm đến gặp linh mục để tỏ lời cám ơn. Dịp này tôi cũng đã gặp soeur Y. Tôi hỏi hai người này một câu hỏi đã chất chứa nhiều ngày trong lòng về lý do đăng tải những chuyện về Phật trên một đặc san Thiên Chúa giáo. Linh mục X cười và cho tôi biết rằng:


Chúng tôi giảng đạo tại Trung Hoa mà nếu như không rành về đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng và những phong tục tập quán thì chẳng hóa ra chúng tôi mò mẫm mà đi trong đám sương mù hay sao? Lại nữa đối với tôi thì tôn giáo nào cũng có những điều tốt lành và thánh thiện. Nếu như những chuyện về Phật và Phật Pháp đăng tải trên tờ báo Thiên Chúa giáo của chúng tôi có thể giúp ích được cho mọi người thì cũng đâu có hại cho ai.



Đừng nghĩ một cách hạn hẹp là tôi đã làm một công việc phản tuyên truyền cho Thiên Chúa giáo hay chức năng truyền đạo của chúng tôi, lợi ích đầu tiên mà tôi nhận được là lời cám ơn của anh và sau đó nhiều người khác đã nhìn vào hình thức tờ báo mà cho rằng chúng tôi là những người rộng rãi không có những sự tị hiềm về tôn giáo. Thực tế mà nói thì mọi mưu cầu của anh hay của tôi đều có cùng một mục đích giống nhau, chúng ta muốn tất cả mọi người sẽ gặp mặt nhau trên chốn Thiên Đàng, Niết Bàn thì tại sao bây giờ chúng ta không hợp tác để xây dựng con đường để đi đến đó tại nơi chốn này?


Sau khi nghe những lời phân trần chân thành của Linh mục X, thú thật tôi đã cảm động đến mức độ có thể rơi nước mắt. Nhìn bóng hình của Linh mục từ từ đi xa, tôi chợt có một sự kích động muốn chạy lại ôm lấy ông để nhìn cho kỹ một lần. Những hình ảnh của Đức Mẹ Maria hay Quán Thế Âm Bồ Tát đâu cần phải tìm kiếm ở đâu xa, có thể là những vị đó cũng đang lãng vãng đâu đây, trước mặt hoặc sau lưng của chúng ta mà thôi!


Lâm Thanh Huyền ( Tác giả )
Những Hạt Đậu Biết Nhảy, Phạm Huê dịch
(Văn Nghệ xb, CA 1999)

 

1 nhận xét: