Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Tuyệt tác ở Hà Tam - Nguyên Ngọc (Văn Việt )

Từ Pleiku xuống An Khê, quá đèo Mang Giang chừng ba cây số, rời đường nhựa, rẽ về tay phải, vượt mấy ngọn đồi và vài con suối cạn, sẽ gặp Hà Tam, một làng Ba Na cổ thật đẹp. Đúng ra Hà Tam bây giờ không thật sự là làng cổ. Sau 1975, có thời hăng hái sản xuất lớn, ở miền núi thì dồn nhiều làng lại làm một và nơi nào cũng ra sức bạt núi san đồi làm lúa nước, rầm rộ phong trào. Trên bảo thì dân nghe, nhưng kỳ thực bụng chẳng thông, núi rừng này làm lúa nước không hợp tí nào, nên lục xục suốt hơn mười năm, cuối cùng người ta phá nơi tập trung ra, chạy về chốn cũ, lập lại làng xưa. Tôi từng biết và gắn bó với Hà Tam từ thời chiến tranh, khi nghe tin cái làng cổ ấy bị phá bỏ để dồn về đâu đó, thật tình rất buồn, nhớ tiếc một nhà rông đẹp theo lối Ba Na Alakông, không thật cao như ở những vùng Ba Na khác, cũng không đồ sộ, bay bổng mà chắc nịch như nhà rông Xơ Đăng, nhưng lại tạo một cảm giác gần gũi, thân tình, mỗi lần gặp như gặp lại một người thân đã luống tuổi, từng trải và hơi mệt mỏi, vừa trọng vừa thương; nhớ một cây xoài đầu làng sum suê, không nhiều trái và trái chỉ bằng nắm tay nhưng ngọt lịm; nhớ một “giọt nước” quen thuộc (ở đây người ta gọi các máng nước truyền thống của làng như vậy) nơi ríu rít tiếng cười của các cô gái buổi chiều đi rẫy về mặc nguyên cả áo váy vậy mà tắm; nhớ cả những đàn chim te te huých không biết sao ở vùng này lại nhiều thế, lúc nào cũng hoảng hốt, những đêm chúng tôi đi hoạt động khuya ghé qua làng chúng đánh hơi người cả đàn sà xuống đập cánh sát rạt như tát qua trên đầu mình và kêu rối rít trong bóng tối mờ ảo của các trảng tranh ngày ấy còn rất dày… Nào có gì đâu, nhưng lại là tất cả. Nhớ, tiếc, và buồn, mà chẳng dám nói ra, sợ mang tiếng chống chủ trương, cản trở phát triển. Khi được tin Hà Tam đã tự phá ra chạy về chỗ cũ thì lòng khấp khởi mừng và vội cố sắp xếp thời gian về thăm một chuyến. Cũng thấp thỏm lo, liệu Hà Tam mới có còn giữ được nét đậm đà xưa? Tôi vốn rất ngại những làng nửa mới nửa cũ, nửa Tây Nguyên nửa Kinh, cứ như người mặc áo tứ thân lại khoác vét tông…

Cho nên, khi vượt qua mấy con suối cạn, thấy thấp thoáng cái làng mới dọn về hơn nửa năm hiện lên đằng sau ngọn đồi vẫn còn khá nhiều sim dại, còn cả hoa sim nở tím, bỗng nghe nhẹ hẳn lòng và dào dạt một niềm mến thương ấm áp, cảm phục nữa. Ôi những bà con Ba Na của tôi, họ đã trở về lại đấy, trong cuộc vật lộn với những ý đồ chắc là tốt thôi nhưng rất duy ý chí của chúng ta, lần này nữa họ đã thắng. Làng mới dựng lại, còn sơ sài và hẳn nghèo khó lắm, do điều kiện chung và cả do những chuyện chẳng đáng có ta gây ra cho họ; nhưng cái dáng vẻ ấy, cái khuôn mặt ấy của làng dẫu như sau một trận ốm vừa gượng dậy, giỏi thế, vẫn là khuôn mặt quen thân đó, chịu đựng và bền bỉ, âm thầm mà chẳng dễ gì khuất phục. Rất Tây Nguyên, rất Ba Na Alakông, rất Hà Tam. Những ngôi nhà sàn nhỏ xúm xít, vách nứa hạ thu thượng thách, bên dưới túm lại bên trên nở ra, hệt những be thuyền, cả làng nhất là vào buổi sáng sớm ven sườn núi trông xa như một đoàn thuyền lững thững bơi trong sương. Ông Núp có lần nói với tôi rằng ông bà ông mới cách đâu bốn hay năm đời vẫn còn sống ở vùng ven biển. Không biết hư thực thế nào, nhưng quả nhiều nhà khoa học cho rằng người Tây Nguyên vốn đến từ các hải đảo đâu tận những biển nam; trong truyền thuyết của các dân tộc Tây Nguyên ở mãi trên núi cao, lạ vậy, lại ám ảnh rất nhiều ký ức về biển. Và trong một số ngôn ngữ Tây Nguyên, tên gọi một số bộ phận trong nhà lại trùng với tên gọi các bộ phận trên thuyền. Có lẽ một trong những điều khiến ta say mê về lịch sử và văn hóa của các dân tộc này chính là cái quá khứ mờ ảo và đầy bí ẩn ấy của họ…

Vào một làng Tây Nguyên ban ngày thì chẳng mấy hy vọng gặp được đông đủ bà con, những người lao động chính suốt ngày ở trên rẫy, trong làng chỉ còn lác đác đôi ba đứa trẻ và vài cụ già đã lụm cụm lắm, nhiều khi chẳng còn nhớ gì.

Tôi đi lang thang qua các nhà, biết không thể nào gặp một người quen cũ, chỉ là để hít thở một chút cái mùi vị cay cay ấm ấm rất khó tả hẳn suốt đời không quên được của một làng Ba Na, cũng là mùi vị của một thời tôi từng được sống chết cùng bà con trên này. Rất giỏi, tôi thầm nghĩ một cách khâm phục, làng mới dựng lại chưa lâu mà cái mùi nhớ thương ấy đã đằm lắm, vẫn rất Ba Na, rất Hà Tam…

Bỗng tôi dừng lại, sửng sốt trước một ngôi nhà sàn nhỏ. Trước mắt tôi, các bạn muốn gọi là gì cũng được, còn tôi thì tôi gọi là một tuyệt tác. George Condominas, nhà Tây Nguyên học say mê có lần đã ghi được một tuyệt tác kiểu này và trân trọng giới thiệu trong một cuốn sách nổi tiếng của ông. Còn bạn tôi, nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn từng lăn lộn bao nhiêu năm trên rừng núi Tây Nguyên, nhìn thấy những hình ảnh Condominas khoe trong sách của ông, anh chỉ mong ước trong đời một lần được chiêm ngưỡng. Vậy mà bây giờ nó ở đây rồi, trước mặt tôi. Như đột ngột hiện lên trong mơ. Ngôi nhà sàn thật nhỏ, chắc chỉ vừa đủ cho một đôi vợ chồng son. Vẫn vách hơi nghiêng, hao hao dáng be thuyền, lớp tre đan mới hơi ngả màu. Bốn bên là bốn khúc tre chẻ đôi ốp vào bốn góc nhà. Trên những khúc tre đó, chắc hẳn là chính người chủ nhà rồi chứ không còn ai vào đấy được nữa, cứ như hoàn toàn lơ đãng và tùy hứng, trong một lúc rảnh rang ngày nông nhàn, đã lấy con dao nhỏ, loại dao lưỡi cong rất sắc, cán dài láng bóng bịt vài khoen đồng sáng trưng mà bất cứ người đàn ông Tây Nguyên nào cũng luôn dắt ngang lưng, nhẹ nhàng cạo lên tinh tre, tinh tế vô cùng và sáng tạo bất ngờ, chỗ tinh tre bị cạo thì hơi trắng ngà, chỗ còn nguyên lớp vỏ tre thì vẫn giữ màu nâu sẫm, tạo thành những hình, bạn có tin không, những ngôi sao tám cánh đích thị là Đông Sơn ta từng thuộc lắm trên các trống đồng. Cả những diềm hoa văn trang trí bên trên và bên dưới các ngôi sao nữa, cũng hoàn toàn Đông Sơn. Hơn năm mươi năm trước Condominas từng gặp và từng kinh ngạc trước những hình gần giống hệt, cũng cạo trên tinh tre, ở một làng Mnông Gar tận cực nam Tây Nguyên, cách nơi này có đến nửa nghìn cây số. Lạ thay là Tây Nguyên. Mối liên hệ kỳ bí nào đây xuyên suốt thời gian thăm thẳm và không gian cách biệt, giữa Đông Sơn xa tắp ngoài kia với người Tây Nguyên trong này, những con người của hôm nay và hầu như chắc chắn chưa từng một lần bước chân ra khỏi huyện, khỏi làng? Có một cơ tầng văn hóa chung phổ quát nào đây giữa các tộc người trên dải đất được gọi là Đông Dương, hay có thể còn rộng hơn nữa? Một dòng chảy âm thầm nào trong lòng đất sâu, và trong máu con người suốt hằng trăm hay hằng nghìn thế hệ, vô hình mà bền bỉ đến chừng vĩnh cửu, để thỉnh thoảng lại bất ngờ lại thức dậy, tít tận những làng hẻo lánh giữa núi sâu? Có lẽ tôi còn may mắn hơn cả Condominas. Tác phẩm cạo tinh tre ông có được ở một làng Mnông Gar là công trình của một người bạn Mnông Gar đặc biệt sáng tác để tặng ông. Khúc lồ ô được trau chuốt bóng loáng, và giữa những diềm hoa văn đặc trưng, người nghệ sĩ tài hoa còn vui vẻ khắc hình hai người ngồi đối diện: chính anh ta và bạn anh, Condominas đang ngậm một chiếc ông điếu. Một tác phẩm được sáng tác có mục đích rõ ràng: quà tặng nhà dân tộc học mà tác giả rất quý. Còn trước mặt tôi bây giờ đây là những hình cạo tinh tre hoàn toàn dân gian, của một người Ba Na vô danh, làm ra đấy… chẳng để làm gì cả, chẳng nhằm tặng ai cả, rất có thể cũng chẳng để mà ngắm nữa, chỉ là trong một lúc cao hứng, nghe một điều gì đó mơ hồ mà rõ rệt thức dậy từ sâu thẳm những huyết mạch li ti, chính anh ta cũng không hiểu, cũng bất ngờ, không cầm lòng, không ngồi yên được nữa, phải bộc lộ, với chính mình, với trời đất, cả với thần linh bao giờ cũng thường trực trong tâm hồn Tây Nguyên. Người nghệ sĩ vô danh ở Hà Tam của tôi cũng có khắc hình người, không phải hai người đàn ông ngồi đối diện, mà là môt đôi nam nữ đang đăm đắm và sững sờ nhìn nhau, chẳng là ai cả, chỉ là con người đang ngạc nhiên giữa cõi đời bao giờ cũng đáng ngạc nhiên này, thế thôi…

Ở một đôi chỗ những hình chạm đã bắt đầu phai mờ. Tôi đã ở Tây Nguyên, tôi biết, chính trong sự mờ đi của những hình cạo tinh tre kia có ẩn chứa một triết lý sâu xa của nghệ thuật, mà Tây Nguyên vẫn giữ được, còn những xã hội hiện đại của chúng ta thì đã đánh mất, lâu lắm rồi: Ở đây người ta sáng tạo ra những tuyệt tác không nhằm để đời. Những tượng nhà mồ đẹp mê hồn có thể khiến Picasso cũng phải ganh tị, được người ta công phu và say sưa tạc ra, một hôm nào đó cắm xuống giữa rừng sâu,… rồi bỏ đấy, quên hẳn đi, mặc cho nắng mưa sương gió tàn phá, mục nát với thời gian. Những hình chạm trên tinh tre Hà Tam đây cũng vậy, thậm chí còn mong manh, phù du hơn nhiều. Tôi biết chứ, sang năm tôi trở lại, hầu như chắc chắn thời gian đã xóa hết chẳng còn chút dấu vết nào. Tôi nói điều này, mặc các nhà lý luận uyên thâm cứ tha hồ phê phán: không ở đâu nghệ thuật lại vị nghệ thuật bằng ở Tây Nguyên. Người Tây Nguyên làm nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật thôi, chẳng vì bất cứ điều gì nữa hết. Là một cuộc chơi tuyệt đối vô vị lợi, một cuộc chơi tùy hứng của người sang, rất sang, quá sang. Họ không giàu. Từ trong bản chất, họ không màng, không coi trọng sự giàu. Họ sang. Rất sang. Sang nhất trần gian. Như những con người đi qua giữa trần gian, lang thang vô định, với cái tài, cái nghệ sĩ giắt hờ ở lưng, thỉnh thoảng cao hứng lại lấy ra chơi. Rồi quên. Cũng chẳng thèm nhớ nữa…

Vậy đó. Bạn có muốn lên chơi cùng Tây Nguyên một lần không? Chịu khó lang thang trên vùng đất vẫn mãi mãi lạ lùng này, lãng du và kiên trì, thật kiên trì. Có thể đến một lúc nào đó bạn sẽ may mắn gặp được một Hà Tam. Và biết được thế nào là nghệ thuật thật sự, khi nó còn hoàn toàn chưa vấy chút vị lợi của cõi trần tục lụy. Để biết thế nào là sống sang, chơi sang, như người Tây Nguyên, trên đời…

 


1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...