Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Xe bán hủ tiếu mì - Tâm Vạn


Chiếc xe bán hủ tiếu mì của chú thím Xồi không biết đã có mặt nơi đầu ngõ từ bao giờ. Mỗi ngày, khoảng ba, bốn giờ chiều chú thím cùng các con, người này đẩy xe, người kia lom khom khiêng bàn ghế và những vật dụng cần thiết gom về một chỗ. Chỉ trong chốc lát thôi, chiếc xe đã được định vị hẳn hòi với mái che, ghế ngồi và nồi nước lèo bốc khói thơm lừng giữa một khu phố lao động ồn ào, đông đúc.
Chỗ ngồi cho thực khách là những cái ghế sắt be bé với mặt ghế vuông vức được làm bằng gỗ. Quanh chiếc xe cũng được gắn thêm hai miếng gỗ dài để làm bàn ăn “dã chiến”. Trong lúc chờ đợi, khách khứa có thể bâng quơ đưa mắt ngắm nghía những tranh cảnh sơn thủy hay những điển tích trong truyện Phong Thần, Tam Quốc được vẽ sắc nét trên các ô kính.
Những sợi mì được chính tay chú thím chuẩn bị tại nhà từ buổi sáng, buổi trưa và được đánh thành từng vắt nhỏ. Có hai loại, mì sợi lớn và sợi nhỏ được “áo” với bột mì sống cho khỏi bị dính. Những sợi hủ tiếu trắng phau và bóng lưỡng nằm ngoan ngoãn trong cái nia mềm mềm được kết bằng những sợi lác. Thực khách có thể chọn lựa mì sợi lớn, sợi nhỏ hay ăn kèm với hủ tiếu mà thường được gọi nôm na là “hủ tiếu mì”. Món mì khô hay hủ tiếu khô với chén nước súp nho nhỏ bên cạnh cũng được nhiều người ưa thích.
Hai vắt mì hay một nhúm hủ tiếu được trụng kỹ trong nước sôi, vài ba lát thịt heo mỏng như lá mạ trải lên trên, một chút tỏi phi, tóp mỡ và vài cọng cải ngọt cộng thêm ít nước lèo đã sẵn sàng mang đến cho thực khách một món ăn hấp dẫn, bốc khói với hương vị tuyệt vời. Miếng bánh tôm tròn vo, mỏng mảnh, nhỏ nhắn với con tôm chấy giòn tan làm món ăn thêm đậm đà hương vị. Nước lèo được hầm với xương heo, tôm khô và củ cải là linh hồn của tô mì. Mỗi nơi có một “bí quyết” riêng của gia đình nên luôn thu hút được mớ thực khách “ruột” của mình. Nước lèo do chú thím nấu nhìn trong vắt, có vị ngọt thanh, thơm và beo béo. Chai xì dầu nắp màu xanh lá cây, chai dấm Tiều nắp màu đỏ và hũ ớt tươi cắt lát ngâm trong giấm chua ngọt là những thứ không thể thiếu trên bàn ăn.
Cô con gái đầu lòng xinh đẹp cũng học được thuần thục tay nghề từ cha mẹ của mình. Đôi tay nhỏ nhắn với những động tác hết sức quen thuộc và “nhà nghề” đã tạo thành những chiếc hoành thánh be bé gói với thịt heo xay nhuyễn trông vô cùng đẹp mắt.
Ngày trước, các sinh hoạt buôn bán thường mang tính cách gia đình. Mọi thứ hầu hết thường được làm tại nhà, hợp vệ sinh và không có tẩm hóa chất hay thêm chất "phụ gia" tạp nhạp như bây giờ. Có lẽ họ sợ mất đi lượng khách trung thành đã hết lòng ủng hộ thương hiệu của mình. Với tinh thần trách nhiệm và lòng thiện tâm, họ đã khéo léo giữ chân khách và duy trì bảng hiệu được dài lâu. Cuộc sống ngày nay đã khác, tâm tình con người cũng khác đi nhiều lắm !
Tuổi thơ tôi gắn liền với những sinh hoạt mua bán nhộn nhịp nơi con ngõ hẹp. Ở đó, có những tiếng rao, tiếng mời chào và những nụ cười thân ái. Lối xóm gần nhau, được gặp mặt mỗi ngày và trở thành thân thiết cùng nhau góp phần tạo nên một nhịp sống hiền lành giữa một đô thị trù phú. Tất cả những ảnh hình quen thuộc như đã đi vào trong cõi nhớ. Có lẽ tâm hồn tôi chông chênh, trái tim tôi mong manh nên bao giờ lòng tôi cũng ngỗn ngang và bồi hồi tiếc nuối những ngày tháng cũ, nâng niu niềm vui và nhớ thương những nỗi buồn đã đục màu sông. Cái tuổi thơ ở Sài-Gòn ngày xưa đã xa xôi ngót nửa thế kỷ nhưng trong tôi vẫn là của ngày hôm qua, của những bóng mát cây xanh ven đường và những trìu mến thân yêu chưa hề vơi cạn.
 
Tâm Vạn  09.06.2020
 
Ảnh minh họa của họa sĩ Phạm Công Tâm

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...