Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Một lần đau bụng ở Bắc Kinh (Blog Tony Bưổi Sáng )

Một lần đau bụng ở Bắc Kinh
 
Có lần đang đi công tác ở Bắc Kinh thì bị đau bụng dữ dội, sốt cao khó thở nên mình nhờ đối tác chở giùm đi bệnh viện, bảo phải là bệnh viện công lập tốt nhất nhé. Nhưng đối tác bảo là ở Bắc Kinh, bệnh viện tốt nhất, theo anh ấy, lại là những bệnh viện tư nhân do những tập đoàn đầu tư, còn bệnh viện công, cũng rất tốt (vì đã được đầu tư trong mấy chục năm qua) nhưng là nơi thực tập của sinh viên ĐH Y Khoa trong giai đoạn đầu, và dành điều trị cho người nghèo và trung bình cư trú ở thủ đô. Vì là bệnh viện công nên rất đông đúc và ồn ào, thỉnh thoảng lại choảng nhau ở phòng cấp cứu vì thái độ bác sĩ cũng không tốt (do người làm ở khu vực bệnh viện công năng lực và thái độ cũng sao sao đó mà các tập đoàn không có mời về làm, thu nhập thấp và bệnh nhân đủ thành phần trời ơi đất hỡi nên căng thẳng cả ngày), nị không chịu được đâu. Với người có thu nhập tương đối ở đây, bọn ngộ chỉ đi bệnh viện tư nhân lớn. Những phòng khám tư nhân nhỏ nhỏ từ từ bán dần vô các tập đoàn, thành những địa điểm nhận bệnh và chẩn đoán, thấy nặng thì chuyển lên bệnh viện tuyến trên, cũng của các tập đoàn. Những bác sĩ giỏi nhất từ từ rời bệnh viện công đi sang bệnh viên tư, theo dòng chảy của thị trường lao động, nơi họ được trả lương cao hơn, đối tượng bệnh nhân là người khá giả, thường nhóm này rất nhẹ nhàng trong ứng xử, cơ bắp cũng không ngon lành mấy để "hễ chút là choảng nhau". Mở cửa ra là phòng điều hoà, tiếp tân như sảnh khách sạn 5 sao, hoa thơm bướm lượn thơm lừng, ai cũng dáng vẻ thanh tao, đi nhẹ nói khẽ cười duyên nên cũng khó mà nổi nóng. Với người giàu có, họ cũng không có tiếc tiền mà gây gổ, thấy không ổn thì bỏ, qua chỗ khác để được phục vụ tốt hơn, chứ không có nỗ lực "complain" để lấy lại tiền. Họ quý thời gian và sự vui vẻ hơn tiền bạc. Còn nhóm người nghèo, muốn được hưởng dịch vụ tốt như vậy thì nỗ lực làm việc, đó là sự thực hiển nhiên. Còn người có tiền một chút, nên đi bệnh viện tư, trường tư để nhường suất chi phí thấp hoặc miễn phí kia cho người khó khăn hơn mình.
Ở các đô thị lớn như Bắc Kinh Thượng Hải Thiên Tân Thâm Quyến Quảng Châu....nhà nước không mấy đầu tư hệ thống bệnh viện công, vì tự động sẽ có sự điều tiết của thị trường, các tập đoàn lớn sẽ tham gia xây bệnh viện để kinh doanh, sẽ có bác sĩ giỏi nhất với thu nhập cao nhất, được tự do hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, được đầu tư trang thiết bị hàng đầu do có vốn. Nguồn lực của nhà nước tập trung vô bệnh viện tuyến tỉnh để không có chuyện nô nức lên thủ đô trị bệnh. Cứ trong bán kính cỡ 200km là có một bệnh viện đa khoa trung ương tuyến cuối, kiểu Chợ Rẫy 2, Chợ Rẫy 3, Chợ Rẫy 4, Chợ Rẫy 5....và sẽ do một ĐH Y Khoa nổi tiếng đảm nhiệm về nhân lực và nghiên cứu khoa học. Các ĐH lớn có trường Y hay khoa Y như Phúc Đán, Giao Thông Thượng Hải, Giao Thông Tây An, Thanh Hoa, Nam Khai, Tứ Xuyên, Tôn Dật Tiên hoặc các ĐH Y khoa đều có nhiệm vụ bảo trợ một bệnh viện tuyến tỉnh ở vùng xa xôi nào đó, nắm quyền quản lý hoàn toàn, ví dụ ở Cam Túc hay Thanh Hải hay Nội Mông. Đây là hệ thống bệnh viện cho bác sĩ nội trú thực tập để nâng cao tay nghề, và những bác sĩ đầu ngành đến làm việc vài năm trước khi nhận được thăng tiến. Máy móc trang thiết bị do nhà nước đầu tư, tối tân hiện đại. Giúp tuyến tỉnh tuyến huyện là trực tiếp giúp thủ đô, vì dòng người đổ xô lên đó trị bệnh hay tìm cách định cư, thì thủ đô sẽ mãi mãi bế tắc. Giải pháp về giao thông chẳng hạn, chỉ là cho vui, không thể giải quyết được. Cái căn cơ là giảm người giao thông đổ xô đến chứ không phải hạ tầng cần mở rộng ra.
Hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh tuyến huyện này này ở TQ tốt đến độ, bạn sẽ không thể thấy hình ảnh dân tỉnh bắt xe đò hay xe lửa lên thủ đô hay thành phố lớn trị bệnh. 200km là khoảng cách cấp cứu an toàn để một trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp (ví dụ tai nạn hay đột quỵ nặng) được cứu sống vì trong y khoa có khái niệm khoảng thời gian vàng (a golden period), quá thời gian này sẽ không cứu được nữa. Nếu cứ để bệnh viện tỉnh cho xe cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên xa xôi, mà vô thành phố là tắc đường kẹt xe vài giờ đồng hồ, thì bệnh nhân đại đa số sẽ tử vong trên xe cấp cứu.
Ở nước nào cũng vậy, nguồn lực nhà nước, là tập trung đầu tư vô bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Còn ở thành phố lớn, hãy để các tập đoàn kinh tế tự động điều tiết và hệ thống bệnh viện công ở đó đã đủ. Ở thành phố lớn, tuyệt đối không cho thành lập ĐH mới, không đầu tư bệnh viện công mới. Và phân bổ di dời các doanh nghiệp có vốn nhà nước về tỉnh,....để giãn dân, tránh hậu quả khủng khiếp do tập trung dân số về 1 địa phương nào đó.

 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...