Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

PHÓNG SINH - Nguyễn Đại Dương

Một hôm, vừa mở cửa phòng vệ sinh cơ quan, tôi thấy có cái gì đó đen đen trong bồn cầu. Tiến lại gần, hóa ra một chú chim sẻ đang chìm trong lõm nước ngay “cửa xuống địa ngục”, trong khi vẫn cố gác cái mỏ lên trên để thở. 
Tôi liền hiểu chuyện gì đang xảy ra và lập tức vớt chú chim lên, đem ra phía ngoài hành lang nơi có gió và ánh nắng chiếu qua những ô bông gió.
Chú chim run rẩy nhưng không đủ sức bay vì đã kiệt sức và tôi biết cuộc sống của chú sẽ chỉ còn trong thời gian rất ngắn ngủi.
Thi thoảng tôi vẫn bắt gặp những chú chim yếu đuối, kiệt sức đáng thương như vậy trên hành lang gần phòng làm việc của mình hay đâu đó quanh cơ quan. Có không ít con đã chết, xác chúng khô cứng hoặc đang trở thành món mồi cho kiến và ruồi nhặng.
Chả là cơ quan tôi nằm đối diện chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa lớn và nổi tiếng bậc nhất TPHCM. Trong sân chùa thường có những người bán chim để phật tử hay khách viếng chùa mua phóng sinh, nhất là vào những ngày rằm. Dịp Vu Lạn lại càng nhiều. Những con chim, có khi là chim sẻ, chim ri hay loại chim gì đó mà tôi không biết hết tên, được nhốt chật cứng trong các lồng đan lưới sắt.
Chúng có khi mới được săn bắt từ đâu đó đem đến. Cũng có khi được bắt tại chỗ. Thực ra, chúng vốn được săn bắt từ các nơi đem đến, nhưng do đã được nhốt lâu ngày và vì đói ăn, yếu sức nên không thể bay xa.
Khi được người mua mở cửa lồng hoặc được tung lên trời, sau giây phút thăng hoa ngắn ngủi, chúng vội đáp xuống cành cây hay nóc nhà, hành lang nào đó xung quanh, thậm chí rơi ngay tại chỗ vì không còn sức lực. Chú chim trong nhà vệ sinh cơ quan tôi là một trường hợp như thế.
Những con rơi tại chỗ nhưng còn sống lại bị người ta bắt bỏ vào lồng rồi tiếp tục bán. Cứ như thế xoay vòng, chúng chết dần vì kiệt sức trong "kiếp luân hồi".
Phóng sinh, theo đúng nghĩa đen của từ này là giải thoát cho chúng sinh, vạn vật (đang trong trạng thái mắc kẹt, giam cầm nào đó) để làm điều phước.
Phóng sinh có thể là một nghi thức thực hành tôn giáo, cũng có thể chỉ là cách thể hiện lòng trắc ẩn của con người với muôn loài. Với ý nghĩa đó, phóng sinh là nghi thức, hành vi trong sáng và cao cả.
Không chỉ giải thoát muôn loài, phóng sinh còn là cách để con người giải thoát chính tư tưởng, tâm hồn mình.
Song, thực tế, việc phóng sinh ở các chùa hay nơi thờ tự nào đó mà ta thường thấy hiện nay, là sự đày đọa các sinh linh muôn loài, trái ngược tinh thần từ bi, giải thoát của nhà Phật.
Nhìn ở góc độ khác, đó còn là hành vi tiếp tay hủy diệt môi sinh, môi trường. Vì thế tôi rất dị ứng với hành động được cho là “phóng sinh” này.
Không phải tín đồ nhưng thi thoảng, lúc vãn việc, tôi cũng bước qua chùa vãng cảnh. Khi vắng khách, không gian chùa thanh tịnh, khiến lòng phần nào thanh thản, nhẹ nhõm. Nhưng gặp ngày rằm, mùng một hay lễ lạt gì đó, sân chùa người xe đông đúc, chen chúc bán mua chẳng khác cái chợ.
Và tất nhiên, không thể thiếu những người bán-mua chim phóng sinh. Trong những lồng sắt như cái nhà tù đen trũi chứa đầy chim. Những con chim rài rạc, xác xơ và luôn khản cổ kêu trong nỗi khiếp sợ.
Chúng luôn khao khát bầu trời tự do, nhưng khi có cơ hội, chưa kịp vỗ cánh bay lên và cất cao tiếng hót, chúng đã bị rơi tõm xuống địa ngục, mang theo bi kịch với tên gọi mỹ miều và đầy hạnh từ bi: Phóng sinh.
 
*Ảnh: Chú chim sẻ trước và sau khi được tôi vớt ra khỏi bồn cầu

 


 Mời Xem :
 

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...