Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Trả lại cho thiên – Truyện ngắn Hồ Anh Thái

Vanvn- Anh kể, ngõ phố nhà anh rục rịch đón tết, chăng đèn kết hoa đủ kiểu. Một cái ngõ dài vài trăm mét, cờ đỏ sao vàng treo bên trên, bên dưới giăng một hàng dài cả trăm cái đèn lồng đỏ. Đèn lồng đỏ. Hỏi một cụ sao lại treo đèn lồng đỏ, cụ bảo treo thế cho nó đẹp, cho nó khí thế, cho nó tưng bừng. Lại hỏi một cụ đứng bên cạnh, cụ có biết cái đèn lồng đỏ nó là cái gì không. Chịu, thấy nó rực rỡ thì treo vậy thôi. Thưa với các cụ, nó là hình quả thuốc phiện.

Một cụ gật gù ờ ờ nhỉ, lại cứ nghĩ nó là truyền thống dân tộc.

Nhà văn Hồ Anh Thái

Vâng thưa cụ, truyền thống dân tộc thật, nhưng nó là dân tộc Trung Hoa. Ngày xưa đèn lồng hình quả thuốc phiện này treo trong các vương phủ, các hành cung, để tăng kích thích khoái lạc cho vua chúa. Treo nó trên những phố đèn đỏ nhà chứa cũng là nhằm mục đích khoái lạc ấy. Không nói với các cụ, nhưng anh nghĩ thêm, bây giờ thì đến cả chùa chiền cũng treo đèn lồng đỏ, lễ hội người Việt cũng đèn lồng đỏ, mít tinh hội nghị cũng đèn lồng đỏ. Chẳng biết còn có sự kiện gì của sở Văn hóa cũng treo đèn lồng đỏ hay không.

Chuyện ấy anh viết lại trên facebook cá nhân. Tôi đọc, vừa đọc vừa như muốn ơ a lên, kiểu ơ a nhận ra người quen cũ.

Hơn hai chục năm trước, tôi đến thỉnh giảng ở một đại học bên bờ Tây nước Mỹ thì anh đang là nghiên cứu sinh ở đấy. Tôi giảng về văn hóa phương Đông. Anh thì đang nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Chuyện trò qua lại nhiều lần, anh đưa ra một nhận định đúng kiểu nhà nghiên cứu: trong khoa học, sự nhân danh huyết thống là không đáng tin cậy. Ví dụ, một người cháu bất kỳ của Victor Hugo thề thốt rằng tôi là cháu của đại văn hào, chính vì thế tôi hãy tin những điều tôi phát ngôn về tư tưởng trong tác phẩm của ông. Không, cháu chắt, thậm chí là con đẻ đi nữa, nếu không có chuyên môn văn chương thì mọi phát ngôn của họ đều chỉ là cảm tính, không được xem là luận điểm đáng tin cậy.

Trong khoa học, anh nói tiếp, sự nhân danh quốc tịch cũng không đáng tin cậy. Thì đấy một người nước ngoài hỏi một cụ Việt Nam về cái đèn lồng đỏ, rồi người nước ngoài ấy bèn tuyên truyền rằng đã hỏi một người Việt Nam và được khẳng định rằng treo đèn lồng đỏ là tập quán dân tộc từ nghìn xưa. Sai khủng khiếp. Ví dụ nữa, một người Ấn Độ nhân danh mình có quốc tịch Ấn Độ và ông cha nghìn đời của mình cũng Ấn Độ, nhưng không thể trả lời đúng câu hỏi vì sao sau khi hỏa táng rải tro cốt xuống sông Hằng thì người ta sẽ bất tử. Hãy hỏi bất cứ kỹ sư bác sĩ Ấn Độ nào tại sao lại gọi là Sati cái tập tục người vợ phải lên giàn hỏa táng để bị thiêu cùng người chồng vừa chết, chắc chắn cũng hiếm người trả lời được. Ấy thế, một người Việt nghiên cứu Ấn Độ học như anh, anh đưa tay chỉ vào tôi, lại có thể lý giải một cách thuyết phục. Vậy người ta tin vào nhà nghiên cứu chứ không hẳn đã tin vào người dân bản địa thiếu phương pháp và chỉ biết dựa vào trí nhớ là cái thứ rất dễ phản chủ.

Vậy chân lý không đứng về phe huyết thống và phe quốc tịch.

Anh phát triển tiếp luận điểm của mình bằng cách quay về ảnh hưởng của Trung Hoa là đề tài anh đang theo đuổi.

Người Việt, anh bảo, rất vừa miệng với ẩm thực Trung Hoa. Đi công tác dăm bảy ngày sang Âu – Mỹ, chỉ vài ba ngày là đã nhớ cơm, lúc ấy mà thấy một cái quán ăn Tàu thì mắt sáng quắc nước bọt tứa ra ừng ực. Đến nước nào cũng phải đi tìm quán ăn Tàu cái đã. Cả một nền ẩm thực ảnh hưởng Trung Hoa chứ không phải chỉ có một món thịt kho Tàu.

Ăn thì thế, đến mặc, trang phục người Việt dù Âu Tây cũng có nét Tàu. Đến cải tiến cái áo dài váy dài trông cũng lai cái áo xường xám. Phục sức kiểu gì cũng thiên về đóng hơn là mở.

Đến cái ở, nhà cửa xây lấy thì cũng chọn đất chọn hướng theo kiểu địa lý Tàu, thờ thổ công thổ địa như Tàu, trang trí trán nhà rầm mè rui cột cũng kiểu Tàu.

Cứ bảo xứ ta ở trên bán đảo Trung – Ấn, nhưng ảnh hưởng Ấn chỉ còn rất yếu ớt èo uột, chắc chắn là chất Ấn ấy chỉ đậm đặc ở những nước như Lào, Campuchia, hoặc ở những nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Còn ở Việt Nam, Trung đã lấn át Ấn từ cả nghìn năm rồi, không phải chỉ trong nghìn năm Bắc thuộc mà bắt đầu từ cuộc di cư khổng lồ hơn hai nghìn năm trước. Để đến nỗi bây giờ đến phong tục từng ngày tết cũng là phát tích từ Tàu, những tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu, tết Hàn Thực vân vân. Đến chuyện hay tích cũ cổ học tinh hoa của người Việt đều không tự làm ra mà phải mượn tích Tàu. Đến tư duy ca dao dân ca cũng ám ảnh sự tích phương Bắc. Đấy là những câu tục ngữ như giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng. Đấy là những câu ca dao như gánh vàng đi đổ sông Ngô, đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Tương. Đến âm nhạc ngũ cung bát âm kiểu gì cũng réo rắt luyến láy, người nước ngoài nghe phải kêu lên, nhạc Tàu à?

Anh bảo, anh mê hát chèo. Một thứ nghệ thuật mà ban đầu anh tin là không có gì thuần Việt hơn nữa. Cái cô Thị Mầu lẳng lơ ấy, tưởng không còn ai ra chất gái quê Việt Nam hơn cô ta nữa. Cho đến một lần, anh tìm ra trong một cuốn sách của Trung Quốc, thì hóa ra cái chuyện Thị Kính Thị Mầu cũng là chuyện Tàu nốt. Rất nhiều tích cổ Trung Hoa ngày xưa đã được các thầy đồ ta viết thành kịch bản chèo, rồi những gánh hát đua nhau dàn dựng. Còn ngày nay, phim cổ trang, kịch cổ trang, kể chuyện vua chúa đất Việt ngày xưa, thiết kế trang phục và mỹ thuật kiểu gì cũng gợi không khí Trung Hoa nhiều hơn là đất Việt.

Lại nói về trang phục, thời chưa xa, trang phục sư sãi của ta là bộ nâu đất giản dị gần gũi đất đai núi sông. Thế rồi ngoảnh đi ngoảnh lại, các thầy chùa nhà ta đã khoác lên người bộ cánh giống như của Đường Tăng trong phim “Tây du ký”: cái áo cà sa màu vàng lòe loẹt, chiếc mũ thì giống như cái đèn xoay dán giấy bóng kính nhiều màu mà trẻ con thường chơi trong dịp Trung Thu. Hỏi, chắc các thầy bảo thấy nó đẹp thì dùng, chắc chẳng ai quan tâm nó phát tích từ đâu. Ngay như kinh sách Phật của các thầy, cũng không đọc thẳng từ tiếng Phạn được mà phải ma ha ba da ga ti theo phiên âm Tàu.

Người Việt ngày nay thì vẫn thích đọc tiểu thuyết Tàu, thích xem phim Tàu, thích đi du lịch Tàu, thích làm ăn với Tàu – thích làm kiểu Tàu và cả thích ăn kiểu Tàu.

Món Tàu vừa miệng. Có thể nói gọn lại với nhau như vậy.

Nhưng. Tuy nhiên. Vậy mà. Hễ ai bảo một người Việt rằng sản phẩm làm ra của anh ta giống Tàu, thì anh ta sẽ giãy nảy lên. Ông làm kinh tế rất giống Tàu, ông làm chính trị từ xưa đã rất giống Tàu, ông làm văn hóa rất giống Tàu… Ai mà nói thế thì sẽ giãy lên đùng đùng. Cứ như là bị xúc phạm nghiêm trọng lắm. Không chấp nhận. Không thừa nhận. Không công nhận. Không. Không. Không. Một kẻ theo Mỹ một kẻ theo Pháp qua thời gian dễ được người Việt đại xá. Nhưng một kẻ theo Tàu thì nghìn năm không rửa được mặt cho sạch, Trần Ích Tắc đấy, Lê Chiêu Thống đấy.

Nên hiểu cho anh. Những luận cứ anh nêu ra sẽ là không khoa học nếu nó xuất phát từ sự kỳ thị. Anh chỉ muốn chứng minh cho đồng bào của anh hiểu rằng đừng bác bỏ phủ nhận nó mà hãy thừa nhận một sự thật khách quan. Thừa nhận chỉ có ở một dân tộc bản lĩnh. Thừa nhận để xua tan ảo tưởng về bản thân. Thừa nhận để làm phép so sánh, từ đấy mới đủ tỉnh táo để gạn lọc, loại bỏ. Gạn lọc loại bỏ khi ấy sẽ được đi kèm với xây đắp mới và sáng tạo cái riêng.

Đừng có mù mờ hỗn độn nhập nhằng như hiện tại. Thích thì thích tất cả những gì của Tàu, làm thì làm ra cái gì cũng đặc Tàu, nhưng hễ bị ai nói là giống Tàu thì giãy lên như thể bị xúc phạm. Giữa một nhóm bạn bè, một đứa người Pháp bảo, chủng người Việt Nam trông giống người Trung Quốc. Thế là không hài lòng. Một đứa người Canada bảo, tao có cái đĩa CD âm nhạc cổ truyền của Việt Nam, nghe rất giống nhạc Tàu. Thế là không hài lòng. Đứa người Pakistan bảo, tao mới vào quán ăn Việt Nam, tao thấy ẩm thực có vẻ giống Tàu. Không hài lòng.

Chúng tôi đang ngồi chuyện trò ở bờ Tây nước Mỹ. Tôi bảo anh rằng ngay trên đất Mỹ này cũng có những tổ chức quần chúng bài trừ hàng tiêu dùng của Tàu. Người ta tính rằng hàng tiêu dùng ở Mỹ có đến tám mươi phần trăm là sản xuất ở Trung Quốc. Tại sao nhỉ, tại vì một khi con người trên hành tinh này đã trở nên lười biếng, tự làm lấy mà ăn thì thấy vất vả mệt nhọc đắt đỏ, khi ấy có người làm sẵn cho đồ rẻ thì chẳng tội gì không dùng. Chung quy chỉ vì tham rẻ và lười. Người ta cũng tính rằng một người Mỹ sáng ra thức dậy nhờ cái đồng hồ báo thức Trung Quốc, đánh răng rửa mặt bằng bàn chải và khăn mặt Trung Quốc. Ăn sáng phải nhờ đến tủ lạnh, lò vi ba, bếp ga và thực phẩm Trung Quốc. Đi đến công sở bằng xe buýt hoặc tàu điện Trung Quốc. Đến công sở dùng máy tính Trung Quốc, máy in giấy in mực in, điện thoại đều Trung Quốc… Cứ thế cho đến khi đêm xuống, thò tay tắt cái đèn ngủ ở đầu giường cũng là đèn Trung Quốc. Tính đến thế thì mới hiểu cho cái tổ chức bài trừ kia chỉ thực hiện được bài trừ gần một năm, sau đấy vẫn phải sử dụng một cái gì đó Made in China.

Bài trừ là không thể. Kỳ thị là không thể. Phải chấp nhận một sự thật, từ đó mà biết chọn lọc và loại bỏ, trên một tinh thần thận trọng và cảnh giác.

Kể về công trình nghiên cứu của anh rồi. Bây giờ tôi mới kể thêm chút ít về anh.

Ngôi trường ở miền Tây nước Mỹ mà chúng tôi đang ngụ là một trường đại học tổng hợp, diện tích bằng một cái quận trong thành phố, trong ấy có hai mươi ba trường nhỏ. Trong ấy có nhà thờ, có nhà hát, rạp chiếu phim, sân vận động, bể bơi, hàng quán và mấy tuyến xe buýt. Trong ấy có thư viện một triệu rưỡi cuốn sách, hai ba giờ sáng vẫn còn sáng đèn. Anh bạn tôi gặp trong thư viện ấy một cô gái gốc Việt.

Anh đang loanh quanh bên giá sách Đông Nam Á, trên ấy có vài chục cuốn sách tiếng Việt hiếm hoi nhập từ trong nước sang. Một cô gái cũng đang đứng ở đấy. Thấy cô cầm lên một cuốn văn hóa Việt Nam bằng tiếng Việt là hiểu. Anh chủ động hỏi bằng tiếng Việt. Thế là quen nhau.

Cô gái mới cùng gia đình sang Mỹ định cư gần mười năm. Mẹ cô bán tạp hóa ở một khu chợ Á Đông trong thành phố. Chuyện trò thế, anh mới biết trong thành phố này có một khu chợ toàn đồ Á Đông, ở đấy anh có thể mua được một số đồ thiết yếu của người Việt. Nước mắm, mắm tôm, giò chả, bánh đa nem, cả rau đắng để nấu lẩu mắm và rau muống tươi non, tất cả đều nhập từ Việt Nam sang.

Đấy là một thông tin thiết thực. Hai tháng đầu mới sang, anh chưa biết, cho nên toàn phải ăn bánh mì với bơ sữa. Cái bụng người Việt đã bắt đầu réo gào anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Hôm ấy chủ nhật, anh lần đầu tiên tìm đến khu chợ Á Đông. Anh đến quầy tạp hóa của mẹ cô gái trước. Chuyện trò vui vẻ với bà mẹ. Một lát sau, thấy cô gái đang tíu tít bán hàng giúp mẹ, anh không muốn phiền cô nên không rủ cô cùng đi xem chợ mà tự mình lang thang qua các hàng quán khác. Trong khu chợ có dãy hàng quán của người Nhật, một dãy dài của người Tàu, một dãy người Nam Triều Tiên. Một dãy quán người Việt, hàng nhập thẳng từ Việt Nam sang hoặc nhập quanh co qua đường Thái Lan. Chẳng hạn, một gói miến dong Việt Nam nhưng dán nhãn tiếng Thái do một công ty của Thái Lan nhập từ Việt Nam rồi phân phối đi các nước.

Anh mua được một ít măng miến mộc nhĩ nấm hương, vài mớ rau muống. Đến đấy thì vẫn chưa ra chuyện. Chỉ việc nhặt đồ lên rồi ra tính tiền, chẳng cần nói năng gì cả, không ai biết mình giọng Bắc hay giọng Nam. Nhưng nhớ ra có thể tìm mua một cái đĩa CD sản xuất ở Cali, Lê Dung hát nhạc Đoàn Chuẩn. Anh đến một quầy tạp hóa và cất tiếng hỏi, có CD Lê Dung Đoàn Chuẩn không cô?

Tiếng sét giữa trời xanh. Cánh bán hàng ở dãy quán ấy đều là người Nam. Hầu như không có ai di cư sang trước năm bảy lăm. Phần đông là chạy di tản năm bảy lăm, ít hơn một chút là thuyền nhân thuê thuyền vượt biên sau bảy lăm, một số ít sang theo diện ra đi có trật tự ODP. Một tiếng Bắc vang lên giữa khu chợ toàn những người còn đang nuôi mối quốc hận. Ngay cả mấy người Bắc di cư năm tư cũng nhận ra giọng anh là giọng Bắc hiện đại.

Người bán hàng, một bà trung niên đang tươi cười bỗng nghẹn lời mất một lúc. Rồi bà ta bật lên, ủa, dân Bắc kỳ, dân vi xi mà sao qua đây?

Vi xi là VC, viết tắt chữ Việt Cộng. Tất nhiên là nếu có cái đĩa CD ấy bà ta cũng không bán. Anh bạn nghe nói năng thế là hiểu rồi, anh bỏ sang quầy bên cạnh. Chưa kịp cất tiếng hỏi thì bà trung niên kia đã gọi với sang nhắc chủ quán bên này: Thằng đó là cộng sản đó, thằng đó là vi xi đó.

Chủ quán bên cạnh ngơ ngác hỏi lại, thằng nào là vi xi? Bà trung niên kia vẫn chưa hết hờn căm: Cái thằng đen mặt đó, thằng đen đó.

Anh đang tức vì sự kỳ thị, giờ lại thêm cái tức vì sự xúc phạm cá nhân. Trên mặt anh có một cái bớt màu đen, như một con tem màu đen dán trên má phải. Từ bé đi học anh đã mặc cảm vì cái bớt, đã bị bạn bè trêu chọc, chúng đã gọi anh là thằng đen. Cái biệt danh thằng đen ấy chỉ từ khi lớn lên, sống trong môi trường sinh viên rồi công chức, toàn người lớn cả, người ta đều tránh nhắc đến. Người có văn hóa không ai nhắc đến khiếm khuyết về thân thể của người khác. Bây giờ đây, đứng giữa khu chợ người Việt nhập cư trên đất Mỹ, cái tên ấy bị lôi ra. Bất ngờ. Đột ngột. Thình lình.

Thằng đen. Thằng vi xi. Thằng Cộng. Cả góc chợ xôn xao lên truyền báo cho nhau. Nó đó. Nó đó. Họ chỉ trỏ phát giác. Những người bán hàng không còn lo bán hàng nữa mà chỉ lo bạn cùng phường bỏ lỡ mất dịp nhìn thấy một tên Bắc kỳ dám mò sang tận nước Mỹ, dám đến đây mua đồ.

Anh bạn bỏ về. Không mua bán gì nữa. Đấy là lần đầu tiên anh đến cái chợ này và cũng là lần cuối cùng. Suốt bốn năm làm luận văn, anh không bao giờ quay lại chợ nữa. Anh đến các siêu thị của người Mỹ, chỉ toàn đồ dùng và thực phẩm Âu Mỹ, và anh bắt cái bụng nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương của anh phải ăn đồ Tây.

Lại những dịp rỗi rãi chuyện trò, tôi nói với anh rằng nội chiến Mỹ từ năm 1861 đến 1865, nó kết thúc gần một thế kỷ rưỡi rồi, nhưng kỳ thị Bắc Nam ở người Mỹ vẫn là vi trùng lao mai phục trong mỗi người. Nước Mỹ cũng đã nỗ lực rất nhiều để xóa bỏ kỳ thị, mà kết quả vẫn là như vậy. Nỗ lực hòa giải là rất cần, mỗi người cần có thiện chí hòa giải trong người, nhưng đừng nghĩ cứ nỗ lực là tất thành.

Lại nói thêm, anh đừng băn khoăn vì cái giọng Bắc nó tố cáo anh. Mới đây một nghiên cứu sinh người Sài Gòn hẳn hoi, vào cái chợ ấy cũng đã bị phát giác vì cái giọng Nam hiện đại. Nó đó, nó vừa từ Sài Gòn sang đó, nó là vi xi đó.

Thế vậy. Hễ có ai từ Việt Nam sang, bất kể giọng Bắc giọng Nam, những người không chịu bỏ nước mà đi như họ, họ đều gọi là vi xi, là Cộng.

Tưởng như một lần là cạch mặt, nhưng cuộc sống có lối đi riêng của nó. Mới đây anh bạn tôi đã quay lại khu chợ ấy. Sau hơn hai chục năm. Hồi ấy anh là một nghiên cứu sinh. Bây giờ anh đã là giáo sư tiến sĩ có một chuyên môn đáng trọng. Anh được mời trở lại ngôi trường ngày ấy để thỉnh giảng một học kỳ ba tháng, gọi là học kỳ mùa thu, The Fall Quarter. Anh nảy ra cái ý quay lại khu chợ ấy để mua một vài thứ thực phẩm Việt. Ngày trước suốt bốn năm không cần đoái hoài gì đến thực phẩm Việt vì chán người Việt ở đấy. Bây giờ thì thấy chẳng việc gì phải bó tay cấm túc ăn nhịn để dành, cần thì cứ đến chợ. Xác định trước là sẽ có thể lại bị gọi là thằng đen, thằng Bắc kỳ, thằng vi xi, thằng Cộng. Ngày trước thấy thế là xúc phạm lắm. Bây giờ đã bao nhiêu va chạm ở đời, cái đó chẳng còn nghĩa lý gì.

Anh đi khắp chợ, vào hàng quán nào cũng cố tình hỏi giọng Bắc. Có măng miến không cô? Có xi đi không cô? Có báo người Việt mới chưa cô? Cô, người Bắc gọi cô với một bà trung tuổi chứ không gọi dì như người Nam, anh chủ ý dùng cái đại từ nhân xưng Bắc.

Chẳng ai phản ứng gì. Vui vẻ mang hàng ra bán, gói ghém chu đáo cẩn thận. Những bà trung niên ngày trước bây giờ nếu còn ngồi đây chắc cũng già rồi. Đây có phải là những bà nó đó nó đó ngày trước hay đã là những người khác? Anh chịu, không nhớ nữa.

Anh sang hiệu tạp hóa của mẹ cô bạn ngày trước. Bà mẹ hồ hởi khoe ngày ấy cô đã làm xong tiến sĩ, rồi sang miền Đông làm cho một công ty kinh doanh ở New York. Bà mẹ vẫn nghe như thường cái giọng Bắc của anh kể tình hình làm ăn trong nước, nghe bình thường như hơn hai chục năm trước chỉ có một mình bà nghe giọng anh một cách bình thường.

Trước khi anh rời chợ, bà mẹ bắt anh nhận mấy món quà tết mang về cho con anh. Hai cái đèn lồng đỏ bằng quả bưởi, có chữ tiếng Tàu chắc là cung chúc tân xuân. Một tập phong bao màu đỏ đựng tiền mừng tuổi, Bắc gọi là mừng tuổi chứ Nam gọi là lì xì. Trời ơi, đến cái phong bì mừng tuổi mà cũng viết chữ Tàu, cũng lòe loẹt đỏ chót màu Tàu. Mấy cái dải bùa treo trên cửa cũng bằng vải đỏ viền kim tuyến vàng chóe. Cả gian hàng của bà và dãy hàng quán người Việt bên cạnh cứ thế mà đỏ chót vàng chóe đồ ăn tết của Tàu.

Nếu không thấy bà chủ quán đứng đấy thì anh đã nhăn mặt. Tết của người Việt mà sao không tự sản xuất được một cái gì Việt Việt một tí, cứ dễ dãi mua bán và trang trí những thứ này. Nói là người Việt giống Tàu thì lại giãy nảy lên.

Anh không nỡ từ chối mà phải cười nhận mấy món quà tết. Trên đường về, anh ghé qua nhà một người bạn ở khoa Trung Quốc học mà tặng lại tất cả. Cũng nói rất thật với người đồng nghiệp Trung Quốc rằng đây là món quà mình mới được tặng, và trong lòng rất thiết tha muốn tặng lại cho lũ trẻ nhà anh ta.

Đi rồi anh lại nghĩ, biết đâu anh bạn giáo sư người Trung Quốc kia vui thì vui, nhưng anh ấy cũng nghĩ rằng mình vừa chở củi về rừng, của thiên lại trả cho thiên.

  HỒ ANH THÁI

Xem thêm:

 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...