Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

CHÙM THƠ THẤT TỊCH - Đỗ Chiêu Đức

Đường Thi :
                                   
                               CHÙM THƠ THẤT TỊCH  (1)

     THẤT 七 là Bảy; TỊCH 夕 là Đêm. Nhưng THẤT TỊCH 七夕 không phải là Bảy đêm, mà là đêm "Mùng Bảy Tháng Bảy" Âm lịch. Đêm mà Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau nhờ ô thước bắc cầu qua dòng sông Ngân Hà như trong truyền thuyết. Ngưu Lang Chức Nữ là một trong bốn chuyện tình lớn nhất của dân gian trong xã hội sơ khai của nền nông nghiệp : Nam thì chăn trâu cày ruộng; N thì chăn tằm dệt vải. Nhưng vợ chồng lại không được đoàn tụ phải sống trong bi kịch mỗi người một nơi, một năm chỉ gặp mặt được có một lần. Nhân tháng 7 âm lịch, ta đọc lại một số bài thơ có liên quan đến tình yêu nam nữ lớn nhất, lâu đời nhất này nhé !...


1. Bài thơ ĐIỀU ĐIỀU KHIÊN NGƯU TINH 迢迢牽牛星 : 

               迢迢牽牛星,    Điều điều Khiên Ngưu tinh,
               皎皎河漢女。    Kiểu kiểu Hà Hán nữ.
               纖纖擢素手,    Tiêm tiêm trạc tố thủ,
               札札弄機杼。    Trát trát lộng cơ trữ.
               終日不成章,    Chung nhật bất thành chương.
               泣涕零如雨。    Khấp thế linh như vũ.
               河漢清且淺,    Hà Hán thanh thả thiển,
               相去復幾許?    Tương khứ phục kỷ hử ?
               盈盈一水間,    Doanh doanh nhất thuỷ gian,
               脈脈不得語。    Mạch mạch bất đắc ngữ !
                         無名氏                   Vô Danh Thị (Không rõ tên tác giả)


* Chú thích :
    - Điều Điều : là Xa xăm diệu vợi; là Xa xa...
    - Kiểu Kiểu : là Trắng trẻo nõn nà; là Lấp lánh. Còn được đọc là Hạo Hạo.
    - Tiêm Tiêm : là Mềm mại, thon thả. - Trạc : Nhấc lên, Đưa lên.
    - Trát Trát : là Lách cách lác các (từ Tượng thanh).
    - Bất Thành Chương : là Không thành văn vẻ vải vóc gì cả.
    - Khấp Thế : Khấp là Nước mắt ; Thế : là Nước mũi; Linh : là Chảy. Câu : "Khấp thế linh như vũ"là "Nước mắt nước mũi chảy như mưa". 
    - Hà Hán : Chỉ sông Thiên Hà, còn gọi là Sông Ngân Hà hay Ngân Hán.
    - Kỷ Hử ? : Là Nghi vấn tự, có nghĩa là Bao nhiêu ?"
    - Doanh Doanh : Là Đầy âm ấp. Là Vẻ nhởn nhơ của các bà các cô. Là (Nước) nông và trong, là Nông sờ. Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều :

                           Sông Tương một dãy NÔNG SỜ,
                          Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.

    - Mạch Mạch : là (Nhìn) Đăm đắm, Đắm đuối, Chứa chan tình cảm.

* Nghĩa bài thơ :
       Xa xôi diệu vợi ở đầu bên kia sông là Sao Khiên Ngưu. Lấp lánh sáng sủa phía bên nầy sông là sao Chức Nữ (HÀ HÁN NỮ). Với đôi tay mềm mại trắng trẻo vươn ra, và tiếng lách cách lác các của khung cửi đang hoạt động. Nhưng... suốt cả ngày không dệt ra được vải vóc gì cả; mà còn khóc đến nước mắt nước mũi chảy như mưa. Sông Ngân Hà lại trong mà cạn, đây qua đó khoảng cách có bao xa đâu ? Chỉ là một dòng nước đầy ngăn cách, nhưng lại chỉ nhìn nhau đăm đắm mà chẳng nói nên lời !  

       Đây là bài thơ thứ mười trong "Cổ thi thập cửu thủ 古詩十九首" (19 bài thơ xưa thời Tần, Hán). Bài thơ đã mượn truyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ trong cái bi kịch là bị ngăn cách bởi sông Ngân Hà, người ở bên nầy sông người ở bên kia sông. Chức Nữ đã nói lên nỗi tương tư của sự chia cắt, bày tỏ nỗi bi thương sầu thảm của cảnh vợ chồng không được đoàn tụ một nhà. Không còn lòng dạ nào để canh cửi nữa, nên mặc dù khung máy dệt vẫn lách ca lách cách mà lại chẳng dệt nên gì cả, trong khi nước mắt nước mũi lại đầm đìa. Ý thơ và lời thơ đã hàm chứa một ý thức bất mãn và phản kháng về sự việc "Vợ một nơi chồng một nẻo" nầy. Lời thơ thiết tha chân thành, hình ảnh gợi tình gợi cảm một cách chân thật : Chỉ cách có mỗi một dòng sông nước cạn mà đôi lứa đành phải tương tư sầu khổ; Gần nhau trong gang tấc mà như là cách trở quan san !

* Diễn Nôm :

                ĐIỀU ĐIỀU KHIÊN NGƯU TINH
 

                  Xa xăm sao Khiên Ngưu,
                  Lấp lánh sông Chức Nữ.
                  Thon thả vươn tay ngà,
                  Lách cách trên khung cửi.
                  Suốt buổi chẳng nên chi,
                  Như mưa kìa mắt mũi.
                  Ngân Hà cạn lại trong,
                  Phải cách chi non núi ?!
                  Một dòng nước vơi đầy,
                  Nhìn nhau chừng đắm đuốì !
      Lục bát :
                  Sao Ngưu diêu vợi trời xa,
                  Lấp lánh Chức Nữ bên Hà Hán đây.
                  Tay ngà thon thả vươn đầy,
                  Thoi đưa lách cách khung cây suốt ngày.
                  Chẳng thành vải vóc cân đai,
                  Nước mắt bước mũi chảy dài như mưa.
                  Ngân Hà trong cạn như xưa,
                  Gần nhau gang tấc, lại vừa xa xôi.
                  Cách ngăn chỉ một sông thôi,
                  Nhìn nhau đăm đắm khôn lời thở than !
                                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm


2. Bài thơ THẤT TỊCH 七夕 của LÝ HẠ 李賀 đời Đường :
          LÝ HẠ 李賀(790~816) Thi nhân đời Đường. Tự là Trường Cát 長吉. Người ở đất Phước Xương huyện Xương Cốc. Được người đời xưng tụng là THI QUỶ 詩鬼. Ông còn có biệt hiệu là Lý Xương Cốc 李昌谷. Cuộc sống của ông trường kỳ chìm đắm trong ưu tư sầu não, vắt óc khổ ngâm sống cuộc sống hành hạ bản thân. Thêm vào gia cảnh bần hàn khốn đốn làm cho cái ngôi sao thơ chưa kịp tỏa hết những ánh sáng lạ kỳ độc đáo thì đã phải vẫn lạc rụng sớm khi mới vừa 27 tuổi. Sau đây là bài thơ THẤT TỊCH 七夕 của ông.

                七夕                THẤT TỊCH
            別浦今朝暗,    Biệt phố kim triêu ám,
            羅帷午夜愁。    La duy ngọ dạ sầu.
            鵲辭穿線月,    Thước từ xuyên tuyến nguyệt,
            螢入曝衣樓。    Huỳnh nhập bộc y lâu.
            天上分金鏡,    Thiên thượng phân kim kính,
            人間望玉鉤。    Nhân gian vọng ngọc câu.
            錢塘蘇小小,    Tiền Đường Tô Tiểu Tiểu,
            更值一年秋。    Cánh trị nhất niên thu.
         

* Chú thích :
    - Thất Tịch : là Đêm mùng 7 tháng 7 Âm lịch. 
    - Biệt Phố : là Bến nước ly biệt, ở đây chỉ bến sông Ngân Hà nơi Ngưu Lang Chức Nữ chia tay với nhau, ai về bến nấy.
    - Kim Triêu : là Sáng nay; là Hôm nay; nghĩa trong bài là "Đêm Nay". Như trong câu "Dưỡng quân thiên nhật, dụng tại NHẤT TRIÊU 養軍千日,用在一朝。" Có nghĩa : "Nuôi quân ngàn ngày, (nhưng chỉ) dùng trong MỘT BUỔI.
    - La Duy : là Rèm màn được dệt bằng tơ. Trong bài "Phong Phú 風賦" của Tống Ngọc thời Chiến Quốc có câu :"Tễ ư LA DUY, kinh ư động phòng 躋於羅帷,經於洞房" là Bước vào rèm tơ để động phòng. 
    - Câu 螢入曝衣樓. HUỲNH nhập bộc y lâu. Có dị bản là "HOA nhập bộc y lâu 花入曝衣樓". HUỲNH 螢 là con Đom đóm.
    - Phân Kim Kính 分金鏡 : là Chia cái gương bằng vàng ra làm hai. Ý chỉ mùng bảy trăng chưa tròn, chỉ có nửa vầng trăng thôi. Giống như là mảnh gương vđôi của Lạc Xương công chúa và TĐức Ngôn, và như cụ Nguyễn Du cũng đã viết "Vầng trăng ai xẻ làm đôi ?". đây Lý Hạ ví mình như "nửa vầng trăng" vì đơn độc có một mình.    
    - Ngọc Câu : là Cái móc bằng ngọc, chỉ trăng lưỡi liềm của đêm mùng bảy.
    - Tô Tiểu Tiểu 蘇小小 : là một danh kỹ của Nam Tề thời Nam Bắc Triều, được rất nhiều văn nhân thi sĩ nhắc đến. Ở đây Lý Hạ mượn hình tượng của Tô Tiểu Tiểu để chỉ người mình yêu.
    - Câu 更值一年秋 CÁNH trị nhất niên thu. có dị bản là : HỰU trị nhất niên thu 又值一年秋. CÁNH và HỰU ở đây đềi có nghĩa là LẠI, Lại thêm, Lại càng.

* Nghĩa bài thơ :
        Trên bến sông Ngân Hà đêm nay trời rất ảm đạm. Ngồi trong rèm tơ lúc nửa đêm để nghe sầu dâng tràn ngập. Chim ô thước đã từ biệt vầng trăng xỏ chỉ để KHẤT XẢO (xin được khéo tay). Chỉ còn những con đom đóm bay vào lầu phơi áo mà thôi (Đây là lần phơi áo cuối cùng trước khi trời vào thu). Trên trời vầng trăng như chiếc gương vàng bị chia đôi (Như Ngưu Lang Chức Nữ hợp rồi lại tan). Nên (những người yêu nhau) trong nhân gian chỉ ngắm được có nửa cái móc ngọc mà thôi. (Không thấy được người yêu) như là Tô Tiểu Tiểu ở xứ Tiền Đường; Đành âm thầm sống lẻ loi cô độc thêm một mùa thu nữa vậy !

       Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi trong đêm Thất Tịch thì nguyện "Trên trời cùng làm chim liền cánh, dưới đất thì làm cây liền cành". Nàng cung phi của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì "Mượn điều THẤT TỊCH mà thề bách niên" còn Lý Hạ lại mượn đêm Thất Tịch để bày tỏ nỗi lòng ưu sầu và thương nhớ người yêu của mình. Ngưu Lang Chức Nữ một năm còn được gặp nhau một lần trong đêm Thất Tịch, mặc dù sau đó lại phải chia tay; Còn mình xa người yêu hết năm nầy qua năm khác không biết đến bao giờ mới lại được gặp nhau đây. Vầng trăng mãi cứ như mảnh gương xẻ nửa đêm Trừ Tịch. Không biết đến bao giờ thì "Gương vỡ lại lành" đây ?!  Đành cô đơn lẻ bóng thêm một năm nữa vậy !

* Diễn Nôm :
   
                      THẤT TỊCH

                 Bờ Ngân Hà ảm đạm,
                 Rèm tơ nửa đêm sầu.
                 Qụa rời trăng xỏ chỉ,
                 Đom đóm áo phơi lầu.
                 Trên trời gương bẻ nửa,
                 Dưới thế ngắm móc câu.
                 Đâu Tiền Đường Tiểu Tiểu ?
                 Lại thêm một năm thu !
       
    Lục bát :
                 Ngân Hà ảm đạm đôi bờ,
                 Một mình cô lẻ rèm tơ đêm sầu.
                 Qụa rời xỏ chỉ trăng thâu,
                 Áo phơi đóm lượn bên lầu trăng soi.
                 Trên trời gương bẻ làm đôi,
                 Dưới trần buồn ngắm bồi hồi ngọc câu.
                 Tiền Đường Tiểu Tiểu về đâu ?
                 Lại mùa thu nữa nghe sầu chia ly !
                                              Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm.

3. Bài thơ THU TỊCH 秋夕 của Đỗ Mục 杜牧 đời Đường :
           ĐỖ MỤC 杜牧 (803-852), tự Mục Chi 牧之, hiệu Phàn Xuyên Cư Sĩ 樊川居士, người đất Kinh Triệu 京兆 (Tây An thiểm Tây ngày nay). Ông là con của Đỗ Tùng Úc, cháu nội của Tể Tướng Đỗ Hựu, đậu tiến sĩ năm 26 tuổi đời Đường Văn Tông Đại Hòa năm thứ 2. 
      Đỗ Mục là nhà thơ, nhà tản văn kiệt xuất đương thời. Ông từng giữ các chức vụ Hoằng Văn Quán Hiệu Thư Lang, Giang Tây Quan Sát Sứ Mộ, Hoài Nam Tiết Độ Sứ, Quốc Sử Quán Tu Soạn, Ngự Sử Hoàng Châu, Trì Châu, Mục Châu ... Vì cuối đời ông ở Nam Phàn Xuyên Biệt Thự xứ Trường An, nên người đời gọi ông là Đỗ Phàn Xuyên. Ông trứ tác Phàn Xuyên Văn Tập, nổi tiếng với các bài Thất ngôn Tứ tuyệt, người đời gọi ông là Tiểu Đỗ để phân biệt với Lão Đỗ là Đỗ Phủ của buổi sơ Đường. Đỗ Mục cùng với Lý Thương Ẩn hợp xưng " Tiểu LÝ ĐỖ " để phân biệt với " Lão LÝ ĐỖ " là Lý Bạch và Đỗ Phủ.
      Sau đây là bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt THU TỊCH của ông :

                   秋夕                       THU TỊCH    

          銀燭秋光冷畫屏,   Ngân chúc thu quang lãnh họa bình
            輕羅小扇撲流螢。   Khinh la tiểu phiến phốc lưu huỳnh
            天街夜色涼如水,   Thiên giai dạ sắc lương như thủy
            臥看牽牛織女星。   Ngọa khán Khiên ngưu Chức nữ tinh .
         
* Chú thích :
    - Ngân Chúc : Ngân là Bạc, ở đây là màu Bạc, màu trắng bạc. Chúc là đuốc. Hoa Chúc là Đuốc hoa, ở đây Chúc là cây Đèn Cầy, Cây Nến. Ngân chúc : là Cây Đèn sáp màu trắng bạc.
    - Họa Bình : là Bức bình phong có vẽ tranh của các nhà quyền quý thời xưa.
    - Khinh La : Khinh là nhẹ, La là Là, Lụa là, là Vải The. Khinh La : là loại vải the nhẹ để làm quạt. Trong bài "Khinh La Tiểu Phiến": Là chiếc quạt con làm bằng lụa là của các tiểu thơ thường cầm trên tay ngày xưa.
    - Phốc : Là chụp bắt.
    - Lưu Huỳnh : Lưu là Lưu động, là xẹt. Lưu Tinh 流星 : là Sao xẹt. Huỳnh : là con Đom đóm.
    - Thiên Giai : Giai là con đường. Thiên Giai : không phải là đường ở trên trời, mà là đường trong kinh thành, trong cung vua.
    - Lương Như Thủy : là Mát như nước.

* Dịch nghĩa :
                        ĐÊM THU
       Ánh sáng lung linh từ ngọn bạch lạp tỏa ra hòa với hơi thu làm cho tấm bình phong đẹp rực rỡ cũng nhuốm hơi lạnh lẽo, nàng phe phẩy chiếc quạt the để chụp bắt những con đom đóm đang lặp lòe bay lượn trong đêm. Đêm đang xuống trong những con đường của Kinh thành, hơi thu mát lạnh như nước trong đêm thanh vắng lặng, nàng ngữa nhìn sao trời để tìm ngắm hai sao Chức Nữ và Ngưu Lang.
 
Diễn nôm : 
                                     THU TỊCH
          
                      
                       Lung linh nến trắng bình phong lạnh,
                       Quạt lụa vờn theo đóm lượn thu.
                       Lấp lánh sao trời trong như nước,
                       Nằm xem sao Chức gặp sao Ngưu .
       Lục bát :
                       Bình phong thu lạnh se se,
                       Quạt là nến trắng lặp lòe đóm bay
                       Trời thu như nước mát thay,
                       Ngưu Lang Chức Nữ đêm nay tương phùng !
                                                                 Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
                                                                                               
      Đêm thu với khí trời trong mát, với đom đóm bay lượn lặp lòe, rồi nằm mà ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ.... Rất bình dị và rất nên thơ !. Có ai ngờ được đây lại là một bài thơ Cung Oán !... Này nhé
   ... Ngọn bạch lạp đặt trên giá bằng bạc, bình phong có tranh họa rực rỡ, rõ ràng là cuộc sống của các nhà quyền quý vương hầu, ta càng xác định hơn với từ Thiên Giai : là đường trong Kinh thành, trong Cung Vua, và ai mới rảnh rổi mà nằm ngắm sao trời ?. Chỉ có những nàng cung nữ nhàn nhã, tội nghiệp trong lãnh cung mới rảnh rổi như thế mà thôi, và... một điểm tâm lý rất quan trọng nữa là, chỉ có những nàng cung nữ với tình xuân phơi phới, với nhựa sống tràn trề, mà phải giam mình trong chốn lãnh cung cô thân chiếc bóng, mới hâm mộ và ước ao được như Ngưu Lang Chức Nữ, mặc dù mỗi năm chỉ hội ngộ có một lần. Một lần, có còn hơn không !. Một số cung nhân may mắn... suốt đời mới gặp được vua một lần ! Lắm cô suôt cả cuộc đời, hết cả tuổi thanh xuân, cũng chưa được nhà vua một lần triều kiến... So với Ngưu Lang Chức Nữ thì còn đắng cay chua xót hơn nhiều ! Nên chi, mới ngưỡng mộ và ước ao được như Ả Chức và Chàng Ngưu, chớ còn đối với cuộc sống bình thường, thì có ai lại hâm mộ chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ bao giờ ?! Duy chỉ có nàng cung phi trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mới ...

                  Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên  ....    mà thôi ! 
                                                                                             
       "Bách niên" mà chỉ gặp nhau vào đêm "Thất Tịch" hằng năm, thì có ai ao ước mà làm gì !!!

        Phải tinh ý lắm, ta mới cảm nhận được cái "Oán" trong bài thơ nầy, vì nó quá nhẹ nhàng và bình dị. Phải chăng cái oán đeo đẳng miên man lâu dần nên đã hòa vào cuộc sống và được chấp nhận như một sự tự nhiên tội nghiệp ! Không như nàng cung phi của Ôn Như Hầu :

         ..... Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !... 
    Khi...   
            Cái oán đã lên đến cực điểm và trở thành bạo động !  

       Hẹn bài viết tới :

                          CHÙM THƠ THẤT TỊCH  (2)

                                                                                           杜紹德
                                                                                      Đỗ Chiêu Đức


 

1 nhận xét: