Enchi Fumiko (1905-1986) bắt đầu sự nghiệp là nhà viết kịch, nhưng được biết nhiều qua những truyện dài và ngắn. Bà là con gái một học giả, tác phẩm của bà vang vọng huy hoàng của những tuyệt phẩm văn chương Nhật. Trái với chủ đề phiền muộn của đương thời, bà tìm về những bí mật cổ, tạo được bầu khí thần bí, hoang đường. Bà mổ xẻ tình trạng bị tước đoạt tinh thần và tình dục của phụ nữ Nhật, không được an ủi, ủy lạo qua các giải pháp lãng mạn thường thấy. Nhân vật nữ hình như ngó trân trân “mắt mở lớn, nhạt nhòa, và chăm chú nhìn vào khoảng trống xa lạ.” (Neko no soshi – The Book of Cats -Sách Mèo)
Nisei no en shui (Kiếp Sau Còn Yêu) có cấu trúc 2 tầng. Truyện Mưa Xuân của Akinari lảng vảng trong đầu nhân vật nữ hiện đại và được dùng như một nhận xét về cuộc đời nàng. Truyện của Akinari đụng vào niềm tin phổ biến của Phật giáo rằng tu sĩ có thể đi vào thiền định lâu dài và rồi sống lại thể xác vẫn giữ nguyên. Phụ nữ góa trong truyện ngẫm nghĩ sâu xa về sống lại của nhà sư, vì nàng vẫn còn mong muốn chồng đã chết, qua phép lạ có thể trở lại. Đầu nàng vẫn ám ảnh giáo thuyết hôn nhân là kết hợp trong 2 kiếp. Do bị bệnh, phải mất tử cung Enchi Fumiko bị ám ảnh bởi cơ quan nữ, như thấy trong câu “shikyu ga dokiri to natta” (tử cung tôi rạo rực ham muốn). “Dokiri” là chữ tượng thanh, nghe như rộn ràng, rạo rực. Bà cho nhân vật nhận thức tình dục qua cái rạo rực của tử cung, dùng nó như một biểu tượng của phụ nữ tính. Câu này trong truyện đã gây xôn xao khi tác phẩm được in.
(Phạm đức Thân dịch từ bản Anh ngữ “Love in Two Lives: The Remnant” của Noriko Mizuta Lippit; và có tham khảo bản dịch “A Bond for Two Lifetimes – Gleanings” của Phyllis Birnbaum
*
KIẾP SAU CÒN YÊU
Quỳ xuống hành lang đã mở, tôi gọi vào trong qua cánh cửa kéo shoji, mầu sắc không đều vì đây đó có những mảng sửa chữa,
“Giáo sư, tôi vào được không?”
Một âm thanh mơ hồ, đùng đục không rõ là được hay không vẳng ra
từ bên trong, và tôi nghe tiếng động khẽ của chăn đắp trượt qua
bên khi ông đổi vị thế trong lúc nằm. Do tôi đã chờ đợi đáp
ứng này, tôi lặng lẽ kéo cửa, vào phòng để nguyên áo ngoài.
Đúng như tôi đã nghĩ, GS Nunokawa đang tìm ấn bản tái duyệt của
sách giáo khoa mỏng, khổ lớn nằm cạnh giường ngủ, đầu tóc
trắng bù xù hơi ngóc khỏi gối bẩn. Mỗi lần tôi đến đây để
chép bài cho ông, khăn trải giường và viền vải trúc bâu trắng
của chăn đắp đã sờn, trông bẩn thỉu làm tôi khó chịu, nhưng
Mineko, chị người làm săn sóc giáo sư, không có vẻ gì muốn thay
chúng. Giường bẩn của người bệnh dù là thanh niên cũng cảm
thấy đủ khốn khổ, huống hồ trường hợp ông già thì còn tệ
gấp bội. Cảm giác buồn rầu hoặc thương hại của tôi đã từ lâu
chuyển sang gớm ghiếc trước thảm trạng phô bày. Mặc dù mùi
mốc meo của phòng người bệnh làm tăng thêm cảm giác tởm lợm,
tôi cũng nhẹ nhàng hỏi thăm sức khỏe ông khi mở cuốn vở để ghi
chép, đặt trên cái bàn gỗ hồng đào đã mất hẳn vẻ sáng
bóng, có lẽ được Mineko kéo tới cạnh giường trước khi đi ra
ngoài mua sắm. Trong khi có một chai nước nóng đặt trong giường
giáo sư để sưởi ấm, thì vài mẩu than cứng của lò sưởi trong
phòng luôn luôn cháy hết một nửa, và vào ngày như thế này, khi
tuyết và mưa đang rơi, căn phòng lạnh như đá. Vì lần đầu tiên
tôi đến với GS Nunokawa ông đã tử tế bảo tôi không cần cởi áo
ngoài, tôi chấp nhận đề nghị, nên giờ cứ thế ngồi xuống không
cởi áo.
“Hôm nay chúng ta dự trù làm truyện ‘Kiếp Sau Còn Yêu,‘ phải không?”
Ông hình như không muốn nói về tình trạng sức khỏe của mình,
và mở quyển sách mỏng trên ngực, tay phải cầm bút chì đỏ, và
chỉ di chuyển đôi mắt dưới gọng kính dầy nhìn xa xa về phía
tôi. Mở cùng ấn bản tái duyệt Truyện Mưa Xuân, tôi nói,
“Trang 59, giáo sư, ‘Kiếp Sau Còn Yêu‘ khởi sự từ đầu.”
Tôi đã nhận công việc ghi chép lại lời dịch của GS Nunokawa tác phẩm Truyện Mưa và Trăng và Truyện Mưa Xuân
của Ueda Akinari, vì giáo sư quá yếu không thể tự ghi chép.
Nhà xuất bản nơi tôi làm việc đang có kế hoạch in gộp vào một
quyển những bản dịch sang tiếng Nhật hiện đại của các tác
phẩm. Mặc dù ốm yếu, ông nhiệt tình thực hiện công việc này,
có lẽ vì cần phải kiếm sống. Tôi đã ghi chép xong 9 truyện
quái dị của Truyện Mưa và Trăng và 4 kỳ đầu của Truyện Mưa Xuân,
viết xuống những chữ phát ra từ đôi môi nhệu nhạo che hàm răng
không đều, liên tục tuôn ra giống như sợi tơ nhả từ con kén.
Truyện Mưa Xuân Udea Akinari viết hồi cuối đời. Trong lời tựa ông viết,
Mưa xuân tiếp tục rơi hôm nay. Lặng lẽ và đầy cảm xúc. Tôi lấy
ra thỏi mực thường lệ, nhưng sau khi suy nghĩ một lát, thấy
không có gì để nói. Tôi đang cố viết truyện kể monogatari theo
phong cách cổ điển. Tuy nhiên vì đời tôi cơ bản là nông dân miền
núi, tôi biết tường thuật cái gì? Tôi đã coi những gì thiên
hạ viết trong quá khứ và hiện tại như là thật, và bây giờ
đến lượt tôi phỉnh gạt người khác. Cho dù thế nào chăng nữa,
trong khi tôi tiếp tục tường thuật, nghĩ thầm đã có những
người từng áp đặt giả tưởng của mình trên người đời như là
lịch sử thật, thì mưa xuân vẫn rơi không ngừng.
Akinari, người đã không chấp nhận thế giới monogatari như là
phong cách của người mới tập nghề văn, cho dù ông đã từng pha
trộn tốt đẹp trong Truyện Mưa và Trăng. Tuy nhiên ông vẫn còn héo hon bởi đam mê khắc khoải khôn nguôi vào lúc cuối đời. Trong Truyện Mưa Xuân
ông đã để cho cái đam mê đó được hết sức tự do tuôn chẩy vào
những nhân vật lịch sử, truyền khẩu, dân gian, tạo nên những
truyện đi ra ngoài khuôn khổ của đạo lý phong kiến. Thành thử
hình như là tự nhiên thôi, không như Truyện Mưa và Trăng,
tác phẩm này đã chưa hề được in hoặc ngay cả lưu hành rộng rãi
như ấn bản tư riêng. Vào lúc cuối đời Akinari không có con cái,
mất vợ, mất thị lực mắt trái, đã phải chịu đựng cuộc đời
khốn khó một thời gian dài trong thế giới tối tăm.
Tình trạng của GS Nunokawa, học giả nổi tiếng về văn học thời
Edo cũng tương tự trên vài phương diện. Con trai đã chết trong
chiến tranh, vợ đã bỏ ông, và con gái có gia đình, chống lại
tính tình bướng bỉnh không dung hòa của ông và sự hiện diện
quanh quẩn của Mineko, đã hiếm khi viếng thăm ông. Vì ông không
có chương trình hưu bổng hoặc trợ cấp về hưu, vài học trò
giúp ông bằng cách thu xếp để ông biên tập sách giáo khoa hoặc
dịch miệng như thế này. Mặc dù tôi đã không chú ý trong khi ghi
chép Truyện Mưa và Trăng, nhưng sau khi chuyển sang Truyện Mưa Xuân,
tôi thường cảm thấy có một liên kết chặt chẽ giữa cuối đời
của Akinari và của GS Nunokawa. Tôi thường cảm thấy các chữ tôi
nghe là của chính GS Nunokawa, âm vang xuất phát tự nhiên từ sâu
thẳm của thế giới nội tâm ông.
GS Nunokawa bắt đầu trần thuật chậm rãi, giọng thấp, nghẹ như
bị ép lại, giống như tụng kinh. Ông nằm đọc, quyển sách dựa
trên ngực.
Mùa thu ở vùng quê Yamashiro. Lá cây takatsuki đã rụng
cả, gió thổi qua làng và khắp nơi hoang vu tiêu điều. Trong làng
Kosobe sống một trại chủ giầu có, đã định cư ở đó rất lâu.
Làm chủ một khoảng núi và những cánh đồng, ông sống thoải
mái không phải bận tâm mỗi năm mùa màng tốt hay xấu. Thành thử
ông tự nhiên biết thích đọc sách và mỗi ngày đọc tới khuya,
không cần tìm bạn nào trong cái làng sơn cước này. Mẹ ông quan
tâm trước thói quen này của ông và thường bảo ông, “Giờ con
phải đi ngủ. Chuông đêm đã đổ lâu rồi. Cha con thường nói nếu ai
đọc sách quá nửa đêm, sẽ kiệt sức và chắc chắn cuối cùng
sinh bệnh. Người ta thường đắm chìm mê mải vào cái mình thích
không nhận ra rằng về sau sẽ chỉ thấy hối tiếc.”
Ông cám ơn mẹ đã la mắng mình xuất phát từ tình mẫu tử và
cố gắng đi ngủ sớm sau 10 giờ. Một đêm kia, khi mưa nhẹ đang rơi
không ngừng và không một tiếng động nào nghe thấy giữa tĩnh
mịch bao trùm, ông không nhận ra rằng mình đã thức đọc sách
khuya hơn thường lệ. Nghĩ rằng mình đã quên lời mẹ đêm đó, và
rằng có thể đã quá 2 giờ sáng, ông mở cửa sổ. Mưa đêm đã
ngưng, không có gió, và trăng muộn đang lơ lửng trên trời. “A,
cảnh tượng một đêm sâu tĩnh mịch. Hãy để ta diễn tả cảm giác
này trong thơ waka – ” Nghĩ đến một hai dòng thơ waka trong khi
chuẩn bị mực sumi và cầm bút lông ông chợt chú ý,
giữa những tiếng thoạt đầu ông tưởng chỉ là tiếng côn trùng,
ông nghe có trộn lẫn cả tiếng chiêng. Rồi ông nhận ra đây không
phải là đêm duy nhất ông đã nghe tiếng chiêng. Ông nghĩ thật
cũng lạ là ông đã chú ý đến nó lần đầu tiên đêm nay, mặc dù
ông hẳn phải đã nghe nó trong khi đọc sách mỗi đêm. Bước ra
vườn cố gắng tìm nơi tiếng chiêng phát ra, ông phát hiện một
chỗ trong góc vườn nơi cỏ thường bỏ hoang không cắt. Tiếng
chiêng hình như xuất phát từ dưới phiến đá ở đó. Sau khi tự
thỏa mãn đây thực sự là nguồn gốc của nó, chủ nhà trở lại
buồng ngủ.
Hôm sau ông tập họp gia nhân và ra lệnh đào chỗ dưới phiến đá.
Dưới phiến đá họ tìm thấy một vật hình như là quan tài với
nắp bằng đá. Khi tất cả bọn họ cùng nhau nhấc nắp đá nặng
lên, họ thấy bên trong là một vật không thể phân biệt được,
chốc chốc lại gõ vào cái chiêng cầm ở tay. Chủ nhà rụt rè
lại gần để nhìn cho rõ. Vật trông giống một người và rồi
không phải; chỉ có xương da và khô đét như cá hồi khô, nhưng tóc
đã mọc dài xuống tới đầu gối. Khi một gia nhân khỏe mạnh
được phép vào quan tài để cẩn thận đem nó ra, hắn kêu lớn,
“Nó rất nhẹ, rất nhẹ, như không có gì. Dù là già quắt queo khô đét, nhưng không cho cảm thấy mùi gì.”
Ngay trong khi mọi người ồn áo xúm xít đưa ông ra, ông vẫn không
ngừng gõ chiêng. Thấy vậy chủ nhà kính cẩn chắp tay vào nhau
nói với mọi người,
“Đây hẳn có nghĩa rằng ông đã bước vào jo, cái chết qua Thiền
định, một trong những cách để lên niết bàn của Phật giáo.
Người ta làm vậy bằng cách bước sống vào quan tài và rồi
chết dần trong khi ngồi Thiền định. Ông này chắc hẳn đã làm
vậy. Vì tôi không nghe một ông tổ tiên nào làm vậy trong khoảng
100 năm khi gia đình tôi sống ở đây, chuyện này hẳn phải xẩy ra
trước khi gia đình tôi tới định cư tại đây. Hồn ông hẳn phải đã
lên thiên đàng, chỉ còn để lại cái xác không thối rữa. Tay
vẫn còn cử động, gõ chiêng theo thói quen thường làm, cho thấy
nỗi ám ảnh của ông. Dẫu sao, vì chúng ta đã đào ông lên, nay
chúng ta hãy làm ông sống lại.”
Chủ nhà giúp gia nhân khiêng cái hình hài khô đét, cứng như tượng gỗ vào trong nhà.
“Cẩn thận. Đừng để chạm vào cột nhà, vỡ mất.” Họ khiêng nó
như thể đang khiêng một cái gì dễ vỡ, sau cùng vào tới một
buồng trong. Chủ nhà đắp một chăn bông và đem tách nước nóng
lại để làm ướt cặp môi khô. Rồi có vật gì đen, giống như cái
lưỡi, ngọ nguậy giữa 2 môi, liếm môi; và háo hức mút nước
sũng trong miếng vải.
Nhìn thấy thế phụ nữ và trẻ em lần đầu tiên rú lên.
“Ghê quá, ghê quá, nó là ma, là quỷ.” Họ chạy túa ra xa và
không bao giờ dám lại gần. Tuy nhiên, thấy vậy chủ nhà như được
động viên càng đối đãi vật khô đét này cẩn trọng hơn. Mẹ ông
cũng tiếp tay với ông và không bao giờ quên tụng kinh khi cho ông
già uống nước.
Khoảng 50 ngày đã qua tứ chi và bộ mặt như cá hồi muối dần
dần trở nên thấm nước, và hình như cơ thể đã lấy lại được hơi
ấm.
“Ông chắc chắn sẽ phục hồi tri giác.”
Được khích lệ, chủ nhà tiếp tục chăm sóc ông, và sau cùng ông
mở mắt. Ông đưa mắt về phía ánh sáng nhưng hình như không nhìn
được rõ. Ông nếm cháo đặc, cử động lưỡi khi cháo đổ vào
miệng, cũng giống kiểu người ta thường làm. Những nếp nhăn
giống mặt vỏ cây cổ thụ trở nên nông hơn, trong khi chân tay giờ
có da thịt bắt đầu cử động tự do. Hình như ông biết nghe, vì cơ
thể trần truồng của ông run run khi có tiếng gió bắc thổi.
Chủ nhà đưa ông ít quần áo cũ, ông đón lấy, rất hài lòng, và
bây giờ ông ăn rất khỏe. Thoạt đầu chủ nhà không cho ông thịt
và cá, nghĩ rằng ông này là tái sinh của một đại sư. Nhưng
nhìn mấy người khác ăn những thứ đó, ông ngoáy mũi, cho thấy
ông rất muốn chúng. Nhìn ông ăn thịt tới xương và ngốn sạch cả
đầu cá khi chúng được thêm vào đĩa ông, chủ nhà cảm thấy
nhiệt tình của mình nguội bớt.
Khi chủ nhà lễ phép hỏi ông,
“Vì ông là một người có số phận đặc biệt, đã bước vào jo,
chết qua Thiền định, và sống lại, xin cho tôi biết làm sao ông
có thể duy trì sự sống cho mình một thời gian lâu dài như vậy
dưới đất?”
Người đàn ông chỉ lắc đầu nói,
“Tôi không biết gì về chuyện này.”
Rồi ông lại lơ đãng, trống vắng ngó chủ nhà.
“Nhưng ít ra ông có thể nhớ lại thời gian khi ông xuống dưới đất? Trước đó ông được gọi là gì?”
Ông trông có vẻ thực sự không biết chuyện gì cả, và theo cung
cách ông lui ra, lưỡng lự liếm ngón tay, ông cũng chỉ giống như
những nông dân bình thường, ngu đần quanh đây.
Thấy vậy chủ nhà rất thất vọng, vì ông nghĩ mình đã làm
sống lại một cao tăng sau khi đã chăm sóc vài tháng. Chủ nhà
bắt đầu để ông làm việc như những gia nhân khác, sai ông quét
vườn và tưới nước quanh quẩn. Người đàn ông vui lòng làm việc,
không tỏ vẻ gì không thích những việc như thế.
“Thuyết pháp của Phật thật vô nghĩa làm sao. Niềm tin tôn giáo
đã khiến ông đi vào Thiền định và trụ dưới đất gõ chiêng trong
hơn 100 năm, nay đã hoàn toàn tiêu tan. Tất cả uyên thâm sâu sắc
cũng biến mất và chỉ còn bộ xương của thân xác sống lại. Thế
nghĩa là sao?”
Không chỉ chủ nhà mà những người thông minh khác trong làng cũng nhăn mặt nói vậy.
“Chúng ta hãy ngừng tại đây một lát,” GS Nunokawa đã xoay người
mà tôi không để ý, đặt sách xuống như thể mệt mỏi.
“Ông hẳn phải mệt. Tôi đi pha trà nhé?”
“Không.”
Mím môi như thể nếm phải cái gì đắng, ông nói,
“Mineko đã về chưa? Tôi muốn đi vệ sinh. Chị gọi nó hộ tôi?”
Tôi vội đứng lên, và kéo cửa, tôi gọi lớn, Mineko hình như đã mua sắm trở về, đang ở trong bếp.
“Mineko-san, Mineko-san, làm ơn vệ sinh.”
Bàng quang bị trở ngại hoạt động, GS Nunokawa không thể tiểu
tiện bình thường, phải dùng một trợ cụ đặc biệt. Tuy nhiên có
lần trong khi đọc dịch ông đột nhiên mót tiểu không kiềm nổi,
đã phải phạm lỗi. Nhớ lại chuyện này tôi hơi ngượng ngùng bối
rối.
Trong khi Mineko mâp mạp, da trắng, người được giáo sư gọi là
Công Chúa Usume (Công Chúa Mắt Hí) vì đôi mắt híp tịt, chạy
vội vào phòng, thì tôi bước sang phòng khách bên cạnh.
Một áo đan dở mầu đỏ để trên chăn ấm kotatsu vải có in hình,
với vài kim đan thò mũi kim từ dưới, rõ ràng Mineko đang đan
vừa mới trước đó. Vì lạnh cóng, tôi đút tay dưới tấm chăn ấm
kotatsu và cố nghe ngóng chuyện gì xẩy ra trong phòng bên. Mineko
có lẽ đang đặt ống tiểu dưới ông.
” Hê, tí nữa, nhấc hông lên tí nữa, đúng rồi, tốt.”
Trong khi thở mạnh, cao giọng như ra lệnh, chị hỏi sẵng.
“Giáo sư, tới lúc để bà Noritake ra về chưa? Phải không? Phải tới lúc – ?”
“Không, chưa tới lúc. Chúng tôi chỉ đang tạm nghỉ. Dẫu sao chúng ta hãy làm xong chuyện này.”
“Xin cứ thong thả. Bên đây tôi sẽ xem lại những gì chúng ta đã làm,” tôi nói lớn.
Giáo sư không trả lời tôi, nhưng hình như ông bị đau khi lắp cái
ống hẹp, nên tôi nghe thấy tiếng ông trách móc, rên rỉ với vài
lần kêu “Ối” và “Nhẹ thôi”.
Khi tiếng kêu giảm dần, tiếng nước tiểu rỏ từ ống xuống chậu
tiểu vang tới tai, tôi nghe lạnh người, như thể đó là chỉ dấu
sự ngắn ngủi của quãng đời còn lại.
Chuyện xẩy ra hơn 10 năm trước. Liền sau khi tôi tốt nghiệp
trường đại học phụ nữ, giáo sư đã đặc biệt chú ý đến tôi,
cho tôi mượn sách và phụ tá ông nghiên cứu. Bạo dạn không ngờ,
hồi đó ông cố tìm cách đụng chạm vào người tôi. Ông đã nắm
tay tôi và thiếu thận trọng đòi tiếp xúc thân mật hơn. Vì khi
đó tôi đã đính hôn với chồng, sau này bị chết trong chiến
tranh, và ngày cưới đang đến gần, tôi coi khinh tấn công của ông
là tác phong đáng xấu hổ của một người trung niên. Bây giờ
nghĩ lại chuyện này, những ngày đó, giáo sư hẳn là đang trong
thời kỳ tráng kiện, năng lực sung mãn đến mức đôi khi ông hành
sử tai tiếng – như một đàn ông hiếu sắc, phẩm hạnh không xứng
đáng với một nhà giáo.
Những ngày đó, ông đã gọi tôi là Công Chúa Tamakatsura, một mỹ
nhân trí thức, một trong số ít những công chúa đã từ chối
tình yêu của Hoàng Tử Genji. Hôn nhân chưa được năm rưỡi tôi bị
mất chồng. Anh là sĩ quan kỹ thuật trong thủy quân, bị chết
trong một cuộc không kích ở phi trường và tôi sống 10 năm hậu
chiến như một góa phụ khổ sở thời chiến, cố gắng sống còn
trong khi phải cấp dưỡng con trai nhỏ. Một phụ nữ làm việc
sống cô đơn trong xã hội suy thoái, cũng nhiều dịp được đàn ông
tiếp cận một cách thẳng thừng, công khai hơn GS Nunokawa. Nhưng
như cách ngôn có câu, góa phụ khoảng 20 có thể sống mãi làm
góa phụ, và năm rưỡi tiếp xúc với chồng giữ cho tôi sinh động
như bông hoa được tưới nước, và không biết may hay rủi, tôi đã
qua những năm này không kết hợp với một đàn ông thứ hai. Qua
tuổi 30 và làm việc văn phòng mỗi ngày, đối với những người
khác tôi có vẻ khô héo thể xác lẫn tâm hồn, trở nên giống hệt
cái ông trong truyện, que quắt như cá hồi khô. Nhưng trong tôi
diễn ra liên tục những phép lạ như ái ân với chồng trong mộng
hay thấy khuôn mặt anh sống động nơi mặt con trai. Nhờ vậy tôi
trở nên coi là thường những tấn công tình dục không kiềm chế
được của đàn ông nói chung, và thông cảm chia sẻ nỗi buồn cùng
họ. Nhìn thấy GS Nunokawa, người trước đây đã dai dẳng theo
đuổi tôi với nhiệt tình thông tục như vậy mà nay sống có nghĩa
là phải gắng sức để ra được chút nước tiểu, tôi xúc động đến
rớm nước mắt.
Khi tôi được kêu lại vào phòng, Mineko đã lấy chậu tiểu và đi
ra sau cửa. Giáo sư, cũng có thể do tôi tuỏng tượng, trông phấn
khởi hơn chút, tay ôm cằm, khuỷu tay chống trên gối,
“Chị nghĩ sao về truyện này? Một truyện lý thú đấy chứ?”
“Đúng vậy – Tôi không biết rằng có truyện như thế trong Truyện Mưa Xuân. Phải chăng nó dựa trên một truyện cổ?”
“Đúng đấy.”
Vị giáo sư uyên bác kể tôi nghe một truyện gọi là “Ám Ảnh Thiền Định”, trong sách Mười Truyện của một Lão Bà;
truyện mà Akinari bị cho là đã lấy làm nền cho truyện của
ông. Truyện về tu sĩ Keitatsu của Đền Seikan ở Myotsuzan trong
Tỉnh Yamato, và xẩy ra vào năm thứ nhất thời Shoo. Khi vừa mới
bắt đầu Thiền định tu sĩ say mê một mỹ nhân và thất bại không
tới được niết bàn. Ông tiếp tục gõ chiêng, hồn không lìa nổi
khỏi xác, trong suốt 55 năm sau, cho tới năm thứ ba thời Honen.
“Vì sách Mười Truyện của một Lão Bà có lời tựa viết
lúc bắt đầu thời Kampo, truyện này chắc hẳn phải được viết
hồi Akinari còn là trẻ con. Nhưng xét theo tình trạng thời đó,
hình như là mãi vài thập niên về sau ông mới được đọc nó. Nếu
không thì Akinari của thời kỳ viết Truyện Mưa và Trăng chắc chắn đã sẽ viết nhiều chi tiết hơn về ám ảnh quyến luyến người đẹp khiến bị tụt lại sau – ”
Nghĩ rằng lời của ông cũng là cảm xúc của chính ông xuất phát tự đáy lòng, tôi vừa lắng nghe vừa nhìn xuống.
“Cũng còn một giai thoại khác về truyện này. Thời Meiji xuất hiện một quyển sách tựa là Lịch Sử của Tiểu Thuyết: Nghiên Cứu Tiểu Sử Tác Giả,
mà hai đồng tác giả là Tsoubuchi Shoyo và Mizutani Futo. Sách
trích dẫn ghi chép của Aeba Koson về một người tuyên bố đã
từng thấy bản thảo một truyện của Akinari tựa là Truyện Đêm Mưa. Truyện này giống “Kiếp Sau Còn Yêu”
của chúng ta, nhưng kết cục khác hẳn. Giống nhau từ đầu cho
tới chỗ có ai đang gõ chiêng dưới lòng đất. Nhưng người nghe
tiếng chiêng tự mình đào đất và phát hiện một sư già đang chăm
chú sốt sắng tụng kinh. Sau khi người này đưa sư già lên hai
người trải lòng, chuyện trò thỏa trí dưới ánh trăng. Có thể
rằng Akinari đã sáng tác một dạng như vậy, sát với đàm luận
tôn giáo.”
“Nhưng há chẳng phải là hình thức hiện tại của truyện thích
hợp hơn với Akinari?” Tôi phản kháng, Giữ nguyên dạng gốc đã qua
vài thập niên bằng cách cho nhân vật tụng kinh sau khi đi vào
thiền định như một biểu thị của cuồng tín, có thể đã hấp
dẫn đối với Akinari ưa lý sự. Tuy nhiên theo tôi nửa sau của bản
mà GS Nunokawa đang dịch hình như chứa đựng nhiều quái dị sâu
sắc hơn cũng như tình cảm thấm thía hơn.
“Ha, ha, ha, ha.”
Cảm nhận điều gì đó, giáo sư cười khẽ, cái yết hầu nhô ra rung rung.
“Dĩ nhiên chị cũng ước muốn một nối kết tình yêu ở kiếp sau. Tất cả chỉ là tự nhiên thôi -”
Giáo sư có thói quen tiếu lâm sỗ sàng bất cứ khi nào ông cảm
thấy khỏe khoắn, phấn chấn. Tôi nhích tới bàn viết và nói,
“Chúng ta vẫn còn thì giờ. Nếu ông không mệt quá, chúng ta sẽ làm cho xong truyện này?”
“Phải – chúng ta sẽ làm vậy nhé? Rồi sau đó thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.”
Ngả lưng xuống giáo sư mở lại quyển sách trên ngực.
“Thật vậy thuyết giảng của Phật chỉ đơn giản là không đáng tin
cậy. Hơn 100 năm đã trải qua từ khi ông xuống lòng đất và bắt
đầu gõ chiêng. Thật là phi lý khi không còn chút dấu vết nào
của linh hồn và chỉ còn lại xương da – Chúng ta đã tới cái
chỗ đang bỏ dở, phải không?
“Vâng, đúng vậy.”
Nhìn thấy cung cách đần độn của người đàn ông họ đã phát hiện, mẹ của chủ nhà dần dần thay đổi tâm thái.
“Trong những năm qua mẹ đã làm từ thiện và bố thí rộng rãi,
ngoài chuyện không bao giờ quên tụng kinh. Mẹ làm vậy chỉ vì
muốn tránh khỏi trừng phạt hà khắc của kiếp sau khi mẹ chết
đi. Nhưng nhìn ông này mẹ cảm thấy xưa nay mình như đã bị mê
hoặc bởi một con chồn hay lửng.”
Sau khi nói thế với con trai, bà bắt đầu sống hưởng thụ, đưa
con dâu và các cháu cùng với bà ra cánh đồng và núi non để
ngắm hoa và trăng. Bà hân hoan làm vậy, không bận tâm đến con
mắt thiên hạ, mặc dù bà không lơ là viếng thăm mồ mả của bố
mẹ và chồng trong những ngày giỗ.
“Hòa hảo với thân thuộc, tử tế với gia nhân, bố thí, ban phát
rộng rãi quà đúng dịp làm tôi sống an lạc, quên mất chuyện
trước đây tôi vẫn hay tạ ơn khi tụng kinh và nghe giảng đạo.” Mẹ
thường nói thế với mọi người và sinh hoạt vui vẻ, linh động
như thể được giải thoát khỏi những ràng buộc hạn chế.
Ông được đào lên luôn luôn đãng trí, nhưng mặc dù vậy ông dễ
nổi giận khi không cho đủ đồ ăn hay khi bị la mắng, và thường
than phiền với ánh mắt đe dọa. Gia nhân và láng giềng đối xử
với ông không còn chút kính nể. Cho dù vậy, cái tên Josuke đã
được đặt cho ông, vì ông đã bước vào jo, cái chết qua Thiền
định và đã tái sinh. Ông làm gia nhân với cái tên đó trong 5
năm.
Lúc này có một bà góa nghèo sống trong làng. Bà bị coi như
đần độn, dở hơi, nhưng bà trở nên thân mật với Josuke, sau dân
làng mới biết ra, và tiếp đó họ bắt đầu thấy Josuke cầy
những cánh đồng bé tí của bà, hay rửa nồi niêu tại dòng nước
phía sau. Chủ nhà đã giữ ông chỉ vì buộc phải làm vậy, nay
khi liên hệ của hai người đã trở nên công khai, mọi người mỉm
cười mỉa mai đề nghị để cho Josuke trở thành chồng của bà
này. Cuối cùng ông quả thực trở thành chồng bà.
“Ông bảo không biết mình già bao nhiêu tuổi, nhưng rõ ràng ông không quên cách nam nữ quan hệ với nhau.”
“Thật vậy có một lý do để Josuke trở lại với thế giới này.
Tôi cứ nghĩ chính vì tinh thần cao độ muốn đạt tới Phật tánh
mà ông liên tục gõ chiêng ngày lẫn đêm trong huyệt; nhưng lý do
thực sự chắc hẳn phải là ông muốn trở lại thế giới này vì
ám ảnh ước vọng được kết nối lần nữa với một phụ nữ. Thật
là một ước muốn xấu xa.” Mọi người bàn tán với nhau như vậy.
Trai làng tò mò về cách Josuke làm tình với bà góa, đi xa tới
chỗ dòm qua khe các vách gỗ của căn nhà tồi tàn, nhưng trở
về thất vọng vì không thấy con ma, con quỷ nào đang chơi với
một phụ nữ.
“Chuyện làm tôi hết tin vào nhân quả giảng dạy tại đền làng,
khi tôi nhìn tận mắt một trường hợp như thế này.” Bàn tán như
vậy không những giữa người trong làng mà cả người của các
làng bên cũng bắt đầu lơ là bố thí, cúng dường vào đền.
Một tu sĩ của một ngôi đền lâu đời có tiếng trong làng trở nên quan ngại sâu xa về chuyện này.
Mặc dù không có cách nào để một người bình thường trong cái
thế giới suy thoái này biết được phương pháp giải thoát của
Phật phải kinh qua những giai đoạn quá độ nào, trước khi tới
bờ giác ngộ, nhưng ông cảm thấy những việc đang xẩy ra không
thề để làm giảm giá trị các phẩm hạnh của Phật.
Ông nghĩ ông phải ngặn chặn tất cả moi người nam nữ khỏi lạc
đường, bằng cách điều tra Josuke đã đi vào trạng thái thiền
định như thế nào. Ông kiểm tra các hộ tịch, sử liệu và đến
gặp mọi ông già trong vùng phụ cận, cố gắng đào lên sự thật
đã bị chôn vùi sâu. Ông sốt sắng đến mức lơ là cả bổn phận
của mình trong đền. Tuy nhiên không may là làng đã bị tiêu hủy
khoảng 150 năm về trước bởi lũ lụt; nhà và người tất cả đều
đã bị cuốn đi mất. Sau lũ lụt xuất hiện các nhánh sông, cấu
trúc địa hình của khu vực bị thay đổi, và với giao thông thủy
lộ cải thiện, dân chúng đến định cư tại đó, dần dà tạo thành
làng hiện giờ. Làng tồn tại trước lũ lụt đang nằm chôn vùi
dưới lòng sông. Cho thấy rõ ràng làng Kosobe hiện tại đã từng
là một bờ cát không dân cư, và không có cách nào để tìm ra
làm sao quan tài đã đến chôn vùi ở đây.
“Tuy nhiên khi nước lũ xâm nhập, nó có thể đã chẩy vào tai và
miệng của cao tăng, rồi khô cứng lại tại đó, biến ông thành
một người đần độn như Josuke. Có thể như vậy chăng?”
Có người nói thật nghiêm chỉnh, và có người cười chế diễu
khinh khi; nhưng quá khứ của Josuke không bao giờ được hé lộ.
Mẹ của ông làng trưởng đã trên 80 tuổi và bị đau nặng. Cảm thấy cái chết đến gần, bà gọi bác sĩ và bảo ông.
“Lần này tôi biết đây sẽ là lần cuối. Cho tới nay tôi không
biết khi nào mình chết và đã sống được là nhờ trợ lực của
thuốc men. Ông đã chăm sóc tôi suốt một thời gian dài. Sau khi
tôi chết xin ông chăm sóc gia đình tôi. Con trai tôi đã trên 60
tuổi, nhưng nó không thể tin cậy được đến độ tôi luôn lo lắng
cho nó.
Xin ông thỉnh thoảng nói với nó để cho nó khỏi làm thiệt hại tài sản gia đình.”
Nghe vậy, làng trưởng con trai cười gượng gạo, ngượng ngùng nói,
“Con cũng đã tới tuổi tóc muối tiêu. Không phải người bản tính
thông minh xuất sắc, con không bao giờ quên lời mẹ dạy bảo và
sẽ dốc lòng chăm lo việc gia đình. Cho nên mẹ đừng phải lo lắng
và hãy đọc kinh để chết thanh thản.”
“Bác sĩ, ông nghe nó nói không? Ông thấy nó ngốc nghếch chưa.
Tôi không muốn lên thiên đàng bằng cầu kinh Phật, cũng chẳng sợ
rơi vào thế giới súc sinh vì thiếu lòng tin. Ở tuổi tôi tôi đã
thấy những súc vật trên thế gian này và nhận ra rằng ngựa và
trâu không phải luôn luôn cảm thấy cực nhọc như chúng ta được
bảo. Con người được coi như tạo vật cao hơn hẳn trong 10 thế
giới, nhưng những lúc hạnh phúc, kiểm lại sẽ thấy hiếm hoi.
Bị thôi thúc ngày qua ngày, chúng ta có ít nhàn hạ hơn ngựa
và trâu. Suốt cả năm chúng ta làm việc không ngừng, giặt giũ
quần áo và nhuộm chúng, lập đi lập lại. Và khi năm sắp tận
cùng thì đóng thuế là vấn đề sinh tử. Cộng thêm vào lo lắng
của chính mình là chuyện tá điền coi như phải nộp gạo cho
chúng ta thì lại đến ca cẩm về các khổ cực của họ – làm sao
và ở đâu tôi có thể lên thiên đàng? Nhưng hãy coi đây là di chúc
của tôi: xin ông đừng có chôn tôi xuống đất.trong một quan tài.
Xin đưa tôi lên núi và thiêu rụi quan tài. Bác sĩ, xin nghe đây
để làm chứng cho tôi. ước muốn cuối cùng của tôi là đừng có
giống như Josuke. A, bây giờ mọi sự chỉ gây ra phiền lụy! Ngay cả
nói tôi cũng không muốn nữa!”
Nói xong bà nhắm mắt và liền sau đó qua đời.
Theo như di chúc, xác bà được đưa lên núi và hỏa táng. Josuke,
người đã bước vào jo, nhập với tá điền và lao công ban ngày
khiêng quan tài đem hỏa táng, tiêu hủy xác chết. Đóng vai người
hỏa táng, Josuke lưu lại làm việc cho tới lúc gia đình người
chết đã thu gom tất cả xương trong đám tro, trắng và khẳng khiu
như que củi, rồi bỏ chúng vào hũ tro cốt. Thấy ông làm vậy
chỉ để nhận được càng nhiều càng tốt gạo với đậu đen chuẩn
bị cho người chết, mọi người không thể không cảm thấy phát
tởm..
“Đừng có mơ tưởng trông cậy vào Phật để tái sinh trên thiên đàng. Nhìn kìa -”
Họ vừa nhổ nước miếng vừa nói với đám con cái.
“Vậy mà Josuke sống lại và lấy được vợ. Có thể đó là ý
muốn của Phật để thành toàn lời hứa với ông, yêu đương vượt
ngoài kiếp này sang tới kiếp sau.”
Có vài người nói vậy, nhưng chuyện vợ chồng Josuke đánh nhau
thường xuyên đến thành đặc trưng, ngay cả chó cũng biết tốt hơn
đừng can thiệp.
Vợ Josuke thường chạy sang nhà hàng xóm than phiền và khóc lóc cay đắng.
“Tại sao tôi lại lấy một tay vô tích sự làm chồng? Tôi nhớ
những lúc chật vật ráng sống bằng nhặt nhạnh những hạt gạo
rơi rớt. Sẽ tốt đẹp biết bao nếu chồng cũ tôi sống lại thay
vì hắn. Nếu là chồng cũ, chúng tôi sẽ không phải khổ sở như
bây giờ vì thiếu gạo và lúa mì, và thiếu cả vải để che
thân.”
Thật vậy, có nhiều chuyện lạ xẩy ra trong thế gian này.
Tới khi đọc dịch xong thì ngày mùa đông rút ngắn đã từ lâu
chuyển sang tối om. Giáo sư thực sự hẳn phải đã kiệt sức và
ông nằm với quyển sách trên ngực dưới ánh đèn điện vàng mờ,
mắt nhắm nghiền không mở lần nào. Không diễn ra phê bình hay
cảm tuởng đối với tác phẩm, như vẫn thường được tự nhiên chờ
đợi ở ông khi dịch xong. Nghĩ đến chuyến đi về nhà cũng phải
mất hơn 1 giờ, chính tôi cảm thấy bồn chồn không yên, và chẳng
cần phải theo đúng phép chào từ giã, tôi vội vã rời nhà.
Nhà GS Nunokawa nằm ở đầu kia của quận Nerima nơi có nhiều cây
rụng lá đỏ mùa thu. Khu vực giữ lại được ấn tượng của vùng
Musashino cổ, tạo nên một bầu khí mà những người đến từ trung
tâm Tokyo không thể không cảm thấy nhớ nhà. Tuy nhiên nhà cách xa
đường chính xe buýt chạy, và đặc biệt mùa đông và mùa hè thì
thật vất vả để tới trạm; người ta phải đi bộ một đoạn dài
trên con đường hẹp của nông trại qua rừng và những lùm tre. Nếu
tôi lấy con đường ngược hướng với đường chính, tôi có thể đi
bộ theo một con đường sáng sủa tới trạm kế mặc dù phải lâu
hơn một chút, nhưng tôi thường di bộ qua đất nông trại vì đã
hoàn toàn quen thuộc.
Hôm nay cũng vậy, vội vã bởi ngày đã ngắn hẳn đi, rõ ràng là
ngắn hơn khi tôi tới mấy ngày trước đây, tôi nặng bước theo con
đường tối, cầm dù để chống lại mưa nhẹ vừa mới bắt đầu, cằm
chôn trong cổ áo ngoài dựng cao.
Ngoài ra, vì tôi đã ra về không thảo luận truyện với GS Nunokawa, hình ảnh của Josuke trong “Kiếp Sau Còn Yêu”
mà tôi đã vừa ghi chép, lởn vởn trong đầu tôi sống động như
người thật. Trong truyện, lịch sử cuộc đời Josuke trước khi
bước vào thiền định không hề thấy nói đến. Phải chăng vì
Akinari dựa truyện của mình trên một truyện cổ hiện hữu mà
Akinari đã để cho Josuke thực hiện ám ảnh ước muốn yêu một phụ
nữ, ngay cho dù phải để cho ông sống lại như một người nhà quê
đần độn để làm chuyện này? Hay đó chính là mục đích của
Akinari? Như GS Nunokawa đã chỉ ra, nếu Akinari đã viết truyện
này trong thời kỳ viết Truyện Mưa và Trăng thì ông đã
sẽ xử lý cách khác. Theo đó ộng đã sẽ trần thuật đẹp một
cách ma quái truyện một nhà sư bị choáng ngợp vì một phụ nữ
đep ngay trước khi bắt đầu thiền định, và thất bại không lên
được niết bàn. Ông đã sẽ tạo một truyện về người đàn ông mà
ám ảnh đã khiến không phá vỡ được cái vòng luân hồi của tái
sinh, buộc phải tiếp tục gõ chiêng. Ngược lại, Jokuse trong “Kiếp Sau Còn Yêu”
thì hoàn toàn luộm thuộm và ngu đần dù nhìn bất cứ cách
nào, và xấu tệ đến mức khiến có thể đáng được coi như một
nhân vật trong truyện hài hước. Có vẻ như là khi viết truyện
này Akinari đã mù một nửa và đã mất vợ cũ Koren, bà trong
những năm sau đã trở thành ni cô. Tôi đoán chừng, trong lúc cực
kỳ nghèo khổ và cô đơn ông hẳn phải đã viết trông có vẻ như
nửa khinh bỉ nửa sợ hãi cho cái ham muốn tình dục của chính
mình, hãy còn le lói không tắt như cục than lập lòe trong tro,
một ham muốn tồn tại dai dẳng trong ông cùng với ước muốn không
ngừng được viết. Cái ý tuởng rằng một tu sĩ đạo đức đã đạt
tới giác ngô về sống chết mà lại tái sinh để thỏa mãn ham
muốn ái tình trần tục, một ham muốn không thể thực hiện trong
kiếp trước, và rằng ông đã mượn thân xác của một anh ngốc vô
học để làm chuyện này, theo tôi thì hình như là để làm nổi
rõ cái tính chất kỳ quái của ham muốn tình dục đã già rồi
mà còn ngoe nguẩy như con sâu. Akinari nghi ngờ về luật nhân quả
của Phật giáo, được biểu thị hai lần trong truyện qua hình
thức hai bà lão hy vọng được giải thoát, có thể phản ánh cái
đau đớn ông cảm thấy đối với ham muốn tình dục thô tục của
mình diễn ra lập đi lập lại không ngừng. Ngẫm nghĩ lại tôi
chợt nhận thấy quan hệ giữa GS Nunokawa và Mineko không phải
hoàn toàn không giống quan hệ giữa Josuke và bà góa. GS Nunokawa
phải giữ lấy Mineko, trẻ hơn ông nhiều tuổi; trong khi chị,
biết rằng ông sẽ không còn sống bao lâu, đã sang tên nhà để
chuyển giao quyền sở hữu qua mình.
Trong khi ngẫm nghĩ những điều này, tôi nhớ lại, hoàn toàn
thật bất ngờ, cái đêm ái ân sau cùng trước khi chồng chết vì
bị dội bom. Không phải nhớ lại sự kiện mà là sống lại cái
cảm giác của thân xác uốn éo, lắc lư như chó con hớn hở, trong
cánh tay săn chắc bắp thịt của chồng, thở hổn hển cho tới
lúc sau cùng đạt đến thống khoái của giác quan, cả hồn và
xác tê liệt như thể sắp tan biến. Tử cung tôi rạo rực ham muốn.
Giật mình, ngay lúc đó tôi trượt chân, loạng choạng, đầu gối
gần như sắp khuỵu xuống đất.
“Cẩn thận.” Khi tôi nghe tiếng của giọng một người đàn ông, tôi
cảm thấy có người nắm cánh tay tôi đang cầm dù, và đỡ tôi
đứng thẳng lên.
“Cám ơn ông,” tôi nói, vẫn còn thở gấp.
“Quanh đây những rễ tre thường trồi lên mặt đất.” Sau khi nói bâng quơ như vậy, ông thấp giọng hỏi,
“Bà không đánh rơi vật gì chứ?”.
Ông cúi người xuống như thể tìm cho ông. Thật vậy, chúng tôi
đang ở giữa lùm tre, đúng ngay nửa đoạn đường từ nhà giáo sư
đến trạm. Ánh sáng leo lắt từ một nhà của chủ điền có thể
nhìn thấy qua những cây tre. Trong đêm tối tôi không thể nhìn rõ
mặt ông, nhưng vì ông không có dù và áo ông hình như cũng ướt,
tôi giơ dù về phía ông, nói,
“Sao ông không tới trú dưới dù?”
Ông bèn tới gần tôi không cần phải đắn đo giữ ý, áp sát vào người tôi.
“Trời rất lạnh, lại càng lạnh thêm vì trời mưa,” ông vừa nói
vừa nắm tay tôi, giả bộ như giúp tôi cầm dù, tay không mang bao
tay lạnh như đá. Mặc dù không thể nhìn rõ mặt ông, giọng và
hình dáng ông giống như của một người trung niên làng nhàng.
Nhưng bàn tay ông tôi cảm thấy qua bao tay thì mềm như tay đàn
bà. Vì tôi thích tay đàn ông gân cốt nắm khỏe, giống như tay
chồng, tôi không thích cái mềm mại của tay người này. Nhưng lạ
thật, tôi đã không hất tay ông ra, và cảm thấy một đè ép tội
lỗi nơi cái lạnh mềm của lòng bàn tay ông đang cứ ấn trên tay
tôi qua bao tay. Một cánh tay giúp cầm dù, cánh tay kia ông quàng
qua vai tôi, giữ chặt tôi áp sát ông. Theo kiểu này thân tôi hoàn
toàn bị ôm trong cánh tay ông và tôi phải bước đi vụng về, thân
tôi quấn lấy thân ông. Trong bóng đêm tôi loạng choạng mấy lần,
và lần nào ông cũng giữ tôi đứng lên lại, như thể ông là người
giật dây của con rối, mỗi lần lại chạm sườn tôi, ngực tôi, và
các phần khác của thân thể. Những lúc như thế ông mỉm cười mơ
hồ, nhưng không thể cho thấy rõ ông đang vui hay buồn.
Có lúc tôi nghĩ ông có thể là một người khùng điên, nhưng ý
nghĩ đó không làm giảm cái thích thú lạ lùng được ông ôm.
“Ông có biết tôi đang nghĩ gì khi bị trượt chân không?” Tôi hỏi
giọng làm dáng, điệu đà như đang say rượu. Người đàn ông lắc
đầu và còn ôm tôi chặt hơn, khiến bước đi càng khó khăn hơn.
“Tôi đang nghĩ về chồng quá cố. Chồng tôi chết ở Kure trong một
cuộc không kích – khi đang dưới hầm quân đội để tránh bom. Tôi
ở trại binh cách đó bốn năm khối nhà cùng với con trai, và
thoát khỏi cuộc tấn công. Tôi thắc mắc không biết chồng có
nghĩ đến tôi khi chết. Tôi không hiểu tại sao nhưng tôi rất muốn
biết anh nghĩ gì lúc chết. Anh yêu thương tôi, nhưng vì là một
quân nhân anh thường nghĩ rằng yêu tôi và chết một mình là 2
vấn đề khác nhau. Tôi cũng thường nghĩ lối sống của anh thật
đẹp và tôi cảm phục anh. Nhưng bây giờ tôi thắc mắc anh có thật
sự tin tuởng cho tới lúc chết rằng yêu một phụ nữ và chết
đơn độc không có gì mâu thuẫn.”
Không trả lời tôi, người đàn ông áp môi lạnh của ông lên môi tôi,
như để chặn lại lời tôi bằng cách che kín miệng tôi.
Trong khi lưỡi lạnh của ông vướng mắc nhơn nhớt trong miệng, vô
tình cái răng nanh nhọn chạm vào lưỡi tôi. Không thể lầm, rõ
ràng là răng chồng tôi.
“Là anh, a! có thực là anh – ”
Khi tôi la lớn, người đàn ông, như thể yêu cầu tôi tha thứ cho
ông, đẩy tôi xuống bụi cây đụng mạnh vào những gốc tre nhô cao,
và phủ thân hình nặng nề của ông lên người tôi. Tuy nhiên tay ông
vẫn mềm và khác tay chồng. Xua đẩy bàn tay nặng nề đang cố
gắng mở cúc áo choàng của tôi, tôi yếu ớt kêu la.
“Không, không phải anh. Ông không phải chồng tôi, không phải anh
ấy.” Vẫn không nói gì, người đàn ông cầm tay tôi, đưa những
ngón tay vào miệng ông.
Trong cái miệng lạnh, răng nanh sắc như cái khoan, cũng đau giống
như trong quá khứ nó từng đụng vào lưỡi tôi. Nhưng bàn tay thì
khác. Tay chồng tôi không mềm và mâp như tay phụ nữ. Và thân
thể cũng khác nữa – Rồi đột nhiên tôi nhớ lại mùi mốc meo của
người bệnh tôi bắt gặp khi vào phòng GS Nunokawa.
Phải chăng người đàn ông này là GS Nunokawa? Cái giây phút tôi
nghĩ vậy, thân hình tôi bật nhỏm dậy mạnh mẽ như con chó dại,
giọng tôi la lớn những lời hoàn toàn khác. “Josuke! Đây là
Jusoke! Người này là – ” Tôi vừa thì thầm nhắc đi nhắc lại vừa
vụt chạy thật nhanh vào đêm tối.
Sau cùng khi tôi bước ra đường phố sáng sủa trước trạm, tim tôi
hãy còn đập mạnh, hãy còn choáng ngợp bởi cái ảo tưởng sống
động đã đến với tôi trên con đường tối om. Một xe lửa vừa vào
trạm. Qua lối ra chật hẹp đàn ông áo ngoài đậm mầu đang bị
đẩy ra từng người một từ đám đông làm ăn lương trở về nhà như
thể họ bị đúc ra từ một khuôn, lần lượt từng người một. Đứng
cạnh lối ra và nhìn đám người này đang bị đẩy ra, tôi cảm
thấy mỗi người trong họ đều là đàn ông không thể lầm được. Nó
khiến tôi, một phụ nữ, cảm thấy ghen tỵ, đồng thời tim bị đè
nặng bởi một nỗi buồn.
Tôi cảm thấy chắc chắn Josuke của Thiền định đang sống trong
những người đàn ông này. Còn hơn cả cái ảo tưởng xấu hổ trên
con đường tối, cái ý nghĩ làm máu tôi rạo rực, tràn đầy quả
tim một cảm giác vừa an ủi dễ chịu vừa xao động hoang mang…
.
Phạm đức Thân dịch
yêu mãnh liệt quá
Trả lờiXóa