Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Khuất Đẩu: TIẾNG CÒI TÀU (T.Vấn và Bạn Hửu )

                           Chuyến Tàu Hoàng Hôn – Tranh: THANH CHÂU

Mãi đến năm 15 tuổi, tôi mới biết xe lửa. Thực ra là chỉ thấy hai đường ray rỉ sét chạy song song bắc trên những tà vẹt bằng gỗ. Sân ga thì bị đập phá. Con tàu chỉ có hai toa cũ rích xọc xạch kéo bởi một đầu máy xe hơi, được gọi một cách tự hào là cam nhông ray. Trước đó chỉ có một toa cụt ngủn, được vài người đẩy, khi có trớn thì leo lên, hết trớn lại xuống đẩy gọi là xe goòng.

Cũng tốt thôi, kháng chiến mà. Nhờ có đường sắt của Tây để lại mà làng nào cũng có một, hai cái tà vẹt treo nhỏng nhảnh làm kẻng thay cho trống.

Suốt mười năm đi chân đất, giờ được ngồi trên cái gọi là xe, dù ngồi bệt xuống sàn, vẫn thấy sướng như đang mọc cánh. Một đôi lúc nghe nó kêu e… e… chứ chẳng nghe tiếng còi nào cả.

Phải đến hai năm sau, suốt một ngày vừa đi cam nhông ray, bò qua những cây cầu mà chân là những khúc gỗ chồng lên nhau, rồi lại tăng po qua ô tô chạy bằng than, lại đi thuyền qua sông Đà Rằng, tới ga Đông Tác mới thực sự là đi tàu lửa.

Con tàu dài ngây ngất, được kéo bởi một đầu máy to kềnh, lúc khởi hành huýt một hồi còi dài lảnh lói, phun lên trời một đám khói đen sì. Âm thanh của nó không đục như khói mà trong và nhẹ, nghe thật đã tai. Cùng lúc đó hàng trăm bánh xe bằng sắt bắt đầu quay nhịp nhàng, đều đặn phát ra tiếng kêu xình xịch, xình xịch như đánh nhịp.

Chạy một lúc nó lại kéo còi. Ấy là lúc nó vào ga Hảo Sơn dưới chân đèo Cả. Rồi lại kéo còi trước khi qua hầm. Mà đèo Cả có cả chục hầm, nên nghe nó huýt mệt nghỉ.

Tôi yêu tiếng còi tàu từ buổi ấy. Nó tha thiết ngọt ngào, chứ không phải kêu than buồn bã. Nó khiến cho con trăn dài kia có hồn, đáng yêu. Nó làm cho sân ga trở nên nhộn nhịp, nhưng không đến nỗi quá ồn ào nhếch nhác như các bến xe đò. Dường như ai đi xe lửa cũng tự hiểu ngầm rằng cần phải ăn mặc lịch sự. Và nét mặt phần đông đều tươi vui.

Dĩ nhiên, ga nào mà không có những cuộc chia ly. Có thể họ đã khóc với nhau nhiều rồi, nên lúc lên tàu, người đi đưa tay vẫy, người ở lại chạy theo dăm ba bước mới đứng lại ôm mặt khóc.

Vẫn những ngọn đèn như các đèn đường, mà sao đèn ở sân ga có vẻ buồn hơn. “Ga Lyon đèn vàng/ cầm tay nhau muốn khóc”. Chính màu vàng ấy đã làm cho những cuộc chia ly buồn hơn.

Sân ga là nơi mà nỗi buồn như trải rộng ra, nhất là những ga nhỏ, nhiều khi chỉ có hai người. Lúc đó, buồn từ hai đường ray, từ những cái tà vẹt, từ những trụ đèn gầy, buồn từ mặt đất lên tận trời. Buồn nhất là đưa một người đi mà lòng thầm biết không bao giờ gặp lại. Có người tự hỏi: “tôi đưa người hay tôi đưa tôi”.

Dù có thế nào, thì sân ga và tiếng còi tàu cũng góp một phần, khiến cho những cuộc tình trở nên lãng mạn hơn.

Nhưng chỉ được có vài năm, xe lửa không chạy xa được vì bị mìn, và bị các ngài trên núi chận đường, lùa cả trăm khách vào rừng sâu để nghe tuyên truyền. Một lần tởn tới già, chẳng còn ai dám đi tàu nữa.

Đường sắt lại bị bỏ không, nhiều nơi dân tháo cả đường ray để làm nhà sàn, tháo tà vẹt để đóng cừ chống xói lở…

Sau 75, ì ạch chắp vá mới chạy suốt từ Hà Nội vào Sài Gòn, gọi rất kêu là tàu Thống Nhất! Nhưng chạy chậm rì phải mất hai ngày đêm mới tới, dù được ưu tiên không phải dừng lại để tránh tàu nào. Tàu chạy bằng dầu diesel chứ không phải hơi nước, nên tiếng còi của nó tuy kêu to nhưng è e è e chứ không lảnh lói như trước.

Gần 50 năm rồi vẫn thế, vẫn chật chội dơ bẩn, vẫn đường ray cũ chỉ một mét chứ không phải gần một mét rưỡi, nên chạy mà sợ trật đường ray, và năm nào cũng thua lỗ dù dịp tết hay những ngày lễ lớn, giá vé đều tăng vọt.

Tuy bây giờ không còn tàu chợ, nhưng khi bắt đầu chạy là tàu biến thành chợ, mà là chợ độc quyền nên thứ gì cũng dở và đắt. Nhất là cà phê, có người hớp một ngụm liền phun ra bảo thua nước rửa chén.

Cái mà người Pháp để lại, hệ thống đường sắt Việt Nam là thứ đáng giá nhất. Đành rằng bị chiến tranh tàn phá, nhưng chính người mình phá nhiều hơn. Như đường răng cưa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt, người ta từ lâu đã tháo hết để bán sắt vụn. Hai đầu máy thì bán như cho. Thụy Sĩ liền mua và biến thành cỗ máy đẻ ra tiền.

Giờ, có đường cao tốc xe hơi bắc nam, chắc còn báo lỗ nhiều hơn nữa. Dường như họ muốn ôm cái con bệnh này để lấy cớ nuôi nó, thực ra là nuôi một nhóm quyền lực nào đó.

Ngó sang Lào và Campuchia càng thêm thẹn. Vẫn biết là có thể dính bẫy nợ Trung Quốc, nhưng dù gì họ cũng có được đường xe lửa cao tốc có thể kết nối sang Thái Lan, Mã Lai, xuống tận Singapore.

Tiếng còi tàu mà tôi yêu đã không còn. Chỉ còn đôi chút an ủi, là hãy còn ga Nha Trang và ga Ninh Hòa khá đẹp, nhất là ga Nha Trang. Vậy mà nghe đâu người ta định dời ra ngoại ô để lấy đất vàng xây khách sạn.

Ga Ninh Hòa có một chuyện khá thú vị. Ấy là, cách đây vài năm, có một gia đình người Pháp sang Việt Nam không phải đi du lịch, mà lặn lội tới tận ga Ninh Hòa, là nơi cụ nội hay cụ cố gì đó đã từng làm trưởng ga. Họ chụp rất nhiều hình, từ nhà ga đến tháp nước, tỏ ra rất thân thiện với mọi người. Họ muốn biết ít nhiều về những ngày xa xưa mà người thân của họ đã từng sống. Họ còn xin một chút đất để đem về Pháp.

Tưởng nhớ như thế thật cảm động.

Xin cảm ơn tiếng còi tàu!

Xin cảm ơn những sân ga!

Và, cảm ơn những người Pháp!

Khuất Đẩu


 

1 nhận xét: